70 năm Ngày Khí tượng thế giới (23-3-1950 - 23-3-2020)

Vùng cực Nam Trung Bộ trong cơn hạn - mặn

NDO -

NDĐT- Kể từ đầu năm 2020 đến nay, hầu như vùng cực Nam Trung Bộ phổ biến không có mưa, hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận đang trực diện khốc liệt trước tình hình nắng hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn ngày càng nghiêm trọng.

Hồ Ông Kinh, xã Nhơn Hải, huyện Ninh Hải (Ninh Thuận) có dung tích thiết kế 800 nghìn m3 nước cung cấp nước sản xuất cho hơn 200 ha trồng nho, hành, tỏi đã cạn trơ đáy nhiều tháng qua
Hồ Ông Kinh, xã Nhơn Hải, huyện Ninh Hải (Ninh Thuận) có dung tích thiết kế 800 nghìn m3 nước cung cấp nước sản xuất cho hơn 200 ha trồng nho, hành, tỏi đã cạn trơ đáy nhiều tháng qua

Ninh Thuận và Bình Thuận thuộc vùng cực Nam Trung Bộ. Lượng mưa trung bình hàng năm tại hai tỉnh này rất thấp (chỉ từ 1.000mm đến 1.400mm), nhưng lại có sự biến đổi mạnh mẽ theo không gian và thời gian. Nếu lượng mưa trung bình hằng năm tại khu vực ven biển khoảng 600mm, thì vùng núi cao lại lớn hơn 2.000mm. Vào mùa lũ, thường thời gian có lượng mưa lớn không nhiều, cho nên thời gian thiếu mưa, cạn kiệt kéo dài. Cùng với đó, phân lớn hệ thống sông, suối trên địa bàn của hai tỉnh ngắn và rất dốc, cho nên mùa lũ nước sông lên nhanh và cũng xuống nhanh; mùa cạn mực nước xuống thấp, nhiều sông, suối bị tắt dòng, khiến cho một số sông vùng hạ lưu bị xâm nhập mặn ngày càng nhiều.

Theo số liệu thống kê các yếu tố khí tượng trong hai tháng đầu năm 2020 cho thấy, nhiệt độ không khí trung bình cao hơn trung bình nhiều năm (TBNN) khoảng 0,5oC, độ ẩm thấp hơn TBNN khoảng 3 %. Tổng số giờ nắng nhiều hơn TBNN khoảng 30 giờ. Tổng lượng bốc hơi nhiều hơn TBNN khoảng 10mm. Tại các trạm Tân Mỹ, Phan Rang, Phan Rí, Sông Lũy, Phan Thiết, La Gi, Tà Pao đều không có mưa. Diễn biến mực nước trên các sông đều có xu thế giảm và thấp hơn TBNN khoảng 0,30m, cá biệt tại trạm Tà Pao trên sông La Ngà (Bình Thuận) mực nước thấp hơn TBNN khoảng 0,90m. Tình hình xâm nhập mặn diễn ra mạnh mẽ hơn nhiều so với cùng kỳ các năm trước tại khu vực hạ lưu sông Cái Phan Rang, Cái Phan Thiết, Sông Lũy. Đặc biệt tại Cầu Đạo Long 2 (Ninh Thuận), độ mặn năm 2020 có xu hướng tăng đột biến khoảng từ 10 đến 20 lần so với cùng kỳ các năm trước, có thời điểm độ mặn lớn nhất tại đây lên đến 22‰.

Theo Phó Cục trưởng Cục Quản lý Tài nguyên nước, Châu Trần Vĩnh, do lượng mưa thiếu hụt từ năm 2019, nên đa số các hồ chứa trên cả nước không tích đủ nước; lượng dòng chảy trên các sông, suối thiếu hụt so với TBNN cùng thời kỳ từ 40 đến 70%.

Tính đến ngày 19-3, tổng dung tích của 21 hồ chứa tại tỉnh Ninh Thuận là 47/194,5 triệu m3, đạt 24% tổng dung tích thiết kế; thấp hơn năm 2019 là 48%, nhỏ hơn so với năm 2018 là 48%. Cùng thời điểm này, tổng dung tích của 20 công trình hồ chứa vừa và lớn trên địa bàn tỉnh Bình Thuận là 91,31/315,64 triệu m3, trung bình đạt 29% so với thiết kế, giảm khoảng 8 triệu m3 so với tuần trước. So sánh với cùng kỳ TBNN, dung tích các hồ trung bình thấp hơn khoảng 20%; 16/20 hồ chứa ở mức thấp hơn cùng kỳ TBNN, trong đó hồ Tà Mon đã ở dưới mực nước chết. Các hồ chứa lớn ở khu vực phía Bắc tỉnh gồm hồ Sông Quao, Lòng Sông và Phan Dũng hiện chỉ tích đạt từ 20-34% DTTK, thấp hơn 22-39% so với TBNN cùng kỳ. Đây là các hồ rất quan trọng trong điều tiết và cấp nước vào mùa khô cho các huyện Tuy Phong, Hàm Thuận Bắc và TP Phan Thiết, là những vùng thường xuyên chịu ảnh hưởng của khô hạn và thiếu nước.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận, các xã Phước Nam, Phước Ninh, huyện Thuận Nam và một vài khu vực khác đã có nhiều hộ đối mặt với nguy cơ thiếu đói. Do thiếu nước tưới, tỉnh này phải dừng sản xuất vụ đông-xuân 2019-2020 là 7.874 ha. Hiện tại, diện tích lúa bị thiệt hại do hạn hán gây ra hơn 387 ha. Nhiều loại cây trồng lâu năm đứng trước nguy cơ chết, giảm năng suất và sản lượng. Tính đến ngày 19-3, toàn tỉnh có hơn 45 ha rừng bị cháy.

