Ðoàn kết vượt qua thách thức, xây dựng Cộng đồng ASEAN phát triển vững mạnh

Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37 và các hội nghị cấp cao liên quan vừa diễn ra theo hình thức trực tuyến tại Hà Nội dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã thành công tốt đẹp.

Khép lại năm 2020, các hội nghị cấp cao lần này có ý nghĩa quan trọng định vị chỗ đứng phù hợp cho ASEAN trong thế giới thời kỳ hậu Covid-19. Lãnh đạo các nước ASEAN đã thống nhất nhiều biện pháp quyết liệt, thiết thực đẩy mạnh hợp tác ứng phó và vượt qua các thách thức, trong đó có đại dịch Covid-19, giữ vững đà hợp tác và đưa ra những định hướng lớn cho Cộng đồng ASEAN phát triển ngày càng vững mạnh, thật sự trở thành hạt nhân của khu vực với người dân ở vị trí trung tâm.

Tại hội nghị, các nhà lãnh đạo ASEAN đã rà soát tổng thể tình hình hợp tác ASEAN, trong đó, đặc biệt đánh giá cao vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020 của Việt Nam trong điều phối, dẫn dắt ASEAN giữ vững đà hợp tác, xây dựng trên ba trụ cột Cộng đồng, nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp sớm khắc phục hậu quả dịch bệnh, ổn định đời sống kinh tế - xã hội ở các quốc gia. Các lãnh đạo ASEAN nhất trí thông qua Ðánh giá giữa kỳ triển khai các kế hoạch tổng thể thực hiện Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN năm 2025, ra Tuyên bố Hà Nội về Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau năm 2025, tiến hành rà soát triển khai Hiến chương ASEAN, gắn kết phát triển tiểu vùng với tiến trình phát triển chung của ASEAN và triển khai các sáng kiến nâng cao hình ảnh, bản sắc ASEAN trong khu vực.

Nhằm thực hiện nhiệm vụ kép vừa chống dịch, vừa thúc đẩy phục hồi, các lãnh đạo đã thông qua Khung phục hồi tổng thể của ASEAN cùng Kế hoạch triển khai, Tuyên bố ASEAN về Khung thỏa thuận hành lang đi lại ASEAN, Khung chiến lược ASEAN về các tình huống y tế công cộng khẩn cấp, chính thức công bố lập Kho dự phòng vật tư y tế khẩn cấp khu vực và thúc đẩy vận hành Quỹ ASEAN ứng phó dịch Covid-19 để hỗ trợ hiệu quả các nhu cầu chống dịch của khu vực, nhất trí kế hoạch lập Trung tâm khu vực Ứng phó các tình huống y tế khẩn cấp và dịch bệnh. Các nước tin tưởng rằng những biện pháp này sẽ giúp người dân lấy lại niềm tin, tăng cường tính cạnh tranh, khôi phục chuỗi cung ứng và dịch vụ bị gián đoạn, từ đó từng bước phục hồi bền vững trong trung hạn và dài hạn. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc công bố Việt Nam sẽ đóng góp 100.000 USD vào Quỹ ASEAN ứng phó dịch Covid-19 và cam kết đóng góp thiết bị vật tư y tế vào Kho dự phòng vật tư y tế khẩn cấp khu vực với giá trị 5 triệu USD.

Các nhà lãnh đạo ASEAN và các đối tác khẳng định yêu cầu tiên quyết cần duy trì đoàn kết, thống nhất, giữ vững vai trò trung tâm của ASEAN, nâng cao khả năng tự cường, thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, đề cao các nguyên tắc cơ bản trong Hiến chương ASEAN và Tài liệu quan điểm ASEAN về Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương. ASEAN cũng thể hiện nhất quán lập trường nguyên tắc và cam kết mạnh mẽ xây dựng Biển Ðông, nơi có tuyến hàng hải huyết mạch của khu vực và toàn cầu, trở thành vùng biển hòa bình và ổn định, an ninh và an toàn, nơi mà khác biệt, tranh chấp được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình, nơi pháp luật được tôn trọng, tuân thủ. Các nước nhất trí ASEAN cần tiếp tục các nỗ lực tạo dựng môi trường thuận lợi cho các nỗ lực đối thoại, hợp tác và xây dựng lòng tin, trong đó bảo đảm đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Ðông (COC) hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982).

Không ngừng mở rộng và làm sâu sắc thêm quan hệ với các đối tác, ASEAN nhất trí mở rộng Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Ðông - Nam Á (TAC) để Cu-ba, Cô-lôm-bi-a và Nam Phi tham gia, nâng tổng số lên 43 nước. Một điểm nhấn của Hội nghị cấp cao ASEAN với các đối tác là nâng hợp tác Mê Công - Hàn Quốc lên quan hệ đối tác chiến lược vì người dân, thịnh vượng và hòa bình; đồng thời khởi động Mạng lưới Logistics thông minh ASEAN với dự án đầu tiên là Trung tâm Logistics ICD Vĩnh Phúc. Nhân dịp này, lần đầu tiên diễn ra Hội nghị cấp cao Lãnh đạo nữ ASEAN để đại diện lãnh đạo nữ từ các nước trực tiếp lên tiếng về vai trò của phụ nữ thúc đẩy phát triển bền vững trong thế giới hậu Covid-19.

Một thành công nổi bật của Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37 và các hội nghị cấp cao liên quan lần này là việc ký thành công Hiệp định Ðối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) sau tám năm đàm phán. Khuôn khổ hợp tác mới của RCEP sẽ góp phần đẩy mạnh tiến trình xây dựng Cộng đồng kinh tế ASEAN 2025. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tin tưởng rằng, Hiệp định RCEP sẽ sớm được các nước phê chuẩn và đưa vào thực thi trong thời gian tới, góp phần hỗ trợ quá trình phục hồi kinh tế sau dịch Covid-19, đem lại thịnh vượng chung cho người dân, cho doanh nghiệp các nước thành viên. Ðây là niềm tự hào, là thành quả to lớn của việc ASEAN với vai trò trung tâm của mình đã cùng với các nước đối tác đặt nền móng cho một giai đoạn hợp tác mới mang tính toàn diện, lâu dài, hướng đến tương lai, phù hợp với trình độ phát triển và mang lại lợi ích cho tất cả các nước trong khu vực. Ðối với Việt Nam, việc RCEP được ký nhân Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37 và các hội nghị cấp cao liên quan do Việt Nam chủ trì lần này còn khẳng định vai trò, vị thế ngày càng cao của nước ta trên trường quốc tế.

Với vai trò là Chủ tịch ASEAN năm 2020, trên tinh thần "gắn kết và chủ động thích ứng", Việt Nam trân trọng sự đoàn kết, ủng hộ, hỗ trợ quý báu từ các quốc gia thành viên, các đối tác và bạn bè của ASEAN để Cộng đồng ASEAN vững vàng vượt qua các thách thức, giữ vững đà liên kết, củng cố vai trò trung tâm, xây dựng khu vực Ðông - Nam Á hòa bình, hữu nghị, hợp tác, ổn định. Kết thúc thành công Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37 và các hội nghị cấp cao liên quan và khép lại năm Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam tin tưởng, với tinh thần đoàn kết và tự cường, ASEAN sẽ vững vàng vượt lên các thách thức, hướng tới cuộc sống ấm no, thịnh vượng cho hơn 600 triệu người dân, đóng góp hiệu quả cho hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực và trên thế giới.