Chung tay cùng cộng đồng quốc tế phòng, chống dịch Covid-19

Ngày 30-6, tại Trụ sở Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch (PCD) Covid-19 dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam - Trưởng Ban Chỉ đạo, có cuộc họp với đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam và một số tổ chức quốc tế về công tác PCD thời gian tới.

Tại cuộc họp, đại diện WHO và các tổ chức quốc tế đánh giá cao công tác PCD của Việt Nam thời gian qua cũng như nỗ lực của các nhà khoa học Việt Nam trong việc nghiên cứu, sản xuất trang thiết bị, sinh phẩm y tế phục vụ PCD. 

Các chuyên gia khuyến nghị, ngành y tế Việt Nam cần tiếp tục nâng cao năng lực xét nghiệm, bởi đây là yếu tố then chốt để ngăn ngừa đại dịch, cần tiếp tục làm tốt công tác truyền thông để người dân sẵn sàng ứng phó làn sóng mới; đồng thời cam kết sẽ nỗ lực hết sức phối hợp với Việt Nam trong PCD Covid-19; mong muốn Việt Nam chia sẻ và hợp tác trong nghiên cứu sản xuất vắc-xin phòng ngừa vi-rút SARS-CoV-2. Đại diện WHO cho biết, hiện trên thế giới đã hình thành Liên minh nghiên cứu vắc-xin. Liên minh này rất muốn mời Việt Nam tham gia nghiên cứu, sản xuất. Việc tham gia liên minh là điều kiện quan trọng để người dân có thể tiếp cận được vắc-xin trong thời gian sớm nhất (khoảng cuối năm 2021).

Phát biểu ý kiến tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, Việt Nam luôn xác định phòng, chống đại dịch Covid-19 là công việc chung của toàn thế giới. Việt Nam sẵn sàng đồng hành, đóng góp cùng thế giới trong PCD. Hiện Việt Nam đã làm chủ công nghệ sản xuất bốn loại sinh phẩm xét nghiệm (kít thử). Trong số này có những loại kít thử rất tốt, độ nhạy, độ đặc hiệu rất cao, giá thành rẻ hơn nhiều so với các loại đang bán trên thị trường thế giới, công nghệ xét nghiệm đơn giản mà nhiều nước không có. Phó Thủ tướng mong muốn WHO và các tổ chức quốc tế hợp tác, giúp Việt Nam kết nối, chia sẻ, phổ biến các sản phẩm này với các quốc gia trên thế giới để cùng nhau đẩy lùi dịch Covid-19.

★ Sáng cùng ngày, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nghe các đơn vị báo cáo về công tác nghiên cứu, sản xuất sinh phẩm xét nghiệm (kít thử) vi-rút SARS-CoV-2 và vắc-xin phòng, chống Covid-19. Theo báo cáo của Bộ Y tế, đến nay Việt Nam đã làm chủ hoàn toàn công nghệ sản xuất kít thử vi-rút SARS-CoV-2 để xét nghiệm kháng thể (xét nghiệm nhanh); xét nghiệm kháng nguyên (xét nghiệm PCR) có độ chính xác cao. Việt Nam đã sản xuất được một loại kít xét nghiệm nhanh không cần dùng máy móc và một loại sử dụng hệ thống máy xét nghiệm ELISA được trang bị từ các cơ sở y tế từ tuyến trung ương đến tuyến huyện để chẩn đoán người nhiễm HIV, sốt xuất huyết và một số bệnh miễn dịch khác. Ngoài ra các nhà khoa học trong nước cũng nghiên cứu thành công hai loại kít xét nghiệm kháng nguyên (PCR). 

Đối với dự án nghiên cứu, sản xuất vắc-xin, với sự nỗ lực của các đơn vị tham gia, đến nay Việt Nam đã phát triển thành công vắc-xin dự tuyển, bước đầu cho kết quả tích cực khi thử nghiệm trên động vật, làm cơ sở quan trọng để triển khai các bước tiếp theo để phát triển thành vắc-xin hoàn chỉnh. Trong thời gian tới, các dự án nghiên cứu, sản xuất vắc-xin tiếp tục được thúc đẩy tích cực với sự tập trung cao độ về nguồn lực, con người. Bộ Y tế sẽ lên phương án tổ chức lại lực lượng nghiên cứu vắc-xin, phối hợp doanh nghiệp để khai thác lợi thế về nghiên cứu, sản xuất vắc-xin của Việt Nam từ trước tới nay, đáp ứng yêu cầu phòng bệnh cho người dân...

★ Ngày 30-6, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh cho biết, kết quả xét nghiệm của người bệnh thứ 326, ba người nhà và 20 người sống cùng tầng với người bệnh đều âm tính với SARS-CoV-2. Vì thế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh có thể xác định, đến nay, không có tái dương tính đối với trường hợp bệnh nhân 326, cho nên đề xuất kết thúc theo dõi đối với những cư dân tầng 12 chung cư Phạm Viết Chánh, phường 19, quận Bình Thạnh. Riêng người bệnh 326 tiếp tục được theo dõi đến hết 30 ngày theo quy định của Sở Y tế TP Hồ Chí Minh. 

★ Ban Chỉ đạo quốc gia PCD Covid-19 cho biết, tính đến 18 giờ, ngày 30-6, Việt Nam trải qua 75 ngày không có ca lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng. Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được cách ly là 9.877 người. Trong đó, cách ly tập trung tại bệnh viện 82 người, cách ly tập trung tại cơ sở khác 8.958 người và cách ly tại nhà, nơi lưu trú 837 người. 

Tiểu Ban Điều trị (Ban Chỉ đạo quốc gia PCD Covid-19) cho biết, người bệnh thứ 91 (nam phi công người Anh) đang điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy đã hồi phục tốt, tâm lý ổn định hơn. Người bệnh đang trong giai đoạn phục hồi chức năng toàn diện để đánh giá các tiêu chí an toàn trước khi cho phép xuất viện và hồi hương bằng đường hàng không.

★ Ngày 30-6, tại Hà Nội, Bộ Y tế công bố hoàn thành 100% dịch vụ công trực tuyến mức 4 thuộc thẩm quyền quản lý. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bí thư Ban Cán sự đảng Bộ Y tế chủ trì buổi lễ. Với kết quả này, Bộ Y tế đã hoàn thành các dịch vụ công sớm hơn thời hạn dự kiến 5 năm so với lộ trình đề ra. Việc hoàn thành cổng dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 được đánh giá là một cuộc cách mạng số trong ngành y tế, góp phần thay đổi cơ bản bộ mặt của toàn ngành. Hiện tại, cổng dịch vụ công Bộ Y tế đã được tích hợp thành công với cổng dịch vụ công quốc gia, cổng thông tin một cửa quốc gia và các hệ thống dịch vụ công của địa phương, tạo thành một nền tảng thông suốt hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. 

Phát biểu ý kiến tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam biểu dương Bộ Y tế cùng các đơn vị phối hợp đã hoàn thành tốt nhiệm vụ xây dựng thành công cổng dịch vụ công cấp độ 4. Phó Thủ tướng cũng đề nghị Bộ Y tế trong thời gian tới cần hoàn thiện hệ thống dịch vụ công trực tuyến trên nền tảng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin. Các đơn vị cần thay đổi lề lối, cách thức làm việc để công cuộc cải cách thủ tục hành chính hướng đến mục tiêu phục vụ người dân đạt hiệu quả cao nhất.covi