Trả nợ với rừng

Gần 30 năm làm nghề săn bắn, là một thợ săn kỳ cựu nổi tiếng trong vùng, nhưng gần 10 năm nay, ông Lê Văn Hiên, xã Thanh Sơn, huyện Kim Bảng (Hà Nam) quyết tâm "gác súng", tự nguyện tham gia bảo tồn quần thể voọc mông trắng - động vật quý hiếm nằm trong danh sách 25 loại động vật nguy cấp nhất thế giới đang có nguy cơ tuyệt chủng. Ông vinh dự là người thứ hai của Việt Nam được Tổ chức Bảo tồn động, thực vật hoang dã quốc tế (FFI) tôn vinh là "Anh hùng bảo tồn". 

Ông Lê Văn Hiên (ngồi giữa) cùng các thành viên Tổ Bảo tồn cộng đồng ghi chép số liệu theo dõi voọc mông trắng sinh sống trong rừng Thanh Sơn.
Ông Lê Văn Hiên (ngồi giữa) cùng các thành viên Tổ Bảo tồn cộng đồng ghi chép số liệu theo dõi voọc mông trắng sinh sống trong rừng Thanh Sơn.

Chuyện cũ với rừng

Sinh ra và lớn lên ở bìa rừng Thanh Sơn, huyện Kim Bảng, những ngày thơ ấu của cậu bé Lê Văn Hiên và cả lũ trẻ trong làng khi đó luôn gắn bó mật thiết với rừng. Tuổi thơ của ông Hiên ngày ấy là những chuỗi ngày theo cha mẹ lên rừng hái măng, bắt thú, chặt cây đốt than để trang trải cuộc sống hằng ngày. Ông Hiên còn nhớ khi đó, ông mới học hết tiểu học đã bỏ học đi rừng. Do còn nhỏ tuổi cho nên chủ yếu là đi theo các thợ săn lớn tuổi trong làng vào rừng săn bắn thú rừng rồi mang về cho gia đình dùng làm thức ăn cải thiện. Ðến năm 17 tuổi, ông gom được số tiền đủ để mua cây súng săn đầu tiên, chính thức trở thành thợ săn. Lúc này, tay nghề bắn súng săn điêu luyện của chàng thanh niên Hiên với đôi mắt tinh nhanh dần trở thành "ác mộng" của muông thú rừng Kim Bảng lúc bấy giờ. Sau năm 1983, khi xuất ngũ trở về ông Hiên lại tiếp tục nghề đi rừng để săn bắn mưu sinh.

18626.jpg -0
Một cá thể voọc mông trắng. 

Ngồi bên hiên nhà, ngay dưới chân rừng, cùng ấm trà nóng và cây điếu cầy đã ngả mầu vàng óng, nhìn về phía bìa rừng ông Hiên nhớ lại. Trước đây, động vật hoang dã ở vùng rừng Thanh Sơn này nhiều lắm, loại gì cũng có. Sau mỗi đêm tôi đi rừng săn bắn về, tôi phải thuê người gánh các con thú săn được về nhà. Thú bày la liệt trong nhà: sơn dương, hoẵng, cầy, nhím, don, tê tê, khỉ, voọc… Một con sơn dương có giá trị bằng mấy tạ thóc, một con khỉ hay voọc bán nấu cao đong được vài tấn thóc, lái buôn đến tận nơi thu mua. Nhờ đó, kinh tế gia đình tôi ngày càng khá giả hơn. Khi ấy tôi từng nghĩ sẽ gắn bó suốt đời với nghề thợ săn.

Hút điếu thuốc lào, nhả làn khói trắng, ông Hiên tiếp chuyện. Nhưng sau này, muông thú trong rừng cũng ngày càng cạn kiệt hơn, rồi chính quyền các cấp cũng tuyên truyền nhiều về vấn đề bảo vệ các loài động vật quý hiếm. Khi đó có nhiều đoàn nghiên cứu về động vật hoang dã của các tổ chức về  tận đây để thâm nhập và tìm hiểu. Biết tôi có kinh nghiệm đi rừng, các chuyên gia đã mời tôi đi cùng tham gia các đoàn chuyên gia về khảo sát, nghiên cứu tại rừng Kim Bảng. Tôi nhớ mãi lần tôi nhận lời đi cả tháng trời dẫn đường cho chuyên gia Lê Văn Dũng (ở Vườn quốc gia Cúc Phương) đi điều tra về loài voọc mông trắng ở Kim Bảng. Ðó là lần đầu tiên sau nhiều năm, tôi vào rừng mà không khoác súng. Một tuần ngắm bầy voọc mông trắng, khỉ vàng qua ống nhòm, góc xa, rộng hơn đầu ruồi khẩu súng kíp, tôi nhìn hai voọc con mầu vàng cam quấn quýt bên mẹ, voọc bố dạy con kiếm ăn. Chúng đùa giỡn với nhau vui vẻ như lũ trẻ. Lại thêm chú Dũng lúc nào cũng thủ thỉ khuyên nhủ tôi "Buông súng thôi anh ạ!". Có lần chú ấy thấy tôi đang chăm chú quan sát hai con voọc con chú ấy ghé tai tôi: Anh thấy không, chúng có tình yêu thương như con người. Nếu một con trong gia đình chết, những con khác sẽ buồn rầu, bỏ ăn. Voọc mẹ chết, con cũng sẽ chết. Khi đó, tôi chỉ biết im lặng và bắt đầu thấy hối hận về những hành động săn bắn trước đây của mình. Sau mỗi chuyến đi cùng nhà nghiên cứu linh trưởng trở về là những đêm dài tôi mất ngủ. Ðêm nằm, tôi nhìn lên trần nhà rồi nhìn hai đứa con nhỏ. Ðôi mắt tròn đen láy của anh em nhà voọc con lại ám ảnh tôi.

