Hạn chế thiệt hại nhờ chủ động phòng, chống bão

Với tinh thần chủ động, tích cực, cấp ủy, chính quyền, các lực lượng chức năng và người dân TP Đà Nẵng và các tỉnh: Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Trị, đã triển khai nhiều biện pháp phòng, chống trước khi bão số 5 đổ bộ, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do bão gây ra.

Nước lũ gây ngập nhà dân ở thị trấn Prao, huyện Đông Giang (Quảng Nam).Ảnh: TẤN NGUYÊN
Nước lũ gây ngập nhà dân ở thị trấn Prao, huyện Đông Giang (Quảng Nam).Ảnh: TẤN NGUYÊN

Theo báo cáo nhanh của UBND thành phố Đà Nẵng, đến chiều tối 18-9, dù không trực tiếp đổ bộ, nhưng bão số 5 đã ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất và đời sống nhân dân. Từ tối 17 đến trưa 18-9, trên địa bàn TP Đà Nẵng có mưa to đến rất to, có nơi lên đến 250 mm. Các quận, huyện đã tổ chức sơ tán 4.053 hộ dân với 14.350 nhân khẩu ở những vùng ven biển, vùng trũng thấp, nguy cơ sạt lở, lũ quét... đến nơi an toàn. Đã có một người bị thương trong khi chằng chống nhà cửa, hàng nghìn nhà dân bị ngập cục bộ do mưa lớn trong đêm và sáng 18-9, tập trung ở các khu vực thấp trũng, khu vực có các công trình xây dựng đang thi công ở các quận: Hải Châu, Sơn Trà, Cẩm Lệ và Liên Chiểu. Đã có một tàu cá công suất 20 CV bị chìm khi neo đậu tại sông Phú Lộc phường Thanh Khê Đông, quận Thanh Khê, gần 30 ha rau màu bị ngập nước, hư hại, hơn 22 ao nuôi cá, 18 ao tôm nuôi bị ngập nước. Mưa lớn đã gây sạt lở hai đoạn đê kè với tổng chiều dài 120 m, nhiều đoạn kênh mương, trạm bơm, đập dâng, hồ chứa... bị bồi lấp đất đá, bùn cát; một số tuyến đường ven sông, đường liên xã bị sạt lở, bồi lấp ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân. Gió lớn cũng làm 387 cây xanh đường phố bị gãy, đổ, trốc gốc. Có 26 vị trí trên hệ thống điện lưới bị sét đánh, khiến 735 trạm biến áp bị mất điện, ảnh hưởng đến gần 70.000 khách hàng sử dụng điện.
Ngay trong buổi sáng 18-9, nông dân huyện Hòa Vang và các địa phương như Liên Chiểu, Cẩm Lệ... đã khẩn trương ra đồng thu hoạch lúa, hoa màu ở những vùng bị ngập úng, khơi thông kênh mương, cống rãnh... đề phòng mưa lớn trở lại do hoàn lưu bão. Ở những vùng nuôi trồng thủy, hải sản, chính quyền địa phương huy động lực lượng dân quân tự vệ, đoàn viên, thanh niên... hỗ trợ người dân neo đậu lồng bè an toàn. Trên các tuyến phố, người dân tích cực tham gia cùng các lực lượng chức năng chặt tỉa cây xanh gãy đổ, dựng lại cây bị trốc gốc, nghiêng, ngã, dọn vệ sinh đường phố, khơi thông cống rãnh để thoát nước nhanh hơn. Đến 17 giờ ngày 18-9, toàn bộ các trạm biến áp, đường dây... gặp sự cố đã được sửa chữa, khôi phục việc cấp điện trên địa bàn toàn thành phố.
 
Bão số 5 đổ bộ vào Thừa Thiên Huế cùng lúc xuất hiện triều cường kết hợp gió mạnh, sóng lớn đã làm đoạn bờ biển sạt lở, xâm thực, nhiều nhà bị sập và tốc mái. Các ban, ngành và địa phương tại Thừa Thiên Huế dồn sức huy động các lực lượng tập trung khắc phục hậu quả của cơn bão này gây ra.
 
