Phục hồi chức năng cho nạn nhân chất độc hóa học

Dự án "Chăm sóc sức khỏe và phục hồi chức năng đối với nạn nhân chất độc hóa học/đi-ô-xin giai đoạn 2018 - 2021" đang được Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) phối hợp các đơn vị liên quan triển khai và đã đem lại những tín hiệu tích cực tại 11 tỉnh, thành phố của vùng dự án.

Chữa bệnh, phục hồi chức năng cho nạn nhân chất độc hóa học/đi-ô-xin tại Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh Quảng Ninh.
Chữa bệnh, phục hồi chức năng cho nạn nhân chất độc hóa học/đi-ô-xin tại Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh Quảng Ninh.

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của dự án nêu trên là giúp nạn nhân chất độc hóa học/đi-ô-xin (CÐHH/đi-ô-xin) được tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe và phục hồi chức năng (PHCN) ngay tại y tế tuyến cơ sở. Do vậy, ngay từ khi triển khai dự án, các đơn vị đã tổ chức tập huấn cho cán bộ tuyến huyện và xã tại vùng dự án về công tác sàng lọc nhằm phát hiện sớm các vấn đề về sức khỏe, lập hồ sơ quản lý sức khỏe, xác định nhu cầu về chăm sóc sức khỏe và PHCN cho nạn nhân. Ðến nay, đã tổ chức thành công 22 lớp tập huấn cho 956 học viên là cán bộ y tế tuyến huyện và xã tại 11 tỉnh, thành phố dự án.

Sau khi được tập huấn, các cán bộ y tế tuyến dưới khảo sát, lập danh sách nạn nhân CÐHH/đi-ô-xin và con đẻ của nạn nhân bị dị tật, dị dạng liên quan đến CÐHH/đi-ô-xin tại địa phương (lồng ghép vào đánh giá ban đầu). Hoạt động này nhằm lập danh sách, phân nhóm nạn nhân, chuẩn bị các bước tiến hành khám sàng lọc định kỳ. Hiện, 11 tỉnh, thành phố trong vùng dự án đã tiến hành khảo sát và lập danh sách cho hơn 14 nghìn nạn nhân CÐHH/đi-ô-xin. Tiếp đó, các đơn vị đã tiến hành khám sàng lọc để lập danh sách các nạn nhân có các vấn đề về sức khỏe, chẩn đoán, phân loại sức khỏe; lập hồ sơ quản lý sức khỏe; lập danh sách nạn nhân có nhu cầu về chăm sóc sức khỏe và PHCN để tư vấn về các biện pháp can thiệp tại nhà hoặc các cơ sở chuyên khoa. Quá trình khám tổng quát, khi phát hiện nạn nhân có biểu hiện vấn đề sức khỏe, tổn thương khu trú thuộc chuyên khoa nào thì sẽ được chuyên khoa đó khám kỹ, phối hợp bác sĩ chuyên khoa PHCN để đưa ra kết luận về sức khỏe, chỉ định cần can thiệp điều trị chuyên khoa, PHCN, điều dưỡng, chỉnh hình, cung cấp dụng cụ chỉnh hình.

Đến nay, tại 11 tỉnh, thành phố đã thành lập các đoàn khám chuyên khoa sàng lọc định kỳ nhằm phát hiện sớm các vấn đề về sức khỏe, lập hồ sơ quản lý sức khỏe cho hơn 2.905 nạn nhân. Căn cứ theo chỉ định của bác sĩ và nhu cầu của nạn nhân, sau khi đã được khám sàng lọc, căn cứ điều kiện thực tế của các cơ sở khám, chữa bệnh, PHCN lập phương án chi tiết, rà soát chỉ định của bác sĩ và nhu cầu của nạn nhân, khả năng đáp ứng cung cấp dịch vụ của cơ sở y tế để tổ chức PHCN và can thiệp khác. Tại các tỉnh, thành phố tham gia dự án, sau khi thực hiện hoạt động khám sàng lọc, đã tổ chức cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh, điều dưỡng, PHCN tại các cơ sở khám, chữa bệnh và PHCN theo nhu cầu của hơn 807 nạn nhân.

Hoạt động tập huấn, hướng dẫn chuyển giao kiến thức cho nạn nhân và thành viên của gia đình về kỹ năng phát hiện sớm các vấn đề về sức khỏe, kỹ năng chăm sóc, PHCN tại nhà cũng rất được chú trọng. Tại 11 tỉnh, thành phố dự án đã tổ chức hơn 1.100 lớp tập huấn cho gần 5.000 nạn nhân và người nhà về kỹ năng phát hiện sớm các vấn đề về sức khỏe, kỹ năng chăm sóc, PHCN. Tập huấn, hướng dẫn thực hành bộ công cụ sàng lọc phát hiện sớm dấu hiệu khuyết tật, dấu hiệu các vấn đề về sức khỏe; hướng dẫn chuyên môn chăm sóc, PHCN tại nhà một số dạng bệnh, khuyết tật thường gặp tại cộng đồng; tập huấn về kỹ thuật, hướng dẫn làm và sử dụng dụng cụ trợ giúp tại nhà đối với một số kỹ thuật thường gặp cho cộng tác viên, thành viên gia đình hoặc chính các nạn nhân.