Giao lưu trực tuyến "Giải pháp phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia"

NDO -

Vào 14 giờ chiều 17-10, Báo Nhân Dân phối hợp Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp tổ chức chương trình giao lưu trực tuyến với chủ đề “Giải pháp phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia”.

Giao lưu trực tuyến "Giải pháp phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia"

Khách mời tham gia Giao lưu trực tuyến gồm:

- TS Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội.

- TS Trương Anh Dũng, Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (GDNN), Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ, TB và XH).

- Ông Trần Thanh Hải, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Viễn Đông, TP Hồ Chí Minh.

- Ông Trần Thiên Long, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội các doanh nghiệp khu công nghiệp và khu chế xuất TP Hồ Chí Minh (HBA).

Bạn đọc quan tâm có thể gửi câu hỏi cho Báo Nhân Dân điện tử qua email nhandandientutiengviet@gmail.com hoặc tại Fanpage của Báo Nhân Dân điện tử Tiếng Việt https://www.facebook.com/nhandandientutiengviet/

Trước đó, ngày 28-5-2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 24/CT-TTg về đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới.

Để tranh thủ thời cơ dân số vàng, đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, nhất là nhân lực có tay nghề cao nhằm nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện các nội dung sau: Tiếp tục triển khai có hiệu quả các cơ chế, chính sách phát triển giáo dục nghề nghiệp (GDNN), phát triển nhân lực có kỹ năng nghề; tăng cường chuyển đổi số và đào tạo trực tuyến, chú trọng đào tạo lại và đào tạo thường xuyên lực lượng lao động để tạo chuyển biến mạnh mẽ về quy mô, chất lượng và hiệu quả của GDNN; bảo đảm người học có kỹ năng chuyên môn, kỹ năng số, kỹ năng mềm, kỹ năng khởi nghiệp và ngoại ngữ... thích ứng với yêu cầu của thị trường lao động. Phấn đấu đến năm 2030, GDNN Việt Nam tiếp cận trình độ các nước ASEAN-4, đến năm 2045 tiếp cận trình độ các nước G20.

 14:10

 Phát biểu khai mạc cuộc Giao lưu trực tuyến, Nhà báo Nguyễn Ngọc Thanh cho biết:

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư diễn ra sâu rộng trên toàn thế giới, tạo ra nhiều thách thức và cơ hội đan xen. Thế mạnh nhân công giá rẻ cùng các nguồn lực sản xuất khác như đất đai, cơ sở hạ tầng với chi phí thấp không còn phù hợp trong bối cảnh toàn cầu hóa và bản thân nền kinh tế Việt Nam cũng đã bước vào một giai đoạn phát triển mới. Đây là thời điểm sống còn để Việt Nam đổi mới, tăng năng suất lao động. Nếu Việt Nam không chớp được thời cơ này sẽ bị tụt hậu. 

Nhiều chuyên gia đồng ý rằng, để thực hiện được mục tiêu đến năm 2045 trở thành nước phát triển, chúng ta phải tìm ra động lực mới. Và động lực chính vẫn xác định con người là nhân tố trung tâm. Đây cũng chính là khâu đột phá mà Đại hội XI và Đại hội XII đã xác định là tập trung đào tạo để có được nguồn nhân lực có chất lượng cao. Từ chính nguồn nhân lực chất lượng cao này, chúng ta mới có thể tạo ra bước phát triển mạnh hơn nữa.

Cũng tinh thần đó, ngày 28-5-2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 24/CT-TTg về đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới. Việc Thủ tướng Chính phủ ban hành riêng một Chỉ thị cho thấy, ý nghĩa, tầm quan trọng và sự bức thiết trước yêu cầu đổi mới mạnh mẽ trong tình hình mới.

Chỉ thị 24/CT-TTg đặt mục tiêu theo lộ trình đến năm 2030, giáo dục nghề nghiệp Việt Nam tiếp cận trình độ các nước ASEAN-4, đến năm 2045 tiếp cận trình độ các nước G20.

Trong đó đánh giá, những năm qua, việc đào tạo, bồi dưỡng, chuẩn bị nhân lực có kỹ năng nghề luôn được Đảng, Nhà nước rất quan tâm và đã có nhiều chuyển biến tích cực về nhận thức, quy mô tuyển sinh, chất lượng và hiệu quả đào tạo.

Tuy nhiên, về quy mô, cơ cấu và chất lượng nhân lực có kỹ năng nghề vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là trong bối cảnh do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, xu hướng tự động hóa, điện tử hóa, số hóa, tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế.

Để tranh thủ thời cơ dân số vàng, đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, có tay nghề cao nhằm nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện nhiều nội dung quan trọng:

Đó là tiếp tục triển khai có hiệu quả cơ chế, chính sách phát triển giáo dục nghề nghiệp, nhân lực có kỹ năng nghề; tăng cường chuyển đổi số và đào tạo trực tuyến, chú trọng đào tạo lại và đào tạo thường xuyên lực lượng lao động để tạo chuyển biến mạnh mẽ về quy mô, chất lượng và hiệu quả của GDNN; bảo đảm người học có kỹ năng chuyên môn, kỹ năng số, kỹ năng mềm, kỹ năng khởi nghiệp và ngoại ngữ... thích ứng với yêu cầu của thị trường lao động. 

Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, sớm xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành hệ thống quản lý và đánh giá kỹ năng nghề; xây dựng đề án chuyển đổi số và dạy học trực tuyến trong GDNN, đề án phát triển kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin cho lực lượng lao động; rà soát, sửa đổi, bổ sung danh mục các ngành, nghề phải sử dụng lao động có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia. Triển khai khung trình độ quốc gia về GDNN xây dựng và triển khai chương trình chuyên gia quốc tế trong GDNN…

Ban hành danh mục các ngành, nghề phải sử dụng lao động qua đào tạo theo lộ trình để chuẩn hóa lực lượng lao động và hội nhập quốc tế; nghiên cứu, có giải pháp tăng cường hiệu quả GDNN theo hướng gắn với nhu cầu của doanh nghiệp và xu hướng tự động hóa… 

Chính vì vậy, buổi giao lưu hôm nay, chúng tôi rất mong các quý đại biểu trao đổi thắng thắn, tâm huyết, nêu được những thuận lợi nhưng cũng chỉ ra những bất cập, khó khăn cần tháo gỡ, và đặc biệt là tìm ra những giải pháp để đưa chính sách của Đảng và Nhà nước đi vào cuộc sống.

Cuối cùng, tôi xin thay mặt Báo Nhân Dân điện tử cảm ơn và chúc sức khỏe các quý vị đại biểu, các đồng chí và đồng nghiệp. Xin chúc buổi giao lưu hôm nay thành công tốt đẹp!

Giao lưu trực tuyến
 

 14:18

 Bạn đọc Nguyễn Thái Bình (Thành phố Thái Nguyên): Thưa ông, ông đánh giá thế nào về thực trạng thị trường lao động ở Việt Nam hiện nay? Việt Nam đã chính thức gia nhập nhiều FTA trong thời gian gần đây như CPTPP, EVFTA… Để tận dụng hiệu quả những cơ hội khi các FTA chính thức có hiệu lực, chúng ta cần có kế hoạch tổng thể quốc gia về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cải thiện năng suất lao động quốc gia như thế nào?

TS Phạm Tất Thắng:

Giao lưu trực tuyến
 

Đây là một câu hỏi hay. Chúng ta đang có ưu thế về lực lượng lao động. Hiện nay, chúng ta đang ở thời kỳ cơ cấu dân số vàng, có một lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên khoảng 56 triệu. Lực lượng này là nguồn lao động được đánh giá dồi dào, thông minh, chịu khó, thích ứng nhanh với công nghệ hiện đại. Đây là nguồn lực quan trọng trong giai đoạn tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, mở cửa sâu rộng với thế giới.

Về chất lượng, có lẽ chúng ta cần phải quan tâm đến chất lượng lao động hơn nữa. Dù chúng ta có lực lượng lao động đông, nhưng theo thống kê chỉ có khoảng hơn 1/5 (hơn 22% lực lượng lao động) được đào tạo có văn bằng chứng chỉ từ sơ cấp trở lên. Còn lại phần lớn, khoảng gần 4/5 lực lượng lao động là chưa qua đào tạo.

Việc đào tạo lực lượng lao động những năm gần đây có tiến bộ đáng kể. Tuy nhiên, chất lượng đào tạo chưa được như mong muốn. Báo chí, dư luận, bản thân doanh nghiệp trong khi tuyển dụng còn nhiều băn khoăn và cũng có phản ánh về trình độ tay nghề kỹ năng lao động, kể cả ý thức lao động. 

