Xác định rõ nguyên nhân hiện tượng lún, nứt đất ven sông Lô

NDO -

NDĐT - Theo phản ánh của một số hộ dân ven sông Lô thuộc thôn 4, xã Thái Bình, huyện Yên Sơn (Tuyên Quang), từ tháng 9-2018, một số diện tích đất vườn bị lún, nứt đã gây ảnh hưởng tới đời sống, tuy người dân đã phản ánh với chính quyền xã, huyện về hiện tượng này nhưng chậm được giải quyết. Để làm rõ những nội dung phản ánh của người dân, phóng viên đã làm việc với các cơ quan chức năng của tỉnh Tuyên Quang về hiện tượng lún, nứt.

Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh Tuyên Quang kiểm tra khu vực người dân phản ánh bị sụt, lún.
Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh Tuyên Quang kiểm tra khu vực người dân phản ánh bị sụt, lún.

Tìm hiểu tại thực địa được biết, bốn hộ gia đình có diện tích đất bị lún, sụt gồm hộ bà: Nguyễn Thị Khanh, Tạ Thị Phương, Bùi Hương Chất và hộ ông Nguyễn Văn Vang ở thôn 4, xã Thái Bình, huyện Yên Sơn. Điểm sụt, lún đất phía sau nhà bà Chất, ông Vang, bà Phương xảy ra vào ngày 1-9-2018. Các vết nứt trên diện tích đất hộ bà Khanh xuất hiện cuối cùng vào ngày 11-9-2018. Bà Phạm Thị Hạ cho biết, phần đất bị nứt, sụt, lún là phần đất do gia đình đổ bồi từ năm 2008, khi đó, nhà nước nâng cấp Quốc lộ 37 chạy qua trước nhà, nền đường được tôn cao hơn đất vườn nên gia đình đã đổ đất bồi thêm.

Các hộ gia đình bà Phương, bà Chất và ông Vang cũng cho biết, từ khi xảy ra (tháng 9-2018) thì không phát hiện thêm việc sụt, lún; các vết nứt không kéo dài thêm, không mở rộng thêm. Ta-luy bờ sông không có hiện tượng sạt, lở. Cây cối, tường rào, tường nhà vệ sinh trong phạm vi điểm bị sụt, lún và vết nứt vẫn giữ nguyên trạng, không thay đổi. Chỉ mong nhà nước xem xét làm rõ nguyên nhân để yên tâm sinh sống.

Chánh Thanh tra Sở Tài Nguyên và Môi trường tỉnh Tuyên Quang, Nguyễn Trường Lâm cho biết, nhận được phản ánh của người dân, Sở Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì cùng đại diện các Sở Xây dựng, NN-PTNT, Giao thông vận tải, UBND huyện Yên Sơn, UBND xã Thái Bình, các hộ dân tiến hành kiểm tra, xác minh, đánh giá nguyên nhân gây sụt, lún đất tại khu vực phía sau nhà của bốn hộ dân ven sông Lô.

Căn cứ kết quả trích đo bản đồ hiện trạng và kiểm tra thực tế cho thấy, điểm sụt, lún đất có diện tích 537m2 (nằm phía sau hộ bà Phương, hộ bà Chất và hộ ông Vang); hình thái sụt, lún cục bộ có độ sâu trung bình là 1,1m. Điểm sụt, lún chủ yếu là đất trồng cây ăn quả (nhãn, na, xoài và chuối); có một đoạn tường rào xây gạch bi của hộ bà Chất và tường xây nhà vệ sinh của hộ ông Vang bị đổ. Không có thiệt hại về nhà ở và các công trình khác. Khu vực sụt, lún có một lượng lớn đất mới đắp cao hơn mặt đất tự nhiên trung bình là 1,5m; đây cũng chính là khu vực bị sụt lún mạnh nhất.

Ngoài khu vực sụt lún cục bộ nêu trên, còn có hai vết nứt trên đất hộ bà Khanh, gồm: một vết có chiều dài khoảng 33m, rộng trung bình 0,5m (trên khu vực đổ thêm đất) chạy dọc song song với bờ sông Lô và cách mép bờ khoảng 15m. Một vết nứt nhỏ có chiều rộng trung bình khoảng 10cm chạy dích dắc từ khu vực đổ thêm đất đến khu vực đất nguyên thổ dài khoảng hơn 35m. Một đoạn tường xây gạch bi bị đổ do vết nứt của đất.

