Cải tạo chung cư cũ

Hà Nội hiện có hơn 1.000 nhà chung cư cũ cao từ 3 - 5 tầng. UBND thành phố đã giao gần 20 doanh nghiệp đầu tư lập ý tưởng quy hoạch cải tạo, xây dựng lại 30 trong “vô số” các chung cư kể trên. 

Mới đây, một doanh nghiệp đầu tư đưa ra dư luận hai phương án cải tạo khu chung cư cũ Thanh Xuân Nam như sau: Phương án 1, xây sáu tòa nhà cao 25 tầng, trong đó 12 tầng dành cho tái định cư. Phương án này được cho rằng tuân thủ chỉ tiêu quy hoạch phân khu, bảo đảm hài hòa cảnh quan tầng cao, nhưng không đủ hoàn vốn. Phương án 2, xây sáu tòa nhà cao từ 35 - 50 tầng, trong đó dành 35 - 40% căn hộ cho tái định cư. Phương án này được cho là đủ bồi hoàn chi phí cải tạo, xây dựng nhưng lại mâu thuẫn các chỉ tiêu quy hoạch và vi phạm trật tự đô thị.

Hiện tại, các ý kiến bàn luận đang khá rôm rả. Những ý kiến xây dựng đều hướng đến nguyên tắc bảo đảm trật tự đô thị, giải quyết hài hòa lợi ích giữa nhà đầu tư và người dân. Theo những ý kiến này thì phương án 3 mới thích hợp. Muốn vậy, doanh nghiệp và người dân đều nên “cơm sôi bớt lửa”, cùng rút hạ các yêu cầu riêng, vừa đủ để cùng nhau hướng đến mục tiêu chung là chất lượng cuộc sống và chất lượng phát triển đô thị.

Tuy nhiên, vấn đề gần như quá khó dung hòa, đó là phương án 3 được đưa ra bởi những người ngoài cuộc. Những người ngoài cuộc có thừa quyền bàn luận, thậm chí có thể có những ý tưởng sáng suốt, nhưng lại không phải là đối tượng có thẩm quyền quyết định.

Vậy thì, để giải quyết tốt đẹp, hài hòa lợi ích các bên, nhiều ý kiến cho rằng nên có sự tham gia chủ động và sâu hơn từ phía chính quyền. Chính quyền đề ra các chỉ tiêu quy hoạch và cũng là người quản lý, bảo vệ sự tuân thủ các chỉ tiêu quy hoạch ấy, sẽ rất thuận lợi nếu chính quyền đóng vai trò là người thứ ba trong cuộc với vai trò quan trọng và không thể thay thế của mình.

Khi chính quyền chủ động đưa ra ý tưởng công ích, thậm chí trở thành nhà đầu tư dự án quy hoạch, cải tạo, xây dựng chung cư cũ thì thật tuyệt vời! Lúc đó, chính quyền vừa thực hiện vai trò, chức năng của mình, đồng thời đại biểu cho lợi ích của nhân dân, còn doanh nghiệp chỉ thuần túy là nhà thầu hoạt động theo quy định của Luật Đấu thầu và các quy định pháp luật liên quan khác. 

Nếu vậy, về nguyên tắc làm gì còn mâu thuẫn nữa. Lúc đó, mọi vướng mắc nảy sinh, nếu có cũng chỉ tồn tại ở góc độ kỹ thuật.