Tại Bình Thuận, do thiếu nước, toàn tỉnh chỉ gieo trồng hơn 32.000 ha cây trồng các loại trong vụ đông - xuân 2019-2020, giảm hơn 20.000 ha so với kế hoạch. Trong đó, diện tích lúa và hoa màu là 12.500 ha, giảm 62% so với kế hoạch. Tại các huyện canh tác nông nghiệp trọng điểm như Bắc Bình và Hàm Thuận Bắc, tình hình khô hạn đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân cũng như sản xuất. Tại đây, gần 500 ha lúa vụ đông - xuân mà nông dân gieo trồng ngoài kế hoạch đã bị chết. Tổng diện tích rừng hơn 370.000 ha, tuy nhiên, có hơn 150.000 ha đang ở nguy cơ cháy cao, cảnh báo cấp 5.

Trong bối cảnh hạn hán ngày càng khốc liệt, ngành Khí tượng Thủy văn đang nỗ lực để cung cấp thông tin phục vụ các địa phương. Theo TS. Hoàng Đức Cường, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn cho biết: “Trên cơ sở chia sẻ dữ liệu khí tượng thủy văn, chúng tôi mới phân tích và đưa ra được những bản tin dự báo, cảnh báo; nhất là dự báo các thiên tai liên quan đến nước để không một ai bị bất ngờ trước những cơn lũ lụt, chủ động phòng chống hạn hán”.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, hiện tượng Southern Oscillation (ENSO) tiếp tục duy trì ở trạng thái trung tính nhưng nghiêng về pha nóng trong khoảng hai đến ba tháng tới. Khu vực Nam Trung Bộ trong tháng 4 và 5 tiếp tục ít mưa và thiếu hụt so với TBNN cùng thời kỳ. Trong tháng 7 và 8, tổng lượng mưa ở mức cao hơn TBNN từ 15 đến 25%, riêng tháng 6 và tháng 9 ở mức xấp xỉ TBNN cùng thời kỳ. Từ nửa cuối tháng 3 đến tháng 5, mực nước trên các sông ở Trung Bộ xuống dần và ở mức thấp, trên một số sông, suối có khả năng xuất hiện mực nước thấp nhất chuỗi số liệu quan trắc. Lượng dòng chảy trên các sông ở Trung Bộ phổ biến ở mức thiếu hụt so với TBNN cùng kỳ từ 15 đến 70%, một số sông thiếu hụt trên 85%. Trong thời gian này, nguy cơ xảy ra hạn hán, thiếu nước tại các tỉnh từ Phú Yên đến Bình Thuận.

Hiện tại, các cấp, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể và nhân dân hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận đang cấp bách thực hiện các giải pháp bảo đảm nguồn nước, ứng phó với thiên tai hạn hán, xâm nhập mặn nhằm bảo đảm mục tiêu không để người dân thiếu nước sinh hoạt, thiếu đói, phát sinh dịch bệnh; quản lý, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả; chăm sóc, bảo vệ và hạn chế thấp nhất thiệt hại đối với cây trồng, vật nuôi.

Về lâu dài, cần có những giải pháp căn cơ hơn để khắc phục bền vững những thiệt hại do hạn hán, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn biến khó lường. Theo chuyên gia cao cấp Nguyễn Ngọc Anh, Nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch Thủy lợi Miền Nam, hạn hán được xem là trở ngại lớn nhất đối với quá trình phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, vì thế, “an ninh nguồn nước mùa khô” là ưu tiên số một. Phát triển thủy lợi trong giai đoạn tới cần được xem xét trên bối cảnh lợi dụng tổng hợp tài nguyên nước và giảm nhẹ thiên tai, bao gồm cả mục tiêu cấp nước, kết hợp phòng chống lũ, cũng như bảo vệ môi trường. Điều kiện phát triển thủy lợi trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận có những đặc trưng riêng, đó là vùng có nền kinh tế thấp, điều kiện khó khăn, là vùng có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, do đó hiệu ích xã hội cần phải được ưu tiên khi xem xét lựa chọn đầu tư xây dựng từng công trình cụ thể.

Quan điểm của tỉnh Bình Thuận là phát triển thủy lợi để phòng chống thiên tai và hạn hán, căn cứ vào đặc điểm khí tượng-thủy văn, địa hình và nhu cầu nước cho phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, cần phát triển thủy lợi tưới tiêu, cấp nước phục vụ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp-nông thôn và phát triển các ngành kinh tế xã hội; tiếp tục đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi mới (bao gồm hồ chứa, đập dâng, trạm bơm, hệ thống kênh tưới...) ở tất cả các quy mô lớn, vừa và nhỏ ở các lưu vực sông. Trước hết, tập trung phục vụ các vùng sản xuất lương thực, phòng chống hạn hán và giải quyết cơ bản nguồn nước cho các khu dân cư và công nghiệp trọng điểm; tiếp tục nâng cấp các công trình hồ chứa nước, chuyển một số hồ có điều kiện địa hình và nguồn nước từ điều tiết năm sang điều tiết nhiều năm. Kiên cố hóa hệ thống kênh mương theo hướng giảm tổn thất, hiện đại hóa các hệ thống thủy lợi để phát huy và tăng tối đa năng lực thiết kế; tăng cường quản lý nguồn nước và quản lý công trình thủy lợi.