Tinh giản biên chế, cuộc chiến không khoan nhượng!

Trong bối cảnh ngân sách (NS) khó khăn, không còn cách nào khác là phải tiết kiệm chi, đẩy mạnh khoán chi thường xuyên (CTX) và sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế. Nhưng thời gian gần đây, số công chức, viên chức không ngừng tăng nhanh, tốc độ cao hơn so tăng trưởng kinh tế. Đây là sự trái ngược với lộ trình cải cách hành chính (CCHC).

Chi lương của Nhà nước hiện chiếm khoảng 20% tổng chi NS. Ảnh: SONG ANH
Chi lương của Nhà nước hiện chiếm khoảng 20% tổng chi NS. Ảnh: SONG ANH

Kỳ 2: “Nặng gánh” chi thường xuyên

Giảm về số lượng, chưa “tinh” về chất lượng

Một trong những vấn đề được bàn thảo tại Hội nghị T.Ư 6 vừa diễn ra là Đề án xây dựng, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Đề án được coi sẽ là định hướng lớn giúp các bộ, ngành, địa phương sắp xếp, tinh gọn lại bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động.

Theo ông Lê Thanh Vân, đại biểu Quốc hội (QH) tỉnh Cà Mau, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - NS của QH, bộ máy hành chính Nhà nước (HCNN) nói chung còn quá nhiều tầng nấc, chức năng nhiệm vụ của nhiều cơ quan chồng lấn, giao thoa nhau, chưa minh bạch được đâu là chức năng, đâu là nhiệm vụ của mỗi cơ quan. Đó chính là nguyên nhân làm cho bộ máy HCNN hoạt động kém hiệu quả. Việc tinh giản biên chế và chương trình CCHC của Chính phủ rất khó đạt được bởi chúng ta chưa mạnh mẽ đưa ra khỏi bộ máy những cán bộ, công chức làm việc kém hiệu quả; chưa có những bộ tiêu chí thật sự để đánh giá, sàng lọc cán bộ; cộng thêm quyết tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đặc biệt là người đứng đầu chưa cao. Mặt khác, cách làm vừa qua chỉ mới giảm về số lượng chứ chưa thật sự “chưng cất” về mặt chất lượng. Trong khi đây mới là yếu tố quan trọng để chọn được những người thật sự có năng lực, có tâm huyết làm việc, vì nước vì dân. Bên cạnh đó, tình trạng đưa người nhà, người thân, họ hàng, bạn bè vào bộ máy là hiện tượng khiến lòng dân không yên.

Qua hoạt động giám sát tối cao của QH vừa qua, là một thành viên trong đoàn, ông Lê Thanh Vân cho rằng, thực tế đã đến mức báo động. Cách tổ chức bộ máy HCNN hiện nay theo hình trụ, ở trên có gì, ở dưới có đấy; bộ máy sinh ra quá nhiều tầng nấc trung gian, chính vì vậy mỗi đầu mối lại có một cấp trưởng và vài cấp phó, đương nhiên số lãnh đạo sẽ nhiều hơn số nhân viên. Nếu chúng ta không quyết tâm, quyết liệt xử lý triệt để, bộ máy sẽ ngày càng phình ra mà không NS nào có thể đáp ứng được.

Ông Lê Thanh Vân cho biết, trên diễn đàn QH, ông từng có ý kiến về vấn đề này. “Chưng cất” cả về bộ máy và cán bộ. Về bộ máy, cần rà soát lại chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi cơ quan để hạn chế đến mức thấp nhất sự chồng lấn, chồng chéo về chức năng nhiệm vụ; một việc chỉ nên giao cho một người; một chức năng, nhiệm vụ chỉ giao cho một cơ quan, đơn vị. Về cán bộ phải xây dựng được bộ tiêu chí với từng chức danh để làm sao có được công cụ rà soát năng lực, phẩm chất, trình độ của cán bộ; người nào tương ứng với công việc nào thì bố trí công việc đó. Nếu chúng ta tinh giản được bộ máy theo cách thu hẹp đầu mối, quản lý HCNN một đầu mối để bộ máy hẹp lại, thì chỉ riêng việc thu hẹp thôi đã đủ cơ sở để có thể giảm được 50% biên chế; chưa nói tới việc “chưng cất” về cán bộ, công chức, chúng ta có thể giảm nhiều, chứ không chỉ 30%. Để cải cách bộ máy HCNN, tinh giản biên chế, không chỉ là sự đổi mới tư duy, mà ngay cả người lãnh đạo cũng phải vượt lên chính lợi ích của mình mới mong thành công.

Ngân sách chủ yếu dành… chi thường xuyên

Thời gian gần đây, tốc độ thu NS tuy tăng tích cực nhưng vẫn chậm hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế, trong khi đó, chi tiêu công, đặc biệt là CTX, so GDP vẫn duy trì ở mức cao do nhiều nguyên nhân. Theo báo cáo đánh giá chi tiêu công thời gian qua, tại năm địa phương là: TP Hồ Chí Minh, Lào Cai, Quảng Nam, Hải Phòng và Cần Thơ số CTX đã tăng nhanh trong giai đoạn năm 2006 - 2013. Các địa phương này đại diện cho hai nhóm địa phương điều tiết NS về T.Ư và địa phương nhận bổ sung cân đối từ NST.Ư.

