Hải Dương nỗ lực tiêu thụ nông sản

Thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tỉnh Hải Dương gặp khó khăn trong vấn đề vận chuyển hàng nông sản sang các thị trường lân cận, nhất là vận chuyển ra cảng để xuất khẩu, khiến nhiều mặt hàng ùn ứ, trong thời điểm thu hoạch rộ rau màu vụ đông. Nhiều giải pháp được đưa ra giúp hàng hóa lưu thông và bước đầu đã cho kết quả khả quan.

Hàng nông sản được các nhà hảo tâm mua ủng hộ nhân dân vùng bị phong tỏa xã Kim Liên, huyện Kim Thành.
Hàng nông sản được các nhà hảo tâm mua ủng hộ nhân dân vùng bị phong tỏa xã Kim Liên, huyện Kim Thành.

Nỗi lo thua lỗ

Tại xã Ðức Chính, huyện Cẩm Giàng, hiện còn 230 ha cà-rốt chưa thu hoạch. Nếu tính diện tích toàn tỉnh thì còn hơn 500 ha với sản lượng khoảng 45 nghìn tấn, trong đó hơn 70% đã có đơn hàng xuất khẩu. Bí thư Ðảng ủy xã Vương Ðức Dũng lo lắng: Tính đến thời điểm này, người dân xã đã phải hủy nhiều đơn hàng xuất khẩu cà-rốt do quá thời gian giao nhận, thiệt hại nhiều tỷ đồng. Nếu không sớm tiêu thụ được, cộng với thời tiết không thuận lợi thì toàn bộ diện tích cà-rốt đang nằm chờ thu hoạch sẽ hư hỏng hết. Khi đó, ước tính nông dân Ðức Chính sẽ mất trắng khoảng 200 tỷ đồng. Nguyên nhân là do dịch Covid-19 cho nên các phương tiện vận tải gặp nhiều vướng mắc trong việc ra vào vận chuyển cà-rốt ở Hải Dương. Theo đó, các phương tiện phải qua nhiều chốt kiểm soát, mà qua chốt này chưa chắc qua được chốt khác, bởi mỗi chốt lại yêu cầu một kiểu và đôi khi "phép vua" cũng phải thua "lệ làng". Những ngày gần đây, nhờ các biện pháp tháo gỡ của các cấp, các ngành, việc vận chuyển cà-rốt sang địa bàn các tỉnh đã có nhiều thuận lợi. Thế nhưng, có tới 70% sản lượng cà-rốt xuất khẩu phải qua cảng Hải Phòng, mà hiện tại mỗi ngày mới chỉ xuất được hơn 10 công-ten-nơ, với khối lượng khoảng 400 tấn.

Còn tại xã Hoàng Hoa Thám, TP Chí Linh có khoảng 300 hộ dân chăn nuôi gà đồi. Hiện có khoảng 1,2 triệu con gà đang chờ xuất bán. Thông thường, để xuất chuồng hiệu quả, gà đạt khoảng 2,5 kg/con, nhưng nay hàng trăm nghìn con gà đồi đạt trọng lượng từ 3 đến 4 kg/con mà chưa thể bán vì rất ít phương tiện có đủ điều kiện đến để thu mua. Càng chậm bán, nông dân càng thua lỗ, nhiều hộ đang đứng trước nguy cơ ngập trong nợ. Anh Lê Văn Tân ở thôn Hố Sếu chia sẻ: Ðàn gà của nhà khoảng 2.000 con đều đã vượt cỡ 3,5 kg/con mà chưa bán được, nếu tiếp tục nuôi cầm cự thì gia đình sẽ chịu thua lỗ nặng nề. Cá biệt có hộ chăn nuôi ở xã Yết Kiêu, huyện Gia Lộc đã phải bán hàng chục nghìn con gà giống, vịt giống cho hộ nuôi thủy sản làm thức ăn cho cá da trơn, chịu thua thiệt hàng chục triệu đồng…

