Ứng dụng nhà kính trong nông nghiệp:

Được - mất và bài toán hài hòa lợi ích kinh tế - môi trường

NDO -

NDĐT - Thời gian gần đây, chuyện ứng dụng nhà kính trong nông nghiệp tại Đà Lạt (Lâm Đồng) đang được sự quan tâm đặc biệt. Trong đó, có những đánh giá hiệu quả do nhà kính mang lại và những hạn chế, tiêu cực. Để có cái nhìn đa chiều hơn về vấn đề này, chúng tôi có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, trong vai trò vừa là nhà quản lý vừa là nhà khoa học.

Tiến sĩ Phạm S (bìa trái) thực tế nhà vườn tại Lâm Đồng.
Tiến sĩ Phạm S (bìa trái) thực tế nhà vườn tại Lâm Đồng.

“Thời gian qua, việc phân tích còn mang tính đơn chiều, một khía cạnh tiêu cực nhà kính, chưa đặt mối tương quan nhà kính trong điều kiện tổng thể nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh; mối tương quan trong điều kiện biến đổi khí hậu và trước yêu cầu sản xuất nông nghiệp hàng hóa”, Tiến sĩ Phạm S mở đầu câu chuyện.

PV: Thưa Tiến sĩ Phạm S, như ông đã nói, thời gian qua, nhiều ý kiến thiên về việc phân tích, mổ xẻ khía cạnh tiêu cực, hạn chế của nhà kính, vậy những điều đó là thực tế?

Tiến sĩ PHẠM S: Thực tiễn đã trả lời, đó là một mặt của vấn đề. Mặc dù chính quyền các cấp trong thời gian qua luôn phân tích, định hướng nông dân phát triển nhà kính bền vững. Tuy nhiên, trong thực tế, việc phát triển nhà kính quá mức kiểm soát. Sử dụng nhà kính không đạt chuẩn, phát triển tự phát với tốc độ nhanh; một số loại rau, hoa không nhất thiết trồng trong nhà kính vẫn được đưa vào nhà kính, nên xảy ra tình trạng tích lũy mầm mống sâu bệnh, nếu công tác vệ sinh đồng ruộng không tốt; mức độ đầu tư cao, trong khi nguồn lực của người dân có hạn, nên họ làm nhà kính giản đơn không đủ chuẩn, không phát huy đồng bộ các thiết bị công nghệ cao, mà chỉ có tác dụng che mưa.

Tỷ lệ sử dụng nhà kính ở mức cao, không đạt chuẩn sẽ tạo dòng chảy lớn, gây bồi lắng các ao, hồ và lòng suối, nếu không thường xuyên khai thông, nạo vét lòng suối; khả năng thẩm thấu nước kém, dễ thoái hóa đất… Đặc biệt, sử dụng nhà kính quá mức sẽ phá vỡ cảnh quan, ảnh hưởng mỹ quan đô thị; làm tăng hiệu ứng nhà kính cục bộ tại trang trại, là một trong những nguyên nhân làm tăng nhiệt độ cục bộ vào buổi trưa, nơi có nhiều nhà kính so với nền nhiệt độ chung của thành phố.

Được - mất và bài toán hài hòa lợi ích kinh tế - môi trường ảnh 1

Sản xuất hoa cao cấp trong nhà kính tại Đà Lạt.

PV: Nhiều ý kiến cho rằng, những năm gần đây, Đà Lạt nóng lên và thành phố cao nguyên ngập lụt là do nhà kính?

Tiến sĩ PHẠM S: Việc này không thể trả lời bằng cảm tính được. Để làm rõ vấn đề này, chúng tôi đã tập trung nghiên cứu tài liệu của Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu. Trong vòng 100 năm qua, nhiệt độ của toàn cầu tăng lên 1oC, trong khi đó nhiệt độ ở Đà Lạt tăng lên 0,6oC, sở dĩ nhiệt độ tăng là xu hướng ấm lên toàn cầu thì nhiệt độ Đà Lạt cũng ấm lên theo quy luật chung.

