Khai mạc Lễ hội Nghinh Ông Cần Giờ năm 2020

NDO -

Tối 30-9, Lễ hội Nghinh Ông Cần Giờ năm 2020 với chủ đề “Cần Giờ biển gọi” đã được khai mạc tại thị trấn Cần Thạnh, huyện Cần Giờ, TP Hồ Chí Minh. 

Chương trình nghệ thuật trong buổi lễ khai mạc.
Chương trình nghệ thuật trong buổi lễ khai mạc.

Lễ hội năm nay có các hoạt động chính như: viếng Nghĩa trang liệt sĩ Rừng Sác, Lễ thượng kỳ lễ hội; lễ cúng “Tiền hiền hậu hiền”; lễ thả đèn trên biển; Lễ Nghinh Ông trên biển và đón đoàn Nghinh Ông về Lăng Ông Thủy Tướng…

Ngoài ra, Lễ hội Nghinh Ông Cần Giờ năm 2020 còn có các hoạt động vui chơi đặc sắc như: Khu ẩm thực các vùng miền phối hợp với "Phiên chợ hàng Việt", giới thiệu đặc sản Cần Giờ, trưng bày sản phẩm nông sản đặc trưng huyện nông thôn mới; các loại hình trò chơi dân gian, biểu diễn nghệ thuật giao lưu đờn ca tài tử, văn nghệ thiếu nhi nhân dịp Tết trung thu; Liên hoan Lân Sư Rồng và Diều nghệ thuật; các giải thi đấu thể thao… 

Lễ hội Nghinh Ông Cần Giờ được tổ chức vào các ngày 14, 15, 16 tháng 8 âm lịch hằng năm với các nghi thức Lễ dân gian và các hoạt động hội đông vui, nhộn nhịp. Lễ hội đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia từ năm 2013. Năm 2017, lễ hội Nghinh Ông Cần Giờ được nâng cấp lên thành lễ hội cấp thành phố do Ban Tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn TP Hồ Chí Minh tổ chức.

Đây là dịp ngư dân cùng gia đình bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với Thần Nam Hải, dù làm việc gì, ở đâu cũng sắp xếp quay về quê hương tham gia nghi Lễ và các hoạt động Hội vui nhộn, truyền nhau những câu chuyện huyền thoại về công lao của thần Nam Hải đã cứu giúp ngư dân khi có giông bão và đồng thời nhờ sự phù hộ của Thần nên ngư dân có được những mùa đánh bắt bội thu. 

Lễ hội Nghinh Ông Cần Giờ cũng là dịp để mọi người tưởng nhớ công ơn các bậc tiền nhân đã có công khai hoang mở cõi, từng bước tạo dựng cuộc sống và hình thành lối sống, nếp sống phù hợp, thích nghi với điều kiện thiên nhiên của vùng đất Cần Giờ. Đồng thời, đây cũng là dịp để mọi người  thành kính tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ đã anh dũng hy sinh vì hòa bình, độc lập, tự do của dân tộc, là sự thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” luôn được duy trì, lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.