Gỡ khó trong quản lý các khu nhà tái định cư ở Hà Nội

Bài 1: Tái định cư nhưng chưa an cư 
 
 Thời gian vừa qua, nhiều bạn đọc phản ánh về tình trạng lộn xộn, xuống cấp tại các khu nhà tái định cư (TĐC) của TP Hà Nội. Cùng với quá trình đô thị hóa nhanh chóng của Thủ đô, thì không thể thiếu các khu nhà ở dành cho người dân TĐC. Tuy nhiên, rất nhiều tòa nhà trong số đó không được quản lý tốt, dẫn đến tình trạng tự ý cho thuê, sử dụng vào mục đích kinh doanh khi chưa được phép làm thất thoát nguồn thu đáng kể cho ngân sách nhà nước. Chưa kể, nhiều khu nhà có hiện tượng tụ tập gây mất an ninh trật tự, trở thành điểm nóng cho công tác quản lý của địa phương.
 

Nhiều hộ dân kinh doanh dịch vụ ở nhà N1, N4 Đồng Tàu, phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai thấp thỏm vì quyết định thu hồi của UBND thành phố Hà Nội.
Nhiều hộ dân kinh doanh dịch vụ ở nhà N1, N4 Đồng Tàu, phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai thấp thỏm vì quyết định thu hồi của UBND thành phố Hà Nội.

Nhà ở xuống cấp, tiện ích... chưa cấp

Cuối năm 2019, 21 hộ dân đang sử dụng diện tích sàn tầng 1 khu TĐC N1, N4 Đồng Tàu (Thịnh Liệt, Hoàng Mai) vô cùng bất ngờ khi nhận được Quyết định số 7266/QĐ-UBND ngày 24-12-2019 của UBND thành phố Hà Nội. Theo đó, các hộ dân phải giải phóng mặt bằng để giao trả cho thành phố quản lý do đã tự ý chiếm dụng, sử dụng trái phép diện tích kinh doanh dịch vụ của các khu nhà. Nhưng theo tìm hiểu của chúng tôi, các hộ dân này đã ở, kinh doanh tại khu nhà N1, N4 từ hàng chục năm nay. Có hộ thuê lại của một công ty, có hộ thuê trực tiếp từ đơn vị quản lý tòa nhà. Ông Lê Trọng Anh, đại diện các hộ dân cho rằng, việc thành phố thông báo họ chiếm dụng, sử dụng trái phép diện tích sàn nhà là không đúng. Bởi từ trước năm 2019, các hộ đều nộp tiền thuê nhà đầy đủ cho đơn vị cho thuê, còn đơn vị này nộp đi đâu thì không được biết. Chỉ hơn một năm trước, họ không thấy bên cho thuê thông báo thu tiền, nên không biết nộp ở đâu. Theo người dân tự tính toán, số tiền 21 hộ thuê diện tích sàn còn nợ vào khoảng ba tỷ đồng, chưa kể nợ lãi. Ngoài ra, nhiều năm nay họ đều tự bỏ tiền để sửa chữa, cải tạo diện tích thuê chứ ban quản lý không hề tu sửa gì. Sự xuống cấp của các tòa nhà là sự xuống cấp chung, chứ không phải do các hộ gây ra.

Khu nhà TĐC B9, các tòa nhà Nơ 14A, 14B khu đô thị Đại Kim - Định Công, CT 1 Bắc Linh Đàm được đưa vào sử dụng từ những năm 2002 và mới được lấp đầy khoảng 5 năm trở lại đây. Ngoài đa số cư dân là người mua nhà, vẫn còn một số hộ ở tạm cư hoặc TĐC. Một số ít trong đó không có công ăn việc làm, nghề nghiệp chính là đi bán nước lề đường hoặc nhặt phế liệu. Chất lượng xây dựng nhà rất kém, tường trần bong tróc, sàn cong vênh, vỉa hè sụt lún... Việc cho thuê sàn mặt tiền tầng 1 để kinh doanh, nhưng thiếu quản lý cộng với phương tiện sinh sống của các hộ nhặt rác, bán nước tập kết khiến khu nhà vô cùng nhếch nhác, bẩn thỉu. Thang máy, máy bơm nước, hệ thống chiếu sáng, ca-mê-ra an ninh, hệ thống thoát hiểm, hệ thống báo cháy, cứu hỏa thường xuyên hỏng hóc hoặc không có tác dụng. Đơn cử như tòa nhà B9, không có ban đại diện dân cư và vẫn được một tổ nhân viên của Công ty cổ phần Tu tạo nhà (thuộc UBND thành phố) quản lý, vận hành. Nhiều lần, thang máy hoặc máy bơm nước hỏng, đơn vị quản lý phải báo cáo và chờ được cơ quan có thẩm quyền duyệt mới có kinh phí để sửa chữa. Vào mùa nắng nóng, khỏi phải nói cư dân khổ sở thế nào nếu những vật dụng thiết yếu này “dở chứng”...

