Phát huy vai trò của Việt Nam trên trường quốc tế

Nhận lời mời của Thủ tướng Nhật Bản S.A-bê, hôm nay, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân dẫn đầu Ðoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị cấp cao Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) và thăm Nhật Bản. Chuyến tham dự Hội nghị cấp cao G20 và thăm Nhật Bản lần này của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân nhằm góp phần quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam phát triển năng động, là đối tác tin cậy và có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế; đồng thời thể hiện Việt Nam coi trọng mối quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng với Nhật Bản, qua đó đưa mối quan hệ này ngày càng phát triển toàn diện và thực chất.

Việt Nam được mời tham dự Hội nghị cấp cao G20 lần đầu vào năm 2010 với tư cách Chủ tịch ASEAN. Tại Hội nghị cấp cao G20 năm 2017, Việt Nam, trên cương vị chủ nhà Năm APEC 2017, cũng đã tích cực tham dự và đóng góp có trách nhiệm tại Hội nghị, tạo ấn tượng tốt đẹp với G20 và góp phần nâng cao vị thế Việt Nam trong Năm APEC 2017. Nhiều ý kiến đóng góp của Việt Nam được G20 ghi nhận trong Tuyên bố chung như đề cao hợp tác quốc tế trong xử lý các vấn đề kinh tế toàn cầu, phát triển bao trùm và bền vững, nông nghiệp và an ninh nguồn nước, việc làm trong kinh tế số... Việt Nam cũng phối hợp thúc đẩy lợi ích và quan tâm chung của các nước đang phát triển trong nghị sự kinh tế toàn cầu như thương mại - đầu tư quốc tế, chống biến đổi khí hậu, cải cách quản trị kinh tế toàn cầu...

Năm 2019, Nhật Bản mời Việt Nam tham dự Hội nghị cấp cao G20 với tư cách khách mời. Hội nghị cấp cao G20 năm nay diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới tăng trưởng chậm với nhiều rủi ro, bất trắc do cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn gay gắt hơn. Hợp tác và liên kết kinh tế tuy vẫn được thúc đẩy nhưng nhiều thể chế và diễn đàn đa phương gặp khó khăn. Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tiếp tục phát triển mạnh mẽ với nhiều vấn đề đặt ra, cần sự tăng cường hợp tác quốc tế để xử lý. Nội dung nghị sự của Hội nghị cấp cao G20 những năm gần đây mở rộng trên nhiều lĩnh vực, nhưng việc đạt được đồng thuận trong một số vấn đề kinh tế toàn cầu gặp khó khăn, nhất là cam kết tự do hóa thương mại, chống bảo hộ, chống biến đổi khí hậu...

Trong bối cảnh nêu trên, Hội nghị cấp cao G20 lần này tập trung thảo luận về bốn chủ đề chính, gồm: kinh tế toàn cầu, thương mại, đầu tư; đổi mới sáng tạo và kinh tế số; phát triển bền vững, việc làm, phụ nữ, y tế; môi trường, năng lượng và biến đổi khí hậu... Với tư cách khách mời, Việt Nam sẽ tham dự các cuộc họp trong khuôn khổ Hội nghị và đóng góp ý kiến cho dự thảo Tuyên bố chung Hội nghị, qua đó truyền tải hình ảnh Việt Nam là đối tác tin cậy và có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, luôn chủ động tham gia và phát huy vai trò tại các cơ chế đa phương.

Quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản đang phát triển tốt đẹp, với sự tin cậy chính trị cao. Kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1973, mối quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản không ngừng được các thế hệ lãnh đạo cùng nhân dân hai nước dày công vun đắp, trở thành tài sản chung quý báu của cả hai dân tộc. Năm 2014, hai nước thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á, mở ra một chương mới trong sự phát triển của quan hệ song phương. Mối quan hệ giữa hai nước được tăng cường thông qua các chuyến thăm, các cuộc tiếp xúc cấp cao thường xuyên của lãnh đạo hai nước. Việt Nam và Nhật Bản duy trì các cơ chế hợp tác quan trọng như Ủy ban Hợp tác Việt Nam - Nhật Bản do hai Bộ trưởng Ngoại giao làm đồng Chủ tịch, Đối thoại Đối tác chiến lược Việt Nam - Nhật Bản về ngoại giao - an ninh - quốc phòng cấp Thứ trưởng Ngoại giao... Nhật Bản phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với Việt Nam tại nhiều diễn đàn đa phương và tổ chức quốc tế.

Chúng ta vui mừng nhận thấy, hợp tác kinh tế là điểm sáng nổi bật trong quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản. Nhật Bản là nước cung cấp viện trợ phát triển chính thức (ODA) lớn nhất cho Việt Nam. Tổng kim ngạch thương mại song phương trong 5 tháng đầu năm 2019 đạt 15,28 tỷ USD, tăng 3,2% so với cùng kỳ năm 2018. Hợp tác về nông nghiệp giữa Việt Nam và Nhật Bản đạt bước tiến đột phá. Hai bên đã ký kết Tầm nhìn trung và dài hạn trong hợp tác nông nghiệp Việt Nam - Nhật Bản. Hợp tác ứng phó biến đổi khí hậu tiếp tục phát triển mạnh mẽ và thực chất, với việc Nhật Bản liên tục cung cấp ODA cho các dự án ứng phó biến đổi khí hậu của Việt Nam. Hợp tác về lao động, giáo dục, du lịch, hợp tác giữa các địa phương hai nước... đạt nhiều kết quả tốt đẹp.

Chuyến tham dự Hội nghị cấp cao G20 và thăm Nhật Bản lần này của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân nhằm nhấn mạnh chủ trương hội nhập quốc tế sâu rộng và toàn diện của Việt Nam, qua đó nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế; đồng thời khẳng định quyết tâm của Việt Nam đưa quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng với Nhật Bản bước sang một giai đoạn phát triển mới, thực chất và hiệu quả hơn, phù hợp lợi ích của hai bên, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.