Chuyển động tích cực

Công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí do Đảng ta tiến hành thời gian qua đã đạt nhiều kết quả, được nhân dân đồng tình, ủng hộ. Nhiều hành vi tham nhũng bị phát hiện, nhiều người vi phạm bị xử lý, kỷ luật, trong công tác phòng, chống tham nhũng không có vùng cấm. Điều đó đã cho thấy quyết tâm đấu tranh đến cùng của Đảng, nhân dân ta đối với loại giặc nội xâm này.

Tuy nhiên, lâu nay, dường như việc phòng, chống tham nhũng, lãng phí chủ yếu vẫn tập trung nhiều ở khâu “chống” mà chưa chú trọng nhiều đến sức mạnh răn đe của các biện pháp “phòng”.

Thế nhưng, từ tháng 9 tới đây, việc phòng, chống tham nhũng, lãng phí đã có thêm căn cứ pháp lý đủ mạnh để chuyển động ở cấp độ tích cực hơn.

Nghị định số 63/2019/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1-9-2019 quy định về đối tượng, hành vi, mức độ, thẩm quyền xử phạt hành chính trong các lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; dự trữ quốc gia; kho bạc nhà nước, hầu như đã nhận diện toàn bộ hình hài, biểu hiện của nạn tham nhũng, lãng phí trong các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp sử dụng vốn, ngân sách nhà nước nói chung một cách khá tỉ mỉ và chi tiết. Vấn đề là những người có thẩm quyền xử phạt hành chính quy định tại nghị định này làm việc công tâm, trách nhiệm, chặt chẽ thì những hành vi tham nhũng, lãng phí khó có cơ hội nảy sinh.

Khi những người đứng đầu ở các cơ quan, đơn vị, địa phương xử lý nghiêm những vi phạm, thì tác dụng răn đe sẽ tốt, việc kiểm soát tham nhũng, lãng phí sẽ hiệu quả. Ngược lại, nếu những người có thẩm quyền buông lỏng trách nhiệm thì tham nhũng, lãng phí sẽ có môi trường thích hợp để sinh sôi, nảy nở, vượt khỏi tầm kiểm soát.

Chính vì vậy, cần tăng cường những biện pháp có sức nặng để kiểm soát, đánh giá, điều chỉnh cấp độ hành động của chính những người có thẩm quyền xử phạt hành chính, để việc kiểm soát tham nhũng, lãng phí thật sự khả thi. Đồng thời góp phần cho công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí hiện nay tiếp tục triển khai thành công.