Trước tình hình đó, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng đã trực tiếp chỉ đạo: Các ngành nông nghiệp, giao thông vận tải, công an phải nỗ lực, phối hợp chặt chẽ với các địa phương tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tốc độ tiêu thụ nông sản. Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương cũng kêu gọi các doanh nghiệp ngoài tỉnh về Hải Dương thu mua nông sản. Tỉnh sẽ tạo mọi điều kiện thông thoáng nhất cho các lái xe vào chở nông sản, nếu cần xét nghiệm Covid-19 hoặc phun khử khuẩn,... tỉnh sẽ cử người xuống tận nơi để hỗ trợ. Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) Hải Dương Vũ Việt Anh cũng cho biết: Ðể giải cứu nông sản cho nông dân, các cấp, các ngành tỉnh Hải Dương đã nỗ lực hết sức, tổ chức xét nghiệm cho các lái xe; cấp đủ các giấy tờ cần thiết; căng dán pa-nô "xe tiêu thụ nông sản cho người dân Hải Dương"… Tỉnh cũng ban hành nhiều văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành T.Ư, các tỉnh, thành phố giáp ranh, nhất là các tỉnh có cửa khẩu đề nghị tạo điều kiện, cho phép nông sản Hải Dương được lưu thông qua địa bàn.

"Gỡ" chốt, thông xe

Giám đốc Sở NN và PTNT Trần Văn Quân đã lập trên trang mạng xã hội Zalo, nhóm "Doanh nghiệp nông nghiệp Hải Dương" với sự tham gia của hơn 100 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, lái xe vận tải chở nông sản để hỗ trợ các doanh nghiệp, thương lái trong tỉnh, ngoài tỉnh lưu thông qua các chốt kiểm soát với điều kiện bảo đảm an toàn phòng dịch; lược bỏ sự "máy móc", cứng nhắc của một số chốt. Trang Zalo liên tục "nóng" bởi sự cầu cứu được thông chốt của các doanh nghiệp và sự tham gia "gỡ" chốt của rất nhiều cán bộ ngành nông nghiệp, công an, giao thông. Từ đó giúp hàng trăm xe thông chốt, tiêu thụ được 200 đến 300 tấn rau xanh. Bên cạnh đó, Hội Doanh nghiệp trẻ tỉnh Hải Dương đã thành lập nhóm giải cứu nông sản cho nông dân. Nhóm đã lên kế hoạch truyền thông, xây dựng kế hoạch thu mua, vận chuyển và nhận sự hỗ trợ, tổ chức cấp phát miễn phí và bán hàng giải cứu. Nhờ đó, mỗi ngày nhóm đã giúp nông dân tiêu thụ hơn 100 tấn nông sản.

Ngoài ra, nhiều tổ chức thương mại, thiện nguyện cũng đã chủ động kết nối với các nhóm giải cứu nông sản ở Hải Dương thông qua trang mạng Zalo của Sở NN và PTNT. Trong đó, Liên minh nhà cung cấp thực phẩm FSA đã kết nối để triển khai chương trình hỗ trợ tiêu thụ nông sản rau, củ, quả tại Hà Nội. Các thành viên của FSA hiện đang cung cấp sản phẩm cho hơn 200 chuỗi, cửa hàng thực phẩm sạch tại Hà Nội. Bên cạnh đó, các bộ, ngành T.Ư cũng cùng chung tay giúp Hải Dương tiêu thụ nông sản, trong đó Công đoàn Bộ Xây dựng đã "giải cứu" gần bảy tấn hàng rau, củ. Hàng hóa tập kết tại trụ sở Bộ Xây dựng đã được các cán bộ, công viên chức trong Bộ hưởng ứng thu mua. Thời gian tới, tùy vào tình hình thực tế, Bộ Xây dựng sẽ có lộ trình phù hợp tiếp tục hỗ trợ nông dân Hải Dương. Từ những sự tiếp sức đó, ngày 21-2 ngành nông nghiệp Hải Dương đã kết nối tiêu thụ khoảng 400 tấn nông sản; ngày 22-2 kết nối tiêu thụ 735 tấn rau, củ; 55 tấn ổi; gà thịt 10 xe; 40 nghìn con gà giống; 100 nghìn trứng gia cầm. Ðại diện Hội Chăn nuôi gà đẻ trứng ở huyện Cẩm Giàng phấn khởi chia sẻ: Trung bình mỗi ngày các hội viên thu từ 230 đến 250 nghìn quả trứng. Nhờ được tháo gỡ kịp thời cho nên việc vận chuyển tiêu thụ trứng gà cơ bản thuận lợi.

Không chỉ có Hà Nội, mà những ngày qua, nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước cũng đã thông chốt kiểm dịch Covid-19, hỗ trợ Hải Dương tiêu thụ nông sản mà vẫn bảo đảm phòng, chống dịch. Hiện tại, Hải Dương còn khoảng 70 nghìn tấn rau màu vụ đông cần tiêu thụ, chủ yếu là hành, tỏi, cà-rốt, rau ăn lá, hy vọng sẽ được tiêu thụ thuận lợi trong những ngày sắp tới.