Hà Nội thay thế và loại bỏ bếp than tổ ong

NDO -

Ngày 3-7, Sở Tài Nguyên và Môi trường (TNMT) tổ chức Hội nghị báo cáo đánh giá kết quả sáu tháng đầu năm thực hiện Chỉ thị 15 về loại bỏ bếp than tổ ong trên địa bàn thành phố, và Lễ ra mắt trang web “Hành động vì Hà Nội”.

Các đại biểu tham dự Hội nghị chụp ảnh lưu niệm thể hiện tinh thần chung tay vì môi trường.
Các đại biểu tham dự Hội nghị chụp ảnh lưu niệm thể hiện tinh thần chung tay vì môi trường.

Ô nhiễm không khí có nguyên nhân từ phương tiện giao thông, xây dựng, đốt rơm rạ…, nhưng nhiều người trong chúng ta chưa nhận ra rằng, khói từ đốt bếp than cũng là một trong những nguyên nhân chính đang ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống. 

Các nguyên liệu làm nên than tổ ong cũng không hề thân thiện môi trường. Than tổ ong có thành phần chính từ than cám (than tạp chất), có hàm lượng lưu huỳnh cao, trộn với bùn đất cùng một số chất khác như dầu nhớt đã qua sử dụng, nén lại thành viên có dạng như tổ ong.

Theo số liệu khảo sát của Sở TNMT, năm 2017, Hà Nội đã tiêu thụ trung bình khoảng 528,2 tấn than/ngày, tương đương với việc phát thải 1.870 tấn khí CO2 vào bầu không khí. Đặc biệt khu vực nội thành bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Theo nghiên cứu, đốt bếp than sẽ thải ra môi trường các chất khí độc hại như khí CO, SO2, NOx và bụi PM. Khi hút phải các loại khí độc này, về lâu dài sẽ gây các bệnh về hô hấp, ảnh hưởng chức năng phổi, gây tổn thương hệ thần kinh và suy giảm khả năng miễn dịch.

Ngoài ra, bếp than tổ ong đặt bừa bãi trên vỉa hè, dưới lòng đường... cũng gây cản trở các hoạt động giao thông của người dân và tiềm ẩn nguy cơ hỏa hoạn, cháy nổ.

Nhận thấy được vấn đề, ngày 30-12-2019, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Chỉ thị số 15/CT-UBND về việc thay thế và loại bỏ toàn bộ việc sử dụng than tổ ong làm nhiên liệu đốt. 

Việc vào cuộc của chính quyền được thể hiện qua các giải pháp như xây dựng chính sách, văn bản và kế hoạch thay thế và loại bỏ bếp than tổ ong. Các cấp địa phương đã triển khai và đôn đốc kế hoạch hiệu quả, cùng với đó là đẩy mạnh truyền thông nhằm nâng cao nhận thức người dân. 

Theo báo cáo kết quả thực hiện, Hà Nội đã đạt được những kết quả tích cực, số lượng bếp tổ ong đã giảm từ 56.670 vào tháng 1-2017 còn 15.418 vào tháng 6-2020, giảm tới 72,8%. Từ đó, giảm tiếp xúc với các chất ô nhiễm không khí từ nấu ăn cho 160.000 hộ dân sinh ở Hà Nội.

Bốn quận huyện giảm được số lượng bếp than tổ ong nhiều nhất là quận Hoàn Kiếm (100%), huyện Sóc Sơn (99%), huyện Ứng Hòa (98%), quận Long Biên (91%). Cả bốn quận, huyện này đã giảm tổng số bếp than từ gần 15.000 bếp trong năm 2017 xuống còn 420 bếp vào tháng 6-2020.

Về lộ trình cắt giảm, tiến tới loại bỏ hoàn toàn bếp than tổ ong ở Hà Nội, Chi cục Bảo vệ môi trường cho hay từ nay cho đến ngày 31-12, thành phố sẽ yêu cầu người dân chuyển sang sử dụng các loại bếp khác an toàn, thân thiện với môi trường và sức khỏe cộng đồng.

Anh_2-1593766479909.JPG
Ông Lê Tuấn Định, Phó Giám đốc Sở TNMT phát biểu tại buổi lễ.  

Cũng nhân tháng hành động vì môi trường (6-2020), Sở TNMT phối hợp với Các chính quyền địa phương vì sự phát triển bền vững (ICLEI) và Trung tâm Sống và Học tập vì Môi trường và Cộng đồng (Live & Learn) phối hợp xây dựng trang web “Hanhdongvihanoi.org”, nơi những công dân Thủ đô nói riêng và những người yêu Hà Nội nói chung có thể đưa ra các cam kết hành động để cải thiện môi trường sống cho thành phố.

Trang web gồm có 25 giải pháp thuộc năm lĩnh vực: Năng lượng – Giao thông – Rác thải – Chất lượng không khí – Quy hoạch đô thị. Sau khi người dùng đăng nhập và tiến hành cam kết, năm lĩnh vực sẽ hiện ra với những nội dung cam kết được thu thập, nghiên cứu và đúc kết từ những buổi tham vấn cộng đồng đã được dự án thực hiện trong hai năm vừa qua.

Mỗi lần click “Tôi cam kết” là người dân đang thể hiện quyết tâm hành động của mình vì tình yêu và trách nhiệm đóng góp với thành phố. Hy vọng rằng các cam kết kèm theo những hành động thiết thực của người dân sẽ giúp Hà Nội xanh trở lại, xứng đáng là thành phố vì hòa bình và đáng sống. Chỉ trong 5 tiếng sau lễ ra mắt, trang web "Hanhdongvihanoi.org" đã đạt được hơn 1.000 lời cam kết.

Tại buổi lễ, ông Lê Tuấn Định, Phó Giám đốc Sở TNMT đánh giá cao sự chung tay, đồng lòng của toàn thể cộng đồng trên địa bàn thành phố, cùng với đó là nỗ lực của chính quyền địa phương các cấp trong việc thực hiện kế hoạch theo Chỉ thị số 15. 

Chia sẻ về trang web “Hanhdongvihanoi.org” là trang điện tử đầu tiên của cổng thông tin Sở TNMT, ông cho biết: “Với nỗ lực tiên phong này, tôi tin trang web sẽ nâng cao nhận thức và trách nhiệm cộng động trong công tác bảo vệ môi trường, và tới năm 2021, sẽ không còn tình trạng sử dụng bếp than tổ ong trên toàn thành phố”.