Diễn biến thời tiết nguy hiểm khu vực bắc Biển Ðông

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia, do ảnh hưởng của không khí lạnh, hôm nay (9-3), khu vực bắc Biển Ðông có gió đông bắc mạnh cấp 6, giật cấp 7, biển động, sóng biển cao từ 1,5 đến 2,5 m.

Người dân huyện Gò Công Tây (Tiền Giang) chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng rau màu nhằm thích ứng biến đổi khí hậu. Ảnh: MINH TRÍ (TTXVN)
Người dân huyện Gò Công Tây (Tiền Giang) chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng rau màu nhằm thích ứng biến đổi khí hậu. Ảnh: MINH TRÍ (TTXVN)

Trước diễn biến thời tiết nguy hiểm trên biển, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống thiên tai đề nghị các tỉnh, thành phố chịu ảnh hưởng chủ động triển khai các biện pháp ứng phó với gió mạnh, sóng lớn; sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để kịp thời triển khai ứng cứu khi có yêu cầu…

* Các tỉnh, thành phố ở Nam Bộ tiếp tục duy trì thời tiết nắng nóng diện rộng. Hôm nay (9-3), tại TP Hồ Chí Minh tiếp tục nhiều nắng, trời có mây từng đợt. Nhiệt độ ban ngày dao động 30 - 37oC. Thời tiết nắng nóng sẽ còn tiếp tục xuất hiện ở Ðông Nam Bộ và mở rộng ra một số tỉnh miền tây. Dự báo những ngày tới, nắng nóng bắt đầu thu hẹp dần diện ảnh hưởng.

* Tổng cục Thủy lợi cho biết, xâm nhập mặn mùa khô 2020 - 2021 ở vùng đồng bằng sông Cửu Long đang diễn ra ở mức cao, đề phòng khoảng 40.000 ha cây ăn trái và hơn 5.000 ha lúa có thể bị ảnh hưởng. Xâm nhập mặn sẽ xuất hiện sâu vào các kỳ triều cường trong các ngày từ 11 đến 15-3 và 27 đến 31-3. Vùng bị ảnh hưởng nhất của đợt mặn này là các tỉnh: Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Sóc Trăng và Trà Vinh.

* Ðến thời điểm này, toàn tỉnh Quảng Ngãi đã có hơn 400 con bò mắc bệnh lở mồm long móng, trong đó 29 con bị chết. Số gia súc này tập trung chủ yếu ở huyện Tư Nghĩa và thị xã Ðức Phổ đã gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi.

* Ðể phòng, chống hạn, xâm nhập mặn, tỉnh An Giang đã xây dựng kế hoạch sử dụng nguồn nước vụ đông xuân 2020 - 2021. Theo đó, tỉnh xác định nguy cơ bị ảnh hưởng của hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn chi tiết đến từng tiểu vùng, khu vực để có giải pháp cụ thể; hướng dẫn nhân dân sử dụng nước tiết kiệm trong sinh hoạt và sản xuất; thực hiện nghiêm túc phương án chống hạn ở các địa phương, ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm các trường hợp tự ý ngăn chặn, đắp, đào xẻ kênh lấy nước không theo kế hoạch tưới.

* Huyện Hồng Dân (Bạc Liêu) đã chỉ đạo các địa phương thi công và sớm hoàn thành các đập thời vụ, đập nội đồng ở vùng ngọt. Ðồng thời, tranh thủ nguồn nước ngọt thượng nguồn đổ về huy động tối đa các trạm bơm tập trung bơm nước ngọt vào các kênh trục và nội đồng, khu đê bao khép kín trong cánh đồng lớn để phục vụ sản xuất.

* Ngày 7-3 tại Xóm Mới, xã Bãi Thơm, TP Phú Quốc (Kiên Giang) đã xảy ra cháy rừng tạp. Ngay sau khi nhận tin báo cháy, cấp ủy, chính quyền địa phương đã báo động, huy động 100 người và hai xe chữa cháy. Ðám cháy đã thiêu rụi khoảng
2 ha rừng.

Hỗ trợ khắc phục hậu quả hạn hán, xâm nhập mặn

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 305/QÐ-TTg về phạm vi, đối tượng, nội dung chi và cơ chế hỗ trợ từ ngân sách Trung ương cho địa phương thực hiện phòng, chống khắc phục hậu quả hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn. Theo đó, xem xét hỗ trợ từ ngân sách Trung ương đối với những địa phương đã xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn nghiêm trọng, khó khăn về ngân sách, có đề nghị bằng văn bản của UBND cấp tỉnh. Ðối tượng hỗ trợ gồm: tổ chức quản lý, khai thác công trình thủy lợi, nước sinh hoạt nông thôn và các đơn vị khác liên quan được giao thực hiện các giải pháp cấp bách phòng, chống, khắc phục hậu quả hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn phục vụ sản xuất nông nghiệp và cung cấp nước sinh hoạt nông thôn… Riêng khu vực Trung Bộ và đồng bằng sông Cửu Long được Nhà nước hỗ trợ bổ sung kinh phí đắp đập tạm ngăn mặn, trữ ngọt…