Việt Nam tìm cách xuất trả phế liệu cương quyết như Malaysia, Philippines

NDO -

NDĐT – Cuối tháng 9 vừa qua, Bộ Tài nguyên Môi trường (TN-MT) được Thủ tướng giao nghiên cứu, đề xuất giải pháp xuất trả phế liệu nhựa nhập khẩu theo hướng như Malaysia, Philippines đã áp dụng. Mới đây, Phó Tổng cục Môi trường Hoàng Văn Thức cho biết, để làm được điều này, Philippines mất 5 năm đấu tranh bằng ngoại giao. Phía Việt Nam cũng đang tìm cách để xuất trả gần 4.000 container phế liệu đang tồn đọng ở cảng.

Chất thải nhựa chất đống bên ngoài một nhà máy tái chế bất hợp pháp ở Malaysia.
Chất thải nhựa chất đống bên ngoài một nhà máy tái chế bất hợp pháp ở Malaysia.

Câu chuyện xuất trả phế liệu từ Malaysia, Philippines

Nhiều nước phát triển trên thế giới có xu hướng xuất khẩu một lượng lớn rác tái chế của họ sang các nước khác để xử lý, và các nước đang phát triển ở châu Á là nơi đến của những container hàng phế liệu. Năm 2018, nước nhập khẩu phế liệu lớn nhất là Trung Quốc đã ban hành tiêu chuẩn nhập khẩu mới, loại trừ 99% phế liệu nhập khẩu từ các nước.

Kể từ đó, các công ty quản lý chất thải đã tìm thấy thị trường mới ở các quốc gia khác như các nước Đông Nam Á. Malaysia đã bị ảnh hưởng nặng nề khi nhiều nhà tái chế từ Trung Quốc chuyển đến nước này.

Đứng trước nguy cơ trở thành bãi rác của thế giới, các nước Đông Nam Á như Malaysia, Philippines… đã có kế hoạch đối phó bằng cách xuất trả những lô hàng phế liệu không bảo đảm chất lượng về lại nước gốc đã xuất khẩu nó.

Tháng 5 vừa qua, Chính phủ Malaysia tuyên bố gửi lại 100 tấn chất thải nhựa của Úc vì nó quá ô nhiễm để tái chế. Bộ trưởng Môi trường của Malaysia Yeo Bee Yin tuyên bố rằng 3.000 tấn chất thải được nhập khẩu từ khắp nơi trên thế giới vào nước này sẽ được trả lại vì nó bị thối rữa, ô nhiễm hoặc bị dán nhãn giả và nhập lậu.

Việt Nam tìm cách xuất trả phế liệu cương quyết như Malaysia, Philippines ảnh 1

Một người phụ nữ Malaysia cầm bức chân dung của Thủ tướng Canada Justin Trudeau trong một cuộc biểu tình bên ngoài Đại sứ quán Canada. Ảnh: The Guardian

“Malaysia sẽ không phải là bãi rác của thế giới. Chúng tôi sẽ đáp trả. Mặc dù chúng tôi là một quốc gia nhỏ, nhưng chúng tôi không thể bị các quốc gia phát triển bắt nạt”, Bộ trưởng Môi trường Malaysia phản kháng. “Người Malaysia có quyền làm sạch không khí, nước sạch và môi trường sạch sẽ, giống như công dân của các quốc gia phát triển”.

Chính quyền Malaysia đã xác định được nguồn rác để tái xuất về Anh, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Tây Ban Nha, Canada, Hà Lan, Đức, Ả Rập Saudi, Singapore, Bangladesh và Pháp.

Một quan chức cấp cao của Bộ Môi trường Malaysia cho biết, đến tháng 8 vừa qua, Chính phủ Malaysia đã gửi trả lại ít nhất 10 thùng rác thải nhựa cho các quốc gia khác nhau và đóng cửa 155 nhà máy xử lý bất hợp pháp. Các quan chức đang đấu tranh để xác định nguồn gốc của 198 container được cho là có chứa nhựa phế liệu tại ba cảng. Đây là những container nhập khẩu bất hợp pháp, không có giấy phép vào nước này.

Một số quốc gia Đông Nam Á khác cũng đã tái xuất chất thải trong những tháng gần đây, trong đó, Philippines đã trả lại một lô hàng rác khổng lồ cho Canada và Indonesia đã vận chuyển năm container rác đến Mỹ.

Việt Nam tìm cách xuất trả phế liệu cương quyết như Malaysia, Philippines ảnh 2

Một người đàn ông Indonesia 60 tuổi, đứng trước đống rác thải nhựa phải đốt bỏ tại một bãi rác nhựa nhập khẩu.

Cụ thể, tháng 5 vừa qua, Philippines đã bắt đầu tái xuất hàng chục container rác cho Canada sau một thời gian dài đấu tranh ngoại giao. 69 container rác đã được xếp trên một con tàu tại cảng Subic, phía tây bắc Manila và có hành trình dài một tháng đến thành phố Vancouver của Canada.

Năm 2015, một tòa án Philippines đã tuyên bố việc nhập khẩu 2.400 tấn chất thải từ Canada là bất hợp pháp. Nó đã được dán nhãn sai là nhựa để tái chế.

Phía Canada cho biết, chất thải được xuất khẩu sang Philippines từ năm 2013 đến 2014 theo một giao dịch thương mại từ doanh nghiệp tư nhân mà không có sự đồng ý của chính phủ.