Các doanh nghiệp khi tuyển dụng lao động thường phải đào tạo lại hoặc đào tạo bổ sung. Việc đào tạo bổ sung cũng là việc tất yếu vì mỗi doanh nghiệp có tiêu chí khác nhau nhưng điều đó cũng phản ánh thực tế việc đào tạo chưa thực sự đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động.

Rõ ràng, có nguồn lực về mặt số lượng dồi dào nhưng nếu chúng ta không tận dụng tốt lực lượng lao động này sẽ nhanh chóng bước qua giai đoạn dân số vàng và cơ hội không quay lại nữa. Trong giai đoạn hiện nay khi việc dịch chuyển dòng vốn đầu tư trên thế giới, nếu chúng ta đón bắt dược sự dịch chuyển, nâng cao chất lượng mô hình lao động, đặc biệt trong bối cảnh chúng ta vừa ký một loạt định thương mại tự do thế hệ mới thì đây là một cơ hội vàng cho chúng ta. Những hiệp định này vừa là cơ hội về cơ chế chính sách, vừa tận dụng được tốt nguồn nhân lực đang ở giai đoạn dân số vàng.

Giao lưu trực tuyến
 

 14:25

  Bạn đọc Dương Hà Như (Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh): Tôi xin hỏi TS Phạm Tất Thắng. Theo quan điểm của ông, việc chúng ta chưa có quy hoạch, dự báo nguồn nhân lực, bao gồm cả nhân lực có tay nghề cao sát với nhu cầu thị trường lao động, đang ảnh hưởng như thế nào tới vấn đề đào tạo nghề nói chung?

TS Phạm Tất Thắng,  Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội:

Xin cảm ơn câu hỏi rất thực tế và lý thú của bạn đọc Dương Hà Như.

Một vấn đề cấp thiết hiện nay của chúng ta cần có quy hoạch dự báo nguồn nhân lực và gắn với đó là việc đào tạo, giáo dục nghề nghiệp.

Thực tế, trong giáo dục nghề nghiệp và đào tạo bậc cao đại học, do chúng ta chưa có quy hoạch dự báo về nhu cầu nguồn lao động, cũng như quy hoạch đào tạo nghề đi cùng, dẫn đến nhà trường thường đào tạo theo khả năng nhà trường mà chưa gắn với nhu cầu thực tế của xã hội và thị trường.

Giao lưu trực tuyến
 

 14:30

 Bạn đọc Hà Linh Chi (Đống Đa, Hà Nội): Thưa Tổng Cục trưởng GDNN Trương Anh Dũng, ông có thể cho biết những nội dung quan trọng và cần quan tâm nhất của Chỉ thị 24. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã có kế hoạch triển khai Chỉ thị này như thế nào?

Giao lưu trực tuyến
 

Tổng Cục trưởng GDNN Trương Anh Dũng:

Bối cảnh ra đời của Chỉ thị 24 rất quan trọng. Việc phát triển giáo dục nghề nghiệp, kỹ năng nghề đã được sự quan tâm của rất nhiều các quốc gia. Rất nhiều các tổ chức quốc tế, các chương trình đã có những khuyến cáo về tập trung phát triển lĩnh vực này. Phát triển giáo dục nghề nghiệp, kỹ năng nghề không chỉ đơn thuần là giáo dục để trang bị kiến thức, kỹ năng thái độ nghề nghiệp cho người học, mà đằng sau đó là vấn đề kinh tế, năng suất lao động và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và của mỗi quốc gia. Chính vì thế, sự ra đời của Chỉ thị này của Bộ Chính trị ngay từ cái tên đã cho thấy quan điểm này. Đây là vấn đề rất mới. 

Có ba nhóm vấn đề cần quan tâm trong Chỉ thị đã đặt ra.

Thứ nhất, phấn đấu đến năm 2030, giáo dục nghề nghiệp Việt Nam tiếp cận trình độ ASEAN-4, đến năm 2045 tiếp cận trình độ các nước G20.

Để đạt được mục tiêu này, các bộ ngành, địa phương cần phải tập trung phát triển nhân lực có kỹ năng nghề; tăng cường chuyển đổi số và đào tạo trực tuyến, chú trọng đào tạo lại và đào tạo thường xuyên lực lượng lao động để tạo chuyển biến mạnh mẽ về quy mô, chất lượng và hiệu quả của giáo dục nghề nghiệp; bảo đảm người học có kỹ năng chuyên môn, kỹ năng số, kỹ năng mềm, kỹ năng khởi nghiệp và ngoại ngữ… thích ứng với yêu cầu của thị trường lao động; làm tốt công tác dự báo nhu cầu nhân lực theo ngành nghề và các cấp trình độ; xây dựng và cập nhật dữ liệu mở về lao động có kỹ năng nghề theo từng lĩnh vực, ngành nghề; rà soát, sắp xếp lại hệ thống cơ sở GDNN; nhanh chóng ổn định tổ chức, đa dạng hóa nguồn lực đầu tư, đảm bảo chất lượng và hiệu quả của các cơ sở GDNN sau khi tổ chức, sắp xếp lại; tăng cường gắn kết chặt chẽ 3 “nhà”: nhà nước - nhà trường - nhà doanh nghiệp trong các hoạt động giáo dục nghề nghiệp; chú trọng nội dung phát triển GDNN, phát triển nhân lực có kỹ năng nghề trong các kế hoạch, chương trình, đề án, dự án phát triển ngành, địa phương; ưu tiên phân bổ ngân sách cho GDNN.

Thứ hai, triển khai nhiều chương trình, đề án, hoạt động gắn với đổi mới GDNN:

Thủ tướng giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì triển khai khung trình độ quốc gia về GDNN; xây dựng đề án chuyển đổi số và dạy học trực tuyến trong giáo dục nghề nghiệp, đề án phát triển kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin cho lực lượng lao động; rà soát, sửa đổi, bổ sung danh mục các ngành, nghề phải sử dụng lao động có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia; ban hành các chuẩn về người làm công tác đào tạo nghề nghiệp, đánh giá kỹ năng nghề tại các doanh nghiệp và tổ chức đào tạo, bồi dưỡng theo các chuẩn được ban hành; ban hành danh mục các ngành, nghề phải sử dụng lao động qua đào tạo theo lộ trình để chuẩn hóa lực lượng lao động và hội nhập quốc tế; tăng cường năng lực hệ thống đánh giá, công nhận và cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia; thúc đẩy mạnh mẽ phong trào thi kỹ năng nghề ở các cấp; nghiên cứu, thí điểm thành lập hội đồng kỹ năng ngành hoặc nghề; đề xuất ngày “Kỹ năng lao động Việt Nam”.

Và Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định chính thức lấy ngày 4-10 hằng năm là Ngày kỹ năng lao động Việt Nam) và các giải thưởng, chương trình tôn vinh khác như danh hiệu Đại sứ kỹ năng nghề để lan tỏa những giá trị của nhân lực có kỹ năng nghề xuất sắc tới giới trẻ và xã hội.

Thứ ba, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia hoạt động GDNN:

Khuyến khích thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp hoặc mở lớp đào tạo nghề tại nơi làm việc để nâng cao trình độ, kỹ năng nghề cho người lao động; khuyến khích doanh nghiệp phối hợp với cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo các trình độ giáo dục nghề nghiệp và chương trình đào tạo khác theo quy định của pháp luật; cử người có đủ điều kiện tham gia đào tạo, xây dựng danh mục ngành, nghề; tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia; chuẩn đầu ra; chương trình đào tạo... trong GDNN; thông tin, báo cáo chính xác, kịp thời về nhu cầu đào tạo, sử dụng lao động theo ngành nghề và nhu cầu tuyển dụng lao động của doanh nghiệp; chỉ sử dụng lao động đã qua đào tạo nghề hoặc có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia ở một số ngành nghề theo quy định của pháp luật.

Còn về các nội dung Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã triển khai Chỉ thị 24, cụ thể là:

Ban hành Quyết định số 980/QĐ-LĐTBXH của Bộ LĐTBXH ngày 11-8-2020 để triển khai Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 24/CT-TTg. Kế hoạch gồm bốn nhóm nội dung: Xây dựng, hoàn thiện chính sách phát triển giáo dục nghề nghiệp; Tăng cường công tác truyền thông trong giáo dục nghề nghiệp; Nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục nghề nghiệp và Xây dựng kế hoạch, chương trình, dự án về phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030.

