Cải cách, nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh

Ðể đáp ứng nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh ngày càng cao của nhân dân, thì hệ thống bệnh viện cần mở rộng về quy mô, đầu tư trang thiết bị, phát triển đội ngũ cán bộ trình độ cao và cải cách, nâng cao chất lượng các dịch vụ sẵn có là những ưu tiên trọng tâm.

Nhân viên y tế Bệnh viện K kiểm tra, giám sát người ra - vào bệnh viện để phòng, chống dịch Covid-19.
Nhân viên y tế Bệnh viện K kiểm tra, giám sát người ra - vào bệnh viện để phòng, chống dịch Covid-19.

Một thời gian dài, công tác khám, chữa bệnh (KCB) tại các bệnh viện tồn tại nhiều vấn đề bất cập như: Tình trạng quá tải, nhất là ở các đơn vị tuyến trung ương; thủ tục hành chính thì rườm rà, phức tạp, gây nhiều trở ngại; trình độ chuyên môn của nhân viên y tế giữa các tuyến không đồng đều; chất lượng dịch vụ tại một số bệnh viện công lập còn hạn chế; thiếu cơ sở vật chất, trang thiết bị... Mặt khác, những hiện tượng, hình ảnh, sự việc vi phạm y đức và ứng xử kém của nhân viên y tế đã ảnh hưởng xấu đến quan hệ thầy thuốc - người bệnh, giảm mức độ hài lòng của người bệnh đối với các dịch vụ của bệnh viện công lập.

Trước thách thức đó, tháng 9-2012, Bộ trưởng Y tế ban hành Chỉ thị số 05/CT-BYT về việc tăng cường thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh. Chỉ thị đưa ra giải pháp cụ thể, từ cải tiến quy trình khám bệnh, xét nghiệm, thăm dò chức năng; cải tiến thủ tục vào viện, chuyển viện, ra viện, thanh toán viện phí, bảo hiểm y tế; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, phần mềm kê đơn thuốc điện tử, phần mềm tương tác thuốc; nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ người bệnh, thực hiện tốt Quy tắc ứng xử của cán bộ, viên chức; sửa chữa, cải tạo, mở rộng khoa khám bệnh và các buồng bệnh, mua bổ sung, thay thế các trang thiết bị tại khu vực khám bệnh và các buồng bệnh...

Việc cắt giảm và đơn giản hóa thủ tục hành chính trong công tác KCB là nội dung trọng tâm trong cải cách, nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh công lập. Thực tế cho thấy sau bảy năm, 100% các cơ sở KCB đã tổ chức triển khai thực hiện cải tiến quy trình khám bệnh theo Quyết định số 1313/QÐ-BYT. Thời gian khám bệnh được tính từ khi người bệnh bắt đầu đăng ký thủ tục khám bệnh tới khám bệnh, làm kỹ thuật cận lâm sàng, kê đơn và phát thuốc đã giảm đáng kể so với trước khi tiến hành cải tiến quy trình. Mặt khác, các bệnh viện còn tăng cường nhân lực để phục vụ người bệnh tăng thêm bàn khám, tăng người khám, người thu tiền. Nhiều bệnh viện tổ chức tiếp đón người bệnh từ sớm; tổ chức khám bệnh cả trong ngày nghỉ. Ðến nay, 93% số bệnh viện có tiến hành cải tạo cơ sở hạ tầng khoa khám bệnh, mua sắm bổ sung trang thiết bị cho khu vực ngồi chờ khám bệnh như bàn ghế, lắp quạt điện, bổ sung ghế ngồi chờ, đặt hệ thống phát số thứ tự khám bệnh tự động.

Ðể đáp ứng sự hài lòng của người bệnh, Bộ Y tế và từng bệnh viện triển khai đường dây nóng tiếp nhận các ý kiến phản hồi của người bệnh, nhất là những bức xúc, phản ánh liên quan tới y đức, thái độ ứng xử trong quá trình thăm, khám chữa bệnh của đội ngũ bác sĩ, nhân viên y tế. Từ các ý kiến phản ánh, các cơ sở y tế đã nghiêm túc tiếp thu và có thông tin kịp thời về xử lý cán bộ, viên chức vi phạm quy định trong KCB, đồng thời cũng khen ngợi nhiều tấm gương thầy thuốc tận tâm vì người bệnh. Riêng trong năm 2020, số điện thoại đường dây nóng của Bộ Y tế đã tham gia tích cực công tác phòng, chống dịch Covid-19 thông qua việc tư vấn, cung cấp thông tin, liên quan đến triệu chứng, cách phòng, chống dịch, cơ sở xét nghiệm, vấn đề cách ly, nhập cảnh...