Ngoài những khu nhà nêu trên, có thể điểm danh thêm rất nhiều tòa nhà TĐC mà người dân chưa thể an cư trên địa bàn thành phố như: nhà 4A Tạ Quang Bửu (Hai Bà Trưng); bốn tòa nhà CT 2A, 2B, 2C, CT 3 khu Hoàng Cầu (Đống Đa); ba tòa TĐC khu Sài Đồng (Long Biên); khối nhà khu Đền Lừ (Hoàng Mai); nhà A14 Nam Trung Yên, nhà CT 3 Nghĩa Đô (Cầu Giấy) và nhiều tòa nhà khác ở hầu khắp các quận, huyện trên địa bàn thành phố. Theo Công ty TNHH MTV Quản lý và phát triển nhà Hà Nội, hiện các tòa nhà TĐC này vẫn thực hiện thu thuế, phí theo quy định của thành phố nhưng số thu là rất thấp, không đủ chi phí quản lý, vận hành. Bên cạnh đó, còn rất nhiều khu nhà với hàng nghìn căn hộ đã hoàn thiện nhưng chưa có người đến ở. Tình trạng đó khiến hầu hết các tòa nhà TĐC và hạ tầng phụ cận bị xuống cấp nghiêm trọng, ảnh hưởng rất lớn đến cảnh quan, môi trường, an toàn và chất lượng cuộc sống của cư dân.

Lúng túng trong quản lý, vận hành

Ông Bùi Dũng, Trưởng phòng Quản lý nhà ở xã hội, Công ty TNHH MTV Quản lý và phát triển nhà Hà Nội cho biết: “Công ty chúng tôi được giao quản lý, vận hành, khai thác có sự kiểm tra, giám sát của Sở Xây dựng thành phố với tổng số 167 tòa nhà TĐC (hiện còn 136 tòa do một số đã chuyển giao cho các đơn vị khác). Trong đó, công ty chúng tôi quản lý, vận hành trực tiếp 91 tòa với 13.089 căn hộ đã bàn giao cho cư dân. 76 tòa TĐC còn lại, công ty chỉ quản lý hồ sơ để bán căn hộ hoặc cho thuê diện tích kinh doanh”. Theo tìm hiểu của chúng tôi, nhiều tòa nhà TĐC xảy ra tình trạng cho thuê diện tích kinh doanh tùy tiện. Thậm chí những năm trước, có đến 28 tòa nhà bị đơn vị được giao quản lý là Xí nghiệp Quản lý dịch vụ và khai thác khu đô thị (thuộc Công ty TNHH MTV Quản lý và phát triển nhà Hà Nội) “tự ý cho thuê” diện tích sàn kinh doanh dịch vụ.

