Nước sông Đồng Nai đang gia tăng ô nhiễm

NDO -

NDĐT - Ngày 29-10, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) Đồng Nai cho biết, kết quả quan trắc mới nhất về chất lượng nước mặt sông Đồng Nai, đoạn qua địa bàn tỉnh cho thấy, chất lượng môi trường nước đang bị ô nhiễm nặng với nhiều thông số vượt quy chuẩn, khó đạt mục đích cấp nước sinh hoạt.

Nước sông Đồng Nai đoạn qua địa phận TP Biên Hòa đang gia tăng ô nhiễm.
Nước sông Đồng Nai đoạn qua địa phận TP Biên Hòa đang gia tăng ô nhiễm.

Cụ thể, theo kết quả quan trắc vào tháng 8-2019 của Sở TN-MT Đồng Nai, chất lượng nước sông Đồng Nai tại bốn đoạn chảy qua địa bàn tỉnh có hàm lượng Amoni; TSS (tổng rắn lơ lửng); DO (lượng ô-xy hòa tan trong nước); vi sinh không đạt quy chuẩn cho phép (QCVN08-MT:2015/BTNMT quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt). So với kết quả quan trắc cùng kỳ năm trước, đoạn từ thượng nguồn sông Đồng Nai, huyện Tân Phú đến hồ Trị An và đoạn từ hồ Trị An đến Bến đò Biên Hòa - Bửu Long của sông Đồng Nai, chất lượng nước mặt đều bị suy giảm. Riêng hai đoạn từ Bến đò Biên Hòa - Bửu Long đến cầu Đồng Nai và từ cầu Đồng Nai đến hợp lưu với sông Sài Gòn, chất lượng nước mặt tương đương với cùng kỳ năm 2018.

Đáng chú ý, chất lượng nước mặt tại ba đoạn, gồm: Từ thượng nguồn sông Đồng Nai, huyện Tân Phú đến hồ Trị An; từ hồ Trị An đến Bến đò Biên Hòa - Bửu Long của sông Đồng Nai và từ Bến đò Biên Hòa - Bửu Long đến cầu Đồng Nai đều không đạt mục đích cấp nước sinh hoạt do hàm lượng hữu cơ, TSS, dinh dưỡng và vi sinh tăng cao, không đạt so với quy chuẩn. Trong đó, hàm lượng COD vượt từ 1,1-1,3 lần; TSS vượt 1,4-4,6 lần; Amoni vượt 1,1-2,6 lần; E.Coli vượt 18,6-150 lần; Coliform vượt 3,0-9,2 lần.

Từ kết quả quan trắc nói trên, Sở TN-MT Đồng Nai cho rằng, chất lượng nước mặt tại bốn đoạn của sông Đồng Nai nêu trên không đạt và không phù hợp với mục đích cấp nước sinh hoạt. Tình trạng suy giảm chất lượng nước mặt sông Đồng Nai đang làm gia tăng nguy cơ ảnh hưởng đến cuộc sống người dân. Bởi lẽ, sông Đồng Nai đang là nguồn cung cấp nước thô chính phục vụ xử lý thành nước sinh hoạt cung cấp cho người dân trên địa bàn tỉnh.

Theo đại diện Công ty Cổ phần cấp nước Đồng Nai, hiện nay, sản lượng nước sinh hoạt cung cấp cho khách hàng đạt gần 370 nghìn m3/ngày đêm, trong đó 350 nghìn m3 được xử lý từ nguồn nước mặt, chiếm 95% tổng sản lượng. Nguồn nước mặt để xử lý thành nước sinh hoạt được lấy từ sông Đồng Nai tại các vị trí cấp nước của Nhà máy nước Thiện Tân và Nhà máy nước Biên Hòa. Ngoài ra, Trạm bơm Hóa An cũng lấy khoảng 15 nghìn m3/ngày đêm nước mặt sông Đồng Nai để xử lý thành nước sinh hoạt cung cấp cho một số phường của TP Biên Hòa.

Công ty Cổ phần cấp nước Đồng Nai khẳng định: Chất lượng nước sông Đồng Nai có suy giảm nhưng chất lượng nước sinh hoạt sau xử lý vẫn bảo đảm theo quy chuẩn. Hiện, tất cả các nhà máy xử lý nước của Công ty đều đã được đầu tư công nghệ xử lý hiện đại để bảo đảm chất lượng nguồn nước sau xử lý, cung cấp cho nhu cầu nước sinh hoạt của người dân. Ngoài ra, công ty cũng kiểm soát chặt chẽ chất lượng nước mặt từ sông Đồng Nai trước khi lấy vào các nhà máy để xử lý.

Sở TN-MT Đồng Nai cho biết, trên cơ sở kết quả quan trắc chất lượng nước sông Đồng Nai, mới đây, đơn vị đã đề nghị Công ty Cổ phần cấp nước Đồng Nai tăng cường kiểm soát chất lượng nước mặt trước và sau khi xử lý để bảo đảm chất lượng nước cấp đạt quy chuẩn cho người dân sử dụng. Trong quá trình lấy nước từ sông Đồng Nai về xử lý, nếu phát hiện bất thường, cần báo cơ quan chức năng để phối hợp giải quyết.

Cũng theo kết quả quan trắc, không chỉ sông Đồng Nai, hiện nay, nhiều sông, suối trên địa bàn tỉnh cũng đang bị ô nhiễm.