Giao thông các khu vực cửa ngõ ùn tắc cục bộ

Ngày 16-2, ngày cuối cùng của kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, tại một số bến xe lớn của Thủ đô Hà Nội và TP Hồ Chí Minh khá vắng vẻ, nhưng về cuối chiều, ở các tuyến đường cửa ngõ, lượng phương tiện và người dân từ các nơi đổ về thành phố tăng cao, có dấu hiệu ùn tắc cục bộ.

Tuyến đường Giáp Bát, cửa ngõ phía nam TP Hà Nội ùn tắc cục bộ vào chiều 16-2.
Tuyến đường Giáp Bát, cửa ngõ phía nam TP Hà Nội ùn tắc cục bộ vào chiều 16-2.

Ngay từ đầu giờ chiều, chị Vũ Thu Trang (trú tại TP Thanh Hóa) vội vã ra bến bắt xe khách để lên Hà Nội chuẩn bị ngày hôm sau bước vào ngày làm việc đầu tiên sau Tết. Tuy nhiên, khi bước lên xe khách chạy tuyến Thanh Hóa - Hà Nội, chị Trang ngỡ ngàng khi chỉ có vài ba hành khách trên xe. Cũng như những hành khách khác, chị Trang khai báo y tế theo hướng dẫn và đeo khẩu trang để phòng, chống dịch theo đúng quy định của Bộ Giao thông vận tải (GTVT).

Suốt hành trình về Hà Nội, chiếc xe khách 29 chỗ cũng chỉ bắt thêm được chừng 15 hành khách dọc đường. Theo lời chị Trang, giá vé nhà xe lấy đắt hơn khoảng 30% so với ngày thường với lý do chiều về chạy rỗng và ngày Tết. Anh Nguyễn Văn Bình, phụ xe cho biết: Vẫn biết Tết này vướng dịch, lượng khách sẽ vắng nhưng không ngờ là vắng đến thế! Ngày cuối nghỉ Tết mà khách chỉ đông hơn hôm mồng 3, mồng 4 chút xíu! Theo anh Bình, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, người nào có ý định về quê đều thuê ta-xi hoặc tự đi xe cá nhân về quê để hạn chế lây nhiễm dịch bệnh. Nếu cứ tiếp diễn như này, nhà xe chắc phải dừng chạy, bởi chạy chưa đủ bù tiền xăng.

Ở bến xe Giáp Bát, lượng xe đổ về bến rất ít và bến vắng lặng, lác đác chỉ có vài xe vào trong khu vực trả khách. Cánh cửa xe mở ra, mỗi xe chỉ có vài người bước xuống. Ngoài cổng bến, khu vực đường Giải Phóng, phương tiện lưu thông khá thông thoáng. Ðại diện bến xe Giáp Bát cho biết, lượng khách đổ về bến xe chỉ đạt khoảng 20 đến 30% so với ngày thường. Nguyên nhân do sinh viên và người lao động vẫn ở lại quê, chỉ có công chức và nhân viên doanh nghiệp lên Thủ đô để bắt đầu ngày làm việc đầu tiên (ngày 17-2). Trong vài năm gần đây, sau dịp Tết Nguyên đán, lượng khách về bến ngày càng ít do người dân đi xe hợp đồng hoặc ta-xi. Dịch Covid-19 bùng phát cũng là lý do để người dân hạn chế đi xe khách và chọn phương tiện cá nhân để lên Thủ đô. Tại nút giao cầu Vạn Ðiểm trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ bị ùn tắc cục bộ. Lực lượng cảnh sát giao thông và thanh tra giao thông đã có mặt để phân luồng, điều tiết phương tiện đi sang quốc lộ 1 nhằm giảm mật độ xe ngày càng dồn về đông trên tuyến đường này. Tuy nhiên, ở cuối đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, từ 16 giờ xảy ra ùn tắc cục bộ do phương tiện xếp hàng chờ vào làn rẽ phải ngay tại nút giao lên đường Vành đai 3. Càng về cuối ngày, lượng phương tiện từ các nơi dồn về càng đông, gây ùn tắc kéo dài.

