DIỄN ÐÀN CHỦ NHẬT

Ðổi mới trong quản lý các cuộc thi nhan sắc

Nghị định số 144/2020/NÐ-CP quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn (Nghị định 144) vừa được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành và sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1-2-2021, thay thế các nghị định trước đó về nghệ thuật biểu diễn, trong đó có nhiều điểm mới và loại bỏ một số điều khoản quy định nhằm giải quyết những vướng mắc, tồn đọng về mặt quản lý hoạt động biểu diễn nghệ thuật.

Nghị định mới không còn nhiêu khê các thủ tục hành chính cùng tình trạng "giấy phép con" như trước, đồng thời bỏ hoàn toàn việc dùng thuật ngữ "cấp phép", thay thế bằng thuật ngữ "văn bản chấp thuận", tránh những hiểu nhầm, tranh cãi về vấn đề kiểm duyệt. Theo Nghị định 144, lần đầu tiên, việc tổ chức các cuộc thi nhan sắc sẽ không cần phải xin cấp phép của Cục Nghệ thuật biểu diễn mà chỉ cần UBND tỉnh, thành phố chấp thuận. Việc cấp phép cho các thí sinh người đẹp Việt Nam tham dự các cuộc thi nhan sắc quốc tế cũng được xóa bỏ, thay vào đó chỉ cần đáp ứng các yêu cầu: có giấy mời của ban tổ chức cuộc thi, không vi phạm pháp luật, không trong thời gian bị đình chỉ hoạt động biểu diễn. Bên cạnh đó, Nghị định cũng không quy định giới hạn số lượng các cuộc thi hoa hậu, hoa khôi, người mẫu,... và bỏ cả quy định cấm thí sinh phẫu thuật thẩm mỹ.

Những quy định mới tại Nghị định 144 theo hướng thông thoáng, cởi mở hơn đã nhận được nhiều phản hồi từ dư luận và các cơ quan quản lý địa phương, giới tổ chức sự kiện và văn nghệ sĩ với đa phần là ý kiến ủng hộ, nhưng cũng có cả những lo ngại, băn khoăn. Theo bà Nguyễn Thúy Nga, Giám đốc Công ty Elite, đơn vị nắm giữ bản quyền các cuộc thi sắc đẹp quốc tế tại Việt Nam, việc địa phương được quyền cho phép tổ chức các cuộc thi nhan sắc sẽ giúp các đơn vị tổ chức tiết kiệm được thời gian để có thể chủ động và tập trung vào chất lượng chương trình, giúp tăng quyền lợi đồng thời tăng trách nhiệm của các đơn vị. Trong khi đó, cơ quan quản lý ở địa phương lại được phân thêm quyền để giúp bộ, ngành trung ương trong kiểm tra, kiểm soát, xử lý các sự kiện tốt hơn. Những nới lỏng quy định cho các thí sinh người đẹp Việt Nam dự thi nhan sắc quốc tế cũng nhận được sự ủng hộ của dư luận và các đơn vị tổ chức đưa thí sinh đi thi.

Thực tế những năm gần đây, từng có rất nhiều vụ việc người đẹp đi thi "chui" và bị xử phạt, kiện cáo qua lại, gây nhiều điều tiếng khiến công chúng ngán ngẩm. Các quy định mới sẽ tạo ra sự bình đẳng cho những người đẹp trong nước khi tham gia các hoạt động giải trí phù hợp ở nước ngoài, tôn trọng sự khác biệt về văn hóa và thẩm mỹ. Cần nói thêm rằng mỗi cuộc thi đều có tiêu chí và đẳng cấp khác nhau, chẳng hạn như các cuộc thi sắc đẹp quy mô và uy tín nhất thế giới là Hoa hậu Thế giới và Hoa hậu Hoàn vũ đều chỉ tiếp nhận thí sinh trong tốp ba của các cuộc thi hoa hậu tương đương ở mỗi quốc gia, và bản thân yêu cầu đó đã là một "bộ lọc" khi lựa chọn thí sinh. Tương tự, thí sinh có vẻ đẹp tự nhiên hay phẫu thuật thẩm mỹ đều có quyền tự do lựa chọn tham dự theo quy định, tiêu chí phù hợp của từng cuộc thi.

Tuy nhiên, lo lắng của nhiều người về tình trạng "mất giá" các cuộc thi, "loạn" danh xưng người đẹp, cũng là có cơ sở. Nếu việc tổ chức dễ dàng, không giới hạn số lượng, thì có thể sẽ thêm cả chục cuộc thi với quy mô "ao làng", chỉ cần gắn với một địa danh hoặc hoạt động văn hóa, ngành nghề nào đó với các mục tiêu thực dụng gắn liền lợi ích của doanh nghiệp, đơn vị tổ chức. Việc nới lỏng các quy định cũng khiến số lượng thí sinh dự thi nhiều khả năng sẽ đông hơn, đua nhau thi để giành giải và lợi dụng danh hiệu của những cuộc thi như vậy vào những việc làm, hành vi vi phạm pháp luật hoặc thuần phong mỹ tục. Song, theo nhiều chuyên gia, các cuộc thi nhan sắc luôn tuân theo quy luật đào thải của giới giải trí. Nếu sản phẩm không tốt và tạo dư luận xấu, nhất là trong thời đại mạng xã hội lan tỏa mạnh mẽ như hiện nay, thì sẽ bị khán giả và các nhà tài trợ tẩy chay. Mặt khác, báo chí, truyền thông cũng không nên tuyên truyền quá mức, dồn sự chú ý vào các cuộc thi sắc đẹp mà chỉ nên coi đó là một loại hình hoạt động biểu diễn bình thường và như vậy tự khắc các cuộc thi sẽ điều chỉnh cho phù hợp nhu cầu xã hội. Thêm vào đó, Nghị định 144 đã bổ sung quy định về việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền được yêu cầu thu hồi, hủy bỏ danh hiệu, giải thưởng nếu thí sinh hoặc ban tổ chức cuộc thi có sai phạm. Ðiều này sẽ chấm dứt việc các bên đùn đẩy trách nhiệm hoặc lúng túng vì không có căn cứ pháp lý để thu hồi danh hiệu, như tình trạng từng xảy ra sau một số cuộc thi sắc đẹp trước đây.

Cũng như các hoạt động biểu diễn khác, những đổi mới trong quản lý tổ chức các cuộc thi nhan sắc, người mẫu thể hiện qua Nghị định 144 đã làm tăng thêm quyền hạn và trách nhiệm cho cơ quan quản lý nhà nước ở các địa phương, đơn vị tổ chức sự kiện, đồng thời chuyển từ sự tập trung tiền kiểm (kiểm tra trước sự kiện) sang hậu kiểm (kiểm tra sau sự kiện) và tăng chế tài xử phạt nghiêm minh.

Ðiều này là rất cần thiết và đúng lúc để chấn chỉnh các cuộc thi nhan sắc vốn "mang tiếng" bị thương mại hóa, đầy rẫy rắc rối và thị phi suốt thời gian qua. Cục Nghệ thuật biểu diễn hiện đang triển khai phổ biến Nghị định 144 đến các địa phương và sau khi có hiệu lực, Cục sẽ tiếp tục nhận thông tin phản hồi, ý kiến đóng góp để kịp thời có những hướng dẫn cụ thể cũng như đề xuất điều chỉnh cần thiết nhằm tạo môi trường thông thoáng, lành mạnh cho các hoạt động nghệ thuật biểu diễn và những cuộc thi nhan sắc nhằm phục vụ công chúng tốt hơn.

HOÀNG MỸ HẠNH