Xã luận

Thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản

Nhận lời mời của Chính phủ Nhật Bản, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tham dự lễ đăng quang của Nhà vua Nhật Bản Na-rư-hi-tô tại thủ đô Tô-ki-ô từ ngày 22 đến 23-10. Đây là một sự kiện chính trị đặc biệt, đánh dấu mốc quan trọng trong lịch sử quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa hai nước, qua đó thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng giữa Việt Nam và Nhật Bản ngày càng phát triển toàn diện và thực chất.

Cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản đón Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại sân bay quốc tế Narita, Tokyo sáng 22-10. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN.
Cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản đón Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại sân bay quốc tế Narita, Tokyo sáng 22-10. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN.

Việc Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham dự lễ đăng quang của Nhà vua Nhật Bản Na-rư-hi-tô khẳng định quyết tâm và mong muốn của Việt Nam xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với Nhà vua mới và Hoàng gia Nhật Bản.

Nhà vua Na-rư-hi-tô lên ngôi ngày 1-5-2019, mở ra thời đại Lệnh Hòa (Reiwa). Nhà vua Nhật Bản là biểu tượng cao quý của đất nước và khối đoàn kết toàn dân. Việc Nhật Bản tổ chức trọng thể lễ đăng quang của Nhà vua và mời đông đảo lãnh đạo các nước, các tổ chức quốc tế đến tham dự đánh dấu một sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với quốc gia châu Á này. Nhân dân Việt Nam chân thành chúc mừng lãnh đạo và nhân dân Nhật Bản về những thành tựu to lớn trong sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước. Bằng sự quyết tâm và ý chí mạnh mẽ, bền bỉ của người dân, đất nước Nhật Bản đã vươn lên từ tro tàn chiến tranh, từng bước trở thành một trong những quốc gia phát triển hàng đầu thế giới, đồng thời luôn là thành viên tích cực tại các diễn đàn quốc tế.

Thời gian qua, tình hình chính trị tại “xứ sở mặt trời mọc” ổn định; liên minh cầm quyền của Đảng Dân chủ Tự do duy trì nền tảng chính quyền với việc giành thắng lợi tại cuộc bầu cử Thượng viện nước này. Thủ tướng Nhật Bản S.A-bê đã tiến hành cải tổ chính phủ, ưu tiên phát triển kinh tế, tổ chức thành công Hội nghị cấp cao Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) vào tháng 6-2019, qua đó nâng cao vai trò, uy tín và vị thế của Nhật Bản trên trường quốc tế. Về đối ngoại, Nhật Bản đang điều chỉnh chính sách đối ngoại theo hướng chủ động hơn trong việc phát huy vai trò dẫn dắt ở khu vực, nhất là chú trọng thúc đẩy liên kết kinh tế, tự do thương mại và an ninh hàng hải.

Việt Nam và Nhật Bản có truyền thống giao lưu văn hóa và thương mại lâu đời. Quan hệ giữa hai nước hiện đang phát triển tốt đẹp, toàn diện, với sự tin cậy chính trị cao. Kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1973, mối quan hệ hữu nghị và hợp tác Việt Nam - Nhật Bản không ngừng được các thế hệ lãnh đạo cùng nhân dân hai nước chung tay vun đắp, phát triển. Hoàng gia Nhật Bản luôn ủng hộ thắt chặt quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa Nhật Bản và Việt Nam, qua đó giúp tăng cường sự tin cậy, gắn bó, thúc đẩy tình đoàn kết và hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước.

Năm 2014, Việt Nam và Nhật Bản nâng cấp quan hệ lên mức đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á, mở ra một chương mới tươi đẹp trong lịch sử phát triển quan hệ song phương. Lãnh đạo cấp cao hai nước thường xuyên tiến hành các chuyến thăm và tiếp xúc tại các diễn đàn quốc tế và khu vực. Việt Nam và Nhật Bản cũng chú trọng duy trì những cơ chế hợp tác quan trọng, như Ủy ban Hợp tác Việt Nam - Nhật Bản do hai Bộ trưởng Ngoại giao làm đồng Chủ tịch, Đối thoại Đối tác chiến lược Việt Nam - Nhật Bản về ngoại giao - an ninh - quốc phòng cấp Thứ trưởng Ngoại giao... Nhật Bản phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với Việt Nam tại nhiều diễn đàn đa phương và tổ chức quốc tế.

Chúng ta vui mừng nhận thấy, hợp tác kinh tế, thương mại là điểm sáng trong quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản. Nhật Bản là nước G7 đầu tiên công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam, là nước cung cấp hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) lớn nhất cho Việt Nam, là nhà đầu tư lớn thứ hai tính theo số lũy kế và là đối tác thương mại lớn thứ tư của Việt Nam. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu trong chín tháng đầu năm 2019 đạt 29,16 tỷ USD, tăng 5,6% so với cùng kỳ năm 2018. Về đầu tư trực tiếp, tính đến tháng 9-2019, Nhật Bản có 4.291 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng số vốn đăng ký đầu tư là 60,36 tỷ USD. Hợp tác về nông nghiệp giữa hai nước đạt bước tiến đột phá. Hai bên đã ký kết Tầm nhìn trung và dài hạn trong hợp tác nông nghiệp Việt Nam - Nhật Bản. Hợp tác về ứng phó biến đổi khí hậu, lao động, giáo dục, du lịch, hợp tác giữa các địa phương hai nước... ghi nhận nhiều kết quả tích cực. Hiện cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản gồm khoảng 330 nghìn người, sống hòa nhập với xã hội sở tại và là cầu nối hữu nghị vững chắc cho quan hệ hai nước.

Nhân dân Việt Nam tin tưởng chắc chắn rằng, bước vào thời đại Lệnh Hòa, đất nước Nhật Bản tiếp tục phát triển mạnh mẽ và thịnh vượng, gặt hái nhiều thành tựu quan trọng. Chuyến tham dự lễ đăng quang của Nhà vua Nhật Bản Na-rư-hi-tô của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh dấu mốc son mới trong quan hệ giữa hai nước; khẳng định mong muốn của Việt Nam thúc đẩy quan hệ tốt đẹp với Hoàng gia Nhật Bản; đồng thời tạo động lực đưa quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản phát triển toàn diện và thực chất hơn, đóng góp vào hòa bình, ổn định, thịnh vượng chung ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và trên thế giới.