Tổng cục GDNN đã ban hành Quyết định 607/QĐ-TCGDNN ngày 21-9-2020 về việc triển khai thực hiện Kế hoạch thực hiện Quyết định 980/QĐ-LĐTBXH. Tại Quyết định này, Tổng cục GDNN đã triển khai bốn nhóm nội dung thành 24 nhiệm vụ cụ thể và phân công cho các vụ, đơn vị của Tổng cục triển khai thực hiện.

 14:35

Bạn đọc Lê Quang Khôi (Quận 7, TP Hồ Chí Minh) hỏi Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký HBA Trần Thiên Long: Trước đây từng xảy ra tình trạng cử nhân giấu bằng để xin đi làm công nhân vì doanh nghiệp chỉ tuyển dụng lao động phổ thông. Ông có thể cho biết, tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, còn tình trạng này không?

Ông Trần Thiên Long:

Trong thời gian vừa qua, TP Hồ Chí Minh đã có định hướng về việc chuyển đổi tất cả các khu chế xuất, khu công nghiệp sang sử dụng công nghệ cao. Đồng thời, mở rộng diện tích các khu công nghiệp, chuyển hướng sang quy trình tự động hóa thông minh, sử dụng năng lượng sạch và tái tạo. 

Ngoài ra, các khu công nghiệp hiện nay thu hút đầu tư các dự án có hàm lượng khoa học, công nghệ với giá trị thương mại rất cao. Vì vậy câu chuyện giấu bằng là của quá khứ 10 năm trước. Hiện nay, xu thế đòi hỏi người lao động phải có chuyên môn cao. 

Chúng ta có thể thấy rõ các bạn học sinh, sinh viên buộc lòng phải phấn đấu để đạt trình độ chuyên môn tiêu chuẩn, phù hợp làm việc ở các khu công nghiệp cao.

 14:40

 Bạn đọc Trần Thị Thanh (Thành phố Vinh, Nghệ An): Thưa ông Trần Thiên Long, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký HBA, xin ông cho biết nhu cầu tuyển dụng lao động, đặc biệt là lao động có kỹ năng, có chuyên môn được đào tạo nghề tại các khu công nghiệp, khu công nghiệp TP Hồ Chí Minh hiện nay như thế nào? Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 hiện nay, các doanh nghiệp có gặp khó khăn gì trong công tác tuyển dụng không?

Ông Trần Thiên Long:

Theo thống kê mới nhất, tình hình hoạt động của khu chế xuất công nghiệp trong chín tháng đầu năm 2020 của Ban quản lý khu chế xuất, khu công nghiệp (KCX, KCN) TP Hồ Chí Minh, chúng ta thấy rõ những con số mà các bạn quan tâm. Số liệu cho thấy sự thu hút ngành nghề tại KCX, KCN là đa dạng, trên tinh thần đa dạng đó thì hiện nay các DN trong KCN, KCN vẫn quan tâm ưu tiên hàng đầu cho nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng các ngành nghề được đầu tư bài bản.

Giao lưu trực tuyến
Ảnh: Duy Linh. 

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn. Để duy trì sản xuất, phát triển, DN phải thắt lưng buộc bụng để hỗ trợ người lao động. Đương nhiên nhu cầu tuyển dụng sẽ bị ảnh hưởng. 

Một vấn đề khác nữa là mức lương. Mức lương hiện nay không thể hấp dẫn thu hút người lao động. Ngoài ra, các tiện ích kèm theo mà DN phải chăm lo cũng bị ảnh hưởng.

Tình hình dịch cũng tạo ra sự trái chiều. Thí dụ, doanh nghiệp ngành thực phẩm, đồ uống có thêm đơn hàng, họ tập trung tuyển dụng nhân lực để đáp ứng nhu cầu sản xuất. Ngược lại, đối với doanh nghiệp dệt may, da giày thì đơn hàng giảm sút, kéo theo nhân lực giảm sút. Như vậy, nhu cầu thực tế cũng còn tùy vào ngành nghề. 

Tuy nhiên, cần nhấn mạnh rằng, dù trong hoàn cảnh nào, trong sự phát triển hội nhập, các DN đầu tư chất lượng cao vẫn mong muốn, ưu tiên tuyển dụng nhân lực có chất lượng cao để bảo đảm sự phát triển.

 14:45

 Bạn đọc Nguyễn Văn Dũng (Mê Linh, Hà Nội): Xin được hỏi ông Phạm Tất Thắng, ông đánh giá thế nào về yêu cầu mà Chỉ thị 24 đưa ra là chuẩn hóa lực lượng lao động để hội nhập quốc tế? Theo ông, cần làm gì để làm tốt vấn đề này?

Giao lưu trực tuyến
 

TS Phạm Tất Thắng:

Cảm ơn câu hỏi của độc giả, đây là câu hỏi lý thú. Nội dung này liên quan đến Chỉ thị 24 đã được các khách mời trả lời khá cụ thể trước đó.

Về mặt quản lý, Chính phủ đã nhận thức vấn đề này sớm và rõ, nên từ năm 2016 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1982/QĐ-TTg phê duyệt khung trình độ quốc gia Việt Nam. Khung này tương thích với chuẩn trình độ của khu vực ASEAN. 

Trong quá trình thực hiện, Thủ tướng tiếp tục ban hành Chỉ thị 24, tiếp tục nâng cao chất lượng chuẩn hóa trình độ của lực lượng lao động. Mục tiêu xác định rõ, quan điểm chủ trương cũng rất rõ ràng nhưng để thực hiện là câu chuyện đòi hỏi có sự quan tâm của cả hệ thống chính trị.

Chỉ thị 24 quy định rõ trách nhiệm bộ, ngành địa phương từ Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; Bộ Giáo dục - Đào tạo tới các địa phương.

Để thực hiện tốt nâng cao trình độ tay nghề, chuẩn hóa tay nghề, kỹ năng của đội ngũ lao động có hai mức: Mức quốc gia và địa phương.

Ở mức quốc gia, với cơ quan quản lý, trong Chỉ thị 24 xác định rõ, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội có trách nhiệm thay mặt Chính phủ quản lý nhà nước về lao động việc làm và giáo dục nghề nghiệp cần xây dựng một loạt quy định về thể chế, khung pháp lý, các quy định chuẩn kỹ năng nghề, triển khai các chương trình chuyên gia quốc tế trong nghề nghiệp gồm: đào tạo, cơ sở vật chất, trang thiết bị, giáo viên để đánh giá kỹ năng nghề của người lao động theo chuẩn.

Với các địa phương, Chỉ thị 24 quy định rõ, các địa phương có hai nhiệm vụ quan trọng: Thứ nhất là tập trung đầu tư nâng cao năng lực của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và thứ hai là khuyến khích doanh nghiệp tạo những cơ chế, chính sách sử dụng lực lượng lao động được đào tạo, cung cấp ra thị trường thông qua đào tạo. 

Địa phương cũng cần thống nhất quản lý phân luồng học sinh sau trung học phổ thông để các em học nghề lên bậc cao hơn. Giáo dục nghề phải nâng cao năng lực, theo chuẩn khu vực và quốc tế. Đây là quy định khá toàn diện nhưng để thực hiện cần sự đồng bộ và toàn diện từ Trung ương tới địa phương. 

 15:00

 Bạn đọc Lê Thị Hòa (Thành phố Bắc Ninh): Thưa ông Tổng Cục trưởng GDNN Trương Anh Dũng, theo ông, với Chỉ thị 24 của Thủ tướng ban hành sẽ tạo điều kiện cũng như hành lang thực thi các cơ chế, chính sách ra sao trong hoạt động đào tạo nghề của nước ta, cũng như khắc phục ra sao đối với những khó khăn trong đào tạo nghề trước đây?

Giao lưu trực tuyến
 

Tổng Cục trưởng GDNN Trương Anh Dũng:

Sau khi Chỉ thị 24 ra đời, việc triển khai các cơ chế chính sách được chúng ta đặt ra cụ thể.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành ngay kế hoạch hành động, Tổng cục GDNN cũng có kế hoạch cụ thể, các bộ ngành địa phương cũng ban hành các kế hoạch chi tiết để triển khai chỉ thị này. Hiện nay, chúng ta đã có sự vào cuộc đồng bộ của các cấp các ngành từ trung ương tới địa phương. 

