Xã luận

Làm tốt việc chăm lo Tết và công tác giảm nghèo bền vững

Tết cổ truyền của dân tộc đang đến gần. Đón Xuân mới là dịp cao điểm các địa phương, các đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp, nhà hảo tâm chung sức đồng lòng, nỗ lực đóng góp, tổ chức các chuyến thăm hỏi, trao quà Tết tặng các gia đình chính sách, người có công với cách mạng, người nghèo, người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, người dân ở vùng bị thiệt hại nặng nề do thiên tai, bão, lũ...

Theo số liệu thống kê, tổng trị giá các suất quà trao tặng các đối tượng chính sách, người có công, các đối tượng bảo trợ xã hội trong năm 2019 là hơn 5.500 tỷ đồng, bao gồm 3.400 tỷ đồng quà thăm hỏi và hỗ trợ các đối tượng chính sách; 1.300 tỷ đồng hỗ trợ các hộ nghèo và gần 800 tỷ đồng cứu trợ xã hội khác; gần 24 triệu thẻ bảo hiểm y tế, sổ/thẻ khám, chữa bệnh miễn phí được trao tặng các đối tượng chính sách trên địa bàn cả nước.

Năm 2019 được đánh giá đã thực hiện hiệu quả các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về giảm nghèo. Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và các chính sách hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo về y tế, giáo dục, nhà ở, tín dụng ưu đãi, khuyến nông và khuyến lâm, hỗ trợ phát triển sản xuất, xây dựng mô hình giảm nghèo, trợ giúp pháp lý… đạt được những kết quả quan trọng. Theo báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, đến cuối năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo bình quân cả nước giảm xuống còn dưới 4% (giảm khoảng 1,3% so cuối năm 2018); bình quân tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm xuống dưới 29% (giảm gần 5% so cuối năm 2018). Số liệu của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy, tình trạng thiếu đói trong nông dân giảm mạnh trong những tháng gần đây. Trong năm 2019, cả nước có 68.500 lượt hộ thiếu đói, giảm 34,7% so với cùng kỳ năm 2018, tương ứng với 278 nghìn lượt nhân khẩu thiếu đói, giảm 33,8%. Chương trình xây dựng nông thôn mới được triển khai trong những năm qua phát huy các tác động tích cực, góp phần nâng cao đời sống nhân dân khu vực nông thôn, đẩy mạnh phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội khu vực nông thôn. Hệ thống cơ sở vật chất văn hóa, trường học được đầu tư xây dựng mới, cải tạo đạt chuẩn, các chương trình hỗ trợ giống cây trồng cho sản xuất nông nghiệp, chính sách cho vay ưu đãi đối với hộ nghèo, cận nghèo... giúp người dân phát triển sản xuất, cải thiện đời sống. Bên cạnh đó, công tác an sinh xã hội cho các đối tượng chính sách, những đối tượng yếu thế... được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm thực hiện.

Thông qua sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Quốc hội và Chính phủ, công tác giảm nghèo từng bước tạo sự chuyển biến nhất định trong nhận thức của mỗi người dân. Các chính sách giảm nghèo hiện nay hướng tới hỗ trợ sinh kế lâu dài, làm động lực cho người dân vươn lên thoát nghèo, người nghèo được cải thiện hơn về điều kiện sống, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần. Tại một số địa phương, những lá đơn xin ra khỏi danh sách hộ nghèo ngày càng nhiều, từ Điện Biên, Thanh Hóa, Nghệ An đến Quảng Bình, Kon Tum... một mặt cho thấy hiệu quả của chính sách giảm nghèo, nhưng quan trọng hơn nữa là việc người dân dần từ bỏ tư tưởng trông chờ vào Nhà nước để nỗ lực vươn lên thoát nghèo.

2020 là năm then chốt thực hiện phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn 2016 - 2020, do vậy cần sự chung tay vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Trong đó, Ủy ban MTTQ các cấp phát huy vai trò nòng cốt trong liên kết, tập hợp, động viên các tầng lớp nhân dân tham gia các cuộc vận động, phong trào thi đua. Đồng thời, cả nước tiếp tục thực hiện hiệu quả hơn nữa các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về giảm nghèo; kiên trì thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, chuyển hướng tiếp cận nghèo đa chiều thực chất hơn. Qua đó, thiết kế chính sách giúp người dân phát huy tinh thần tự lực, vươn lên thoát nghèo, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng khó khăn; quan tâm, chăm lo chu đáo, hỗ trợ kịp thời người dân, nhất là các gia đình chính sách, người có công với cách mạng, người nghèo, đối tượng yếu thế...

Với sự vào cuộc đông đảo, nhiều cách thức tổ chức phù hợp từ trung ương đến địa phương, nỗ lực vì mục tiêu tất cả mọi người đều đón Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm. Công tác chăm lo Tết cho gia đình chính sách, hộ nghèo, người nghèo, những đối tượng yếu thế cần được thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa, ngày càng đi vào chiều sâu, với những việc làm thiết thực, kịp thời, đúng đối tượng, tránh hình thức. Bên cạnh việc động viên, tạo điều kiện thuận lợi giúp các gia đình chính sách, hộ nghèo vượt qua khó khăn, thời gian tới cần chú trọng tiếp tục đề cao trách nhiệm, tính hiệu quả của các cơ quan quản lý nhà nước, nhất là trong việc kiểm tra, giám sát, thực hiện quá trình thực hiện chính sách ưu đãi người có công, gia đình chính sách và các chương trình giảm nghèo bền vững.

Thời gian trước mắt, cần làm tốt hơn nữa công tác xã hội hóa phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, huy động được nhiều nguồn lực trong toàn xã hội, chú trọng làm tốt việc giáo dục truyền thống cách mạng đến các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ. Những hành động, việc làm cụ thể tiếp tục lan tỏa nghĩa cử cao đẹp đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, lan tỏa tình yêu thương, cả nước chung tay giúp đỡ các gia đình chính sách, người có công với cách mạng, giúp đỡ, hỗ trợ người nghèo… Đó chính là nét đẹp văn hóa vốn có lâu nay trong đời sống tinh thần của dân tộc Việt Nam, không chỉ mỗi dịp Tết đến, xuân về.