Diễn đàn chủ nhật

Tạo điều kiện cho đạo diễn trẻ phát huy tài năng

 

Hằng năm, có không ít đạo diễn sân khấu trẻ tốt nghiệp từ các trường đại học sân khấu điện ảnh ở nước ta.

Tuy nhiên, cùng với thời gian và sự đào thải khắc nghiệt của thị trường biểu diễn, rất ít người có thể trụ lại được với nghề. Ðối với họ, bên cạnh áp lực về chất lượng nghệ thuật, còn là nỗi lo về kinh tế, làm thế nào để vở diễn thu hút khán giả đến với sân khấu. Có lẽ chính vì vậy, nhiều nhà hát, đơn vị nghệ thuật luôn e dè và ngần ngại khi giao dựng vở mới cho các đạo diễn trẻ. Ngay cả những đạo diễn nổi tiếng trong nghề cũng phải thẳng thắn thừa nhận, để các vở diễn "sống được" trong sự cạnh tranh khán giả của các loại hình nghệ thuật khác, họ buộc chạy theo những đề tài ăn khách, những mảng miếng ly kỳ, hấp dẫn, thậm chí cả những pha diễn giật gân, gợi cảm và đành phải quên đi những mong muốn sáng tạo hay thử nghiệm nghệ thuật táo bạo. Một đạo diễn trẻ chia sẻ: "Nếu dựng một vở diễn mà chỉ nhìn vào số lượng vé bán ra, mải mê bám theo những thị hiếu tầm thường mà không dám làm những gì đúng nghĩa với chữ sáng tạo trong nghệ thuật thì đối với chúng tôi là một bi kịch". Ðã từng có những đạo diễn trẻ mở màn rất ấn tượng, nhưng do mải "chạy sô", làm thêm đã không có điều kiện trau dồi nghề nghiệp để rồi sau đó "mất tăm" trên sân khấu.

Thực tế nêu trên cho thấy các đơn vị nghệ thuật sân khấu cần tạo điều kiện làm nghề và thật sự tin tưởng vào khả năng của các đạo diễn trẻ, đồng thời quan tâm đầu tư nâng cao chất lượng nghệ thuật vở diễn, tạo những đột phá mang tính sáng tạo bên cạnh các yếu tố thị trường. Hoạt động của sân khấu phía bắc, nhất là ở Hà Nội thời gian qua đã minh chứng điều đó. Mặc dù luôn bị cho là đơn điệu, buồn tẻ và thiếu năng động so với phía nam, trong thời điểm sân khấu đang khủng hoảng thiếu khán giả, thế nhưng, các đạo diễn, nghệ sĩ, diễn viên của các nhà hát, đơn vị nghệ thuật vẫn miệt mài bươn chải, vượt khó để sáng tạo, tìm tòi không ngừng với mong muốn giữ gìn vẻ đẹp và những giá trị nhân văn của sân khấu, từng bước tiếp cận, tạo dựng thị trường, đưa công chúng quay trở lại với sân khấu. Nhiều đơn vị như Nhà hát Tuổi trẻ, Nhà hát Cải lương Việt Nam, Nhà hát kịch Việt Nam… luôn luôn tin yêu, tạo cơ hội cho các đạo diễn trẻ thể hiện tài năng của mình, từng bước xây dựng một lực lượng đạo diễn trẻ kế cận, trong đó có những gương mặt đã và đang khẳng định được vị trí và thương hiệu của mình trong giới làm nghề và trong lòng công chúng. Tại các hội thi, liên hoan sân khấu chuyên nghiệp, vở diễn của họ không hề thua kém các đạo diễn "cây đa cây đề", thậm chí còn nhận được giải thưởng cao hơn và trở thành những "hiện tượng" sân khấu. Trong khi đó, nhiều đạo diễn trẻ của sân khấu phía nam vốn có thế mạnh xã hội hóa cũng đã thành danh khi được tạo điều kiện phát huy khả năng của mình hay nói nôm na là có "đất" để diễn, để thả sức sáng tạo và đưa ra những thể nghiệm nghệ thuật, nâng tầm tác phẩm. Thông thường, mỗi trung tâm sân khấu phía nam như tại TP Hồ Chí Minh chẳng hạn, đều cố gắng xây dựng cho mình những gương mặt đạo diễn trẻ để đẩy lên thành thương hiệu gắn với các vở diễn, thuyết phục khán giả đến thưởng thức những sáng tạo của họ.

Một điều dễ nhận thấy, khi các đạo diễn trẻ vào cuộc, đều ít nhiều mang lại những thay đổi và cách làm việc mới, ghi dấu ấn sáng tạo trẻ trung và táo bạo cho sân khấu. Con đường dẫn tới thành công của họ không có gì khác là sự nghiêm túc trong công việc, biết học hỏi, lắng nghe ý kiến của các thế hệ đi trước và của đồng nghiệp, luôn hiểu rằng mỗi vở diễn là một quá trình sáng tạo không ngừng nghỉ. Nói như đạo diễn sân khấu gạo cội Doãn Hoàng Giang: "Ði tìm cái riêng, tự chọn cho mình một phong cách nghệ thuật là bí quyết để các đạo diễn trẻ khẳng định mình".

CAO NGỌC