“Núi” rác thải "băng xuống" nhiều diện tích sản xuất nông nghiệp

NDO -

NDĐT - “Gần hai sào (2.000m2) hoa cẩm tú cầu đã cho thu hoạch, nguồn thu nhập chính của gia đình tôi đang dưới núi rác này...”, đứng trên lớp rác phủ trùm lên mảnh vườn của mình, bà Lê Thị Hồi thất thần nói. Bà Hồi là một trong những nông hộ bỗng trắng tay khi đống rác thải chất cao như núi từ bãi rác Cam Ly (TP Đà Lạt) đổ ập, chạy dài trong mưa lũ vừa qua.

Suối rác đổ xuống phủ lấp nhiều khu vườn của người dân.
Suối rác đổ xuống phủ lấp nhiều khu vườn của người dân.

Từ phía thung lũng, nơi những khu vườn sản xuất nông nghiệp của người dân nhìn lên, hàng nghìn tấn rác “chảy” như những dòng suối vắt qua triền đồi, bốc mùi nồng nặc. Băng qua những dòng nước đen ngòm, giữa mênh mông rác và rác, khó có thể nhận ra dưới chân mình cách đây vài hôm là khu vườn sản xuất nông nghiệp gần 30 năm qua của nhiều hộ gia đình. Không gian u uất và sự thất thần của bà Hồi (53 tuổi) cùng chồng, ông Vũ Duy Thoan (58 tuổi). Những giọt nước mắt tiếc nuối, tức tưởi trên gương mặt khắc khổ của người phụ nữ đã rơi trên lớp rác “dìm” kế sinh nhai của gia đình.

Gác lại xúc động, ông Thoan kể, gia đình ông canh tác ở đây từ năm 1990. Năm nay, vay mượn, đầu tư hơn 200 triệu đồng làm hệ thống tưới, mua giống trồng hoa cẩm tú cầu và vừa thu hoạch bói được hai lần. “Sáng 8-8, bỗng dưng núi rác thải từ bãi rác Cam Ly cuồn cuộn đổ xuống… Trắng tay rồi!”, ông Thoan ngậm ngùi.

Cách vị trí vườn của gia đình bà Hồi, ông Thoan không xa là khu nhà kính xiêu vẹo, vì “suối” rác băng xuống. Đó là khu sản xuất hoa cúc của gia đình anh Nguyễn Hữu Vũ (32 tuổi). “Sau mấy trận mưa, hàng trăm tấn rác từ đỉnh đồi đổ xuống ầm ầm. Chỉ trong mấy tiếng đồng hồ, gần hai sào hoa cúc, một nửa đã đến kỳ thu hoạch, bị phủ lấp, dày tới bốn, năm mét. Gần như không thể khắc phục”, anh Vũ xót xa.

Những hộ dân sản xuất nông nghiệp ở đây cho biết, khu vực này còn có vườn của gia đình ông Trầm, bà Nga, ông Su… cũng bị rác thải vùi lấp, làm hư hỏng nhiều hệ thống tưới tiêu…

Theo quan sát, núi chất thải từ bãi rác Cam Ly nằm trên đỉnh đồi và đùn xuống thung lũng như con thác, kéo dài cả cây số, phủ lấp vùng sản xuất nông nghiệp của người dân. Nước từ bãi rác chảy xuống đen kịt, bốc mùi nồng nặc và loang theo suối về phía hạ lưu, ảnh hưởng nhiều diện tích canh tác hoa màu của người dân lân cận.

Trao đổi với Nhân Dân điện tử, Chủ tịch UBND phường 5 (TP Đà Lạt) Nguyễn Như Việt cho biết, phường đã tổ chức kiểm tra và phối hợp Phòng Kinh tế TP Đà Lạt để có phương án đề xuất thành phố hỗ trợ cho người dân bị thiệt hại. “Khu vực sản xuất nông nghiệp bị rác thải vùi lấp nằm trong quy hoạch đất lâm nghiệp, nhưng bà con đã tổ chức sản xuất ổn định từ lâu”, ông Việt nói.

Liên quan vụ việc, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dịch vụ đô thị Đà Lạt, Bùi Trung Đường cho biết, bãi rác Cam Ly nằm trên triền đồi, dù có chôn lấp rác đi nữa, nhưng thời gian mưa kéo dài, nước thấm sẽ gây trượt. Công ty đã báo cáo sự việc trên và lãnh đạo TP Đà Lạt đã vào hiện trường.

“Theo thống kê ban đầu, khu vực trên có bảy hộ dân sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng, diện tích thiệt hại khoảng 7ha. Các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương đang tính toán để có phương án hỗ trợ thiệt hại cho bà con”, ông Đường thông tin.

Hiện, lượng rác thải tại TP Đà Lạt giao động từ 250 đến 260 tấn mỗi ngày. Do nhà máy xử lý rác của thành phố chưa đủ năng lực để xử lý, nên từ năm 2016 đến nay, bãi rác Cam Ly buộc phải “mở cửa” trở lại, mỗi ngày được “bồi đắp” thêm khoảng 180 tấn rác, số còn lại được chuyển về nhà máy xử lý rác thải thành phố.

Theo Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dịch vụ đô thị Đà Lạt, vừa rồi, công ty đã triển khai xây dựng hệ thống đập để chắn trượt rác thải. Nhưng do mưa lớn kéo dài, cùng với bãi rác nằm trên mặt nghiêng, nên hàng nghìn tấn rác đã đẩy trượt qua kè, gây thiệt hại khu vực sản xuất nông nghiệp phía dưới.

“Xác định, đây là bãi rác tạm thời, nhưng sắp tới, chúng tôi sẽ tiếp tục xây kè chống trượt rác; đồng thời, xử lý chôn lấp, phun thuốc… trong lúc chờ nhà máy xử lý rác thải thành phố vận hành đúng công suất”, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dịch vụ đô thị Đà Lạt, Bùi Trung Đường nêu phương án.

Những khu vườn sản xuất nông nghiệp, những giọt mồ hôi quyện lẫn nước mắt của nhiều nhà nông, thì đã vùi sâu dưới hàng nghìn tấn rác. Nhưng, lại mở ra câu chuyện xử lý rác thải của thành phố du lịch…

“Núi” rác thải "băng xuống" nhiều diện tích sản xuất nông nghiệp ảnh 1

Hàng nghìn tấn rác tràn xuống phía thung lũng.

“Núi” rác thải "băng xuống" nhiều diện tích sản xuất nông nghiệp ảnh 2

Bà Hồi và nhiều người dân thẩn thờ khi chứng kiến khu vườn sản xuất bổng chốc “mất tích” dưới lớp rác thải.

“Núi” rác thải "băng xuống" nhiều diện tích sản xuất nông nghiệp ảnh 3

Nhiều người dân tìm đường đến vị trí từng là khu vườn sản xuất của mình.

“Núi” rác thải "băng xuống" nhiều diện tích sản xuất nông nghiệp ảnh 4

Ông Thoan chết lặng giữa khu vườn hoa đang cho thu hoạch bị vùi lấp.

“Núi” rác thải "băng xuống" nhiều diện tích sản xuất nông nghiệp ảnh 5

Một khu nhà kính sản xuấn nông nghiệp bị “suối” rác đùn qua.