Thành lập Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tam Giang - Cầu Hai

NDO -

NDĐT - Ngày 5-6, tại xã Quảng Thái, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức lễ công bố thành lập Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tam Giang - Cầu Hai.

Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tam Giang – Cầu Hai chính thức được thành lập.
Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tam Giang – Cầu Hai chính thức được thành lập.

Đây là sự kiện được tổ chức nhân dịp hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới (5-6) năm nay, một sự kiện quan trọng nhằm thúc đẩy nhận thức và hành động vì môi trường trên toàn thế giới.

Dự lễ công bố có Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Nguyễn Thượng Hiền; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế Bùi Thanh Hà; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Thiên Định; Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam, bà Caitlin Wiesen cùng đông đảo đại biểu các bộ, ban, ngành của Trung ương và địa phương.

Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tam Giang - Cầu Hai được thành lập tại Quyết định số 495/QĐ-UBND ngày 20-2-2020 của UBND Thừa Thiên Huế. Đây là một trong hai khu bảo tồn đất ngập nước được thành lập trong khuôn khổ hỗ trợ của dự án "Bảo tồn các khu đất ngập nước quan trọng và sinh cảnh liên kết" (2015 - 2020) do Quỹ môi trường toàn cầu (GEF) và UNDP tài trợ. Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan chủ quản dự án, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường là chủ dự án.

Vùng đất ngập nước Tam Giang - Cầu Hai là hệ đầm phá bán khép kín lớn nhất khu vực Đông - Nam Á, là nơi có tính đa dạng sinh học cao, có số lượng loài sinh vật rất phong phú và hết sức đa dạng về các hệ sinh thái gồm 1.296 loài (bao gồm 41 loài quý hiếm) sinh sống trong các hệ sinh thái đặc thù mang tính đại diện cho khu vực như cỏ biển, thực vật thủy sinh nước ngọt, cửa sông, rừng ngập mặn...

Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước bao gồm hai phân vùng: Ô Lâu, Cồn Tè - Rú Chá và 23 khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản, nằm trong ranh giới hành chính của 23 xã, thị trấn thuộc năm huyện, thị xã của Thừa Thiên Huế. Tổng diện tích là 2.071,5 ha, bao gồm phân vùng Ô Lâu (1.270,2 ha), phân vùng Cồn Tè - Rú Chá (187,1 ha) và 23 khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản (614,2 ha).

Vùng đệm của khu bảo tồn đất ngập nước Tam Giang - Cầu Hai bao gồm toàn bộ diện tích đất mặt nước xung quanh đầm phá, tiếp giáp với phân khu bảo vệ nghiêm ngặt và phân khu phục hồi sinh thái là 17.945 ha. Vùng sinh cảnh liên kết của khu bảo tồn có diện tích là 69.684 ha bao gồm diện tích theo địa giới hành chính của 33 xã xung quanh đầm phá.

Việc thành lập Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tam Giang - Cầu Hai nhằm bảo tồn, phục hồi được sinh cảnh, các hệ sinh thái đặc thù, quan trọng, đa dạng sinh học và nguồn lợi thủy sản của đầm phá Tam Giang - Cầu Hai bao gồm: hệ sinh thái thảm cỏ biển tại khu vực Cồn Tè (Hương Trà); thảm thủy sinh nước ngọt tại cửa sông Ô Lâu (Phong Điền); hệ sinh thái rừng ngập mặn tại khu vực Rú Chá (Hương Trà).

Bên cạnh đó, sẽ góp phần bảo vệ, phục hồi và phát triển quần thể của các loài chim hoang dã, quý hiếm, có giá trị bảo tồn, đặc biệt các loài chim di trú; phục hồi và phát triển phân vùng Ô Lâu trở thành "sân chim" tiêu biểu của khu vực và toàn quốc. Bảo vệ và phục hồi các loài thủy sản quý hiếm, có giá trị bảo tồn và giá trị kinh tế đặc trưng cho đầm phá Tam Giang - Cầu Hai.

Tăng cường khả năng chống chịu của các hệ sinh thái trong khu bảo tồn, thích ứng với những biến động tự nhiên của đầm phá và biến đổi khí hậu. Bảo đảm sự tham gia của cộng đồng tại địa phương trong quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý tài nguyên đất ngập nước. Phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững; cộng đồng địa phương được tham gia quản lý, khai thác, sử dụng bền vững các giá trị của khu bảo tồn.

Ngoài ra, Khu bảo tồn còn làm nhiệm vụ hỗ trợ giáo dục và nâng cao nhận thức, kiến thức về môi trường của cộng đồng; hỗ trợ nghiên cứu khoa học, tạo điều kiện thuận lợi và cơ hội cho các nhà khoa học, các nhóm người yêu thiên nhiên trong nước và quốc tế nghiên cứu khoa học sinh học, sinh thái học và bảo tồn.

Phát biểu ý kiến tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, ông Phan Thiên Định nêu rõ: “Vai trò và tầm quan trọng của hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thừa Thiên Huế là rất lớn. Vì vậy, việc xây dựng Kế hoạch phục hồi các hệ sinh thái tự nhiên trong khu bảo tồn; có phương án hỗ trợ chuyển đổi sinh kế cho người dân trong và xung quanh khu bảo tồn; tổ chức quản lý, vận hành hoạt động khu bảo tồn một cách bền vững và phát triển là nhiệm vụ cấp thiết, cần sự chung tay của toàn thể cộng đồng, toàn thể chúng ta”.

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Thượng Hiền, việc thành lập Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tam Giang - Cầu Hai có giá trị rất lớn, thể hiện cam kết và quyết tâm trong bảo vệ môi trường, bảo vệ hệ sinh thái đất ngập nước phục vụ lợi ích của nhân dân và phát triển bền vững của đất nước; góp phần thúc đẩy các hoạt động bảo tồn tại Việt Nam, cân bằng sinh thái và duy trì cảnh quan tự nhiên, các giá trị đa dạng sinh học, phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội.

Trưởng đại diện UNDP tại Việt Nam, bà Caitlin Wiesen cho rằng, sự kiện hôm nay rất có ý nghĩa, đồng thời nhấn mạnh đến vai trò của rừng ngập mặn và hệ sinh thái đất ngập nước với vai trò đặc biệt quan trọng trong việc thanh lọc ô nhiễm, hỗ trợ sinh kế cho các cộng đồng địa phương, bảo vệ hạ tầng và cuộc sống của người dân sống trong hoặc gần các khu vực này.

Hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới năm 2020 với chủ đề "Hành động vì thiên nhiên", sau lễ công bố thành lập Khu bảo tồn, các đại biểu đã tham quan thực địa khu vực rừng ngập mặn xã Quảng Thái và Quảng Lợi thuộc khu bảo tồn; đồng thời thả tôm, cua, cá giống tại Vũng Mệ thuộc Khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản Vũng Mệ để tái tạo nguồn lợi thủy sản, tăng tính đa dạng sinh học vùng đầm phá.