Sau 503 container trả chủ tàu, Việt Nam tìm giải pháp xuất trả toàn bộ phế liệu vi phạm

Về phía Việt Nam, Phó Tổng cục Môi trường Hoàng Văn Thức cho biết, một năm qua, các bộ ngành đã vào cuộc giải quyết vấn đề nhập khẩu phế liệu. Bộ TN-MT đã đưa ra quy chuẩn kỹ thuật môi trường quốc gia cho sáu nhóm phế liệu để kiểm soát chất lượng phế liệu. Thứ hai, đã hoàn thiện các điều kiện để cấp phép hoặc các doanh nghiệp kinh doanh trực tiếp có nhu cầu nhập khẩu phế liệu đều đã được kiểm soát chặt theo Nghị định số 40/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật bảo vệ môi trường. Trong đó, có sửa đổi, bổ sung quy định về nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất.

Thứ ba, một số bộ ngành khác như Bộ Tài chính, Giao thông vận tải đã đưa ra những rào cản bắt buộc chủ tàu khi vận chuyển hàng hóa phế liệu nhập khẩu từ nước ngoài về phải có tờ khai rõ ràng, ghi rõ thời hạn giấy phép nhập khẩu của doanh nghiệp trong nước, khối lượng nhập khẩu.

Từ tháng 9 năm ngoái đến nay, việc những doanh nghiệp cố tình trốn tránh hay sử dụng giấy nhập khẩu mập mờ đã được kiểm soát.

Cho đến tháng 8, số container tồn đọng sau 90 ngày đã giảm đi rất nhiều và chủ yếu chỉ còn tồn đọng ở giai đoạn trước khi có Chỉ thị số 27/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Một số giải pháp cấp bách tăng cường công tác quản lý đối với hoạt động nhập khẩu và sử dụng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất.

Theo báo có số liệu mới nhất của Tổng cục Hải quan, cả nước còn tồn đọng 6.456 container, trong đó có: 2.388 container hàng hóa qua sử dụng không phải phế liệu, và 3.839 container phế liệu nhựa nhập khẩu trên 90 ngày tập trung ba cảng lớn: Hải Phòng, Cát Lái, Vũng Tàu.

Việt Nam tìm cách xuất trả phế liệu cương quyết như Malaysia, Philippines ảnh 3

Kiểm tra các container phế liệu tại cảng Cát Lái.

Để giải quyết những những bất cập, vướng mắc đối với công tác quản lý phế liệu nhập khẩu hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đang chuẩn bị ban hành Quyết định phê duyệt Quy chế phối hợp liên ngành trong quản lý hoạt động nhập khẩu phế liệu. Trong đó, cuối tháng 9 vừa qua, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành liên quan nghiên cứu cách thức quản lý nhập khẩu phế liệu nhựa theo hướng cương quyết xuất trả phế liệu nhập khẩu như Malaysia, Philippines...

Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ ngành, liên quan giải quyết những bất cập, vướng mắc đối với công tác quản lý phế liệu nhập khẩu.

Theo đó, để giải quyết những những bất cập, vướng mắc đối với công tác quản lý phế liệu nhập khẩu hiện nay đồng thời cập nhật đầy đủ, chặt chẽ những quy định mới đã được ban hành, Thủ tướng Chính phủ đang chuẩn bị ban hành Quyết định phê duyệt Quy chế phối hợp liên ngành trong quản lý hoạt động nhập khẩu phế liệu.

Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các cơ quan nghiên cứu, đề xuất giải pháp quản lý nhập khẩu phế liệu nhựa của Việt Nam theo hướng cương quyết xuất trả phế liệu nhập khẩu như Malaysia, Philippines...

Được biết, hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Ngoại giao và Bộ Giao thông vận tải rà soát các quy định pháp luật và công ước quốc tế có liên quan để đề xuất phương án thực hiện tái xuất toàn bộ các lô hàng phế liệu không đáp ứng yêu cầu.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Hoàng Văn Thức cho biết, Bộ TN-MT đã phối hợp Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao tìm hiểu kinh nghiệm Philippines đã làm trong việc xuất trả 69 container phế liệu.

Bộ Ngoại giao cho biết, để trả lại 69 container, Philippines đã phải trải qua con đường đấu tranh ngoại giao mất 5 năm. Việt Nam trong thời gian qua dựa trên căn cứ pháp luật về bảo vệ môi trường, luật hải quan, luật ngoại thương, tôi được biết các cơ quan hải quan của các địa phương một năm qua đã yêu cầu các hãng vận tải biển chuyển ra khỏi lãnh hải Việt Nam 503 container, trong đó có 289 container phế liệu nhựa, 106 container giấy, 98 container sắt thép và 10 container phế liệu khác.

Ông Hoàng Văn Thức cho biết, sắp tới, Bộ TN-MT sẽ tổng hợp tình hình và báo cáo Thủ tướng để cùng các bộ ngành kiểm soát quyết liệt, chặt chẽ hơn. Sẽ đưa vào các điều khoản ràng buộc chắc chắn về pháp lý giữa nhà xuất khẩu nước ngoài và nhà nhập khẩu trong nước. Hiện nay, đang đề nghị các ngành kiên quyết khi phát hiện ra các lô hàng chủ tàu chuyển đến kiên quyết không đúng thì trả lại chủ tàu.

Với gần 4.000 container tồn đọng, Thủ tướng đã giao cho Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan chủ trì thành lập tổ công tác liên ngành gồm Bộ TN-MT, sở TN-MT, cục trưởng cơ quan hải quan địa phương tiến hành cân đong đo đếm những lô hàng vi phạm, yêu cầu bắt buộc các chủ tàu tái xuất khỏi Việt Nam.