Chiều 16-2, trong khuôn viên Bến xe Miền Ðông cũ (quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh), các xe đậu trong bến đón khách như ngày thường. Hành khách vào bến đi xe chỉ lác đác vài người, một số vào bến chỉ để gửi hàng hóa theo xe. Tại khu vực xe đi các tuyến miền trung, chỉ có khoảng năm, sáu xe. Một lái xe Hãng xe Sơn Hòa chạy tuyến TP Hồ Chí Minh - Phú Yên cho hay, sáng 16-2, xe 46 chỗ từ Phú Yên vào Bến xe Miền Ðông chỉ có 30 khách. Gần đó, xe ô-tô giường nằm của Hãng xe Nguyên Khang - Quốc Phong chạy tuyến TP Hồ Chí Minh - Quy Nhơn (Bình Ðịnh) cũng trong cảnh chờ khách để xuất bến về lại Quy Nhơn. Một phụ xe cho biết, nếu như Tết năm ngoái và các năm trước từ mồng 5 trở đi xe luôn kín chỗ thì năm nay lượng khách chưa được một nửa. Theo các nhà xe, do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều hành khách đã trả vé không về quê ăn Tết, do vậy, lượng hành khách từ các tỉnh vào thành phố sau Tết giảm mạnh. Cũng do ảnh hưởng dịch, nhiều gia đình chuyển hướng thuê xe ô-tô cá nhân đi du lịch hay về quê mà không chọn xe khách để di chuyển như mọi năm,… Tại bến xe Miền Tây và khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, lượng hành khách từ các tỉnh về thành phố sau Tết cũng rất ít.

Nhằm tăng cường phòng, chống dịch Covid-19 trong hoạt động vận tải hành khách, đặc biệt trong giai đoạn sau Tết Nguyên đán, Phòng Quản lý vận tải (Sở GTVT Hà Nội) đã phối hợp lực lượng thanh tra giao thông tổ chức kiểm tra việc kê khai thông tin hành khách trên xe. Giám đốc Công ty cổ phần Bến xe Hà Nội Nguyễn Anh Toàn cho biết, các bến xe thuộc đơn vị quản lý (gồm Giáp Bát, Mỹ Ðình và Gia Lâm) sẽ kiên quyết từ chối phục vụ đối với các xe không xuất trình bản kê danh sách hành khách đi xe có đầy đủ thông tin theo yêu cầu. Các bến đã chỉ đạo bộ phận tiếp nhận thông tin bằng ảnh chụp bản kê của các chuyến xe qua ứng dụng Zalo và gửi về trưởng ca điều hành để lưu trữ thông tin. Các đơn vị khai thác bến xe tập trung kiểm tra, giám sát việc thực hiện biện pháp phòng, chống dịch của đơn vị vận tải có phương tiện hoạt động tại bến xe; kiểm tra, giám sát và thu thập đầy đủ thông tin hành khách trên xe từ các địa phương khác đến bến xe trên địa bàn, đối chiếu giữa danh sách hành khách do nhà xe cung cấp với hành khách thực tế lên, xuống tại bến xe, lưu trữ thông tin danh sách hành khách ít nhất 21 ngày. Mặt khác, các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô-tô theo tuyến cố định phải ghi chép đầy đủ thông tin hành khách trên xe (họ và tên, địa chỉ, số điện thoại, thời gian và địa điểm khi lên và xuống xe tại các đầu bến và điểm dừng đón trả khách trên tuyến); cung cấp đầy đủ thông tin hành khách cho bến ngay khi xe chuẩn bị xuất bến và đến bến. Ðơn vị kinh doanh vận tải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc cung cấp thông tin hành khách cho các cơ quan chức năng thực hiện truy vết trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 (lưu trữ ít nhất 21 ngày).

Phòng Cảnh sát Giao thông Ðường bộ - Ðường sắt, Công an TP Hồ Chí Minh nhận định: Trong dịp Tết Nguyên đán, tình hình giao thông trên địa bàn thành phố có nhiều chuyển biến tích cực. Sau những ngày nghỉ Tết, nhất là ngày bắt đầu đi làm việc trở lại, dự báo tình hình trật tự an toàn giao thông (ATGT) trên địa bàn thành phố sẽ phức tạp hơn. Cơ quan chức năng khuyến cáo người dân cần chủ động lựa chọn cho mình thời gian và lộ trình đi thích hợp, thường xuyên nắm diễn biến tình hình giao thông qua các kênh thông tin truyền thông trước khi di chuyển để tránh đi vào khu vực ùn ứ .