Khu vực từ nhà bà Phương và ông Vang đến tiếp giáp nhà ở của hộ bà Khanh đã được đổ, lấp đất cao khoảng 1,5m so độ cao nền đất cũ. Thời điểm đổ đất san lấp nâng cao bằng mặt đường từ năm 2008 (do khi nâng cấp, cải tạo đường Quốc lộ 37 đã làm mặt đường cao hơn so mặt đường cũ hơn 1m). Mái ta-luy bờ sông có độ dốc lớn (khoảng hơn 65 độ), thảm thực vật trên mặt được giữ nguyên, các búi tre, cây cối không bị nghiêng, không có hiện tượng bị sạt, lở.

Đo kiểm tra 64 điểm từ đáy sông rải đều theo lưới ô vuông trong phạm vi khoảng 3,6ha (từ ranh giới hộ bà Khanh về phía hạ lưu là 50m và từ ranh giới hộ bà Chất về phía thượng lưu là 50m; chiều rộng từ mép nước tại thời điểm đo ra giữa sông là 120m), cho thấy, độ cao từ mép nước đều thấp dần (khoảng 30%) từ bờ mép nước ra giữa lòng sông và thấp dần về phía vực ghềnh đá sau nhà bà Chất (khoảng 20%).

Khu vực mặt nước từ ranh giới cấp phép khai thác khoảng sản đến sát bờ sông (khu vực này không cấp phép khai thác) có địa hình tương đối bằng phẳng nghiêng thấp dần ra giữa lòng sông, không có cuội, sỏi tạo thành đống và không có dấu hiệu lồi, lõm bất thường, phù hợp quy luật tự nhiên của dòng chảy. Bờ sông không có hiện tượng sạt lở đất.

Bước đầu xác định nguyên nhân gây ra sụt, lún đất và các vết nứt tại khu vực này do địa chất khu vực sụt, lún chủ yếu là đất sét pha cát (đất phù sa) không ổn định khi mực nước sông Lô hạ thấp sẽ dễ bị biến đổi do chịu tác động của sóng nước và do lượng đất đắp năm 2008 của các hộ làm gia tăng tải trọng dẫn đến không ổn định, mất cân bằng tự nhiên đã gây sụt, lủn đất cục bộ; địa chất dưới điểm sụt, lún là nền đá vôi có thể có các hang cac-tơ (hang rỗng) khi có sự luân chuyển của nước ngầm làm rửa trôi đất đá phía trên, khi người dân đổ thêm đất đã làm gia tăng trọng lượng, đồng thời do rung chấn của các phương tiện giao thông đường thủy, đường bộ đã dẫn đến sụt, lún cục bộ (tai biến địa chất) và kéo theo hiện tượng nứt đất phía hộ bà Khanh.

Từ đó xác định, việc sụt, lún, nứt đất tại khu vực này chủ yếu là do yếu tố tự nhiên gây ra, đồng thời do ảnh huởng của việc san lấp thêm đất của các hộ dân và sự rung chấn của các phương tiện giao thông đường thủy, đuờng bộ. Việc sụt, lún, nứt đất tại khu vục này không phải nguyên nhân do khai thác cát, sỏi gây ra.

Các cơ quan chức năng của tỉnh Tuyên Quang đề nghị chính quyền địa phương thường xuyên theo dõi diễn biến sụt, lún, nứt hoặc sạt, lở đất tại khu vực này. Chủ động sơ tán, di chuyển khi có diễn biến xấu xảy ra gây mất an toàn tính mạng, tài sản của nguời dân nhất là trong mùa mưa lũ. Bố trí tái định cư cho các hộ khi xét thấy cần thiết.

Đồng thời, xây dựng phương án khắc phục việc sụt, lún và phòng ngừa việc sạt, lở đất tại khu vực này để ổn định đời sống người dân theo huớng bạt mái, giảm độ dốc ta-luy bờ sông, giảm tải khu vực trên bờ nhất là khu vục có đất mới đắp thêm; đắp phản áp bảo đảm an toàn, ổn định cho bờ sông không bị trượt, sạt lở. Khuyến cáo người dân khu vực này không xây dựng các công trình nhà ở, vật kiến trúc và các công trình khác trong thời gian cơ quan chức năng khắc phục việc sụt, lún đất và các biện pháp phòng ngừa việc sạt, lở đất tại khu vực này.

Chủ động theo dõi diễn biến sụt, lún, nứt hoặc sạt, lở đất tại khu vực này, kịp thời thông báo đến cơ quan chức năng các diễn biến phát sinh để có biện pháp xử lý bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản cho người dân nhất là trong mùa mưa lũ.