Sau bảy năm triển khai đề án bệnh viện vệ tinh, cho thấy mạng lưới bệnh viện vệ tinh đã phát triển rộng khắp, qua đó các viện tuyến trên với vai trò là bệnh viện hạt nhân đã tăng cường đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, gói kỹ thuật cho các bệnh viện vệ tinh, tập trung vào các nhóm bệnh có tỷ lệ chuyển tuyến nhiều, các nhóm bệnh cần điều trị tại chỗ. Ðến nay, đã có 23 bệnh viện hạt nhân và 138 bệnh viện vệ tinh tại 62 tỉnh, thành phố. Các bệnh viện hạt nhân xây dựng tài liệu hướng dẫn chẩn đoán, điều trị, các tài liệu kỹ thuật phục vụ hoạt động đào tạo, chuyển giao kỹ thuật cho các bệnh viện vệ tinh. Từ giữa năm 2020, Bộ Y tế tiếp tục triển khai đề án "Khám, chữa bệnh từ xa" giai đoạn 2020 -
2025. Ðã có hơn 30 bệnh viện tuyến trên và hơn 1.000 bệnh viện tuyến dưới tham gia mạng lưới KCB từ xa. Các bệnh viện tuyến trên thường xuyên tổ chức các buổi hội chẩn từ xa, tư vấn phẫu thuật, đào tạo cán bộ…

Xác định việc nâng cao chất lượng đội ngũ nhân viên y tế là biện pháp cần thiết, cơ bản, then chốt để nâng cao chất lượng dịch vụ KCB, Bộ Y tế đã chỉ đạo triển khai thực hiện nhiều giải pháp cụ thể, nhất là xây dựng tiêu chuẩn, mã số chức danh nghề nghiệp của bác sĩ, y sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên y tế làm cơ sở để tuyển dụng, bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp và đánh giá viên chức. Triển khai việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, thực hiện đổi mới toàn diện hệ thống y tế, nhất là đổi mới về thái độ, phong cách phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh, xây dựng cơ sở y tế "xanh-sạch-đẹp"… Báo cáo Chỉ số PAPI do Chương trình Phát triển Liên hợp quốc, Tổ chức UNDP đánh giá và công bố cho thấy chỉ số hài lòng của người dân về y tế công lập liên tục tăng. Các bệnh viện hiện nay vẫn đang thực hiện đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế, hướng tới sự hài lòng của người bệnh; quản lý chất lượng dịch vụ y tế theo hướng lấy "người bệnh làm trung tâm của hoạt động chăm sóc và điều trị", an toàn của người bệnh là số một, cải tiến chất lượng là nhiệm vụ mang tính sống còn của cơ sở y tế. Gần như toàn bộ các bệnh viện và phần lớn các sở y tế, y tế các bộ, ngành đã áp dụng Bộ tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện để đánh giá thực trạng chất lượng, phân tích điểm mạnh, yếu để cải tiến chất lượng.

Ðến nay, chất lượng KCB tại các cơ sở y tế được nâng lên rõ rệt, người bệnh ngày càng hài lòng với chất lượng điều trị tại các bệnh viện. Tuy nhiên, theo PGS, TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), thời gian tới, các bệnh viện trên toàn quốc vẫn phải tiếp tục nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh; tích cực cải tiến và triển khai đánh giá chất lượng bệnh viện, làm cơ sở cho cải tiến chất lượng. Bộ Y tế sẽ tiếp tục chỉ đạo, hỗ trợ các đơn vị tích cực cải tiến chất lượng, triển khai đánh giá chất lượng theo Bộ tiêu chí chất lượng bệnh viện trong giai đoạn 2021 - 2030. Bộ Y tế cũng sẽ phối hợp các bộ, ngành, cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt Nam xây dựng các chính sách gắn kết quả đánh giá chất lượng bệnh viện với việc chi trả dịch vụ y tế và thanh toán bảo hiểm y tế theo hướng khuyến khích các bệnh viện cải tiến chất lượng. Ðồng thời, đánh giá các bệnh viện có chất lượng tốt và trao giải thưởng nhằm tôn vinh và thúc đẩy bệnh viện tích cực cải tiến chất lượng.