Long An cần tập trung xử lý chất thải rắn

Chất thải rắn trong sinh hoạt và sản xuất luôn là vấn đề nóng được cử tri tỉnh Long An chất vấn nhiều trong những cuộc tiếp xúc cử tri của các đại biểu Quốc hội. Trước tình hình này, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Long An đang triển khai nhiều giải pháp để xử lý chất thải sinh hoạt và sản xuất tại địa phương.

Lò đốt rác hộ gia đình ở Long An đang góp phần kéo giảm tình trạng vứt rác lộ thiên.
Lò đốt rác hộ gia đình ở Long An đang góp phần kéo giảm tình trạng vứt rác lộ thiên.

Lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường Long An cho biết: Bình quân mỗi ngày trên địa bàn tỉnh Long An thu gom từ 570 đến 590 tấn. Với số lượng này, các nhà máy rác và lò đốt rác trong tỉnh cùng sự trợ giúp của các nhà máy rác khu vực TP Hồ Chí Minh cũng chỉ xử lý được khoảng 350 tấn, số còn lại phải đổ tạm tại bãi rác của nhiều địa phương hoặc do một số người dân đổ lộ thiên. Nhà máy xử lý rác Tâm Sinh Nghĩa do Công ty cổ phần Ðầu tư phát triển Tâm Sinh Nghĩa (Công ty Tâm Sinh Nghĩa) đi vào hoạt động từ năm 2013 đến nay, nhưng do lượng rác tiếp nhận hằng ngày lớn hơn công suất xử lý cho nên nhà máy tồn đọng khoảng 30 nghìn tấn bên ngoài nhà xưởng, làm phát sinh mùi hôi, ruồi, ô nhiễm môi trường chung quanh, nhất là vào mùa mưa. Sở Tài nguyên và Môi trường thường xuyên phối hợp UBND huyện Thanh Hóa, UBND xã Tân Ðông để kiểm tra công tác bảo vệ môi trường, đồng thời yêu cầu công ty thực hiện các giải pháp hạn chế ô nhiễm môi trường bằng cách phủ bạt toàn bộ lượng rác để ngoài trời, tăng cường phun xịt chế phẩm để hạn chế mùi hôi và ruồi. Ngoài ra, nhà máy từng bước đầu tư hoàn thiện các hạng mục, công trình theo hồ sơ đã được duyệt, đến nay đã xây dựng ba lò đốt rác và khu sản xuất phân compost, ba kho chứa rác, hệ thống xử lý nước thải, nhà ở công nhân, cây xanh, đường giao thông nội bộ... Ðể giải quyết triệt để các bất cập về ô nhiễm môi trường tại Nhà máy xử lý rác Tâm Sinh Nghĩa, UBND tỉnh đồng ý chủ trương cho Công ty Tâm Sinh Nghĩa được chuyển đổi công nghệ xử lý rác phát điện và nâng công suất xử lý lên 500 tấn/ngày. Ðồng thời giao các sở, ngành liên quan hướng dẫn đơn vị hoàn thiện các thủ tục liên quan môi trường, đầu tư, xây dựng, đấu nối điện... theo quy định trước khi thực hiện xây dựng mới nhà máy xử lý rác phát điện.

