Tăng cường bảo vệ môi trường trong xây dựng nông thôn mới

NDO -

Ngày 30-11, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) phối hợp với UBND tỉnh Sóc Trăng tổ chức tổng kết việc thực hiện Đề án thí điểm hoàn thiện và nhân rộng mô hình bảo vệ môi trường (BVMT) trong xây dựng nông thôn mới (NTM) tại các xã khó khăn, biên giới, hải đảo theo hướng xã hội hóa, giai đoạn 2017-2020 theo Quyết định 712/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chiến lược quốc gia về cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn.

Cấp nước sạch miễn phí cho người dân nông thôn ở Sóc Trăng.
Cấp nước sạch miễn phí cho người dân nông thôn ở Sóc Trăng.

Theo Bộ NN-PTNT, Đề án 712 bước đầu đã hoàn thiện và nhân rộng các mô hình về BVMT theo hướng xã hội hóa cần được tiếp tục phát huy. Đề án tập trung vào năm nhóm mô hình về BVMT để giải quyết các vấn đề môi trường bức xúc tại các xã khó khăn gồm: Các mô hình đối với lĩnh vực cấp nước sạch, mô hình xử lý chất thải rắn quy mô liên xã; mô hình thu gom, xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật; mô hình xử lý chất thải chăn nuôi và mô hình tuyên truyền viên BVMT cấp xã.

Hội nghị đã đi đến thống nhất nội dung công tác trong thời, cụ thể như: Đẩy mạnh xã hội hóa công tác BVMT nông thôn và thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng NTM gắn với việc triển khai thực hiện Luật BVMT năm 2020.

Bộ TNMT chủ trì, phối hợp với Bộ NN-PTNT rà soát, hoàn thiện các cơ chế, chính sách về BVMT nông thôn trên cơ sở xây dựng và trình ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, tập trung vào các nội dung chính: hoàn thiện và nhân rộng các mô hình phân loại chất thải tại nguồn; mở rộng mạng lưới thu gom và hoàn thiện hạ tầng các điểm trung chuyển chất thải bảo đảm quy định về BVMT; thu hút các doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng các mô hình xử lý chất thải sinh hoạt quy mô tập trung, ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, thân thiện với môi trường; hướng dẫn về công nghệ, kỹ thuật xử lý nước thải sinh hoạt tại chỗ.

Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ TNMT tiếp tục hoàn thiện và nhân rộng các mô hình cung cấp nước sạch theo hệ thống, xử lý chất thải rắn quy mô liên huyện, xử lý nước thải sinh hoạt quy mô hộ, cấp thôn trong cộng đồng dân cư; mô hình thu gom, tái chế, xử lý phụ phẩm nông nghiệp, chất thải chăn nuôi; trong đó, tập trung ưu tiên ở các vùng khó khăn.

Các địa phương, trên cơ sở thực trạng công tác BVMT nông thôn giai đoạn vừa qua, xác định các nội dung trọng tâm cần triển khai thực hiện trong năm năm tới; xây dựng Đề án BVMT của từng địa phương trong xây dựng NTM, nhằm xác định lộ trình và tìm kiếm nguồn lực triển khai thực hiện, gửi Bộ NN- PTNT, Bộ TNMT để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án phân bổ nguồn vốn hỗ trợ thực hiện từ Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025.

Tiếp tục xác định rõ và phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc các cấp và các tổ chức chính trị - xã hội như Hội phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên... trong công tác BVMT nông thôn giai đoạn tới. Bên cạnh công tác tuyên truyền, vận động xây dựng cảnh quan môi trường, hướng dẫn và tổ chức thực hiện (các nội dung về “ba sạch”, phân loại chất thải tại nguồn, giảm sử dụng túi ni-lon…), cần phát huy vai trò tư vấn, phản biện, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về BVMT nói chung và BVMT nông thôn nói riêng.

Tạo điều kiện và cơ chế để tăng cường vai trò, trách nhiệm và sự tham gia của doanh nghiệp trong công tác trong công tác BVMT như thu gom, xử lý chất thải rắn và nước thải sinh hoạt, chất thải nông nghiệp, chất thải chăn nuôi... thông qua các quy định về yêu cầu BVMT và các chính sách ưu đãi, hỗ trợ trong lĩnh vực BVMT. Cần khắc phục các tồn tại, hạn chế và phát huy các kết quả về BVMT trong giai đoạn vừa qua, trên cơ sở tổng kết thực hiện Đề án 712.

Cũng theo Bộ NN-PTNT, đến nay cả nước đã có 88,5% người dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh và 51% được sử dụng nước sạch. Đây là một chính sách hết sức hợp lý trong điều kiện phát triển kinh tế - xã hội ở nông thôn. Thông qua hội nghị này làm rõ tác động của chính sách đối với từng địa phương để định hướng cho giai đoạn tiếp theo.