Ô nhiễm hữu cơ và sắt hòa tan trên lưu vực sông Đồng Nai có dấu hiệu gia tăng

NDO -

Ngày 30-10, Ủy ban bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai phối hợp UBND tỉnh Long An tổ chức Hội nghị tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện đề án bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai giai đoạn (2008-2020) và định hướng quản lý môi trường lưu vực sông Đồng Nai giai đoạn tiếp theo.

Hội nghị tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện đề án bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai giai đoạn (2008-2020).
Hội nghị tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện đề án bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai giai đoạn (2008-2020).

Văn phòng Ủy ban bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai cho biết: Từ năm 2008 đến nay, hệ thống quan trắc và phân tích môi trường nước lưu vực sông Đồng Nai được thiết lập từ Trung ương đến địa phương nằm trải các tỉnh: Lâm Đồng, Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh, Bà Rịa-Vũng Tàu, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đắk Nông, một phần địa giới hành chính Đắk Lắk và Long An cũng tiến hành quan trắc riêng trên địa bàn. Công tác thanh, kiểm tra được thực hiện đồng bộ từ Trung ương đến địa phương. Nguồn nước hệ thống lưu vực sông này cung cấp cho khoảng 17 triệu dân sử dụng sinh hoạt và sản xuất. Qua 12 năm thực hiện đã thanh, kiểm tra 1.553 cơ sở và xử phạt gần 47 tỷ đồng. Các địa phương đã thanh, kiểm tra trên 11.206 cơ sở  và xử phạt hơn 258 tỷ đồng.

Qua 12 năm thực hiện, đến nay có tám tỉnh hoàn thành xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, góp phần thay đổi chất lượng nước tại lưu vực hệ thống sông Đồng Nai. Tuy nhiên, vẫn còn một số chỉ tiêu đề ra của giai đoạn 2008-2020 chưa đạt được như: Việc xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại các địa phương chưa xử lý triệt để, cụ thể, tại Lâm Đồng mới xử lý đạt 66,6%, Đắk Nông xử lý 50%, Bình Thuận xử lý đạt 89%. Tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao có hệ thống xử lý nước thải tập trung chưa đạt gồm: Lâm Đồng mới đạt 50%, Đắk Nông đang thực hiện, Bình Thuận đạt 75%, Ninh Thuận đạt 50%. Tỷ lệ khu đô thị có hệ thống xử lý nước thải tập trung chỉ có tỉnh Long An đạt tỷ lệ 70%; 10 tỉnh, thành phố còn lại chưa đạt mục tiêu đề ra. Tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt còn năm tỉnh chưa đạt mục tiêu là Lâm Đồng, Đắk Nông, Long An, Bình Thuận, Ninh Thuận. Tỷ lệ thu gom chất thải nguy hại còn ba tỉnh chưa đạt là: Lâm Đồng, Đắk Nông, Bình Thuận. Tỷ lệ nâng độ che phủ của rừng toàn lưu vực, khôi phục cơ bản rừng đầu nguồn đã bị suy thoái còn năm tỉnh chưa đạt, riêng Long An không có rừng dọc theo lưu vực sông.

Ô nhiễm hữu cơ và sắt hòa tan trên lưu vực sông Đồng Nai có dấu hiệu gia tăng -0
 Sở Tài nguyên và Môi trường Long An quan trắc mẫu nước lưu vực hệ thống sông Đồng Nai đoạn địa phận Long An. 

Ủy ban bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai cho biết thêm: Tình trạng ô nhiễm môi trường nước tại khu vực nội thành, nội thị đang diễn biến phức tạp. Tình trạng ô nhiễm hữu cơ và hàm lượng sắt hòa tan trên lưu vực hệ thống sông Đồng Nai có khả năng gia tăng. Việc huy động các nguồn lực tài chính nhằm triển khai các nhiệm vụ, dự án còn khó khăn. Công tác phối hợp giữa các địa phương trong việc giải quyết các vấn đề môi trường liên vùng, liên tỉnh đã được cải thiện nhưng chưa thật sự đồng bộ và hiệu quả, chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra. Hiện tượng vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường vẫn xảy ra, đặc biệt là các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ xả nước thải chưa xử lý gây ô nhiễm môi trường tại các lưu vực sông, ảnh hưởng lâu dài đến cuộc sống của người dân.