Chủ tịch UBND huyện Phong Điền Nguyễn Văn Bình cho biết, khoảng 4 giờ 30 phút ngày 18-9, một trận lốc xoáy quét qua địa bàn xã Điền Hòa đã làm 25 ngôi nhà ở hai thôn 4 và 11 bị tốc mái, hư hỏng với tỷ lệ thiệt hại khoảng 20 đến 25%. Rất may, thời điểm xảy ra lốc xoáy lúc sáng sớm nên không gây thiệt hại về người. Ngay sau khi cơn lốc đi qua, chính quyền địa phương cùng lực lượng các đoàn thể đã có mặt hỗ trợ các hộ dân thu dọn đồ đạc, dùng bạt giằng các mái nhà để tránh thiệt hại nặng khi cơn bão đổ bộ vào đất liền.
 
Tại xã Phú Thuận (huyện Phú Vang), sóng biển lớn đã làm khoảng 2 km bờ biển qua địa bàn thôn An Dương 1, An Dương 2, An Dương 3 bị sạt lở, xâm thực sâu vào đất liền từ 5 đến 10 m, đe dọa trực tiếp đến nhà cửa của 64 hộ dân khu vực này. Tình trạng sạt lở chưa dừng hẳn mà ăn sâu vào chân khu vực rừng dương phía trong. Ngoài ra, gió lớn cũng làm nhiều nhà dân ở khu vực Phú Thuận bị tốc mái. Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Nguyễn Quang Dân cho biết, hằng năm vào mùa mưa bão, triều cường, có khoảng 600 hộ dân ở các thôn An Dương 1, 2 và 3 nằm trong vùng ảnh hưởng của sạt lở biển. Chính quyền đã di dời gần 100 hộ dân từ vùng sạt lở ven biển An Dương lên khu tái định cư ở nơi ở mới. Mỗi hộ dân lên tái định cư được bố trí đất nền ở trung tâm 140 m2 cộng với số tiền hỗ trợ 25 triệu đồng.
 
Tại TP Huế, sau khi bão số 5 quét qua địa bàn đã gây ra gió lớn và giật mạnh. Tại các tuyến đường trên địa bàn thành phố, nhiều cây xanh ngã đổ la liệt, gây cản trở giao thông và việc đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn. Nhiều trụ điện, trạm biến áp cũng bị gió quật gãy đổ, đường dây điện bị đứt. Theo UBND thành phố, thiệt hại nặng nề nhất của bão số 5 gây ra là hàng loạt cây xanh ngã đổ trên nhiều tuyến phố. Không chỉ ngã đổ, chắn ngang đường, cây xanh cũng đã đè trúng nhiều xe ô-tô, xe máy đậu đỗ ven đường. Trên địa bàn có nhiều nhà xưởng và hàng loạt nhà dân bị sập và tốc mái, các lực lượng quân đội, công an và UBND các phường đang tích cực hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả của cơn bão. Trước đó, để bảo đảm an toàn cho người dân, thành phố đã di dời 498 hộ với 1.890 nhân khẩu đến nơi an toàn.
 
 Ngay sau khi cơn bão số 5 đổ bộ vào Thừa Thiên Huế, trưa và chiều 18-9, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ đã đi kiểm tra, chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả của bão số 5 tại những vùng bị thiệt hại nặng nề nhất, thăm các nạn nhân bị thương do bão; động viên, chia sẻ những khó khăn, mất mát của người dân vùng tâm bão đi qua. Đồng chí Phan Ngọc Thọ cho rằng, do có sự chủ động với phương châm “bốn tại chỗ” trong phòng, chống nên mức độ thiệt hại của bão trên địa bàn tỉnh giảm đáng kể. Tuy nhiên, vẫn có những thiệt hại về người, tài sản, các tuyến hạ tầng đường viễn thông, đường điện bị gián đoạn... Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các cấp huy động tối đa lực lượng, nhất là lực lượng vũ trang trực tiếp về cơ sở phối hợp với nhân dân khắc phục hậu quả của mưa bão, giảm tối thiểu thiệt hại của nhân dân. Trước tiên, chỉ đạo các lực lượng ưu tiên chặt tỉa cây xanh gãy đổ, giải phóng các tuyến đường, nhất là tuyến quốc lộ, tỉnh lộ tạo điều kiện lưu thông. Đối với những nơi có nhà bị tốc mái, bị sập, lãnh đạo UBND tỉnh đã chỉ đạo chính quyền địa phương khẩn trương huy động lực lượng nhanh chóng sửa chữa nhà cho người dân, đặc biệt quan tâm đến các hộ nghèo, hộ chính sách sớm ổn định cuộc sống. Cùng với đó, sửa chữa các công trình trường học, bệnh viện, các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng sản xuất trên địa bàn.