Hiện nay, có khoảng 2.000 cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Tuy nhiên, cái khó là chúng ta cần biết rằng thị trường hiện nay, trong 5-10 năm tới như thế nào. Trong Chỉ thị đặt ra là phải dự báo được những vấn đề này. Quy mô nhân lực qua đào là bao nhiêu, cơ cấu ngành nghề,  yêu cầu về năng lực làm sao để từ đó các trường tổ chức thiết kế chuẩn đầu ra, thiết kế chương trình, tiếp tục đổi mới các điều kiện để bảo đảm chất lượng chương trình, giáo trình, cho đến cơ sở vật chất trang thiết bị, và năng lực đội ngũ nhà giáo. Quan trọng là phải gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp. 

 15:10

 Bạn đọc Trần Kim Dung (Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc): Một trong những nội dung là Chỉ thị 24 là chuẩn hóa lực lượng lao động để hội nhập quốc tế. Công tác này đã và đang được Tổng cục GDNN triển khai như thế nào?

Tổng Cục trưởng GDNN Trương Anh Dũng:

Chuẩn hóa là tất yếu vì trong Chỉ thị Thủ tướng đặt ra. Chúng ta hình dung nếu như hiện nay chỉ có 25% lực lượng lao động được đào tạo, thì rõ ràng năng suất lao động và năng lực cạnh tranh bị ảnh hưởng, đồng thời cũng phải hướng tới hội nhập thị trường lao động quốc tế. 

Giao lưu trực tuyến
 

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đang tập trung đến một số giải pháp. Đầu tiên là thể chế. Trong Bộ luật Lao động mà Quốc hội đã thông qua năm 2019, chương đầu tiên về phát triển kỹ năng và giáo dục nghề nghiệp đã đặt ra yêu cầu là phải chuẩn hóa về các kỹ năng cho lực lượng lao động 

Chúng tôi đang xây dựng thông tư quy định các ngành nghề bắt buộc phải sử dụng các lao động có chứng chỉ bằng cấp qua hệ thống giáo dục nghề nghiệp, hoặc chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia. Trên thị trường lao động hiện nay, có nhiều người lao động đang làm việc nhưng không hề có chứng chỉ ngành nghề.

Trong ngành, chúng tôi cũng đang phải chuẩn hóa hệ thống đào tạo để tương thích. Trong đó, chúng tôi hướng tới hai nhóm vấn đề. Thứ nhất là chuẩn hóa với yêu cầu của phát triển thị trường lao động trong nước, đồng thời hướng tới thị trường quốc tế. Trong thời gian qua chúng tôi đã xây dựng một số chương trình theo chuẩn quốc tế để tổ chức đào tạo và nhân rộng trong hệ thống. Thứ hai, chúng tôi sắp xếp lại các mạng lưới, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu, trong đó tập trung chuẩn hóa điều kiện bảo đảm chất lượng, đặc biệt là chuẩn của nhà giáo, người làm công tác quản lý đào tạo, chuẩn về cơ sở vật chất, về định mức kinh tế kỹ thuật.

Trong năm năm vừa qua, chúng tôi đã xây dựng được gần 300 bộ tiêu chuẩn về định mức kinh tế kỹ thuật, và chuẩn về cơ sở vật chất, trang thiết bị cho cơ sở đào tạo. Những bộ tiêu chuẩn này có sự tham gia của doanh nghiệp, vì chính họ mới hiểu hơn ai hết những yêu cầu về vị trí việc làm, về tiêu chuẩn đào tạo như thế nào và đặt hàng. Xây dựng hệ thống quản lý đánh giá kỹ năng nghề, rà soát lại, bổ sung các danh mục ngành nghề mà hiện nay còn thiếu so với thị trường lao động.

Chúng tôi cũng mới triển khai thí điểm mô hình Hội đồng quản lý kỹ năng nghề với sự tham gia của Hiệp hội doanh nghiệp để họ xác định yêu cầu về tiêu chuẩn đào tạo, yêu cầu về vị trí việc làm, kỹ năng nghề nghiệp mà người lao động cần có, để chúng tôi thiết kế quay trở lại và phát triển chương trình để chuyển đổi đào tạo. 

Giao lưu trực tuyến
 

 15:20

 Bạn đọc Trương Thanh Hà (Cần Thơ): Hiện tại, để thực hiện Chỉ thị 24 của Thủ tướng, xin ông Trần Thanh Hải có thể cho biết các trường nghề của mình đang gặp những khó khăn, vướng mắc nào trong quá trình xây dựng, hoàn thiện hệ thống chất lượng giáo dục? Theo ông, đây có phải là những khó khăn chung của các trường nghề hiện nay?

Giao lưu trực tuyến
 

Ông Trần Thanh Hải:

Chị thị 24 đã tạo ra luồng gió mới cho hệ thống giáo dục nghề nghiệp và đặc biệt là cho các cơ sở đào tạo.

Để thực hiện được Chỉ thị này, tôi đồng tình với các nhận định trước của các diễn giả, chúng ta cần chuẩn hóa chương trình giáo dục, cũng như chứng chỉ nghề nghiệp. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp hiện đang trông đợi rất nhiều ở Chỉ thị 24.

Hiện có 2.000 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, có rất nhiều cơ sở thực hiện rất tốt, tuy nhiên vẫn còn đâu đó nhưng cơ sở không bảo đảm chất lượng, dẫn đến ảnh hưởng đến các cơ sở thực hiện tốt.

Trong khi chờ đợi chuẩn hóa, chúng tôi thực hiện liên kết với các tổ chức cơ sở đào tạo nước ngoài đã được chuẩn hóa như Mỹ, Đức.... Thông qua liên kết, các cơ sở này sẽ chuyển giao các chương trình đã được chuẩn hóa của họ cho chúng tôi.

Theo tôi cần thừa nhận chất lượng đào tạo của các cơ sở thông qua chất lượng nhân lực đầu ra cũng như chất lượng của các chương trình đã thừa nhận ở nước ngoài.

 15:30

 Bạn đọc Võ Mai An (Thành phố Đà Nẵng): Thưa TS Phạm Tất Thắng, ông đánh giá ngân sách đầu tư cho giáo dục nghề nghiệp trong thời gian gần đây đã có hiệu quả thực chất hay chưa?

Ông Phạm Tất Thắng:

Việc đánh giá hiệu quả của sử dụng ngân sách dành cho giáo dục nói chung và giáo dục nghề nghiệp nói riêng là vấn đề rất quan trọng và chúng ta cần phải quan tâm. 

Như thống kê mà Tổng cục trưởng GDNN Trương Anh Dũng vừa nêu, con số 20% ngân sánh dành cho giáo dục là tỷ lệ lớn, thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước ta đối với giáo dục. Tuy nhiên, do quy mô nền kinh tế còn nhỏ nên con số tuyệt đối của 20% không phải nhiều. Trong khi đó, hệ thống giáo dục của chúng ta phải đáp ứng của khoảng1/5 dân số, hơn 22-23 triệu học sinh, sinh viên của tất cả các bậc học. Theo quy định của luật, bậc học tiểu học là giáo dục bắt buộc cho nên phải tập trung kinh phí cho bậc học này.

Trong giai đoạn vừa qua và cho đến hiện nay, Đảng, Nhà nước và Chính phủ rất quan tâm đến giáo dục nghề nghiệp. Nhưng đúng là con số 8% của ngân sách dành cho giáo dục nghề nghiệp có lẽ chưa đáp ứng được yêu cầu để chúng ta có thể mong muốn, kỳ vọng rằng giáo dục nghề nghiệp có thể chuyển mình mạnh mẽ trong thời gian tới ở cả hai khía cạnh. Một mặt là tăng cường, nâng tỷ lệ lao động thông qua đào tạo; mặt khác là tập trung đầu tư, nâng cao hiệu quả đào tạo. 

Để đạt mục tiêu cao thì rõ ràng cần tập trung đầu tư. Ở khía cạnh khác, đầu tư và sử dụng ngân sách dành cho giáo dục nghề nghiệp, qua quan sát thực tế, có thể thấy rằng chưa đạt hiệu quả. Thí dụ, ngân sách không nhiều, nhưng chúng ta đầu tư dàn trải hệ thống cơ sở nghề nghiệp từ trung ương đến địa phương. Hệ thống lớn như vậy mà chúng ta không quy hoạch lại thì hiệu quả không cao. 

Tôi cho rằng nên quan tâm hai yếu tố, chính phủ cần dành nguồn lực thích đáng cho giáo dục nghề nghiệp, mặt khác hiệu quả của sử dụng ngân sách cho giáo dục nghề nghiệp cần được quan tâm hơn nữa. 