Còn chuyện ngập lụt, qua nghiên cứu số liệu của Trạm khí tượng Đà Lạt cho thấy, theo chuỗi số liệu thống kê từ năm 1989 đến năm 2018, tổng lượng mưa năm tại Đà Lạt dao động từ 1.429 đến 2.357mm; chênh lệch tổng lượng năm (năm mưa ít và năm mưa nhiều) là 928mm. Tổng lượng mưa tháng từ năm 2009 đến 2018 dao động từ 14 đến 312mm. Giá trị trung bình nhiều năm của tổng lượng mưa năm trong giai đoạn này là 1.931mm. Như vậy, tổng lượng mưa năm trong những năm gần đây tăng đáng kể; do đó, nếu mưa với cường độ lớn, thời gian kéo dài, nếu kênh mương, các dòng suối không khai thông sẽ dẫn đến ngập úng cục bộ là chuyện hoàn toàn thực tế.

Qua đó cho thấy, nhà kính là một trong những nguyên nhân gián tiếp gây ngập cục bộ, chứ không hoàn toàn do tiêu cực từ nhà kính.

PV: Còn vấn đề “xung đột” lợi ích kinh tế và bảo đảm môi trường thì sao, thưa ông?

Tiến sĩ PHẠM S: Định hướng hợp lý, giảm dần diện tích nhà kính, nhất là ở khu vực các phường trung tâm thành phố, tạo cảnh quan, môi trường, thiết kế các vành đai cây xanh ở khu vực sản xuất nông nghiệp nội ô, ban hành quy chuẩn nhà kính... Tuy nhiên, trong thực tế vấn đề này gặp không ít khó khăn, do đất nông nghiệp ở Đà Lạt có giá trị sản xuất quá cao, doanh thu bình quân lên đến 350 triệu đồng/ha/năm, nhiều diện tích đạt từ 2 đến 7 tỷ đồng. Do đó, khi rà soát giảm nhà kính sẽ ảnh hưởng đến lợi ích kinh tế của người dân, nên gặp khó khăn trong công tác thực hiện.

Hai năm qua, chúng tôi đã có cuộc điều tra thực tế tại các hộ trồng hoa, dâu tây, rau cao cấp tại Đà Lạt và nhận thấy, các hộ nông dân không ai chịu nhường ai để có quỹ đất tạo vành đai cây xanh, ít hộ tự giác dành quỹ đất gia đình từ 15 đến 20% không làm nhà kính để trồng cây không nhà kính hoặc trồng cây xanh… Chúng tôi nghĩ rằng, nhiều nhà nông am hiểu về quy chuẩn ứng dụng nhà kính, nhưng vẫn dùng dằng giữa lợi ích kinh tế và môi trường nên vẫn thờ ơ.

Được - mất và bài toán hài hòa lợi ích kinh tế - môi trường ảnh 2

Nhà kính sản xuất nông nghiệp ở ngoại ô phố núi Đà Lạt.

PV: Diện tích nhà kính tăng nhanh tại Đà Lạt - Lâm Đồng trong những năm gần đây, có thể lợi ích nhà kính mang lại trong sản xuất nông nghiệp rất lớn?

Tiến sĩ PHẠM S: Đúng vậy!

Thứ nhất, tác động về kinh tế, nhiều doanh nghiệp, nông dân thu nhập hàng tỷ đồng nhờ ứng dụng nhà kính để có sự tương hỗ các công nghệ. Tùy loại rau, hoa, khi ứng dụng đồng bộ nhà kính và các công nghệ cao khác, năng suất sẽ cao hơn hai đến ba lần, giá trị nông sản cao gấp đôi so với không trồng trong nhà kính; góp phần hạ giá thành sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh. Cùng với đó, nhà kính góp phần khai thác giá trị tổng hợp ngành nông nghiệp thông qua phát triển du lịch canh nông ở Lâm Đồng.

Thứ hai, tác động xã hội, khi ứng dụng nhà kính, chi phí lao động sẽ giảm nhiều, do kiểm soát được cỏ dại, giảm công chăm sóc và ứng dụng các thiết bị cảm biến tưới tự động, kiểm soát quá trình sinh trưởng, phát triển cây trồng… Chủ trang trại có thể ở nơi xa, trong hoặc ngoài nước vẫn kiểm soát hoạt động trang trại bình thường.

Về tác động môi trường, nhà kính tạo tiểu khí hậu phù hợp với yêu cầu sinh thái cây trồng, mang lại năng suất cao, chất lượng tốt, chủ động thời vụ, tăng hệ số sử dụng đất, giảm chi phí vật tư nông nghiệp, tiết kiệm nước tưới; quản lý tốt sâu bệnh hơn; kiểm soát phân bón và thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), bảo đảm tiêu chuẩn an toàn thực phẩm. Kết quả điều tra sản xuất của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Lâm Đồng trên một số rau, hoa trong nhà kính tại Đà Lạt, cho thấy, rau bó xôi giảm phân bón 30%, giảm thuốc BVTV 30%; hoa hồng giảm phân bón 36%, giảm thuốc BVTV 50%; dâu tây giảm phân bón 40%, giảm thuốc BVTV 50%...