Là địa phương nhận bổ sung cân đối từ NST.Ư để thực hiện các hoạt động của địa phương, thu NS trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã tăng mạnh từ 2.113 tỷ đồng (năm 2010) lên 4.643 tỷ đồng (năm 2013). Tuy nhiên, tại Lào Cai, chi tiêu công đã tăng gấp 5 lần trong giai đoạn 2006 - 2013, từ 2.162 tỷ đồng lên 10.276 tỷ đồng. Trong đó, CTX chiếm tỷ trọng cao nhất trong tổng chi, hơn 60%. CTX đã tăng 6 lần, từ hơn 900 tỷ đồng năm 2006 lên 5.400 tỷ đồng năm 2013.

Cũng giống như Lào Cai, Quảng Nam hạn chế về thu NS địa phương (NSĐP) và phải phụ thuộc nhiều vào nguồn bổ sung cân đối từ NST.Ư. Theo báo cáo của tỉnh Quảng Nam, tỉnh đang áp dụng quy tắc 80/20 trong NS CTX cho sự nghiệp giáo dục, dành 80% NS CTX cho lương, khiến NS CTX ngoài lương trở nên eo hẹp, do lương tăng mạnh. Trong khi đó, nguồn bổ sung của NST.Ư cho tăng lương tối thiểu chưa đủ bảo đảm. Tỷ lệ chi đầu tư và CTX của Quảng Nam là 39:61. Trong đó, một phần ba tổng chi tiêu là chi lương và tiền công, chi mua sắm hàng hóa và dịch vụ chiếm 14%, chi bổ sung và trợ cấp không đáng kể.

Khác với hai địa phương trên, TP Cần Thơ là một trong 13 địa phương tự cân đối và có điều tiết về NST.Ư, nên hỗ trợ của NST.Ư chỉ bao gồm các khoản hỗ trợ có mục tiêu và có xu hướng giảm dần qua các năm. Tốc độ thu - chi NS của TP Cần Thơ đều tăng qua các năm, trong đó, tốc độ tăng thu NSĐP cao hơn tốc độ tăng chi. Về tổng thể, CTX của TP Cần Thơ tăng tương đương tốc độ tăng trưởng kinh tế; trong đó hai cấu phần chính của CTX là chi lương và chi ngoài lương. Nếu như chi lương trong tổng chi NS năm 2009 là 710 tỷ đồng, chiếm 47,2% tổng CTX, thì đến năm 2014 đã là 1.988 tỷ đồng, gấp 2,8 lần tiền chi lương năm 2009.

Cơ cấu lại bộ máy, áp lực chi sẽ giảm

Với mục đích giảm CTX, TP Hồ Chí Minh là một trong những địa phương tích cực nhất trong việc tăng cường tự chủ tại các đơn vị hành chính (khoảng 800 đơn vị) và sự nghiệp (khoảng 1.800 đơn vị, chiếm 6% toàn quốc). Kết quả, đã tiết kiệm được chi phí hành chính và hoạt động, hợp lý hóa từng bước biên chế hành chính, sự nghiệp, đồng thời nâng cao thu nhập cho người lao động. Hiện có, khoảng 80% số đơn vị sự nghiệp độc lập một phần và 13% hoàn toàn phụ thuộc NS, còn lại 9% tự bảo đảm tài chính hoàn toàn.

Hiệu quả chi tiêu công tại TP Hồ Chí Minh cho thấy đã gắn khá chặt chẽ chi tiêu NSĐP với các ưu tiên của quốc gia và của thành phố như phát triển con người và bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, trong tổng thể nguồn chi NS, nguồn lực chi đầu tư công ngày càng hạn chế trước áp lực tăng CTX, đặc biệt là từ tăng quỹ lương. Tỷ trọng giữa CTX và chi đầu tư đã đảo ngược từ 40:60 thành 60:40 trong sáu năm qua. Chi tiêu theo đầu người cho phát triển khoa học và công nghệ của thành phố cao hơn so các địa phương khác từ 1,5 đến 2 lần.

Theo bà Vũ Hoàng Quyên, chuyên gia kinh tế cao cấp của Ngân hàng Thế giới (WB), vừa qua CTX tại các địa phương chủ yếu ưu tiên cho giảm nghèo. Tuy nhiên, về lâu dài cần giảm CTX, trong đó nâng cao tự chủ cho các đơn vị hành chính và sự nghiệp, bao gồm cả tự chủ về lương và biên chế để tiết giảm chi tiêu công. Như vậy, có thể thấy một trong những nhóm giải pháp quan trọng để kéo giảm CTX là tinh giản biên chế, cơ cấu lại tổ chức bộ máy HCNN và giao quyền tự chủ tài chính cho các đơn vị sự nghiệp công lập.

Từng kiến nghị trước QH, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho rằng, trong bối cảnh NS khó khăn, không còn cách nào khác là phải tiết kiệm chi, đẩy mạnh khoán CTX và sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế. Chi lương của Nhà nước tăng đáng kể, hiện chiếm khoảng 20% tổng chi NS. Trong khi đó, số công chức, viên chức không ngừng tăng nhanh trong thời gian gần đây, tốc độ cao hơn so tăng trưởng kinh tế. Đó là sự trái ngược với lộ trình CCHC và mục tiêu của Chính phủ chi trả lương cao hơn trên cơ sở tinh giản biên chế.

Về vấn đề này, theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - NS của QH Nguyễn Đức Hải, để sớm triển khai thực hiện tinh thần Nghị quyết Hội nghị T.Ư 6 về đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, trong điều kiện tăng trưởng kinh tế còn thấp, thu NS gặp nhiều khó khăn, việc điều chỉnh tăng mức lương cơ sở phải gắn liền với tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy quản lý HCNN trong hệ thống chính trị, nâng cao hiệu quả công việc; tăng tính tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập, giảm dần sự phụ thuộc vào NS của các đơn vị sự nghiệp công lập.

(Còn nữa)