Tất cả vì người lao động

Chỉ cách thời điểm Tết Nguyên đán hai tuần, nước ta rơi vào đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ ba. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, hàng triệu công nhân, lao động (CNLÐ) đã không được sum họp với gia đình, quê hương dịp Tết. Từ thực tế này, các cấp công đoàn đã nhanh chóng chuyển hướng chăm lo với nhiều hoạt động thiết thực, bảo đảm an toàn cho người lao động (NLÐ) đón Tết đầm ấm, sum vầy ở địa phương nơi họ đang làm việc.

Ðoàn công tác Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng quà cán bộ chống dịch tại tỉnh Hải Dương. Ảnh: NGÔ ANH VĂN
Ðoàn công tác Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng quà cán bộ chống dịch tại tỉnh Hải Dương. Ảnh: NGÔ ANH VĂN

Dốc lòng vì đoàn viên, NLÐ

Nhất quán với mục tiêu tất cả đoàn viên và NLÐ đều có Tết, ngay trong những ngày đầu năm 2021, các cấp công đoàn đã tích cực tổ chức nhiều hoạt động như "Tết sum vầy", "Tấm vé nghĩa tình"… Ðoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động (LÐLÐ) Việt Nam đã có Quyết định số 1921 về việc chi hỗ trợ đoàn viên, NLÐ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, thiên tai năm 2020 trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021, trung bình một triệu đồng/người. Dự kiến tổng mức hỗ trợ khoảng 500 tỷ đồng. Ðã có gần 30 đoàn công tác do các đồng chí lãnh đạo Ðảng, Nhà nước, bộ, ban, ngành T.Ư thăm, tặng quà hàng nghìn CNLÐ có hoàn cảnh khó khăn trên cả nước. Nhiều LÐLÐ tỉnh, thành phố chi hàng trăm tỷ đồng từ nguồn tích lũy của tổ chức công đoàn và xã hội hóa chăm lo Tết cho CNLÐ.

Tuy nhiên, trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, với phương châm "Ðón Tết an toàn trong mùa dịch", ngay sau khi có Chỉ thị 05 của Thủ tướng Chính phủ, Tổng LÐLÐ Việt Nam đã có Công văn số 1594 yêu cầu các cấp công đoàn triển khai các biện pháp nhanh chóng kiểm soát hiệu quả, triệt để dập dịch. Các hoạt động chăm lo Tết chuyển hướng trực tiếp đến đoàn viên, NLÐ. Các cấp công đoàn tổ chức thăm hỏi, tặng quà đoàn viên, NLÐ tại doanh nghiệp (DN), khu nhà trọ, không tổ chức các sự kiện bề nổi, tập trung đông người. Báo cáo nhanh từ Tổng LÐLÐ Việt Nam cho thấy, đã có hàng triệu CNLÐ ở lại không về quê, nhất là CNLÐ khu vực phía nam. Trong đó, nhiều CNLÐ dù nhiều năm không được sum vầy ngày Tết bên gia đình vẫn tự nguyện ở lại để tránh dịch, thể hiện tinh thần trách nhiệm vì cộng đồng. Kết quả nêu trên là nhờ sự vào cuộc nhanh chóng, kịp thời của các cấp công đoàn trong việc khuyến nghị, động viên đoàn viên, NLÐ yên tâm ở lại đón Tết.

Chủ tịch Tổng LÐLÐ Việt Nam Nguyễn Ðình Khang cho biết: Trước tình hình mới, Ðoàn Chủ tịch Tổng LÐLÐ Việt Nam đề nghị, các cấp công đoàn tiếp tục làm tốt công tác chăm lo Tết cho NLÐ, không để NLÐ nào không có Tết. Với những CNLÐ ở lại không về quê, Tổng Liên đoàn chỉ đạo các cấp công đoàn phối hợp cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các địa phương tổ chức hoạt động chăm lo đời sống tinh thần, vật chất; mở các gian hàng bình ổn giá, phiên chợ 0 đồng phục vụ dịp Tết. Nhằm chung tay cùng cả nước phòng, chống dịch, Tổng Liên đoàn kêu gọi đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động (CNVCLÐ) cả nước hạn chế đi lại, cân nhắc thật kỹ việc về quê ăn Tết. NLÐ được khuyến khích ở lại địa phương đang làm việc đón Tết nhằm bảo đảm sức khỏe, ổn định việc làm lâu dài. Ðồng chí Nguyễn Ðình Khang nhấn mạnh: Việt Nam đã rơi vào đợt bùng dịch Covid-19 lần thứ ba, do vậy, việc chủ động khai báo thông tin dịch tễ của người dân hết sức quan trọng. Tổng Liên đoàn đề nghị, anh chị em công nhân hợp tác khai báo y tế, giúp truy vết, xử lý kịp thời các ca nghi nhiễm; thực hiện đầy đủ các yêu cầu, biện pháp phòng, chống dịch của Bộ Y tế, chính quyền địa phương và DN.