Ủy ban ATGT quốc gia đánh giá, tình hình trật tự ATGT trong bảy ngày Tết Nguyên đán trên cả nước về cơ bản được bảo đảm tốt, tai nạn giao thông (TNGT) giảm cả 3 tiêu chí (giảm 8,08% về số vụ, giảm 18,05% số người chết và giảm 29,31% số người bị thương), TNGT đặc biệt nghiêm trọng liên quan tới xe khách giảm, ít xảy ra ùn tắc giao thông kéo dài trên các tuyến trục chính ra vào Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và tại các đầu mối giao thông chính. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển mô-tô, xe máy, ô-tô ở khu vực ngoài đô thị, tại vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn nhiều, đã xảy ra TNGT đặc biệt nghiêm trọng liên quan vi phạm quy định nồng độ cồn khi lái xe và không đội mũ bảo hiểm khi đi mô-tô, xe máy, điển hình là vụ TNGT tại Gia Lai vào tối mồng 3 khiến 4 người chết và 1 người bị thương (nạn nhân đều là thanh, thiếu niên đồng bào dân tộc thiểu số và qua khám nghiệm ban đầu cho thấy đều có nồng độ cồn trong cơ thể và không có bằng lái xe máy). Năng lực và chất lượng dịch vụ vận tải đường bộ, đường sắt và hàng không cơ bản đã đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân trong dịp Tết; việc phòng, chống dịch Covid-19 trong hoạt động vận tải hành khách và hàng hóa đã tuân thủ theo khuyến cáo của Bộ Y tế và Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19.

Do ảnh hưởng dịch Covid-19, nhu cầu đi lại của người dân giảm, nhưng vẫn xảy ra ùn tắc giao thông tại các tuyến đường kết nối với TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh (quốc lộ 1, cao tốc Pháp Vân - Ninh Bình, TP Hồ Chí Minh - Trung Lương, TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, quốc lộ 32, 13, 14, 22, 51) và khu vực cửa ngõ hai thành phố này vào ngày đầu và ngày cuối đợt nghỉ Tết. Các đơn vị ngành GTVT đã nỗ lực cao nhất để bảo đảm phương tiện phục vụ người dân về quê đón Tết với gia đình. Tuy nhiên, vẫn tồn tại tình trạng sử dụng xe đăng ký kinh doanh hợp đồng để vận chuyển hành khách theo tuyến cố định, đặc biệt trên các tuyến có đông hành khách về quê ăn Tết (trước Tết) và trở lại nơi làm việc (sau Tết), nhằm vào đối tượng khách đón xe dọc đường, không kê khai, không đăng ký giá vé, thu tiền trực tiếp của hành khách với mức giá tùy tiện, không có chứng từ, không có bảo hiểm, trái quy định pháp luật. Một số trường hợp doanh nghiệp, chủ phương tiện vận tải chưa thực hiện đầy đủ quy định vận chuyển hành khách từ vùng dịch, tới vùng dịch (trường hợp vận chuyển hành khách từ Quảng Ninh và Hải Dương về Ðiện Biên) có thể phát sinh rủi ro lây nhiễm Covid-19 ra cộng đồng qua hoạt động vận chuyển hành khách.

Thống kê từ các đơn vị chức năng, trong bảy ngày nghỉ Tết Nguyên đán (từ 10-2 đến 16-2), cả nước xảy ra 182 vụ TNGT, làm chết 109 người, bị thương 123 người. Trong đó có 3 vụ đặc biệt nghiêm trọng, so bảy ngày nghỉ Tết Nguyên đán năm trước, TNGT giảm 16 vụ (8,08%), giảm 24 người chết (18,05), giảm 51 người bị thương (29,31%). Trong đó, đường bộ xảy ra 179 vụ, làm chết 106 người, bị thương 123 người; đường sắt xảy ra 1 vụ, chết 1 người; đường thủy xảy ra 2 vụ, làm chết 2 người. Theo báo cáo của Ban ATGT các địa phương, tính đến 15 giờ ngày 16-2, Bình Phước, Ðắk Nông, Sơn La, Cần Thơ, Vĩnh Phúc, Ninh Thuận, Hải Phòng, Kon Tum không xảy ra TNGT. Tại Hà Nội xảy ra 4 vụ, làm 5 người chết, 1 người bị thương; TP Hồ Chí Minh xảy ra 5 vụ, 5 người chết, 1 người bị thương; Ðà Nẵng xảy ra 2 vụ, 1 người chết, 3 người bị thương.