Theo báo cáo của UBND thành phố Hà Nội, hiện trên địa bàn thành phố có 174 khu nhà TĐC đang được sử dụng với tổng số hơn 14.200 căn hộ. Hầu hết các tòa nhà được xây dựng bằng ngân sách nhà nước, phục vụ nhu cầu TĐC cho các hộ dân nội đô bị thu hồi đất do nhu cầu phát triển hạ tầng của địa phương. Thống kê cho thấy, có 103 tòa nhà không có nhà sinh hoạt cộng đồng; 54 tòa nhà bỏ không diện tích sàn tầng 1 (khu vực kinh doanh dịch vụ) hoặc bị chiếm dụng sử dụng trái phép không được thu nộp vào ngân sách; khu vực để xe cho cư dân hoặc sinh hoạt cho nhân viên quản lý không có hoặc lắp ghép bừa bãi; hầu như các tòa nhà chưa thành lập được ban quản trị để thay mặt cư dân giải quyết các công việc chung của tòa nhà; nhiều tòa nhà không đủ hệ thống chiếu sáng; không có ca-mê-ra giám sát; hệ thống báo, chữa cháy không bảo đảm; đội ngũ bảo vệ thiếu, không đủ chuyên môn; khu vực tập kết rác thải, vệ sinh rất bẩn; một số tòa nhà bị chiếm dụng cầu thang thoát hiểm... Nhiều khu nhà được xây dựng ở quá xa siêu thị, chợ, trường học, bệnh viện... khiến cư dân gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt. Vậy là, cho dù mức thu phí dịch vụ đối với cư dân ở nhà TĐC được tính theo quy định của thành phố là rất thấp so với mặt bằng chung, nhưng nhiều khu nhà không hấp dẫn được người dân về ở, làm cho những tòa nhà TĐC càng thêm hoang vắng, tiêu điều.

Riêng đối với việc cho thuê diện tích sàn kinh doanh dịch vụ thì càng bi đát. Ông Nguyễn Xuân Tùng, Giám đốc Xí nghiệp Quản lý dịch vụ và khai thác khu đô thị (Công ty TNHH MTV Quản lý và phát triển nhà Hà Nội) cho biết: Việc đấu giá cho thuê sàn kinh doanh theo chủ trương của thành phố có nhiều điểm làm khó người thuê và cả đơn vị quản lý, vận hành. Đó là quy định mức giá không sát thực tế (cao hơn giá thị trường); quy định hợp đồng thuê trong vòng 5 năm nộp tiền thuê một lần; không giảm trừ thời gian cải tạo, sửa chữa mặt bằng; tiền thuê nộp ngân sách toàn bộ do Sở Tài chính quản lý... Trong khi đó, nhiều điểm TĐC có vị trí không hấp dẫn khiến cho việc tổ chức đấu giá cho thuê gặp nhiều khó khăn. Có nhiều điểm tổ chức đấu giá đến lần thứ ba vẫn không có người thuê.

Hệ quả là hoạt động vận hành bình thường của nhiều tòa nhà TĐC bị ảnh hưởng do thiếu kinh phí hoạt động. Báo cáo của Xí nghiệp Quản lý dịch vụ và khai thác khu đô thị cho thấy, từ năm 2013 trở về trước, công ty được tự túc kinh phí hoạt động từ nguồn thu đơn vị tự khai thác. Đó là nguồn thu từ việc thu phí dịch vụ, cho thuê diện tích sàn kinh doanh hoặc khai thác khác trên cơ sở tài sản nhà nước là nhà TĐC. Từ sau năm 2013, việc cho thuê, mức giá, kinh phí sửa chữa sáu hạng mục lớn đều phải thông qua UBND thành phố và các sở, ngành liên quan. Ngay lập tức, kinh phí quản lý, vận hành sụt giảm nghiêm trọng, nhiều nơi phải cắt giảm nhân sự; việc sửa chữa, khắc phục hỏng hóc lớn, thiết yếu luôn chậm trễ (do phải mất thời gian báo cáo xin duyệt kinh phí); hư hỏng nhỏ cũng không được khắc phục kịp thời; việc bảo dưỡng, bảo trì thiết bị không được làm thường xuyên do xí nghiệp “nợ” hàng chục tỷ đồng tiền phí xây lắp, sửa chữa của nhà thầu, đơn vị cung cấp thiết bị gần 20 tháng chưa trả được. Việc xét duyệt kinh phí thường xuyên bị “đá bóng” giữa các sở Xây dựng, Tài chính mặc dù nhiều trường hợp đã có chỉ đạo của UBND thành phố. Mặc dù quy định này đã giảm tiêu cực, bảo đảm nguồn thu ngân sách từ tài sản của Nhà nước nhưng chưa bảo đảm và nâng cao chất lượng cuộc sống cho cư dân những tòa nhà TĐC, vì thế chưa thể tạo được tâm lý an cư cho phần lớn người dân.

(Còn nữa)