Bên cạnh đó, Sở Tài nguyên và Môi trường Long An đã tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch về quản lý thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn từ năm 2019 đến 2025, theo đó xây dựng một nhà máy xử lý rác thải bằng công nghệ đốt 250 tấn/ngày tại các huyện Ðức Huệ và Cần Ðước hoặc Cần Giuộc; xây dựng nhà máy xử lý rác 100 tấn/ngày tại huyện Vĩnh Hưng và nâng công suất, thay đổi công nghệ đốt của Nhà máy xử lý rác Tâm Sinh Nghĩa. Ðối với chất thải rắn công nghiệp, trong quá trình hoạt động sản xuất, chất thải rắn công nghiệp phát sinh được mỗi doanh nghiệp tự phân loại và quản lý theo nghị định của Chính phủ. Ðối với chất thải rắn nguy hại, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã tuân thủ các quy định về quản lý chất thải nguy hại theo thông tư của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Trên địa bàn tỉnh hiện nay có các đơn vị hoạt động xử lý chất thải nguy hại là Công ty cổ phần Công nghệ môi trường Trái Ðất Xanh (Khu công nghiệp Xuyên A, huyện Ðức Hòa); Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Môi trường Nguyệt Minh 2 (Khu công nghiệp Xuyên A, huyện Ðức Hòa); Công ty TNHH Môi trường Chân Lý (Cụm công nghiệp Hoàng Gia, huyện Ðức Hòa); Công ty TNHH Thương mại và sản xuất Ngọc Tân Kiên (Khu công nghiệp Ðức Hòa l, huyện Ðức Hòa); Công ty TNHH MTV Sản xuất, Thương mại, Dịch vụ xử lý chất thải nguy hại Tùng Nguyên HS (Khu công nghiệp Hải Sơn, huyện Ðức Hòa). Trong tương lai, Khu Công nghệ môi trường xanh đi vào hoạt động sẽ tiếp nhận và xử lý chất thải rắn công nghiệp mỏng, thường và nguy hại.

Ði cùng với giải pháp xử lý rác thải tập trung, từ năm 2018, UBND các xã của huyện Cần Giuộc triển khai mô hình xây dựng hố xử lý rác hộ gia đình và đến nay đã có 857 hố xử lý rác cho từng hộ gia đình được xây dựng, vận hành. Quy trình xử lý rác như sau: Lá cây khô, ly nhựa, bọc ni-lông để ráo làm mồi lửa đốt trước, sau đó cho rác sinh hoạt không phân loại vào đốt khoảng 15 đến 30 phút. Hố xử lý được làm từ ống hai cống xi-măng phi 800 đặt chồng lên nhau ở giữa có miếng vỉ đục lỗ, chiều cao hố khoảng 0,8 đến 1 m. Khảo sát của Sở Tài nguyên và Môi trường và UBND huyện Cần Giuộc cho thấy, mô hình hố xử lý rác các hộ gia đình ở nông thôn tạm chấp nhận cho các vùng sâu, vùng xa chưa có hạ tầng phục vụ nhu cầu thu gom xử lý rác với điều kiện chỉ xử lý rác sau khi phân loại rác không lẫn bao bì nhựa, túi ni-lông và các chất thải nguy hại như pin, ắc-quy. Cách xử lý rác nêu trên tốt hơn so với để rác lộ thiên tự hủy hoặc vứt rác bừa bãi nơi công cộng, kênh rạch gây ô nhiễm môi trường.

Để khắc phục những bất cập, hạn chế về quản lý rác thải, trong khi chờ Khu Công nghệ môi trường xanh huyện Thủ Thừa và các nhà máy xử lý rác trên địa bàn đi vào hoạt động, Sở Tài nguyên và Môi trường đề xuất UBND tỉnh Long An đăng ký làm việc với UBND thành phố Hồ Chí Minh để rác thải phát sinh tại huyện Ðức Hòa được xử lý tại Khu liên hợp xử lý chất thải Phước Hiệp - Củ Chi; rác của huyện Bến Lức được xử lý tại Khu xử lý chất thải rắn Ða Phước - Bình Chánh; rác của huyện Cần Ðước và huyện Cần Giuộc tiếp tục được xử lý tại Khu xử lý chất thải rắn Ða Phước - Bình Chánh. Làm việc, yêu cầu Công ty xử lý chất thải Việt Nam triển khai xây dựng nhà máy xử lý rác công suất 1.000 tấn/ngày. Trên kế hoạch này, trước mắt cho vận hành một dây chuyền có công suất 250 tấn/ngày trên diện tích 5 ha tại Khu Công nghệ môi trường xanh (khu đất do TP Hồ Chí Minh chi trả tiền đền bù, giải phóng mặt bằng) để góp phần xử lý triệt để rác thải phát sinh, đồng thời có cam kết tiến độ triển khai thực hiện dự án.