Triển lãm ảnh về ô nhiễm không khí nhằm nâng cao nhận thức giới trẻ

NDO -

NDĐT - Tour triển lãm ảnh “Cảm nhận không khí” qua các trường đại học trong địa bàn TP Hồ Chí Minh từ ngày 5 đến 14-6 nhằm giáo dục và nâng cao nhận thức của cộng đồng trẻ về vấn đề ô nhiễm không khí đang ngày càng trở nên trầm trọng tại các đô thị lớn của Việt Nam, từ đó kêu gọi sự chung tay hành động, hướng đến một bầu không khí trong lành.

Các bạn sinh viên đang chiêm ngưỡng những bức tranh trong triển lãm Cảm nhận không khí.
Các bạn sinh viên đang chiêm ngưỡng những bức tranh trong triển lãm Cảm nhận không khí.

Đây là hoạt động nhằm hưởng ứng ngày Môi trường Thế giới 5-6 với chủ đề năm 2019 là “Ô nhiễm không khí" (ÔNKK) do chương trình Môi trường (UNEP) của Liên hợp quốc phát động, CHANGE phối hợp cùng phong trào 350.org tổ chức với sự tài trợ từ Lãnh sự quán Đức tại TP Hồ Chí Minh.

Nằm trong khuôn khổ của chiến dịch “Không khí sạch, Bầu trời xanh”, tour triển lãm ảnh “Cảm nhận không khí” là một hoạt động tiếp nối sự kiện triển lãm ảnh “Cảm nhận không khí” đã diễn ra tại Tòa nhà Đức trong thời gian vừa qua. Tour triển lãm sẽ mang 34 bức ảnh được chọn từ cuộc thi nhiếp ảnh “Bắt nét không khí, Phơi màu ô nhiễm” trưng bày tại các trường đại học trong khu vực TP Hồ Chí Minh.

Tour triển lãm bắt đầu vào ngày 5-6 tại trường Đại học Khoa học, Xã hội và Nhân Văn TP Hồ Chí Minh, số 10 - 12 Đinh Tiên Hoàng, quận 1, sau đó di chuyển đến trường Đại học Ngân hàng TP, số 56 Hoàng Diệu 2, quận Thủ Đức vào ngày 7-6, trường Đại học Hoa Sen, số 8 Nguyễn Văn Tráng, quận 1 vào ngày 10-6 và trường Đại học Giao thông Vận tải TP , số 2 đường Võ Oanh, phường 25, quận Bình Thạnh, ngày 12-6, cuối cùng sẽ kết thúc ở Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe Trung ương, 59 Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1 vào ngày 14-6.

Triển lãm ảnh về ô nhiễm không khí nhằm nâng cao nhận thức giới trẻ ảnh 1

Các bạn trẻ đang tham gia hoạt động Gieo hạt nảy mầm.

Với thời gian hoạt động tại mỗi điểm dừng chân kéo dài từ 8 giờ 17 giờ, ngoài việc thưởng thức các tác phẩm ảnh, các bạn sinh viên sẽ được tham gia vào các hoạt động tương tác thú vị bao gồm: “Gieo hạt trồng cây, ươm mầm không khí sạch” - trồng cây trên môi trường giấy cũ tái chế nhằm nâng cao nhận thức về việc lọc không khí thông qua thực vật và tạo cơ hội cho mọi người đóng góp một phần sức lực vào công cuộc gìn giữ bầu trời xanh; “Đố vui có thưởng” giúp các bạn trẻ thu thập thêm nhiều kiến thức về không khí nói chung và vấn đề ô nhiễm khói bụi đang ngày càng trầm trọng tại các đô thị hiện nay.

Ngoài ra, người tham gia còn có cơ hội nhận được một đôi giày đi bộ - quà lưu niệm của ban tổ chức khi tham gia tất cả các hoạt động để truyền tải thông điệp khuyến khích tăng cường đi bộ để giảm thiểu lượng khói thải ra từ các loại xe cá nhân.

“Việt Nam là một đất nước xinh đẹp và tôi hy vọng thông qua chiến dịch “Không khí sạch, Bầu trời xanh” và đặc biệt là triển lãm ảnh “Cảm nhận không khí - Feel the Air”, các bạn trẻ sẽ được khuyến khích để chung tay bảo vệ bầu khí quyển xanh nhằm phát triển bền vững”, bà Daniela Scheetz - Phó Tổng Lãnh sự quán Ðức tại TP Hồ Chí Minh cho biết.

Hiện nay, TP Hồ Chí Minh bị ô nhiễm vượt quy chuẩn gấp ba lần và xe máy là nguồn gây ÔNKK lớn hàng đầu cho các đô thị lớn như TP Hồ Chí Minh hay Hà Nội. Hoạt động giao thông chiếm phát thải cao nhất hầu hết trong các chất ô nhiễm, cụ thể hoạt động giao thông chiếm 99% trong tổng phát thải CO2 của toàn TP. Đối với bụi thì phát thải từ khí thải xe máy và do ma sát mặt đường, thắng xe, lốp xe chiếm 37,7%; kế tiếp là hộ gia đình chiếm 11,4%; công trình xây dựng chiếm 9%; cửa hàng, bãi vật liệu xây dựng chiếm 7,8%; nhà hàng quán ăn chiếm 5%; bến cảng chiếm 5% (Theo Báo cáo Hiện trạng và diễn biến ô nhiễm không khí TP Hồ Chí Minh đến năm 2030 - PGS, TS Hồ Quốc Bằng).

Trong những năm gần đây, Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội và Tổng Lãnh sự Mỹ tại TP Hồ Chí Minh đã tiến hành đo lường chỉ số PM2.5 và cung cấp dữ liệu cho công chúng. Chỉ số chất lượng không khí tại Hà Nội được ghi nhận có nồng độ tập trung của bụi PM 2.5 là 47,9μg/m3. Tại TP Hồ Chí Minh, chỉ số này là 42 μg/m3. Tất cả các chỉ số về chất lượng không khí này đều vượt quá mức khuyến cáo của WHO về chất lượng không khí, đôi khi cao gấp 4-5 lần, điều này ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của người dân.