Do ảnh hưởng bão số 5, tại khu vực miền núi cao của tỉnh Quảng Nam có mưa lớn, kéo dài gây lũ đột ngột làm ngập nhà ở, cuốn trôi gia súc và ảnh hưởng rất lớn đến việc đi lại, sản xuất của người dân tại địa phương. Tại huyện Tây Giang, mưa lũ đã làm cho tuyến ĐT 606 từ xã A Xan đi lên cửa khẩu phụ Tây Giang - Kà Lừm bị sạt lở tại Km57+770 đến Km57+806, đoạn giáp ranh giữa xã A Xan và Ch’Ơm gây ách tắc giao thông. Lượng đất đá sạt lở ước khoảng 2.500 m3. Ngoài ra, trên địa bàn huyện còn có hàng chục điểm sạt lở trên các tuyến đường liên thôn, liên xã gây ách tắc giao thông cục bộ; hơn 100 ha lúa nước hè thu bị ngập úng và gần 30 con trâu, bò bị cuốn trôi. Chính quyền địa phương đã triển khai sơ tán 110 hộ dân tại các điểm có nguy cơ sạt lở đến nơi an toàn. Chủ tịch UBND xã Lăng Alăng Rất cho biết, mưa lũ gây ngập 15 ngôi nhà dân, 11 ao cá bị phá vỡ, nhiều khối gỗ làm nhà bị cuốn trôi.
 
Tại huyện Đông Giang, Phó Chủ tịch UBND huyện Hồ Quang Minh cho biết, mưa lớn trên thượng nguồn đã gây lũ đột ngột khiến hơn 30 ngôi nhà của người dân tại các thôn: Tà Vạc, Trao và A Duông (thị trấn Prao) bị ngập. Trước tình hình đó, các cơ quan chức năng đã huy động lực lượng kịp thời sơ tán hàng trăm người dân đến nơi an toàn. Mưa lớn cũng đã gây sạt lở nhiều điểm trên tuyến đường Hồ Chí Minh, quốc lộ 14G, và các tuyến đường liên xã; đồng thời cuốn trôi hơn 10 con bò và lợn ở thôn Pho (xã Sông Kôn). Các lực lượng chức năng khẩn trương khắc phục các điểm sạt lở trên các tuyến đường huyết mạch nhằm sớm thông tuyến, tạo thuận lợi cho việc đi lại, vận chuyển hàng hóa; đồng thời khẩn trương rà soát và có kế hoạch sơ tán dân ở vùng có nguy cơ sạt lở, ngập lụt do lũ quét gây ra nhằm bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của người dân địa phương.
 
Tại khu vực đồng bằng, do sóng lớn đã làm bờ biển Cửa Đại (TP Hội An) bị xé toạc bao tải của đoạn kè mềm dài khoảng 500 m, làm cát trượt ra biển và nước xâm thực sâu vào đất liền. Để hạn chế thiệt hại, TP Hội An đã huy động lực lượng tổ chức trải vải bạt, cho cát vào bao tải rồi dùng xe cẩu triển khai kè chắn đoạn kè nhằm bảo vệ hàng dừa và dãy nhà hàng nằm sát mép biển Cửa Đại...

Trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, bão số 5 làm hàng trăm ngôi nhà bị tốc mái, một số diện tích lúa, hoa màu, cây cao-su bị ngập, gãy đổ, một người dân ở xã Tà Rụt, huyện ĐaKrông bị mưa lớn cuốn trôi. Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng cho biết, do công tác ứng phó với bão được chuẩn bị tốt, nên đã hạn chế được nhiều thiệt hại do bão gây ra. Hiện nay, các địa phương đang tập trung chỉ đạo, vận động bà con nhân dân khẩn trương thu hoạch nhanh, gọn diện tích hoa màu và lúa vụ hè thu còn lại, cố gắng không để thiệt hại do mưa lũ gây ra. Toàn bộ học sinh tỉnh Quảng Trị đi học trở lại bình thường vào ngày 19-9.