Chủ tịch UBND tỉnh Long An, Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai (nhiệm kỳ 2019-2020) Trần Văn Cần nói: Trong bối cảnh toàn cầu hóa như hiện nay, phát triển bền vững là mục tiêu luôn được đặt lên vị trí hàng đầu, một khi bảo đảm thế cân bằng giữa phát triển kinh tế - an sinh xã hội và bảo vệ môi trường thì các nguồn tài nguyên thiên nhiên không những đáp ứng cho nhu cầu hiện tại mà còn giữ gìn bảo đảm cho tương lai. Vì vậy, bên cạnh việc khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, chúng ta phải ưu tiên kiểm soát ngăn ngừa phát sinh ô nhiễm, trong đó cần xác định vai trò quan trọng của hệ thống quan trắc tự động giám sát môi trường trên lưu vực sông Đồng Nai và công tác phối hợp giải quyết các vấn đề ô nhiễm môi trường nước ở các điểm nóng liên tỉnh, các khu vực giáp ranh giữa các địa phương.

Để làm được việc này đòi hỏi sự đồng lòng của tất cả các cấp chính quyền và toàn thể cộng đồng để cùng thực hiện các hành động bảo vệ môi trường một cách chủ động sẽ mang hiệu quả thiết thực. Cùng với các tỉnh, thành phố trên lưu vực hệ thống sông Đồng Nai, Long An đã tập trung điều tra, khảo sát, kiểm kê, đánh giá hiện trạng các nguồn khí thải; điều tra, thống kê, kiểm soát chặt chẽ các nguồn thải nước thải vào sông Vàm Cỏ Đông; yêu cầu tất cả các khu công nghiệp, cụm công nghiệp đầu tư hoàn thành hệ thống xử lý nước thải tập trung và lắp đặt hệ thống quan trắc tự động; đầu tư cơ sở hạ tầng để xử lý chất thải rắn; tăng cường công tác quan trắc môi trường nước trên sông; ký kết và triển khai quy chế phối hợp trong công tác quản lý tài nguyên và môi trường với các tỉnh, thành phố giáp ranh…

Hiện tại, Long An có 33 trạm quan trắc nước thải tự động, liên tục hệ thống xử lý nước thải của các doanh nghiệp, khu/cụm công nghiệp; ba trạm quan trắc khí thải tự động, liên tục; sử dụng phần mềm EnviSoft của Tổng cục Môi trường từ đầu năm 2020 và đã truyền số liệu quan trắc tự động, liên tục về Bộ Tài nguyên và Môi trường. Song song với nhiệm vụ trọng tâm về triển khai quản lý và xử lý các nguồn thải, công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường luôn được ưu tiên thực hiện với nhiều hình thức, đã thu hút sự tham gia tích cực của cộng đồng; công tác thanh tra, kiểm tra trên địa bàn các tỉnh, thành thuộc lưu vực tiếp tục tăng cường thực hiện, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường…

Phó Chủ tịch Ủy ban bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai, Thứ trưởng Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân nói: Các giải pháp cần làm trong giai đoạn tiếp theo là triển khai thực hiện việc theo dõi, đánh giá khả năng chịu tải của môi trường nước mặt bảo đảm nguồn thải vào môi trường nước mặt phải được quản lý phù hợp với mục đích sử dụng và khả năng chịu tải của nguồn nước. Các giải pháp bảo vệ môi trường nước sông phải trên cơ sở tiếp cận quản lý tổng hợp theo lưu vực, phải gắn liền với bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ hệ sinh thái thủy sinh, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước, khai thác và sử dụng hợp lý nguồn nước.

Tăng cường áp dụng khoa học công nghệ, sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường trong xử lý nước thải tại lưu vực sông; kiểm soát chặt tại nguồn và huy động được sức mạnh để nghiên cứu, đề xuất cách thức phối hợp, trách nhiệm cụ thể của từng Bộ, ngành, địa phương có giải quản lý tốt nguồn nước trên lưu vực sông này để cung cấp cho khoảng 17 triệu dân sử dụng sinh hoạt và sản xuất.