Xã luận

Xây dựng vững chắc tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc

Cách đây đúng 90 năm, ngày 18-11-1930, Ban Thường vụ T.Ư Ðảng Cộng sản Ðông Dương ra Chỉ thị về thành lập Hội phản đế Ðồng minh - hình thức đầu tiên của Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam.

Theo đó, Hội phản đế đồng minh phải bảo đảm tính công nông, đồng thời phải mở rộng tới các thành phần trong dân tộc để thật sự là của toàn dân. Từ đó tới nay, tuy có những hình thức và tên gọi khác nhau để phù hợp nhiệm vụ của từng thời kỳ cách mạng, nhưng Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam luôn là nơi tập hợp các giai tầng xã hội. Trong đó, từ ngày 31-1 đến 4-2-1977 tại TP Hồ Chí Minh, Ðại hội Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam quyết định hợp nhất ba tổ chức: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam, lấy tên chung là Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam.

90 năm qua, MTTQ Việt Nam ngày càng nêu cao vai trò, trách nhiệm đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, không ngừng đổi mới nội dung và phương thức hoạt động nhằm tăng cường, củng cố liên minh chính trị, xây dựng và củng cố vững chắc đại đoàn kết toàn dân tộc; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; thực hiện dân chủ, giám sát và phản biện xã hội; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tham gia xây dựng Ðảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh. Một trong những điểm nhấn quan trọng của MTTQ các cấp là luôn nỗ lực đoàn kết, tăng cường đồng thuận xã hội, thúc đẩy tinh thần thi đua sáng tạo, phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Thời gian qua, nhất là trong thời điểm đất nước gặp khó khăn khi dịch Covid-19 xuất hiện, tái bùng phát, các cơn bão, lũ lụt liên tiếp xuất hiện, gây ra những hậu quả nặng nề, MTTQ đã phát huy sâu rộng vai trò, trách nhiệm của mình đối với nhân dân, đối với Tổ quốc bằng những hoạt động cụ thể, thiết thực. Bên cạnh đó, đời sống, lao động, sản xuất của người nghèo, người cận nghèo, của đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa tiếp tục được MTTQ các cấp quan tâm thông qua những chương trình hỗ trợ, đồng hành đạt hiệu quả cao. Nhờ vậy, vai trò, vị thế, uy tín của MTTQ Việt Nam không ngừng được củng cố, khẳng định.

Tuy nhiên, thực tế hoạt động của MTTQ cũng cho thấy, việc cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp về MTTQ còn chậm, nhất là các quy định liên quan hoạt động giám sát, phản biện xã hội. Công tác này ở một số nơi chưa đạt hiệu quả tốt, có biểu hiện né tránh, ngại va chạm, nể nang, hình thức, chất lượng kiến nghị giám sát, phản biện còn hạn chế. Cấp ủy đảng có nơi chưa thật sự quan tâm công tác Mặt trận, việc thực hiện các quy chế phối hợp giữa MTTQ Việt Nam với các cơ quan chưa tốt... Còn những nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận và các đoàn thể chưa phù hợp thực tiễn, thiếu tính cụ thể, chưa đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng và quyền lợi chính đáng của nhân dân.

Sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế đang đặt ra những yêu cầu cấp bách trong công tác vận động quần chúng, đoàn kết, tập hợp nhân dân, đòi hỏi MTTQ các cấp đổi mới phương thức hoạt động để phát huy sức mạnh của toàn dân. Ðáng chú ý, nhiều vấn đề xã hội phức tạp tiếp tục nảy sinh, một số tệ nạn xã hội chưa được ngăn chặn kịp thời. Bên cạnh đó, thực trạng thiếu việc làm, đời sống còn nhiều khó khăn, thông tin xấu độc tràn lan… đang gây bức xúc, làm suy giảm lòng tin trong nhân dân.

Những bất cập nêu trên đặt ra yêu cầu phải mạnh mẽ tăng cường công tác đoàn kết toàn dân, tạo nên khối thống nhất không gì phá vỡ nổi, từ đó phát huy tinh thần yêu nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Ðể đạt được những mục tiêu quan trọng này, MTTQ Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên cần thống nhất hành động, quyết tâm thực hiện tốt, hiệu quả cao việc tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân trong nước và ngoài nước một lòng vì Tổ quốc. Tiếp tục mở rộng và đa dạng hóa các hình thức đoàn kết rộng rãi, trong đó thường xuyên tập hợp ý kiến, kiến nghị của nhân dân để kịp thời phản ánh đến các cơ quan Ðảng, Nhà nước; theo dõi, giám sát và đôn đốc xử lý, giải quyết. Phát động các cuộc vận động, phong trào thi đua bám sát thực tế đất nước, qua đó vận động nhân dân lao động sáng tạo, thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh. Trong đó, chú trọng những nội dung có thể phát huy tinh thần tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc, chủ động phát triển sản xuất, kinh doanh, phát huy tài năng, sáng kiến, giúp nhau giảm nghèo bền vững, vươn lên làm giàu chính đáng.

MTTQ các cấp cần chủ động đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; giám sát và phản biện xã hội hiệu quả; tích cực phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Tiếp tục tăng cường đoàn kết quốc tế, mở rộng hoạt động đối ngoại nhân dân theo phương châm: chủ động, sáng tạo, hiệu quả, qua đó tăng cường tình đoàn kết, hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam với nhân dân các nước trên thế giới, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Trong sự nghiệp đổi mới đất nước với nền dân chủ ngày càng phát triển, vai trò của Mặt trận và các đoàn thể ngày càng được mở rộng. Vì vậy, Mặt trận cần xác định nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là xây dựng vững chắc tinh thần đại đoàn kết toàn dân, tăng cường sự nhất trí, đồng thuận trong nhân dân. Mục tiêu chính là phát huy truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý chí tự lực, tự cường, đoàn kết mọi người Việt Nam trong nước và ngoài nước, không phân biệt thành phần xã hội, dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, qua đó góp phần quan trọng giữ vững độc lập, thống nhất chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ, thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Nhân Dân