Nhìn từ bệnh viện

Không còn xa!

Đã trở thành thường lệ, cứ chiều thứ 3 hằng tuần, Bệnh viện Ðại học Y Hà Nội lại tổ chức buổi khám, chữa bệnh từ xa (Telehealth). Ðiểm khác biệt của những buổi khám, chữa bệnh từ xa này là từ trung tâm điều hành (đặt tại Bệnh viện Ðại học Y Hà Nội) các bác sĩ, chuyên gia đầu ngành kết nối với các điểm cầu, mà phần lớn là các bệnh viện ở xa trung tâm, bệnh viện vùng khó khăn ở các tỉnh Sơn La, Lào Cai, Thanh Hóa, Hà Tĩnh… để thăm khám, hội chẩn, đưa ra phác đồ điều trị cho người bệnh. Buổi Telehealth mới nhất (ngày 2-6) có sự tham gia hội chẩn trực tiếp của bảy bệnh viện và sự tham gia dự thính của tám bệnh viện khác. Giờ đây, chuyện một người có bệnh lý tim mạch, đái tháo đường, tuyến giáp… ở cả các huyện vùng cao xa xôi được các chuyên gia đầu ngành khám, tư vấn đã không còn là chuyện lạ nữa.

Sau Bệnh viện Ðại học Y Hà Nội, Bệnh viện Nhi Trung ương cũng vừa chính thức triển khai Telehealth. Tại buổi khai trương, các bác sĩ tại Bệnh viện Nhi Trung ương cùng lúc hội chẩn, tư vấn điều trị cho năm bệnh viện tuyến dưới: Sốp Cộp (Sơn La), Sản Nhi Quảng Ninh, Sản Nhi Bắc Ninh, Sản Nhi Hà Nam và Trung tâm Sản Nhi (Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ). Ngay tại buổi hội chẩn, các bác sĩ Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh đã thực hiện can thiệp nong van động mạch phổi bằng bóng qua da bệnh nhi sơ sinh 23 ngày tuổi. Toàn bộ hình ảnh từ cuộc mổ được truyền trực tiếp về đầu cầu Bệnh viện Nhi Trung ương để các bác sĩ cùng theo dõi, hướng dẫn xử trí các bất thường khác. Ca mổ đã diễn ra thành công.

Những kết quả bước đầu mà Bệnh viện Ðại học Y Hà Nội hay Bệnh viện Nhi Trung ương đạt được cho thấy những lợi ích rõ ràng của hoạt động khám, chữa bệnh từ xa. Telehealth mang lại cùng lúc bốn lợi ích: Giúp tuyến dưới giữ chân được người bệnh; tuyến trên không bị quá tải; bác sĩ tuyến dưới nâng cao được trình độ; người bệnh được khám bệnh chất lượng tốt và tiết kiệm chi phí đi lại. Như vậy, nhờ sự ra đời của nền tảng công nghệ mới, giúp các bệnh viện nhanh chóng thiết lập kênh hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh cho người dân, giảm chi phí đầu tư hệ thống ban đầu. Mặt khác giảm số lượng người trực tiếp đến bệnh viện, giảm người bệnh dồn về tuyến trên… giúp xã hội và ngành y tế tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm.

Với thế mạnh có hàng chục bệnh viện vệ tinh, Bệnh viện Ðại học Y Hà Nội hay Bệnh viện Nhi Trung ương kỳ vọng Telehealth sẽ giúp nối dài cánh tay của các bác sĩ tuyến trung ương đến y tế cơ sở. Tuy nhiên, để khám, chữa bệnh từ xa sớm được nhân rộng, rất cần các cơ quan chức năng xây dựng hành lang pháp lý để hợp pháp hóa cũng như tạo nguồn lực tài chính cho loại hình mới hoạt động hiệu quả.