Làm sâu sắc hơn quan hệ hữu nghị truyền thống Việt Nam - Thụy Ðiển

Nhận lời mời của Thủ tướng Thụy Ðiển X.Lốp-ven, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân cùng Ðoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm chính thức Vương quốc Thụy Ðiển từ ngày 26 đến 28-5. Diễn ra đúng thời điểm hai nước kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, chuyến thăm là sự kiện chính trị quan trọng, góp phần tăng cường quan hệ hữu nghị truyền thống Việt Nam - Thụy Ðiển.

Với nền kinh tế tri thức hướng tới công nghệ cao và một hệ thống phúc lợi xã hội toàn diện, Thụy Ðiển là một trong các quốc gia có mức sống cao nhất thế giới; đi đầu trong nghiên cứu, ứng dụng và sử dụng công nghệ xanh, công nghệ sạch, tiết kiệm năng lượng, năng lượng tái tạo. Thụy Ðiển đứng thứ hai thế giới về hệ thống giáo dục có chất lượng tốt. Thụy Ðiển đang nỗ lực thúc đẩy hợp tác thương mại tại các thị trường mới nổi, trong đó có Việt Nam, thúc đẩy tiến trình đàm phán FTA với Mỹ và một số nước khác để bổ sung cho sự thiếu hụt của thị trường nội địa và khu vực EU. Thụy Ðiển đã có những sửa đổi hiến pháp sâu rộng nhất kể từ năm 1974 đến nay nhằm tạo thêm cơ sở pháp lý cho nhất thể hóa trong EU. Về chính sách hợp tác phát triển, mục tiêu chính của các dự án hợp tác phát triển của Thụy Ðiển là nhằm cải thiện cuộc sống của con người, do vậy nhiều dự án hợp tác phát triển tập trung vào xóa đói giảm nghèo.

Thụy Ðiển là nước phương Tây đầu tiên công nhận và thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam năm 1969. Thụy Ðiển cũng là nước phương Tây có phong trào ủng hộ cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của Việt Nam mạnh nhất, sớm nhất từ tháng 8-1966. Tháng 10-1968, Mặt trận dân tộc giải phóng miền nam Việt Nam lập Phòng Thông tin tại thủ đô Xtốc-khôm, Thụy Ðiển. Chúng ta vui mừng nhận thấy quan hệ hữu nghị truyền thống giữa Việt Nam và Thụy Ðiển không ngừng được củng cố và tăng cường. Mối quan hệ tốt đẹp này được đánh dấu bởi các chuyến thăm và tiếp xúc cấp cao, mà gần đây nhất là chuyến thăm Thụy Ðiển của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tháng 4-2017 và chuyến thăm Việt Nam hồi đầu tháng 5 vừa qua của Công chúa kế vị Thụy Ðiển V.Ðê-xi-rê. Thụy Ðiển là nước phương Tây đi đầu trong việc hỗ trợ Việt Nam thực hiện công cuộc đổi mới ngay từ những năm đầu tiên trong các lĩnh vực cải cách kinh tế, tài chính, ngân hàng, quản lý kinh tế, hành chính, luật pháp… và tích cực hỗ trợ Việt Nam khai thông quan hệ với các tổ chức tài chính, tiền tệ quốc tế (như Quỹ Tiền tệ quốc tế, Ngân hàng Thế giới).

Cùng với sự phát triển của hợp tác kinh tế, quan hệ thương mại hai nước cũng ngày càng tăng. Kim ngạch trao đổi thương mại hai chiều đạt 1,8 tỷ USD năm 2018. Ðầu tư của Thụy Ðiển vào Việt Nam tăng mạnh trong thời gian qua. Tính đến hết tháng 3-2019, Thụy Ðiển đứng thứ 33 trong tổng số 131 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam với 67 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký là 364 triệu USD. Ðến nay, Việt Nam có hai dự án đầu tư tại Thụy Ðiển với tổng vốn đầu tư gần 700 nghìn USD. Về hợp tác phát triển, Thụy Ðiển là nước Tây Bắc Âu viện trợ không hoàn lại lớn nhất cho Việt Nam (bắt đầu từ năm 1967) với tổng viện trợ 3,4 tỷ USD.

Hợp tác trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ, nông nghiệp và phát triển nông thôn, du lịch giữa hai nước diễn ra sôi nổi. Thụy Ðiển là một trong những nước cung cấp viện trợ phát triển nhiều nhất và có hiệu quả nhất cho ngành văn hóa Việt Nam với những dự án trong các lĩnh vực bảo tồn và phát huy di sản văn hóa, nâng cao kỹ năng và nghiệp vụ trong lĩnh vực phát thanh, truyền hình và báo viết của Việt Nam. Về du lịch, năm 2018, Việt Nam đón gần 50 nghìn lượt khách Thụy Ðiển, tăng 13% so với năm 2017. Cộng đồng người Việt Nam tại Thụy Ðiển khoảng 20.000 người, sống hòa nhập với xã hội sở tại.

Chuyến thăm chính thức Vương quốc Thụy Ðiển của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhằm làm sâu sắc hơn quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước trong tình hình mới, thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư. Chúc chuyến thăm chính thức Thụy Ðiển của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thành công tốt đẹp, góp phần thắt chặt quan hệ hữu nghị song phương.