Vụ phá rừng ở khu bảo tồn: Ba người làm công không đốn hạ cây rừng

NDO -

NDĐT - Liên quan đến bài viết "Chuyện “động trời” tại Đồng Nai: Đơn vị bảo tồn rừng lại đi phá rừng?", trước việc Giám đốc Khu Bảo tồn Thiên nhiên Văn hóa Đồng Nai (Khu bảo tồn) Trần Văn Mùi cho rằng, các cá nhân của đơn vị được giao dọn dây leo, bụi rậm tại khu đồi 90 đã thiếu kiểm tra, giám sát dẫn đến người làm công đã đốn hạ nhiều cây rừng, chỉ còn lại phần gốc và ngọn.

Một số gỗ đốn hạ ở đồi 90 đang bị tạm giữ.
Một số gỗ đốn hạ ở đồi 90 đang bị tạm giữ.

Sau nhiều lần liên lạc, chiều tối qua 3-1, chúng tôi đã gặp nhóm ba người, gồm: Nguyễn Văn Kiệp (SN 1985); Lê Hoàng Phú và Huỳnh Văn Công (cả hai cùng SN 1996), tại nhà riêng anh Kiệp ở ấp 6, xã Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu, cách khu đồi 90 khoảng 10 km. Anh Kiệp cho biết, được ông Thái Ngô Đức, Hạt phó Hạt Kiểm lâm Khu bảo tồn thuê dọn dây leo, bụi rậm ở khu đồi 90, sau đó, Kiệp gọi thêm Phú và Công đến làm. Mỗi ngày một người được ông Đức hứa trả 250 nghìn đồng, đến nay cả ba vẫn chưa nhận được tiền công.

Trước thông tin lãnh đạo Khu bảo tồn cho rằng, chỉ thuê dọn dây leo, bụi rậm, cây sâu bệnh nhưng Kiệp, Phú, Công đã đốn hạ nhiều cây rừng lớn ở đồi 90, cả ba đều bức xúc và khẳng định, hoàn toàn không đốn cây gỗ lớn tại đây. Bởi lẽ, theo họ, khi đến để dọn dây leo, cây bụi rậm đã thấy ở khu đồi 90 nhiều cây gỗ lớn đã bị đốn hạ còn dấu vết mới. “Tại hiện trường, chỉ còn lại gốc cây và phần ngọn, trong khi phần thân những cây gỗ lớn không biết đã được đưa đi đâu. Chúng tôi chỉ được thuê dọn dây leo, bụi rậm. Những cây gỗ lớn có thuê tôi cũng không dám làm, vì chẳng may khi hạ cây sập đè lên người chết”, anh Nguyễn Văn Kiệp khẳng định.

Vụ phá rừng ở khu bảo tồn: Ba người làm công không đốn hạ cây rừng ảnh 1

Các anh Công, Kiệp, Phú (từ trái qua) trả lời phóng viên Báo Nhân Dân điện tử.

Tiếp lời, anh Lê Hoàng Phú cho rằng, muốn đốn hạ những cây gỗ lớn ở đồi 90 chúng tôi cũng không thể làm được. Khi phát dọn dây leo, bụi rậm và chặt phần ngọn những cây đã ngã nhiều quá, dùng dao không chặt xuể. Lúc này, chúng tôi mới bàn nhau liên hệ Đội kiểm lâm cơ động của Khu bảo tồn ở gần đó mượn cưa máy để làm cho nhanh. “Trong nhóm, tôi là người cầm cưa máy để cưa, nhưng tôi khẳng định hoàn toàn không cưa những cây gỗ lớn loại một hai người ôm không hết. Những cây này khi chúng tôi đến đã bị cưa và phần thân gỗ không còn ở hiện trường”, anh Phú cho hay.

Sau khi xảy ra vụ việc, cả ba được lực lượng chức năng mời lên làm việc, sau đó trở về tiếp tục đi làm công ở khu vực xã Phú Lý. Trong ba người, Phú học hết lớp 6; Kiệp học hết lớp 3, còn Công chưa đi học ngày nào, khu vực ở lại nằm sâu trong rừng, điều kiện tiếp nhận thông tin còn hạn chế nên họ hoàn toàn không biết đại diện lãnh đạo Khu bảo tồn cho rằng, việc chặt cây rừng lớn ở đồi 90 do cả ba đốn hạ. Khi biết thông tin trên, cả ba đều rất bất ngờ và mong muốn các cơ quan chức năng làm rõ. “Tôi giờ chỉ mong các cơ quan cấp trên làm rõ, chứ thực tình chúng tôi đi làm công mỗi ngày được trả 250 nghìn đồng. Đổ cho chúng tôi cưa những cây gỗ lớn thì tội cho chúng tôi quá, vì thực tình chúng tôi không làm”, anh Huỳnh Văn Công mong muốn.

Vụ phá rừng ở khu bảo tồn: Ba người làm công không đốn hạ cây rừng ảnh 2

Lãnh đạo tỉnh Đồng Nai kiểm tra hiện trường sau khi Báo Nhân Dân điện tử phản ánh.

Như vậy, đến thời điểm này, đối với vụ việc phá gần 1 ha rừng tự nhiên, lấy cớ trồng cây dược liệu ở khu đồi 90, Giám đốc Khu bảo tồn Trần Văn Mùi cho rằng, do thiếu giám sát của đơn vị khiến những người làm công đã đốn hạ nhiều cây rừng. Trong khi những người làm công lại khẳng định hoàn toàn không đốn cây rừng lớn mà chỉ phát dây leo, bụi rậm. Vậy, ai mới là người đã đốn hạ không thương tiếc 61 cây gỗ rừng tự nhiên hàng chục năm tuổi, có đường kính từ 15 đến 60 cm ở khu đồi 90? Câu trả lời xin dành cho các cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai.

UBND tỉnh Đồng Nai giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh chủ trì, khẩn trương thanh tra, làm rõ mức độ vi phạm, xác định nguyên nhân. Trên cơ sở đó, đề xuất UBND tỉnh xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật và xử lý hậu quả vụ việc. Thời gian hoàn thành và báo cáo kết quả gửi về UBND tỉnh chậm nhất ngày 15-1-2020. Trong một diễn biến liên quan, Ban Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai đã giao Phòng Cảnh sát Kinh tế chủ trì, điều tra làm rõ vụ việc. Theo Đại tá Nguyễn Văn Kim, Phó Giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh, quá trình điều tra, nếu phát hiện có dấu hiệu vi phạm hình sự, cơ quan công an sẽ khởi tố vụ án, điều tra và xử lý nghiêm minh theo đúng quy định pháp luật.
* Đơn vị bảo tồn rừng lại đi phá rừng?