 15:35

 Bạn đọc Trịnh Anh Thu (Phú Quốc, Kiên Giang): Tôi xin hỏi Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký HBA Trần Thiên Long: Xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, các tập đoàn, doanh nghiệp sẽ là đối tượng hưởng lợi trực tiếp. Ông đánh giá thế nào về Chỉ thị 24 của Thủ tướng Chính phủ, và các doanh nghiệp cần có trách nhiệm thế nào trong việc triển khai Chỉ thị này?

Ông Trần Thiên Long:

Từ góc độ của Hiệp hội, tôi cho rằng có mấy vấn đề sau đây. 

Thứ nhất là doanh nghiệp nên chủ động liên kết đào tạo với các đơn vị nhà trường, phải tạo điều kiện tốt nhất để giảng viên, sinh viên được thực tập, thực hành tại nơi sản xuất của doanh nghiệp . Tuy nhiên, thực tiễn trong thời gian vừa qua thì không phải là doanh nghiệp nào cũng đồng ý. Nguyên do là họ băn khoăn về việc bảo đảm bí mật công nghệ, tài chính doanh nghiệp. Song tôi cho rằng, doanh nghiệp phải chủ động hơn trong câu chuyện này để có tiếng nói chung, có sự đồng hành với các nhà trường. 

Thứ hai, chúng tôi cũng nhận thấy doanh nghiệp phải có trách nhiệm tập trung cùng với nhà trường tham gia xây dựng chương trình đào tạo. Tôi cho rằng đây là việc rất cần thiết. Doanh nghiệp có thể trực tiếp cùng với nhà trường ngồi lại, tham gia xây dựng các chương trình đào tạo nhằm kịp thời bổ sung, điều chỉnh những chương trình mang tính thiết thực, gắn với nhu cầu thực tiễn của doanh nghiệp. 

Qua câu chuyện này, tôi nhận thấy các hiệp hội cũng cần có sự quan tâm, đưa vào chương trình hành động của hiệp hội việc hỗ trợ kết nối giữa nhà trường và các doanh nghiệp.  

Qua buổi giao lưu trực tuyến hôm nay, Hiệp hội cũng xin đề nghị Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp nên làm thí điểm một vài địa phương lớn có doanh nghiệp lớn ký kết liên tịch, hợp tác toàn diện gắn kết nhu cầu thực tiễn đào tạo của các trường dạy nghề. Bởi vì qua ký kết thí điểm, Tổng cục sẽ có cái nhìn rõ hơn, có số liệu cụ thể để đưa ra được dự báo đào tạo.  

 15:40

 Bạn đọc Trịnh Thu Thủy (Thành phố Vũng Tàu): Dịch bệnh Covid-19, các hiệp định thương mại tự do và cả Chỉ thị 24 của Thủ tướng đang đặt ra vấn đề cần nhanh chóng nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, từ chất lượng đào tạo của các trường nghề, đến cần phải đào tạo những ngành nghề mới đáp ứng sự thay đổi. Xin hỏi Tổng Thư ký Hiệp hội HBA Trần Thiên Long, theo ông, các trường nghề cần làm gì để nâng cao chất lượng, phù hợp với yêu cầu và bối cảnh mới?

Giao lưu trực tuyến
 

Tổng Thư ký Hiệp hội HBA Trần Thiên Long:

Với vai trò Hiệp hội các doanh nghiệp, chúng tôi thấy để nâng cao chất lượng đào tạo bối cảnh mới thì các trường đào tạo nên quan tâm vấn đề cốt lõi như sau:

Thứ nhất, cần xây dựng chương trình đào tạo có sự tham gia của doanh nghiệp. Thông qua các hội thảo xây dựng chương trình đào tạo, triển khai công nghệ, nghiên cứu dự báo tương lai của nhà trường nên có sự tham gia của doanh nghiệp, vì nó sẽ tạo ra sự gắn kết đào tạo theo nhu cầu.

Thứ hai, chương trình đào tạo cần có tính mở. Điều này rất quan trọng với đơn vị đào tạo để dễ dàng bổ sung, loại bỏ môn học không còn phù hợp với thực tiễn.

Thứ ba, các chương trình cần mời chuyên gia từ doanh nghiệp đến cơ sở đào tạo dạy nghề để truyền đạt kinh nghiệm cho các em một phần môn học. Các bạn học ở nhà trường là học cụ thể các môn học, nhưng nếu nghe thêm giám đốc các nhà máy, giám đốc nhân sự, giám đốc sản xuất nói câu chuyện thực tiễn nhà máy sẽ thấy nội dung học phong phú và có sự cập nhật kịp thời. Điều này giúp các em có cái nhìn thực tiễn, ra trường không bỡ ngỡ, kịp thời phát triển bản thân.

Thứ tư, nên phối hợp doanh nghiệp tổ chức đào tạo tại xưởng, trường. Trường có cơ sở hạ tầng, nhà máy có máy móc, chuyên gia. Sự kết hợp đào tạo sản xuất tại xưởng nhà trường sẽ rất hay, đây là sự phối hợp đồng bộ nhiều giải pháp.

Cuối cùng, Hiệp hội thấy, nhà trường cần đẩy mạnh đào tạo kỹ năng. Trong quá trình hoạt động thực tiễn, doanh nghiệp than phiền rất nhiều vấn đề này nên nhà trường phải tập trung đào tạo kỹ năng hơn nữa, xây dựng chương trình thực tiễn hơn, tăng cường ngoại ngữ, tăng cường kỹ năng mềm, kỹ năng giao tiếp bên cạnh kỹ năng chuyên môn.

Tôi cho rằng, với sự phối hợp như trên, người học ra trường bản lĩnh hơn, vững vàng hơn, tiếp cận thực tiễn giá trị hơn.

 15:45

Bạn đọc Nhanh Nguyen: Em là học sinh THPT Trung Phú, Củ Chi, TP Hồ Chí Minh. Vừa rồi em có thi tốt nghiệp được khối A 25,25 điểm, em thấy trường Cao đẳng Viễn Đông có chương trình học bổng nên em đã xét tuyển vào để học 3.5 năm ra có bằng Đại học Kinh tế (theo chương trình liên thông), và em được thông báo trúng tuyển. Em rất mơ ước học ĐH Kinh tế nhưng đã rớt nguyện vọng 1. Em thấy trường Viễn Đông có chương trình em muốn học nhưng em còn lo lắng chưa hiểu rõ chương trình, kính mong các thầy có thể giải đáp giúp em về khả năng tìm việc làm sau khi ra trường và về tấm bằng em sẽ đạt được?

Ông Trần Thanh Hải, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Viễn Đông:

Đầu năm 2020, chúng tôi ký hợp tác liên thông với trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh. Nhưng đó chỉ là một yếu tố nhỏ, còn yếu tố quan trọng nhất là ngày 28-5-2020, Thủ tướng đã có Chỉ thị 24 về vấn đề thực hiện đào tạo nghề nghiệp cho hệ 9+, vì thế chúng tôi có thể tập trung đào tạo tốt ở hệ này.

Hiện nay, các em sau khi tốt nghiệp THCS, THPT mà lựa chọn đi học các cơ sở nghề nghiệp, tôi cho rằng đây là một lựa chọn và hướng đi sự nghiệp hợp lý, nếu các em chấp nhận được rằng “cuộc chơi” của mình sẽ không cần tới tấm bằng đại học. 

Khi không học đại học, các bạn có thể học tại cơ sở nghề nghiệp, rồi sau đó vừa đi làm vừa liên thông lên đại học. Với kinh nghiệm của tôi, thì chính những bạn học liên thông, vừa học vừa đi làm sẽ học rất tốt ở những lớp tôi dạy. Đây là hướng đi hoàn toàn phù hợp các quy định của pháp luật, được Quốc hội khuyến khích khi quá trình học tập của chúng ta là suốt đời.

Chúc ước mơ của em thành công!

 15:50

 Bạn đọc Lê Xuân Phúc (Việt Yên, Bắc Giang): Hiện nay năng suất lao động của Việt Nam đang ở mức thấp kể cả ở trong khu vực (ASEAN) cũng như trên thế giới. Một trong những nguyên nhân là do chất lượng nguồn nhân lực. Tỷ lệ lao động qua đào tạo của chúng ta mới chỉ đạt 25% lao động qua đào tạo từ 3 tháng trở lên có chứng chỉ. Đây chính là thách thức lớn nhất của Việt Nam khi tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như EVFTA và CPTPP. Theo ông, giải pháp nào để cải thiện tình trạng này trong thời gian tới?

