“Một cuộc đời trên hành tinh của chúng ta” - thông điệp mạnh mẽ về bảo vệ ngôi nhà chung trái đất

NDO -

Kể từ năm 1970, số lượng động vật hoang dã trên trái đất đã giảm tới 70%. Một nửa diện tích rừng nhiệt đới của thế giới đã mất đi và thập kỷ vừa rồi được ghi nhận là thập kỷ nóng nhất trong lịch sử. Tất cả những hậu quả đó đều xuất phát từ tác động của con người đối với thiên nhiên.

Các khách mời thảo luận về thông điệp gửi gắm thông qua bộ phim.
Các khách mời thảo luận về thông điệp gửi gắm thông qua bộ phim.

Đây là lời cảnh tỉnh cho tất cả chúng ta, được truyền tải mạnh mẽ qua thông điệp gửi gắm từ nhà tự nhiên học nổi tiếng người Anh David Attenborough, trong bộ phim tài liệu mới nhất của mình mang tên “Một cuộc đời trên hành tinh của chúng ta” (A Life On Our Planet).

Tối 12-11, tại Hà Nội, Đại sứ quán Anh và Đại sứ quán Italia tại Việt Nam cùng Tổ chức quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF) đồng tổ chức buổi công chiếu phim “Một cuộc đời trên hành tinh của chúng ta” của David Attenborough.

Trong suốt cuộc đời gần một thế kỷ của mình, nhà tự nhiên học 93 tuổi David Attenborough đã dành hơn 60 năm say mê tìm hiểu về hành tinh xanh, đến thăm mọi lục địa trên thế giới, khám phá những nơi hoang dã nhất và mang những điều kỳ diệu của thế giới đến với khán giả thông qua những loạt phim lịch sử tự nhiên mang tính đột phá của mình.

Ở độ tuổi “xưa nay hiếm”, niềm đam mê và cống hiến không mệt mỏi cho khoa học vẫn không thể khiến David Attenborough nghỉ ngơi. Trong năm 2020, ông tiếp tục cho ra mắt bộ phim “Một cuộc đời trên hành tinh của chúng ta”, khái quát câu chuyện cuộc đời của mình thông qua hành trình gần một thế kỷ gắn bó với thế giới tự nhiên.

Trong vai một nhân chứng sống, David Attenborough đã kể câu chuyện chân thực về sự thay đổi của thế giới chỉ trong một đời người. Với lối dẫn truyện truyền cảm đặc trưng, ông dẫn dắt người xem đi xuyên thời gian, cùng ông trải qua hơn sáu thập kỷ khám phá và sống vì thế giới sinh vật, để nhìn thấy những biến đổi tàn khốc và sự suy thoái nhanh chóng mà môi trường tự nhiên đang phải gánh chịu bởi tác động từ con người.

Những con số “biết nói” được David Attenborough truyền tải trong bộ phim đều đủ khiến chúng ta giật mình. Chỉ tính từ năm 1970, số lượng động vật hoang dã trên trái đất đã giảm đến 70%, trong khi một nửa diện tích rừng nhiệt đới của thế giới đã mất đi, và thập kỷ vừa rồi được ghi nhận là thập kỷ nóng nhất trong lịch sử.

Trước những suy thoái nghiêm trọng của môi trường sống, David Attenborough cảnh báo, nếu không hành động nhanh chóng và kịp thời, rất có thể tình hình sẽ trở nên nghiêm trọng hơn chỉ trong vài thập niên tới. Từ đó, nhà tự nhiên học sinh năm 1926 đưa ra những giải pháp để hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn cho tất cả chúng ta, thông qua việc bảo vệ chính hành tinh xanh - ngôi nhà chung của tất cả thế giới sinh vật.

Là một trong những khách mời đặc biệt tại sự kiện, nhà báo - nhà phê bình điện ảnh Lê Hồng Lâm chia sẻ, thế giới tự nhiên đang tàn úa, bằng chứng ở ngay bên cạnh chúng ta, như David Attenborough đã cảnh báo nhân loại trong bộ phim tài liệu mới nhất của mình. Với tầm nhìn mang tính tương lai và những giải pháp mà ông đưa ra, thông điệp quan trọng nhất của bộ phim với chúng ta chính là hành động không phải là để cứu hành tinh của chúng ta mà là để bảo vệ chính chúng ta.

Bà Hoàng Thị Minh Hồng, Giám đốc Trung tâm Hành động và Liên kết vì Môi trường và Phát triển (CHANGE) nhấn mạnh, những hậu quả của biến đổi khí hậu đang gây tác động tiêu cực lên cuộc sống người dân và các nền kinh tế trên toàn thế giới, mà các đợt hạn mặn kỷ lục, lũ lụt, các trận bão chồng bão đã diễn trong năm nay tại nước ta là một minh chứng. Cùng lúc đó, các quốc gia vẫn đang phải tiếp tục chống chọi với đại dịch Covid-19. Thiên nhiên đang gửi đi một thông điệp và bộ phim “Một cuộc đời trên hành tinh của chúng ta” đã thể hiện thông điệp này rất rõ ràng, để mọi người không chỉ thấu hiểu được các tác động không bền vững của con người đang gây ra cho ngôi nhà chung duy nhất, mà quan trọng hơn là truyền cảm hứng về những việc chúng ta có thể làm để giảm thiểu biến đổi khí hậu và mất đa dạng sinh học vì một tương lai tốt đẹp hơn.

Các khách mời tại sự kiện cũng cho rằng, bộ phim đã cho thấy quy mô của những mối đe dọa đối với thế giới hoang dã và vai trò của mỗi chúng ta trong việc tìm giải pháp, đồng thời kêu gọi sự cần thiết phải chung tay hành động ngay từ hôm nay, bởi chúng ta chỉ có một hành tinh - ngôi nhà chung duy nhất cho tất cả.

Bộ phim “Một cuộc đời trên hành tinh của chúng ta” do hãng Silverback Films cùng WWF phối hợp sản xuất và được công chiếu tại một số rạp trên toàn cầu từ ngày 28-9-2020, cũng như được phát hành trên nền tảng xem video trực tuyến Netflix từ ngày 4-10 vừa qua.

Ngoài bộ phim tài liệu này, David Attenborough cũng đã sản xuất một loạt các tác phẩm nổi bật khác trong suốt sự nghiệp phát thanh kéo dài hơn sáu thập kỷ của mình, bao gồm “Cuộc sống trên Trái đất” (Life on Earth), “Hành tinh Trái đất” (Planet Earth), và gần đây là loạt phim tài liệu gốc hợp tác với Netflix “Hành tinh của chúng ta” (Our Planet). Những loạt phim về thế giới hoang dã của David Attenborough đã lan tỏa khắp thế giới và thu hút hàng tỷ người xem.

Với những cống hiến lớn đặc biệt của mình, David Attenborough đã được Nữ hoàng Anh Elizabeth II phong tước Hiệp sĩ năm 1985.