"Biến" rác thải thành thẻ bảo hiểm y tế, mô hình cần nhân rộng

NDO -

NDĐT - Hội Phụ nữ (HPN) huyện Nghi Lộc (Nghệ An) đang nhân rộng phong trào, biến rác thải thành thẻ Bảo hiểm y tế (BHYT), con giống tặng những gia đình khó khăn cũng như mô hình biến rác thải thành thiết chế văn hóa.

Hội Phụ nữ xã Nghi Thạch thu gom phế liệu và mổ lợn tiết kiệm mua thẻ BHYT giúp hội viên khó khăn hay đau ốm.
Hội Phụ nữ xã Nghi Thạch thu gom phế liệu và mổ lợn tiết kiệm mua thẻ BHYT giúp hội viên khó khăn hay đau ốm.

Biến rác thải thành thẻ BHYT

Chủ tịch HPN xã Nghi Thạch (Nghi Lộc) Hoàng Thị Tình cho biết, toàn xã có 157 hộ khó khăn, thường xuyên có hội viên ốm đau, bệnh tật khiến các cấp HPN phải luôn thăm hỏi, chia sẻ. Ngoài các hộ nghèo và cận nghèo được Nhà nước phát thẻ BHYT, còn những gia đình khó khăn này, thường xuyên có người đau ốm lại xem nhẹ việc mua thẻ BHYT.

Trước tình hình đó, khi HPN xã được phân công đảm nhiệm công tác vệ sinh môi trường trong xây dựng nông thôn mới, chị Tình suy nghĩ, sao không động viên các hội viên phân loại rác thải từ các gia đình, thu gom phế liệu từ vệ sinh môi trường rồi bán đi để mua thẻ BHYT tặng các hội viên thường xuyên đau yếu này? Điều chị Tình đang trăn trở cũng là lúc HPN huyện Nghi Lộc phát động phong trào “Biến rác thành thẻ BHYT, con giống". Khi đưa vấn đề này ra bàn ở các chi hội xóm, ngay lập tức được hội viên đồng tình hưởng ứng cao, bởi “một mũi tên trúng hai đích", xóm làng vừa được dọn vệ sinh sạch sẽ; lại có phế liệu bán lấy tiền mua thẻ BHYT tặng các hội viên hay đau ốm.

Thế rồi, hằng tháng, hằng quý sinh hoạt HPN, bên cạnh việc họp bàn việc giúp đỡ nhau phát triển sản xuất, nuôi dạy con khỏe, con ngoan... thì các hội viên còn đưa phế liệu đến góp nộp, bán lấy tiền mua dăm, ba thẻ BHYT để trao tặng. Nhờ phong trào này, trong năm 2018 và 10 tháng năm 2019, HPN xã Nghi Thạch đã trao tặng 37 thẻ BHYT cho các hội viên; trong số này có nhiều hội viên là giáo dân.

Nhờ được tặng thẻ BHYT mà nhiều chị em mới có cơ hội đi khám và điều trị ở các bệnh viện. Bà Phạm Thị Tâm (60 tuổi) ở xóm Trung Khánh giơ thẻ BHYT, nói như khoe: "Tôi không may ngã gãy chân, nhờ thẻ bảo hiểm HPN tặng nên mọi chi phí bó bột, thuốc men... thanh toán chưa hết hai triệu đồng. Nếu không có cái thẻ ni, tôi không biết lấy gì trang trải chi phí chữa bệnh". Nhận thức được giá trị của thẻ BHYT đem lại, sau khi đi bệnh viện về, bà Tâm đã động viên con cháu, mua thẻ BHYT cho toàn bộ các thành viên trong gia đình.

Ở xã Nghi Thạch, nhiều gia đình hội viên còn nhiều khó khăn, nhờ được HPN tặng thẻ BHYT mua từ nguồn bán phế liệu đã mạnh dạn đi bệnh viện khám và phát hiện ra trọng bệnh, như chị Nguyễn Thị Vân (xóm Trung Lạc) bị viêm túi mật; bà Hoàng Thị Thảo (xóm Trung Lạc) bị viêm tuyến giáp; cụ Nguyễn Thị Nguyệt (78 tuổi, giáo dân)... đã được cứu chữa kịp thời.

Bên cạnh việc phát động phong trào biến rác thải thành thẻ BHYT, HPN xã Nghi Thạch còn triển khai việc phát lợn nhựa tiết kiệm cho các hội viên vào dịp lễ 8-3 và vận động góp tiết kiệm, bỏ lợn từ một đến 20 nghìn đồng/ngày. Đến ngày lễ 20-10, mọi người cùng nhau đưa lợn tiết kiệm đến nơi sinh hoạt, mổ công khai và trích một phần tiền tiết kiệm này hỗ trợ các gia đình gặp khó khăn nhất trong chi hội.