Ông Phạm Tất Thắng:

Hiện nay năng suất lao động tăng dần đều ở các lĩnh vực ngành nghề, mặc dù tốc độ tăng không đồng đều nhưng có thể thấy là có cải thiện rõ trong những năm gần đây. Tuy nhiên cải thiện so với chính chúng ta, chứ so với thế giới và khu vực thì vẫn là vấn đề cần phải quan tâm.

Năng suất lao động của chúng ta rất thấp so với khu vực. Thí dụ năng suất lao động của chúng ta chỉ bằng 1/3 so với của Indonesia, bằng 1/6 của Malaysia, và bằng 1/12 của Singapore. Những con số so sánh như vậy với ngay các quốc gia trong khu vực đã là một báo động đối với năng suất lao động của Việt Nam. Chúng ta sẽ phải giải quyết được hai vấn đề thì mới tận dụng tốt nguồn lực của mình. Trước tiên là cần nâng cao năng suất lao động, và cần có những giải pháp hiệu quả để sử dụng triệt để và hiệu quả nguồn lao động.  

Theo tôi, có hai giải pháp quan trọng để nâng cao năng suất lao động. Hiện nay lực lượng lao động có đào tạo từ sơ cấp ba tháng trở lên, có chứng chỉ của chúng ta mới có khoảng 1/5 cho đến 1/5 (khoảng 25%). Một mặt chúng ta phải có cơ chế, giải pháp phân luồng, thu hút tạo điều kiện để người lao động học nghề, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế cùng tham gia đào tạo nghề để nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo. Mặt khác, hiệu quả đào tạo, tức là chúng ta đào tạo tay nghề, kỹ năng của người lao động ra trường phải đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp, của nền kinh tế, xã hội. Khi chúng ta nâng cao được chất lượng hiệu quả đào tạo, có một hướng khác cho sử dụng lao động. Đó là đối với lực lượng lao động trẻ, dồi dào như vậy, có thể tăng cường xuất khẩu lao động, không chỉ các nghề thông thường, mà còn cả các lao động có tay nghề, trình độ cao. Khi đó hiệu quả của xuất khẩu lao động sẽ nâng cao. Một mặt là tăng đào tạo, nhưng mặt khác cũng phải nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo.

Bên cạnh đó là những điều kiện khác về thể chế, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, sự phối hợp đồng bộ với các yếu tố khác nữa để có thể nâng cao năng suất lao động của người Việt Nam.  

 16:00

 Bạn đọc An Xuan (nguyenxuananh1xxxx@gmail.com): Thầy, cô cho em hỏi bây giờ trường nghề còn nhận hồ sơ không? Vừa rồi em đợi kết quả đại học nhưng em đã bị trượt, em muốn đi học nghề thì có được xét không và hình thức nộp hồ sơ như thế nào? Liệu em có phải chạy đến trường trực tiếp không?

Tổng Cục trưởng Tổng cục GDNN Trương Anh Dũng:

Phương thức tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp rất linh hoạt, chúng tôi mở lớp quanh năm, cứ đủ lớp là mở. Tuy nhiên, tùy thời điểm, có thể chương trình đã đủ học sinh và đã bắt đầu khai giảng

Hiện có nhiều phương thức nộp hồ sơ như nộp trực tiếp; nộp qua bưu điện; hoặc nộp trực tuyến.

Trong nộp trực tuyến có những địa chỉ sau để bạn đọc có thể sử dụng để tìm hiểu thông tin, cũng như nghề nghiệp phù hợp.

Thứ nhất, chúng tôi có app chọn nghề trên di động có rất nhiều thông tin về các cơ sở đào tạo, các ngành nghề đang tổ chức đào tạo, kể cả thu nhập của nghề sau đào tạo, mức học phí cần nộp là bao nhiêu... Trong app, có hàng trăm nghề cũng như hàng trăm cơ sở đào tạo để lựa chọn

Thứ hai, các bạn có thể vào web xét tuyển nghề, hoặc web của trường để lựa chọn nghề cần học cũng như trường sau đó có thể nộp hồ sơ trực tuyến hoặc app đã nêu ở trên...

Chúc bạn sớm chọn được nghề và trường phù hợp.

Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Viễn Đông Trần Thanh Hải:

Đúng như anh Trương Anh Dũng đã nói, chúng tôi tuyển sinh quanh năm. Tuy nhiên, hiện trường cũng có một số nghề đã tuyển sinh đủ và khai giảng như nghề về ô-tô. Theo đó, bạn cần sử dụng các phương thức nộp hồ sơ nêu trên để tìm hiểu về các ngành học phù hợp.

 16:05

Bạn đọc Trịnh Quốc Minh (Dĩ An, Bình Dương): Xin hỏi Tổng Cục trưởng GDNN Trương Anh Dũng, được biết, một trong những điểm quan trọng nhất trong nội dung của Chỉ thị 24 là ưu tiên phân bổ ngân sách cho giáo dục nghề nghiệp. Ông có thể cho biết nguồn ngân sách này hiện nay được đầu tư như thế nào? Và nếu chúng ta thực hiện được đúng yêu cầu Chỉ thị đặt ra về nội dung này, sẽ có thay đổi như thế nào?

Tổng Cục trưởng GDNN Trương Anh Dũng:

Các văn bản quy phạm pháp luật hiện nay đều xác định ưu tiên đầu tư cho giáo dục nói chung và giáo dục nghề nghiệp nói riêng. Điều 96 Luật Giáo dục số 43/2019/QH14 đã xác định: Nhà nước ưu tiên hàng đầu cho việc bố trí ngân sách giáo dục, bảo đảm ngân sách nhà nước chi cho giáo dục, đào tạo tối thiểu là 20% tổng chi ngân sách nhà nước.

Luật Giáo dục nghề nghiệp số 74/2014/QH13 cũng quy định: Ngân sách cho giáo dục nghề nghiệp được ưu tiên trong tổng chi ngân sách nhà nước cho giáo dục, đào tạo. Để triển khai các quan điểm đó, Chỉ thị 24 đã nhấn mạnh: ưu tiên phân bổ ngân sách cho giáo dục nghề nghiệp trong tổng chi ngân sách nhà nước dành cho giáo dục, đào tạo và trong các chương trình, dự án của ngành, địa phương.

Với chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hiện nay mới chỉ được tham gia xây dựng kế hoạch, đề xuất phân bổ kinh phí Chương trình mục tiêu, Chương trình mục tiêu quốc gia và kinh phí các dự án ODA trực tiếp quản lý cho giáo dục nghề nghiệp.

Hiện nay, theo thống kê, nguồn ngân sách nhà nước dành cho lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp chiếm khoảng 8% trong tổng chi ngân sách nhà nước cho lĩnh vực Giáo dục, đào tạo và dạy nghề (theo báo cáo phân tích ngành năm 2020 của Ngân hàng phát triển châu Á), trong đó: Giai đoạn 2016-2020, ngân sách Trung ương từ Chương trình mục tiêu, Chương trình mục tiêu quốc gia đã hỗ trợ cho lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp khoảng 8.700 tỷ đồng; đồng thời, đã triển khai đồng bộ 09 dự án của các nhà tài trợ nước ngoài với kết quả giải ngân là 1.212 triệu đồng.

Thông qua đó, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã được hỗ trợ đầu tư sửa chữa, cải tạo nhà xưởng thực hành, mua sắm máy móc, trang thiết bị phục vụ đào tạo; phát triển chương trình, giáo trình; đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý; học sinh, sinh viên được tiếp cận, thực hành trên những máy móc thiết bị hiện đại, phù hợp với thực tế sản xuất tại doanh nghiệp. Tuy nhiên, nguồn kinh phí trên chưa thể đáp ứng nhu cầu nâng cao chất lượng nhân lực có kỹ năng nghề phục vụ trực tiếp cho sản xuất, kinh doanh và dịch vụ.

Để thực hiện chủ trương đổi mới căn bản toàn diện giáo dục đào tạo, giai đoạn tới, cần ưu tiên phân bổ ngân sách cho giáo dục nghề nghiệp trong tổng chi ngân sách nhà nước dành cho giáo dục, đào tạo và trong các chương trình, dự án của ngành, địa phương để tiếp tục đầu tư nâng cao các điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục nghề nghiệp. Đồng thời, đổi mới cơ chế phân bổ chi thường xuyên ngân sách nhà nước hiện nay sang đấu thầu, đặt hàng, giao nhiệm vụ theo số lượng và chất lượng, kết quả đầu ra nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước.