Sau đận ấy, tôi đã hiểu và nhận thức được vốn quý của tài nguyên rừng cần được bảo vệ. Nhưng vì cuộc sống mưu sinh tôi cũng đấu tranh tư tưởng lắm, phải mất nhiều đêm suy nghĩ, trăn trở tôi quyết định bàn với vợ bỏ nghề thợ săn. Không ngờ lúc đó chính vợ tôi là người đầu tiên ủng hộ tôi bỏ nghề, mặc dù biết sau đó là chuỗi ngày khó khăn của cả gia đình. Phải mất hai năm tôi loay hoay tìm kiếm việc làm. Khi thì tôi làm thợ khoan nổ mìn thuê cho các doanh nghiệp phá đá. Công việc bấp bênh lại nhiều nguy hiểm, chỉ khi nào về đến nhà rồi thì vợ con mới yên tâm rằng tôi còn sống trở về mà thở phào nhẹ nhõm. Nhưng tôi nghĩ mình đã từ bỏ nghề thợ săn mà lại đi làm thợ nổ mìn thì cũng ảnh hưởng nhiều đến đàn voọc, đàn khỉ trong rừng, nghĩ rồi tôi lại chán và bỏ nghề thợ nổ mìn. Tôi quay sang đầu tư chăn nuôi lợn, gà, trồng trọt cùng vợ con để trang trải cuộc sống.

Ông Hiên bảo, tôi rất may mắn và tự hào có người vợ tảo tần và luôn bên cạnh động viên chia sẻ với tôi. Ðến giờ, tôi vẫn luôn nhớ những câu nói, động viên của bà ấy để làm động lực vượt qua khó khăn trong cuộc sống. Trước đây khi còn đi săn, mình khoác nặng các động vật hoang dã thì bà ấy còn mừng, nhưng bây giờ, dù mang bất cứ cái gì từ rừng về bà ấy cũng không nhất trí đâu, vì việc của mình là bảo vệ động, thực vật trong rừng mà. Mình mà làm như thế mình bảo vệ được ai, nói ai người ta nghe. Bà ấy bảo: Từ ngày ông nghỉ nghề thợ săn thú rừng, ông như cốc nước đã được lọc trong, bây giờ nếu ông quay trở lại thì ông lại làm nó vẩn đục hơn, điều đó thì tôi không bao giờ muốn. Thế nên từ khi bỏ nghề thợ săn tôi thấy lòng mình nhẹ nhõm hơn.

Trả món nợ với rừng

Nhờ nghề thợ săn mà ông Hiên đã có quá nửa cuộc đời gắn bó với rừng và thuộc rừng Kim Bảng như lòng bàn tay, không còn đi rừng săn thú nữa nhưng hằng ngày ông Hiên vẫn mong muốn được trở lại rừng và làm cái gì đó có ích, thiết thực để được trả món nợ với rừng.  Ðầu năm 2016, ông Lê Văn Hiên dẫn các chuyên gia của Tổ chức Bảo tồn động, thực vật hoang dã quốc tế vào rừng Kim Bảng để khảo sát về loài voọc mông trắng. Những thông tin quan trọng do ông cung cấp ngày đó đã giúp các nhà khoa học và chuyên gia của Tổ chức Bảo tồn động, thực vật hoang dã quốc tế phát hiện ra quần thể voọc mông trắng lớn thứ hai thế giới đang sống tại rừng Kim Bảng.