Cụ thể ngày 20-10 vừa qua, ngoài tặng năm thẻ BHYT, các chi hội còn giúp gia đình chị Nguyễn Thị Hà, ở xóm Xuân Thịnh, 160 con gà và vịt giống; tặng xe lăn cho chị Nguyễn Thị Lý... Ngoài ra, thông qua phong trào chung tay vì phụ nữ và trẻ em nghèo, HPN Nghi Thạch đã trao tặng học bổng 7,1 triệu đồng cho hai em học sinh nghèo; tặng 4,5 triệu tiền quà cho các em học sinh, gia đình liệt sĩ và nguyên cán bộ hội khó khăn... Tất cả khoản tiền trên đều từ việc thu nhặt phế thải và tiền mổ lợn tiết kiệm của các hội viên.

Nhân rộng các mô hình

Từ mô hình “Biến rác thành thẻ BHYT, con giống" mà Nghi Thạch triển khai năm 2018, đến nay, HPN huyện Nghi Lộc đã triển khai nhân rộng ra 25/30 xã, thị trấn trong toàn huyện. Phó Giám đốc BHXH huyện Nghi Lộc Nguyễn Khắc Tùng cho biết, nhờ mô hình nhân văn này, người dân càng hiểu sâu sắc giá trị và sự quan trọng của tấm thẻ BHYT trong việc chăm sóc sức khỏe cho bản thân cũng như các thành viên gia đình, nhất là các gia đình khó khăn, thường xuyên có người đau ốm nên đã “kích hoạt", mua thêm hàng nghìn thẻ BHYT tự nguyện. Đến hết tháng 10-2019, toàn huyện Nghi Lộc đã có hơn 37.908 người mua thẻ BHYT tự nguyện, tăng gần 3.400 người so cùng kỳ năm 2018.

Từ thành công phong trào “Biến rác thành thẻ BHYT, con giống", HPN huyện Nghi Lộc tiếp tục phát động phong trào “Phụ nữ tham gia bảo vệ môi trường, thu gom phế liệu tặng thiết chế văn hóa xóm” năm 2019. Đến nay, đã có 10 xã tham gia. Trong số này, tiêu biểu có xã Nghi Hưng. Thông qua phát động 15/15 chi hội trong xã đã tiến hành thu gom và phân loại rác tại hộ gia đình. Định kỳ mỗi tháng ba lần, vào ngày 8,18 và 28 tiến hành tổng vệ sinh, tổ chức thu gom phế liệu như: vỏ lon, chai nhựa, nilon, giấy loại, bao bì… để mang đi bán. Số tiền bán được các chi hội dùng để mua loa máy, phông rèm, bục hội nghị, thùng rác văn minh... tặng cho nhà văn hóa xóm.

Sau tám tháng triển khai, HPN xã Nghi Hưng đã bán được hơn 18 triệu đồng tiền phế liệu thu gom từ rác thải, mua được nhiều đồ dùng thiết thực phục vụ nhà văn hóa xóm. Theo báo cáo của HPN huyện Nghi Lộc, thông qua hai phong trào này, trong 10 tháng đầu năm 2018, toàn huyện đã thu gom hàng nghìn cân phế liệu, bán được hơn 220 triệu đồng, trao tặng 81 thẻ BHYT; tặng 1.800 con giống; trao 250 suất quà; tặng thiết chế văn hóa xóm gần 50 triệu đồng; tặng gần 1.000 làn xinh cho các bà, các mẹ đi chợ, giảm thiểu việc sử dụng túi nilon...

Chủ tịch Hội LHPN huyện Nghi Lộc, Đinh Thị Hạnh cho biết, việc triển khai thực hiện mô hình “Biến rác thành thẻ BHYT, con giống" và “Phụ nữ tham gia bảo vệ môi trường, thu gom phế liệu tặng thiết chế năm hóa xóm” có tính nhân văn sâu sắc nên đã tác động lan tỏa mạnh mẽ đến toàn thể hội viên phụ nữ nói riêng và nhân dân nói chung. Mô hình đã thu hút gần 95% hội viên phụ nữ tham gia. Việc thực hiện tốt mô hình trên tạo điều kiện cho hội viên nhận thức đầy đủ hơn về giá trị của tấm thẻ BHYT trong chăm lo sức khỏe cũng như phát triển kinh tế.

Điều quan trọng nữa là góp phần to lớn trong việc bảo vệ môi trường, nâng cao nhận thức của hội viên phụ nữ trước tác hại của phế liệu, túi nilon đối với sức khỏe con người và môi trường sống; từ đó góp phần nâng cao vai trò của tổ chức phụ nữ trong việc thực hiện đề án vệ sinh môi trường trong xây dựng nông thôn mới. Việc triển khai thực hiện mô hình này cũng góp phần nâng cao vai trò, phát huy trách nhiệm, tính chủ động, sáng tạo của Hội trong công tác tuyên truyền, vận động chị em phụ nữ chủ động, tự giác thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động "Xây dựng gia đình năm không, ba sạch" và bảo vệ môi trường bằng các hoạt động cụ thể, thiết thực hơn.

Qua đó, đã góp phần làm cho người dân từng bước thay đổi thói quen vứt rác bừa bãi, hạn chế tình trạng lạm dụng sử dụng túi nilon trong sinh hoạt hằng ngày của chị em phụ nữ; hình thành ý thức phân loại rác thải tại nguồn, tận dụng phế liệu để mua sắm các vật dụng có ích, giảm thiểu ô nhiễm môi trường do phế liệu và túi nilon gây ra.