Nâng cao vai trò của phụ nữ trong cuộc sống

Trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc, phụ nữ Việt Nam luôn có những cống hiến, đóng góp to lớn, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tạo dựng truyền thống vẻ vang: Anh hùng, Bất khuất, Trung hậu, Ðảm đang. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm và đánh giá cao vị trí, vai trò của phụ nữ.

Với hơn một nửa dân số, chiếm hơn 48% lực lượng lao động xã hội, phụ nữ Việt Nam có mặt trong mọi lĩnh vực, trên mọi địa bàn, chủ động tham gia các hoạt động của đời sống xã hội, thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, đạt nhiều thành tích xuất sắc. Ðồng thời, phụ nữ làm tốt vai trò người vợ, người mẹ, giữ thiên chức làm mẹ, sinh con, duy trì nòi giống, là điểm tựa tinh thần vững chắc, gắn kết các thành viên trong gia đình, cùng chăm lo xây dựng gia đình hạnh phúc. Do vậy, lực lượng lao động nữ chính là nguồn nhân lực có vai trò đặc biệt.

Có thể thấy, cùng với những chủ trương, chính sách tốt đối với phụ nữ trong thời gian qua, sức khỏe bà mẹ, trẻ em đã được cải thiện đáng kể, song tỷ lệ phụ nữ có thai thiếu máu, thiếu vi chất dinh dưỡng còn cao. Tình trạng thực phẩm không an toàn đang ảnh hưởng không nhỏ, trước hết đến sức khỏe sinh sản của phụ nữ, ảnh hưởng nghiêm trọng trực tiếp đến chất lượng nguồn nhân lực trong tương lai. Việt Nam là quốc gia sớm hoàn thành mục tiêu thiên niên kỷ về phổ cập giáo dục tiểu học, tỷ lệ biết chữ cao nhưng xét tổng thể trình độ học vấn của phụ nữ vẫn thấp, nhất là phụ nữ vùng dân tộc thiểu số (DTTS), miền núi. Trong khi đó, nguồn nhân lực nữ chất lượng cao (đội ngũ nữ lãnh đạo quản lý, nữ khoa học, nữ trí thức, nữ chủ doanh nghiệp...) chiếm tỷ lệ khiêm tốn, chưa khai thác hết tiềm năng, sức sáng tạo của phụ nữ Việt Nam. Theo báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 11-NQ/TW của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh CNH, HÐH đất nước, số lượng cán bộ nữ tham gia cấp ủy, chính quyền và các cơ quan bầu cử đều chưa đạt chỉ tiêu đề ra.

Trên cơ sở yêu cầu của thực tiễn trong giai đoạn tới và thực trạng các vấn đề liên quan phụ nữ và công tác phụ nữ hiện nay, cần tập trung phát triển toàn diện phụ nữ và nguồn nhân lực nữ, đặc biệt là nhân lực nữ chất lượng cao. Ðồng thời quan tâm đến nhóm phụ nữ khó khăn, phụ nữ DTTS, miền núi. Các cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành cần quán triệt sâu sắc các quan điểm, mục tiêu công tác phụ nữ trong tình hình mới, tổ chức lãnh đạo, xây dựng các chương trình, kế hoạch hoạt động cụ thể, tạo bước chuyển biến rõ rệt về chất lượng, hiệu quả công tác phụ nữ ở từng ngành, địa phương, đơn vị. Tăng cường giáo dục nâng cao nhận thức về giới và ý thức trách nhiệm thực hiện bình đẳng giới cho cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân. Xây dựng trong toàn xã hội thái độ tôn trọng, tôn vinh, bảo vệ phụ nữ; phong cách ứng xử văn minh, văn hóa đối với phụ nữ; phê phán, đấu tranh chống tư tưởng coi thường phụ nữ, các hành vi phân biệt đối xử, xâm hại, xúc phạm nhân phẩm phụ nữ.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam các cấp cần làm tốt hơn nữa việc chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của hội viên, phụ nữ. Tuyên truyền, vận động phụ nữ thực hiện nghiêm các chủ trương, chính sách của Ðảng, Nhà nước, nhất là tại những địa bàn triển khai các chương trình, dự án có tác động lớn đến đời sống nhân dân. Bồi dưỡng, giới thiệu nguồn cán bộ nữ cho Ðảng; kết nối, phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ nữ. Chủ động rà soát chính sách, quy định hiện hành và nghiên cứu thực tiễn các vấn đề của phụ nữ, trẻ em gái, bình đẳng giới và gia đình trong bối cảnh hội nhập làm cơ sở đề xuất chính sách về lao động nữ, an sinh xã hội, cán bộ nữ, phát triển tài năng nữ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ, chính sách cho một số đối tượng đặc thù. Tham gia sơ kết, tổng kết các nghị quyết và văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến phụ nữ và bình đẳng giới;...

Phát triển toàn diện phụ nữ và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ, đặc biệt là nguồn nhân lực nữ chất lượng cao có ý nghĩa quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của đất nước nói chung, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, góp phần đẩy nhanh quá trình CNH, HÐH đất nước.