Bên cạnh đó, tập trung triển khai các hoạt động như: thúc đẩy doanh nghiệp tham gia giáo dục nghề nghiệp; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp; đào tạo, đào tạo lại, chuyển đổi nghề nghiệp cho người lao động thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
 

 16:10

Bạn đọc Vi Thanh Hà (Đồng Đăng, Lạng Sơn): Xin hỏi TS Phạm Tất Thắng: Theo ông, cần làm gì để gắn kết chặt chẽ “ba nhà”: Nhà nước - Nhà trường - Nhà doanh nghiệp trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp để cả ba bên cùng có lợi?

TS Phạm Tất Thắng:

Đây là một vấn đề rất quan trọng, về giáo dục nghề nghiệp có hiệu quả thì chắc chắn là phải gắn kết được chặt chẽ ba "nhà", nhất là Nhà nước. Nhà nước sẽ là bên đặt hàng, tạo ra nhu cầu lao động, tạo ra cơ chế chính sách để hệ thống giáo dục nghề nghiệp các trường dạy nghề hoạt động phát triển; tạo ra nhu cầu sử dụng lao động và sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp phát triển.

Còn nhà trường thì rõ ràng là nơi sẽ nhận đặt hàng từ xã hội, từ nhà nước, từ doanh nghiệp để hoạt động, để đào tạo đội ngũ lao động có tay nghề và doanh nghiệp thì vừa là người sử dụng lao động vừa là người đặt hàng đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đồng thời là nơi trực tiếp sử dụng lao động và tạo ra các giá trị cho xã hội.

Cho nên, để hoạt động giáo dục nghề nghiệp có kết quả, có hiệu quả thì phải gắn kết chặt chẽ "ba nhà". Trong kinh tế thị trường thì đây là câu chuyện lợi ích, "nhà" nào cũng sẽ phải tạo ra được cái lợi ích thì cái mối liên kết này mới bền chặt và hoạt động giáo dục nghề nghiệp mới có kết quả và tựu chung là nhà nước cũng phải có lợi. Kinh tế xã hội phải phát triển, lực lượng lao động phải được đào tạo,  nhà trường thì phải có đơn đặt hàng, phải có hoạt động đóng góp cung cấp lực lượng lao động cho xã hội.

Đương nhiên, doanh nghiệp hoạt động phải có lực lượng lao động, phải có đội ngũ những người lao động và phải tạo ra giá trị thông qua quá trình sản xuất kinh doanh, theo nghĩa ở đây vừa là cần sự gắn bó chặt chẽ vừa tạo ra những lợi ích cụ thể cho các thành phần tham gia mối liên kết này.

Để giải quyết được những vấn đề này, tôi cho rằng vai trò của Nhà nước rất quan trọng. Từ đầu chương trình nói rất nhiều đến Chỉ thị 24 của Thủ tướng, nó cũng là đòn bẩy tạo ra các cơ chế chính sách, những động lực để cho các bên tham gia vào chuỗi cung ứng lao động này đều có lợi ích và qua đó thì nâng cao được hiệu quả hoạt động của mình và qua đó đóng góp trở lại cho sự phát triển của nền kinh tế. 

 16:15

Bạn đọc Hà Văn Đạo (Hải Châu, Đà Nẵng): Thưa Tổng Cục trưởng GDNN Trương Anh Dũng, ngày 4-10 hằng năm đã chính thức được công nhận Ngày Kỹ năng lao động Việt Nam. Ông có thể chia sẻ ý nghĩa Ngày đối với lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp. Và trong thời gian tới, Tổng cục sẽ triển khai những hoạt động gì để Ngày Kỹ năng lao động Việt Nam thực sự có ý nghĩa? Chương trình Đại sứ kỹ năng nghề đã phát động được một thời gian. Ông có thể cho biết, đến nay, các đại sứ đã có hoạt động gì để quảng bá về kỹ năng nghề trong cộng đồng?

Ông Trương Anh Dũng:

Lần đầu tiên chúng ta có Ngày Kỹ năng lao động Việt Nam. Ngày này hưởng ứng Ngày Kỹ năng thanh niên thế giới hằng năm (ngày 15-7) đã được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua vào năm 2014. Ngày Kỹ năng lao động Việt Nam tôn vinh và lan tỏa giá trị của những người lao động có kỹ năng, đặc biệt là người có tay nghề xuất sắc. Đây là điều đáng mừng vì câu chuyện về người thợ, người lao động có tay nghề cao, nhận thức của người học, người dân về vấn đề học nghề vẫn chưa được xã hội nhận thức đầy đủ. Do vậy Ngày Kỹ năng lao động Việt Nam là hết sức cần thiết. 

Trên thực tế, trong thời gian qua, sau khi Thủ tướng Chính phủ công nhận ngày này, Bộ LĐ, TB và XH lần đầu tổ chức lễ tuyên dương học sinh, sinh viên tiêu biểu xuất sắc, chọn ra 130 bạn trong gần ba triệu học sinh, sinh viên. Chúng ta có cuộc thi về kỹ năng tay nghề, từ cấp quốc gia đến cấp ASEAN, khu vực và thế giới. Chúng ta đã có được thành tích khá cao trong cuộc thi tay nghề, trong ASEAN có thời điểm chúng ta ở tốp 2, 3, nhiều năm chúng ta đã đạt giải nhất toàn đoàn. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục có chương trình, kế hoạch để thực hiện chỉ thị của Thủ tướng. 

Vừa rồi, khi chúng tôi lựa chọn 10 Đại sứ kỹ năng đầu tiên, các bạn đã làm rất tốt nhiệm vụ của mình. Phần lớn những bạn này đã đạt thành tích cao trong kỳ thi quốc tế. Trong kỳ thi nghề quốc gia tháng 10 vừa qua, các đại sứ đã tham gia làm chuyên gia huấn luyện, một số bạn tham gia vào ban giám khảo, một số bạn khác làm nhiệm vụ truyền cảm hứng và lan tỏa cảm hứng.
 

 16:18

Bạn đọc Vũ Lan Nhi (Kinh Môn, Hải Dương): Xin Hiệu trưởng Trần Thanh Hải cho biết tỷ lệ sinh viên ra trường của trường có việc làm như thế nào? Nhà trường làm thế nào để các chương trình đào tạo tiệm cận với thực tế sản xuất, yêu cầu của doanh nghiệp?

Ông Trần Thanh Hải: Xin cảm ơn độc giả của Báo Nhân Dân điện tử!
Trường Cao đẳng Viễn Đông Thành phố Hồ Chí Minh tọa lạc tại khu công viên phần mềm Quang Trung, là một trong những nơi được xác định đi đầu của Thành phố Hồ Chí Minh cũng như cả nước trong ứng dụng công nghệ, đặc biệt là CNTT, công nghệ 4.0.
Trong những năm vừa qua, có thể nói một cách hết sức chân tình, là trừ các em sinh viên học các khối ngành kinh tế khi ra trường kiếm việc hơi khó khăn, bởi vì số lượng sinh viên đại học mà các ngành kinh tế hiện nay đào tạo trong chừng mực nào đó có phần dư thừa so với nhu cầu xã hội. Còn sinh viên của chúng tôi ở Trường Cao đẳng Viễn Đông học các khối ngành công nghệ, chăm sóc sức khỏe, các ngành kỹ thuật ra trường 100% ra trường có việc làm. Đặc biệt là những em sinh viên học ngành CNTT ở trường chúng tôi, từ cuối năm thứ hai, 50% các em đã là lao động bán thời gian ở các doanh nghiệp trong khu công viên phần mềm Quang Trung.

Cũng như các em sinh viên ngành điều dưỡng, chăm sóc sức khỏe của trường, các bệnh viện công lớn tại thành phố Hồ Chí Minh như Bệnh viện Nhi đồng 1; Nhi đồng 2 và Nhi đồng TP Hồ Chí Minh đã có từng có văn bản gửi qua cho chúng tôi rằng các em chỉ cần học xong chương trình của trường là đã có thể là gia nhập vào lực lượng lao động của họ mà chưa cần tốt nghiệp. Để làm được việc này, qua ý kiến của ông Trương Anh Dũng và ông Phạm Tất Thắng, thì chúng tôi cho rằng, Chỉ thị 24 của Thủ tướng, mà trên nữa đó là Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2014, xác định cuối cùng là chủ thể của chúng ta đang bàn là con người và thật sự là người lao động. Người lao động ở đây, nếu ở trong nhà trường thì họ đang là sinh viên, mà nếu đi ra ngoài họ là người lao động.

Thế thì điều mà chúng ta vẫn hay nói là giữa nhà trường và doanh nghiệp có độ vênh, độ hở thì chúng tôi khắc phục điều đó bằng cái gì?

