Hạn hán nghiêm trọng, Australia phải bắn chết 10.000 lạc đà

NDO -

NDĐT – Từ ngày 8-1, Australia bắt đầu một chiến dịch tiêu hủy trong vòng năm ngày 10.000 con lạc đà bằng cách sử dụng súng bắn tỉa từ máy bay trực thăng. Nhà chức trách nước này cho biết, cuộc tiêu hủy đang diễn ra tại khu vực người bản địa sinh sống ở Anangu Pitjantjatjara Yankunytjatjara (APY). bang Nam Úc. Lạc đà sẽ bị giết theo tiêu chuẩn cao nhất của phúc lợi động vật.

Lạc đà trong một trang trại sữa lạc đà của Australia tháng 4-2016. Ảnh: Getty
Lạc đà trong một trang trại sữa lạc đà của Australia tháng 4-2016. Ảnh: Getty

Lạc đà trở thành loài xâm hại ở Australia

Australia được cho là có số lượng lạc đà hoang dã lớn nhất thế giới, hơn 1 triệu con và vẫn đang tăng nhanh.

Lạc đà vốn không phải là loài bản địa ở Australia. Chúng được đưa từ Ấn Độ đến nước này trên những con tàu vào những năm 1840 và được xem như một phương tiện giao thông lý tưởng cho các sa mạc rộng lớn. Hơn 20.000 con lạc đà đã được nhập khẩu từ Ấn Độ giữa những năm 1840 đến 1900. Gần 200 năm sau, chúng trở thành loài hoang dã gây hại, phá hủy môi trường sống và cạnh tranh với con người và các loài bản địa để sống sót.

Hạn hán nghiêm trọng, Australia phải bắn chết 10.000 lạc đà ảnh 1

Một khối lượng khổng lồ lạc đà hoang dã ở sa mạc Simpson. Ảnh: Robbie Sleep.

Những đàn lạc đà lang thang trong các sa mạc của đất nước này, làm hôi nguồn nước và chà đạp hệ thực vật bản địa trong khi chúng phải tìm kiếm thức ăn trên một diện tích rộng lớn mỗi ngày.

Nếu sự sinh sản của chúng được kiểm soát, số lượng lạc đà tăng gấp đôi cứ sau chín năm. Loài động vật này cũng có lượng khí thải carbon khổng lồ, mỗi con lạc đà phát ra khí mê-tan tương đương với một tấn carbon dioxide mỗi năm. Một số người dân ở APY hiện đang yêu cầu luật pháp cho phép họ tiêu hủy hợp pháp lạc đà để giúp bù đắp lượng khí thải nhà kính.

Tại sao Australia phải giết lạc đà?

Năm 2019 là năm khô nhất và nóng nhất trong lịch sử tại Australia. Nước này đang trải qua một mùa cháy rừng thảm khốc bắt đầu từ nhiều tháng trước so với thường lệ, khiến hơn 25 người thiệt mạng và đã đốt cháy hơn 1,5 mẫu đất, giết chết khoảng hơn 1 tỷ động vật.

Hạn hán cấp tính đã đẩy những đàn lạc đà hoang dã khổng lồ về phía những thị trấn xa xôi tìm kiếm nước, gây nguy hiểm cho cộng đồng bản địa. Theo bộ phận môi trường bang Nam Úc, một số con lạc đà đã chết vì khát hoặc giẫm đạp lên nhau khi chúng vội vã đi tìm nước.

Hạn hán nghiêm trọng, Australia phải bắn chết 10.000 lạc đà ảnh 2

Các chuyên gia dự đoán có hơn một triệu con lạc đà hoang dã ở Australia. Ảnh: Robbie Sleep.

Nhà chức trách cho biết, những con lạc đà đã đe dọa nguồn dự trữ thực phẩm và nguồn nước đang khan hiếm, bên cạnh đó còn gây thiệt hại về cơ sở hạ tầng và gây ra mối nguy hiểm cho các tài xế. Các đàn lạc đà cũng đã làm ô nhiễm các nguồn nước và địa điểm văn hóa quan trọng.

Vùng đất APY nằm ở phía đông nam của Australia và là nơi sinh sống của khoảng 2.300 thổ dân nước này. Trước đây, người dân thường gom lạc đà và bán chúng, nhưng đợt hạn hán gần đây đã khiến số lượng động vật không thể kiểm soát được.

Trưởng lão bản địa ở bang Nam Úc chấp thuận kế hoạch bắn lạc đà, sau khi một loạt các sự cố xảy ra khi những con lạc đà tuyệt vọng đi tìm nước.

"Chúng tôi đã bị mắc kẹt trong điều kiện nóng bức và khó chịu, cảm thấy không an toàn vì những con lạc đà đến và phá hàng rào, vào trong nhà và cố gắng liếm từng giọt nước qua máy điều hòa không khí", Marita Baker, một nhà lãnh đạo bản địa, nói.

Hạn hán nghiêm trọng, Australia phải bắn chết 10.000 lạc đà ảnh 3

Lạc đà hoang dã đã và đang "khủng bố" các cộng đồng dân bản địa ở vùng tây bắc Nam Úc. Nguồn: ThinkStock.

Hiện nay, các tay súng chuyên nghiệp bay trên hai chiếc trực thăng hạng nhẹ Robinson R44 bốn chỗ đang tiêu diệt các con vật. Xác của chúng sẽ được thu gom và đốt cháy, trừ khi chúng chết ở những địa điểm xa xôi và không thể tiếp cận.

Việc buộc phải tiêu diệt lạc đà là một phần nhỏ trong thảm kịch lớn hơn nhiều ảnh hưởng đến Australia. Đất nước này vừa có một năm nóng nhất trong lịch sử và Nam Úc đã có mưa ít hơn trong 11 tháng qua so với bất kỳ thời điểm nào khác trong lịch sử được ghi lại. Theo các nhà nghiên cứu Australia, sức nóng ngày càng tăng và lượng mưa thấp hơn đang khiến lục địa này dễ bị ảnh hưởng bởi các sự kiện thời tiết khắc nghiệt, đặc biệt là các vụ cháy rừng lớn. Và một khi đám cháy bắt đầu, chúng có xu hướng tồi tệ hơn nhiều.

Theo dự báo của chính phủ Australia, mùa khô bất thường này có thể chỉ là một viễn cảnh sớm về những gì sẽ đến cho đất nước này khi diễn ra biến đổi khí hậu. Lục địa ấm hơn và khô rang như một cái máy sấy. Xu hướng đó dự kiến ​​sẽ tiếp tục và trở nên tồi tệ hơn, vì thế việc lên kế hoạch để chống lại những đám cháy thậm chí còn quan trọng hơn trong tương lai.

* Hơn một tỷ động vật đã chết do cháy rừng ở Australia
* Cháy rừng ở Australia thiêu rụi nhiều loài động vật hoang dã