PV: Ngoài các tác động tích cực trên, nhà kính còn có lợi ích như thế nào trong quá trình phát triển nền nông nghiệp hiện đại, thưa Tiến sĩ?

Tiến sĩ PHẠM S: Nhà kính là một trong những hạ tầng canh tác ứng dụng công nghệ cao, do đó nếu sử dụng nhà kính đủ chuẩn sẽ tạo sự đồng bộ phát huy tác dụng các thiết bị công nghệ cao trong một trang trại. Đặc biệt là tiếp cận nông nghiệp thông minh, như các giải pháp IoT, điều khiển tự động; kết hợp năng lượng mặt trời, ứng dụng công nghệ đèn LED, tích hợp công nghệ tài chính thông minh, robot, trí tuệ nhân tạo, đáp ứng quá trình sản xuất nông nghiệp ứng phó với biến đổi khí hậu, hội nhập quốc tế dựa trên cơ sở khoa học công nghệ.

PV: Như vậy, giải pháp mang tính đột phá mà Tiến sĩ vừa nhắc đến là gì?

Tiến sĩ PHẠM S: Thứ nhất, rà soát sản xuất nông nghiệp công nghệ cao theo quy mô từng loại cây trồng, theo tiểu vùng sinh thái, phá tính manh mún, nhỏ lẻ; tạo sản phẩm thu hoạch cùng lúc để có thời gian vệ sinh đồng ruộng. Một điều hết sức lưu ý, tuyệt đối không để ni-lông đã qua sử dụng tràn lan ngoài đồng ruộng, bởi hàng năm, lượng ni-lông loại bỏ phải hàng trăm tấn, sẽ gây ô nhiễm môi trường.

Thứ hai, căn cứ hiện trạng từng khu vườn để lựa chọn trồng bổ sung cây xanh phù hợp, bảo đảm các yêu cầu về cảnh quan, mỹ quan và môi trường. Tăng cường công tác khuyến nông, tập huấn cho nông dân sử dụng thuốc trừ sâu sinh học; nên phun thuốc vào các thời điểm dịu mát, như sáng sớm và chiều tối, sẽ khắc phục ảnh hưởng của thuốc BVTV đến sức khỏe người nông dân.

Được - mất và bài toán hài hòa lợi ích kinh tế - môi trường ảnh 3

Chọn lựa loài cây trồng trong nhà kính và cây trồng ngoài trời phù hợp.

Tổ chức sản xuất đồng bộ và quản lý môi trường nông nghiệp; chỉ phát triển nhà kính bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật; tăng cường liên kết sản xuất để doanh nghiệp làm hạt nhân tổ chức sản xuất quy chuẩn đồng bộ; doanh nghiệp hỗ trợ một phần hoặc toàn bộ kinh phí cho nông dân làm nhà kính đủ chuẩn, nông dân sản xuất cung cấp sản phẩm lại cho doanh nghiệp theo mô hình liên kết chuỗi giá trị, vì nông dân hạn chế nguồn lực tài chính nên đầu tư nhà kính không đủ chuẩn. Nhiều quốc gia châu Âu thường thực hiện theo mô hình này để giúp cho nông dân không phải lo làm nhà kính riêng lẻ, mà do chính các doanh nghiệp đầu tư trước cho nông dân.

Nhà kính đủ chuẩn là công trình được thiết kế phù hợp, có xem xét tính thẩm mỹ và tính chịu lực cao. Do đó, cần đổi mới quản lý nhà kính như một số quốc gia trên thế giới; chỉ cấp phép cho các nhà kính đủ chuẩn, đây là một trong những giải pháp quản lý rất khoa học. Các ngân hàng thương mại có cơ chế tăng định suất vay, thời gian vay để các doanh nghiệp và nông dân có điều kiện đầu tư nhà kính đúng chuẩn.

Thực hiện nghiêm công tác quản lý bảo vệ rừng, không để việc san gạt đất trái phép và lấn chiếm đất rừng để làm nhà kính ngày càng phức tạp, gây gia tăng việc làm nhà kính trên đất trái phép; những diện tích đất có địa hình cao hơn 20 độ thì không cấp phép san gạt làm nhà kính.