Thứ nhất, trong các chương trình đào tạo của Trường Cao đẳng Viễn Đông, chúng tôi có thêm một thành phần nữa đó là các cựu sinh viên hiện nay đang đi làm tại các doanh nghiệp. Chính các cựu sinh viên đã học các chương trình của trường đi làm có va vấp, họ có những phản ánh thiết thực về chương trình đã học, khi ra trường sẽ được đào tạo lại, đào tạo bổ sung như  anh Phạm Tất Thắng vừa nói là ý kiến rất hay và chúng tôi đã bổ sung đội ngũ phản biện để xây dựng chương trình là lực lượng công nhân viên đang làm tại các doanh nghiệp, những ngành nghề mà họ đã học.

Thứ hai, đội ngũ giáo viên của chúng tôi, ngoài những giảng viên hàn lâm, trường có mời các giảng viên là các nhà quản trị, các kỹ thuật viên ở các công ty khởi nghiệp. Theo chúng tôi, chính họ khi tham gia vào giảng dạy sẽ mang những yếu tố mới, yếu tố đòi hỏi của doanh nghiệp đưa ngay vào trong chương trình đào tạo của nhà trường. Và như vậy, doanh nghiệp họ cũng có lợi và phía Trường Cao đẳng Viễn Đông cũng có lợi.

Có nghĩa là, doanh nghiệp họ có được đội ngũ lao động chuẩn, thay vì phải đào tạo lại hay đào tạo bổ sung. Quan hệ ở đây không còn là quan hệ người sử dụng lao động và người lao động nữa là quan hệ thầy trò, cô trò, có sức bền chặt, và gắn bó ít nhất cũng phải từ ba năm đến năm năm. Và như vậy, với quan hệ mà tôi đang đề cập là sử dụng cựu sinh viên tham gia vào phản biện chương trình, tôi mời giảng viên là doanh nghiệp thì có thể nói, chiến lược của Trường Cao đẳng Viễn Đông đã tạo ra một sức hút và thể hiện mối quan hệ hết sức hữu cơ xuất phát từ người lao động và người sử dụng lao động cũng như là thầy giáo và sinh viên. Từ đó, tạo nên bước đệm rất tốt cho sinh viên Trường Cao đẳng Viễn Đông ra trường đạt được thành công.
 

 16:20

 Bạn đọc ở địa chỉ email “ngoc255xxxx@gmail.com”: Tôi có câu hỏi xin gửi tới Tổng cục trưởng GDNN Trương Anh Dũng. Tôi thấy hiện nay nhiều trường cao đẳng có tuyển sinh học sinh tốt nghiệp THCS, đặc biệt các cháu theo học sẽ được Nhà nước hỗ trợ cấp bù học phí theo Nghị định 86 dành cho các em học sinh tốt nghiệp THCS đi học nghề. Tôi muốn biết rõ chương trình này hơn. Liệu các cháu mới tốt nghiệp THCS đi học nghề xong thì doanh nghiệp có nhận các cháu làm việc không?

Cùng nội dung tương tự, bạn đọc Phan Long Vinh gửi câu hỏi: Em gái tôi đang theo học chương trình 9+ ở một trường Cao đẳng tại quận 12, trường có tư vấn các em sẽ được hưởng cấp bù học phí theo Nghị định 86. Nhưng tôi có nghe thông tin chương trình này sẽ kết thúc trong năm nay. Vậy liệu năm sau các em có còn được cấp bù nữa hay không? Kính mong thầy Dũng có thể cho chúng tôi biết chủ trương này có tiếp tục không  vì gia đình chúng tôi cũng rất khó khăn. Xin cảm ơn.


TS Trương Anh Dũng:
Về câu hỏi của bạn Ngọc, tôi xin trả lời như sau: Trước hết, chúng ta thấy rằng đây là chính sách hết sức quan trọng của Nhà nước, không phải bây giờ mới có mà đã có từ năm 2016. Đặc biệt là Luật Giáo dục được Quốc hội thông qua đã có những chính sách miễn học phí cho các bạn học sinh đi học trung cấp nghề sau khi tốt nghiệp THCS. 

Đây là một trong những giải pháp quan trọng để chúng ta thực hiện phân luồng sau THCS. Với chương trình này, các bạn học THCS học thẳng trung cấp để lấy bằng trung cấp sau đó đi làm.

Các bạn có thể học song song, vừa học trung cấp nghề vừa học văn hóa. Thứ ba, sau đó các bạn có thể học liên thông lên trình độ cao đẳng. Thời gian vừa rồi có nhiều địa phương đã thực hiện việc này. 

Rất mừng là, thời gian vừa rồi, phần lớn các trường cao đẳng, trung cấp hiện nay đang thực hiện tuyển sinh đầu vào là trung học sơ sở, và một nửa trong số đó là các bạn có nhu cầu liên thông lên cao đẳng, đại học. 

Trong Chỉ thị 24 của Thủ tướng Chính phủ còn mở thêm một hướng nữa, tùy theo điều kiện của từng địa phương có thể miễn thêm cả phần học phí học văn hóa, tiếp tục thúc đẩy phân luồng. Hiện có một số địa phương đã triển khai việc này.

Chúng ta có thể yên tâm là, sau khi học xong chương trình trung cấp nghề, với những ngành nghề phổ biến, sẽ được doanh nghiệp tạo điều kiện, tuyển dụng theo quy định định trong Bộ luật Lao động. 

Về băn khoăn của bạn Phan Long Vinh, như tôi nói ban đầu là việc này đã được quy định trong luật. Luật Giáo dục đã thông qua năm 2019 nên Nghị định 86 hết, Chính phủ đang chỉ đạo xây dựng Nghị định thay thế. Các bạn yên tâm theo học chương trình này sẽ được miễn phần học nghề với trình độ trung cấp nếu đầu vào là THCS.

 16:25

 Nhà báo Nguyễn Ngọc Thanh, Trưởng Ban Nhân Dân điện tử:

Kính thưa các vị khách mời, kính thưa các độc giả,

Sau hơn hai giờ trực tuyến với những nội dung chia sẻ của bốn vị khách mời, chương trình khép lại với nhiều câu hỏi của bạn đọc được gửi đến Báo Nhân Dân điện tử. Đến nay, chúng tôi vẫn còn tiếp tục nhận được câu hỏi của độc giả gửi về từ nhiều kênh.

Tại buổi giao lưu hôm nay, các vị khách mời giải đáp các thắc mắc về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập phát triển kinh tế trong tương lai.

Chủ trương của Đảng đã rõ ràng, Chỉ thị 24 của Thủ tướng Chính phủ rất sát thực tiễn đào tạo, qua chương trình các khách mời làm rõ nhiều vấn đề về cơ chế, chính sách cho đến những vấn đề cụ thể của các nhà trường, doanh nghiệp về nhu cầu chất lượng nhân lực.

Các vị khách mời cũng đã làm rõ quan hệ giữa ba nhà: Nhà nước - Nhà trường - Doanh nghiệp. Trong đó vai trò của Nhà nước quan trọng nhất để giải quyết cơ chế chính sách, tạo động lực cho các doanh nghiệp; Nhà nước cũng thực hiện vai trò điều tiết, vai trò kết nối để làm sao có được nguồn nhân lực chất lượng tốt. Bên cạnh đó, còn có những ý kiến trao đổi thiết thực bắt nguồn từ thực tiễn trong đào tạo nghề, đào tạo lại…

Từ những nội dung thiết thực mà bạn đọc nêu ra cũng như từ các vị khách mời cung cấp chúng tôi xin đề nghị Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên  và Nhi đồng lắng nghe ý kiến từ cơ sở đào tạo, làm sao để ngân sách dành cho đào tạo nghề cũng cần được quan tâm tăng lên.

Qua buổi giao lưu, chúng ta đã dựng được bước đầu bức tranh về đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội hội nhập kinh tế quốc tế trong tương lai.

Xin thay mặt Ban Nhân Dân điện tử, xin cảm ơn các vị khách mời. Mong các nhà báo với vai trò truyền thông sẽ đưa các thông tin giải đáp hữu ích với bạn đọc cả nước để mọi người hiểu chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về đào tạo nghề, đào tạo nhân lực chất lượng cao.

Do thời gian có hạn, còn nhiều câu hỏi gửi về Chương trình các diễn giả chưa kịp trả lời. Nhân Dân điện tử sẽ tiếp tục thông tin những chủ trương, chính sách và phản ánh sát sao về thực tiễn nhằm giúp bạn đọc có thêm thông tin trong vấn đề này. 

Trân trọng cảm ơn bạn đọc đã quan tâm theo dõi.