Bức thư từ tâm dịch

Ngay sau khi Bộ Y tế công bố ca bệnh mắc Covid-19 là một công nhân tại Công ty TNHH Poyun, tỉnh Hải Dương, một công nhân Nhà máy Z153 - Tổng cục Kỹ thuật, Bộ Quốc phòng cũng đã dương tính với Covid-19. Hai nhà máy nêu trên nhanh chóng phong tỏa, toàn bộ CNLÐ lên tới hàng nghìn người được đưa đi cách ly tại các cơ sở cách ly tập trung theo quy định.

Ðại tá Nguyễn Ðình Ðức, Trưởng ban Công đoàn Quốc phòng cho biết: Công đoàn Quốc phòng đã có kế hoạch chăm lo Tết cho đoàn viên, NLÐ rất sớm. Theo đó, thăm, tặng quà Tết cho 20 công đoàn cơ sở có nhiều khó khăn, đóng quân ở vùng sâu, vùng xa, làm nhiệm vụ trực Tết và 3.576 cán bộ, đoàn viên công đoàn mắc bệnh hiểm nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn với tổng số tiền hơn 2,2 tỷ đồng. Xem xét, quyết định hỗ trợ 1.771 CNLÐ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, thiên tai năm 2020, từ một đến hai triệu đồng/người, tổng số tiền 2,05 tỷ đồng. Thủ trưởng Tổng cục Kỹ thuật đã chỉ đạo đóng cửa toàn bộ nhà máy, không sản xuất; tập trung rà soát, kết hợp cùng các cơ quan chức năng xét nghiệm nhanh. Kết quả xác định năm CNLÐ dương tính với Covid-19 được chuyển ngay đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư cách ly, điều trị. Số cán bộ, đoàn viên còn lại được di chuyển đến các trung tâm cách ly khác. Hiện, có 40 cặp vợ chồng đưa đi cách ly tập trung, trong số này, bảy gia đình có con nhỏ không ai chăm sóc. Công đoàn Quốc phòng đã nhanh chóng nắm bắt tình hình, hướng dẫn Phòng Công tác quần chúng (Cục Chính trị - Tổng cục Kỹ thuật) chỉ đạo Công đoàn cơ sở nhà máy chủ động làm tốt công tác tuyên truyền giáo dục động viên các trường hợp dương tính, F1, F2 cách ly theo quy định. Ðồng thời, bảo đảm điều kiện ăn ở, sinh hoạt cho hơn 200 cán bộ, đoàn viên, NLÐ tập trung cách ly tại đơn vị. Ban Công đoàn Quốc phòng quyết định hỗ trợ Công đoàn cơ sở 20 triệu đồng, năm đoàn viên, NLÐ đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư cơ sở 2 (Ðông Anh), số tiền 10 triệu đồng.