PV: Như Tiến sĩ đã trao đổi, nhà nông, doanh nghiệp nên dành một phần diện tích trồng cây không nhà kính, hoặc trồng cây xanh để điều hòa tiểu khí hậu và cảnh quan. Đó là khuyến nghị hay chế tài?

Tiến sĩ PHẠM S: Theo tôi, TP Đà Lạt nên có biện pháp chế tài, vì sự bảo vệ môi trường sinh thái và phát triển chung của thành phố. Có thể yêu cầu mỗi doanh nghiệp, nông dân, trong quá trình canh tác phải để từ 15 đến 20% diện tích trồng cây không nhà kính, hoặc trồng cây xanh. Tỷ lệ này tùy diện tích, nếu diện tích trang trại nhỏ thì tỷ lệ không làm nhà kính cao, ngược lại trang trại có diện tích lớn thì tỷ lệ không làm nhà kính nhỏ.

PV: Tiến sĩ có gợi mở gì với nhà nông, doanh nghiệp về vấn đề nhà kính?

Tiến sĩ PHẠM S: Tùy theo loại cây trồng, cây không mẫn cảm với thời tiết nhiều thì không nhất thiết đưa vào trồng trong nhà kính. Khuyến khích trồng các loại cây ngoài nhà kính có giá trị kinh tế cao, như atisô, rau gia vị, súp lơ, cải thảo, cà rốt, khoai tây, đậu cove, hành tây, cây dược liệu quý, cây ăn quả, cây kiwi vàng, cây cherry Brazil, cherry Úc, phúc bồn tử, chanh dây colado... Tổ chức trồng cây lâm nghiệp sinh trưởng nhanh trên các đỉnh đồi, các bờ lô, ở diện tích đất trống tại các trang trại, để tạo mảng xanh ở các vành đai và trên đỉnh đồi để chống rửa trôi, xói mòn, góp phần điều hòa tiểu khí hậu trong vùng sản xuất nông nghiệp.

Thường xuyên tổ chức khơi thông suối, nạo vét các hồ trong khu vực trung tâm thành phố để tạo nhanh dòng chảy và tích nước, hạn chế tối đa việc ngập úng cục bộ. Thực tế trong nhiều năm qua thành phố chưa tiến hành thường xuyên, đó cũng là nguyên nhân ngập úng cục bộ, chứ không hoàn toàn do nhà kính như một số thông tin đưa thời gian qua.

PV: Còn phương án dài hơi, thưa Tiến sĩ?

Tiến sĩ PHẠM S: TP Đà Lạt cần xây dựng đề án giảm dần và tiến đến không còn nhà kính theo từng khu vực phường trung tâm. Trong đó, tiến hành rà soát sản xuất nông nghiệp trên địa bàn, từng bước thay đổi từng khu vực; nghiên cứu trồng cây không trong nhà kính, song vẫn cho giá trị thu nhập cao; trồng các loài cây mới, lạ phục vụ du khách trải nghiệm… Theo nguyên tắc, giảm dần nhà kính với thời gian, đến một lộ trình khoảng 15, 20 năm sau, tại các phường sản xuất nông nghiệp trung tâm thành phố (từ phường 5 đến phường 12), không còn nhà kính để trả lại mảng xanh, tạo cảnh quan đô thị TP Đà Lạt. Cùng với đó, thực hiện chuyển dịch lao động nông nghiệp sang dịch vụ. Để triển khai đồng bộ khoa học, trước mắt, Đà Lạt cần xây dựng đề án có tính khả thi cao, thí điểm mô hình, sau đó nhân rộng theo lộ trình.

Tiếp tục thu hút các nhà đầu tư chiến lược có năng lực tài chính, kinh nghiệm phát triển mô hình làng đô thị xanh, để triển khai các dự án chỉnh trang đô thị phù hợp theo xu thế thời đại; từ đó, định hướng chuyển đổi việc làm cho nông dân TP Đà Lạt chuyển dần theo hướng nông nghiệp dịch vụ, như du lịch canh nông, phát triển cây cảnh đặc hữu, nghiên cứu chọn tạo giống, sản xuất giống cây trồng chất lượng cao phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu, phát triển dược liệu phục vụ các dự án y tế trong tương lai; trồng cây không nhà kính; chuyển dần sản xuất rau, hoa quy mô hàng hóa sang các xã ven đô Đà Lạt và các huyện phụ cận.

Trân trọng cảm ơn ông.