Cuối năm 2016, Tổ chức Bảo tồn động, thực vật hoang dã quốc tế (FFI) đến Kim Bảng thực hiện chương trình bảo tồn loài voọc mông trắng. Không chút do dự, ông Lê Văn Hiên tình nguyện tham gia, rồi tổ Bảo tồn cộng đồng được thành lập và ông được cử làm tổ trưởng. Từ đó ông mừng lắm, vì mình lại có cơ hội để trở lại với rừng, nhưng lần này trở lại rừng với một tâm thế khác - một người đi đầu trong việc bảo vệ rừng và những loài linh vật quý hiếm. Công việc của tổ tuần tra là gỡ bẫy thú, theo dõi vị trí, môi trường sống của voọc mông trắng và các loài động vật trong khu rừng. Khi phát hiện hành vi phá hoại, săn bắt thú, tổ sẽ thông báo để kiểm lâm xử lý. Từ đó, ông Hiên tự học thêm cách sử dụng máy ảnh, thiết bị định vị, cách chia ô rừng đánh dấu vị trí đàn voọc. Bốn năm lần theo dấu vết, quan sát theo dõi và ghi lại biết bao hình ảnh quý từ đàn voọc mông trắng đang sinh sống tại rừng Kim Bảng. Ông rất say sưa và tâm huyết khi nói về đàn voọc. Ông bảo, tôi chỉ nhìn vệt cành cây gãy, ngửi mùi nước tiểu đã biết đàn voọc ăn ở khu vực này cách bao nhiêu ngày. Ông cũng thuộc từng loài cây mà loài voọc thường thích ăn. Trong đàn, voọc đực to khỏe nhất dẫn đường, cảnh giới cho những con khác khi kiếm ăn. Voọc con được cả đàn thay nhau bế ẵm khi voọc mẹ đi ăn. Voọc đực non đạt tuổi trưởng thành (6 năm) sẽ đánh nhau với con đầu đàn. Con đực thua bỏ đàn, lang thang một mình (người địa phương thường gọi là con "dọc độc") để dụ các con cái đi theo và hình thành đàn mới. Những hiểu biết về tập tính loài voọc được ông ghi chép cẩn thận vào cuốn sổ tay, truyền lại cho các thành viên trong tổ. Hàng chục nghìn bức ảnh, vi-đê-ô về voọc đã được ông gửi các chuyên gia nghiên cứu linh trưởng.

Mỗi chuyến đi rừng của ông Hiên và đồng đội kéo dài từ ba đến bảy ngày, một tháng các thành viên trong đội của ông phải đi và ở đến 16 ngày trong rừng, riêng ông thì có thể hơn. Qua bốn năm thành lập và duy trì, đến nay Tổ Bảo tồn cộng đồng huyện Kim Bảng do ông Hiên làm Tổ trưởng đã có những đóng góp tích cực trong việc bảo tồn đa dạng rừng, đặc biệt là loài voọc mông trắng. Nhờ đó, quần thể voọc mông trắng tại rừng Kim Bảng ngày càng phát triển, hiện có 12 đàn với khoảng 110 cá thể, lớn thứ hai trên thế giới, sau Khu bảo tồn ngập nước Vân Long, tỉnh Ninh Bình.

Ông Lê Văn Hiên chia sẻ, động lực thôi thúc ông tích cực tham gia các hoạt động trong công cuộc bảo vệ đa dạng sinh học nói chung và bảo tồn loài voọc mông trắng nói riêng tại rừng Kim Bảng xuất phát từ day dứt về những việc làm tổn hại đến rừng của mình trong thời gian làm thợ săn và mong muốn "trả món nợ với rừng". Tôi mong muốn mọi người sẽ cùng chung tay để bảo vệ loài voọc mông trắng mà thiên nhiên đã ban tặng cho rừng Hà Nam. Các nhà chức năng sớm hoàn thiện các thủ tục thành lập khu bảo tồn có quy hoạch để anh em đi tuần tra đỡ vất vả hơn. Ðồng thời cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền về ý nghĩa thiết thực của việc bảo vệ rừng đến các tầng lớp nhân dân, nhất là trong trường học để cho các cháu hiểu biết và có ý thức cùng tham gia bảo vệ loài voọc mông trắng quý hiếm của địa phương, vì bây giờ nhiều trẻ em không biết con voọc là con gì.

Ðể xứng đáng với danh hiệu "Anh hùng bảo tồn" mà Tổ chức Bảo tồn động, thực vật hoang dã quốc tế  trao tặng, ông Hiên sẽ cùng các thành viên của Tổ Bảo tồn cộng đồng huyện Kim Bảng nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp sức mình bảo vệ đa dạng sinh học của rừng Kim Bảng, bảo tồn quần thể voọc mông trắng - loài động vật quý hiếm nằm trong danh sách 25 loại động vật nguy cấp nhất thế giới đang có nguy cơ tuyệt chủng.