Vấp ngã và đứng dậy

Đã khá lâu rồi, kể từ khi những buổi học vốn bình thường, quen thuộc của đám trẻ con trở nên bấp bênh bởi nguy cơ dịch bệnh, mới thấy lại cái sự sôi nổi, vui tươi của buổi tựu trường. Mới thấy ở cổng trường của các thành phố lớn trở lại cái sự chen chúc, tắc đường quen thuộc.

Có lẽ, vui nhất là những đứa trẻ sau thời gian dài học tập theo kiểu “giãn cách”, là được tới trường, gặp bạn bè, thầy cô yêu mến. Trong niềm phấn khởi học trò, lại thấy đan xen những lo lắng, cái lo lắng đầy trìu mến của các vị phụ huynh dù đã đưa con tới tận cổng trường vẫn đứng nhìn theo bóng con vào lớp học, lo lắng cho những vấp ngã đầu đời, những vướng bận bởi các nguy cơ hằng ngày rình rập đe dọa mỗi bước chân con trẻ.

Mà những nguy cơ ấy có vẻ như vẫn cứ quẩn quanh đâu đó. Cho tới tận khi những đứa trẻ trưởng thành. Cái nguy cơ vấp ngã của mỗi cá nhân, cũng vẫn lẩn khuất ở đâu đó, luôn sẵn sàng xuất hiện sau   mỗi sự sa sẩy, ẩu tả, sau mỗi cú va chạm, trượt ngã, thậm chí mỗi khi vô tâm, bất cẩn...

Vẫn biết có câu “ai nên khôn mà chẳng dại đôi lần”, để mà biết rằng, mỗi lần vấp ngã, bản thân mỗi cá nhân sẽ có thêm nhiều kinh nghiệm để từ đó tránh được những sai lầm khiến họ phải chịu trách nhiệm trong cuộc sống sau này. Nhưng có lẽ, bên cạnh sự cảm thông như thế, ai cũng cần hiểu rằng nếu thiếu sự giáo dục, ý thức tự giác vun đắp cho mình một lối sống đúng đắn, để rồi chỉ vì tham lam, vì bất cần hay bất chấp mà mỗi người luôn có nguy cơ phải trả giá bởi những sai phạm do mình gây ra.

Đã có những thua thiệt, mất mát, thậm chí thiệt mạng bởi những cá nhân không thể đứng dậy sau chỉ một lần “vấp ngã”. Bởi cái sự “vấp ngã” ấy nó nặng nề đến mức người ta không thể vượt qua. Đã có nhiều công dân dính vào tù tội cũng chỉ bởi người ta coi thường cái sự thượng tôn của pháp luật để rồi bằng cách này hay cách khác bỏ qua nó rồi trở thành kẻ sai phạm. Từ vụ việc của cán bộ CDC (Trung tâm kiểm soát bệnh tật) Hà Nội cho tới vụ việc của những cán bộ trung tâm đấu giá tại Thái Bình gần đây là thí dụ nhãn tiền.

“Nếu con vấp ngã ở đâu, con hãy đứng lên ở đó”, điều mà mỗi vị phụ huynh thường dặn dò con trẻ chỉ đúng theo nghĩa cơ học bởi nó được nâng đỡ bằng tình yêu của gia đình, xã hội, của những người thân luôn sẵn lòng nâng bước ở bên cạnh. Còn với mỗi cá nhân, có lẽ điều quan trọng nằm lòng là hãy sống làm sao cho tốt để hạn chế tối thiểu những lần vấp ngã. 

Và như vậy, cần nhất vẫn là sự bảo ban, chăm nom, uốn nắn từ mỗi gia đình, nhà trường và cả xã hội ngay thủa ban đầu đối với những chủ nhân tương lai của đất nước.