Chủ tịch LÐLÐ tỉnh Hải Dương Mai Xuân Anh cho biết: "Sáng 28-1, tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại Khu công nghiệp (KCN) Cộng Hòa, ở TP Chí Linh (Hải Dương), LÐLÐ tỉnh chỉ đạo các cấp công đoàn trong tỉnh tăng cường tuyên truyền để đoàn viên, NLÐ hiểu, nắm rõ tình hình, diễn biến dịch bệnh. Ngày 28-1 toàn bộ KCN Cộng Hòa bị phong tỏa hơn 3.500 CNLÐ phải cách ly ngay tại công ty. Trong đó, 1.895 công nhân Công ty điện tử Poyun Việt Nam, 1.245 công nhân Công ty Eastech và nhiều lao động ở các đơn vị khác". Ông Nguyễn Văn Kiên, Chủ tịch UBND thành phố Chí Linh cho biết: Ngay đêm 28, rạng ngày 29-1, lãnh đạo tỉnh và TP Chí Linh đã họp bàn, thống nhất lựa chọn sáu cơ sở cách ly tập trung với phương châm bảo đảm mọi điều kiện tốt nhất về cơ sở vật chất, động viên NLÐ yên tâm cách ly, không nảy sinh tâm lý tiêu cực. Ngày 29-1, TP Chí Linh đã sắp xếp chỗ cách ly CNLÐ Công ty Poyun Việt Nam về các trường học. Số CNLÐ còn lại cơ bản được di chuyển về những cơ sở có điều kiện tốt hơn. Với những công nhân ngoại tỉnh không có gia đình tiếp tế đồ dùng thiết yếu, LÐLÐ thành phố giúp vận chuyển đồ đạc, chăn màn, quần áo kịp thời đến nơi cách ly. Ðồng thời, tỉnh Hải Dương nhanh chóng hỗ trợ chăn màn cho tất cả CNLÐ. Trên tinh thần tương thân, tương ái, LÐLÐ tỉnh có công văn gửi các cấp công đoàn trong tỉnh vận động đóng góp, ủng hộ CNLÐ cách ly; vận động các đơn vị sản xuất nước uống tinh khiết, nước giải khát, trao 400 thùng nước uống tinh khiết, nước ngọt tặng CNLÐ. Ðồng thời, trích kinh phí công đoàn tặng 35 thùng mỳ tôm, nhu yếu phẩm cho CNLÐ. LÐLÐ tỉnh cũng đã có kế hoạch trao 3.500 suất quà Tết tặng CNLÐ đang cách ly, mỗi suất quà trị giá 300 nghìn đồng. Ngày 2-2, Ðoàn công tác của Tổng LÐLÐ Việt Nam và Công đoàn Y tế do Phó Chủ tịch Ngọ Duy Hiểu làm trưởng đoàn thăm, tặng quà các lực lượng tuyến đầu chống dịch, CNLÐ đang cách ly tại TP Chí Linh. Ðoàn trao hỗ trợ 250 triệu đồng và 10 nghìn khẩu trang của Tổng LÐLÐ Việt Nam tới lực lượng tuyến đầu chống dịch; tặng CNLÐ cách ly y tế tập trung tại TP Chí Linh 300 triệu đồng.

Chủ tịch Công đoàn Công ty Poyun Việt Nam Lê Thị Hường, đang cách ly tại khu đô thị Ðại Sơn cho biết qua điện thoại: Do tình huống xảy ra đột xuất, ban đầu mọi người đều lúng túng, do thiếu thông tin cập nhật. Công đoàn công ty đã báo cáo lãnh đạo hỗ trợ công nhân khu cách ly, các CNLÐ dương tính với Covid-19 nhiều vật dụng sinh hoạt hằng ngày như nước lau sàn, đồ sinh hoạt thiết yếu. Một số anh em công nhân đang cách ly đề nghị công ty hỗ trợ đường ống nước, trang thiết bị vệ sinh chuyển vào khu cách ly để họ tự tu sửa, nâng cấp hệ thống đường nước, bảo đảm nhu cầu sinh hoạt, tắm rửa, vệ sinh của hàng trăm con người. Mong ước lớn nhất của chúng tôi không phải là được về gia đình ăn Tết, mà là dịch bệnh mau qua, mọi nhà đều có sức khỏe, DN vượt qua khó khăn, công nhân có việc làm, có thu nhập ổn định, bảo đảm cuộc sống.

Trong những ngày cả nước căng mình chống dịch, bức thư tay của một số công nhân Công ty Poyun Việt Nam gửi lãnh đạo tỉnh, Ban quản lý khu cách ly khiến ai đọc được đều cảm động. Bức thư có đoạn: Chúng tôi, những công nhân làm việc tại Công ty Poyun được cách ly tại khu đô thị Ðại Sơn trong thời gian dịch bệnh bùng phát, xin gửi lời cảm ơn tới Chính phủ, các ban, ngành, các nhà hảo tâm, các y sĩ, bác sĩ và đội ngũ cán bộ an ninh đã luôn đồng hành giúp đỡ quan tâm tới chúng tôi. Hiện tại, khu cách ly Ðại Sơn điều kiện rất tốt; nhận được rất nhiều sự quan tâm, đồ dùng sinh hoạt, đồ ăn, nước uống thì thoải mái. Nhưng chúng tôi biết, hiện tại vẫn còn nhiều khu vực cách ly còn thiếu thốn; rất mong ban lãnh đạo khu cách ly có thể chia cơm ít một chút, thức ăn ít một chút, đồ uống ít một chút vì mọi người ăn uống thừa rất nhiều, rất lãng phí. Nếu đồ ăn, thức uống được chuyển đến đây quá nhiều, mong ban lãnh đạo chuyển hỗ trợ những khu vực cách ly khó khăn hơn để tất cả mọi người đều bình an vượt qua thời gian khó khăn này.

Nội dung trong lá thư chân tình, mộc mạc thể hiện tinh thần tương thân, tương ái, lá lành đùm lá rách, sự chung tay, quyết tâm chiến thắng dịch bệnh của những CNLÐ từ tâm dịch, khiến tất cả những người đang ngày đêm làm nhiệm vụ ở tuyến đầu chống dịch thêm ấm lòng.