Đẩy mạnh thực hiện văn hóa công sở

Văn hóa công sở gồm nhiều lĩnh vực, từ trang phục làm việc, phong cách giao tiếp, tác phong, tinh thần, thái độ, trách nhiệm thực thi công việc… Những yếu tố này góp phần hình thành và xây dựng phong cách ứng xử của cán bộ, công chức.

Văn hóa công sở được quy định rõ ràng trong các văn bản, quy chế cụ thể như Quyết định 129/2007/QÐ-TTg ngày 2-8-2007 về văn hóa công sở tại các cơ quan hành chính nhà nước, Quyết định 1847/QÐ- TTg ngày 27-12-2018 về phê duyệt đề án văn hóa công vụ. Sau khi triển khai, nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương có những chuyển biến tích cực, mạnh mẽ về kỷ luật, kỷ cương; nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức về văn hóa công sở thay đổi rõ nét; bước đầu hình thành phong cách ứng xử, lề lối làm việc góp phần xây dựng hình ảnh đội ngũ cán bộ, công chức chuẩn mực, chuyên nghiệp, thân thiện trong thực thi nhiệm vụ; thể hiện đạo đức, lối sống của người cán bộ... Nhiều cơ quan, đơn vị đã xây dựng bộ tiêu chí đánh giá văn hóa công sở và thái độ công chức, viên chức cũng như những chế tài xử lý vi phạm ứng xử và có cơ chế khen thưởng đối với cá nhân, tập thể thực hiện tốt… Thực hiện Phong trào "Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở" do Thủ tướng Chính phủ phát động, Công đoàn viên chức TP Hà Nội phát động phong trào "Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thi đua thực hiện văn hóa công sở và nơi công cộng". Hay với mục tiêu xây dựng con người TP Lào Cai (tỉnh Lào Cai) văn minh, lịch sự, thân thiện kỷ cương, thành phố đã ban hành Bộ Quy tắc ứng xử văn hóa văn minh, tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, thái độ, hành vi ứng xử của cán bộ, công chức viên chức, người lao động…

Tuy nhiên, do hoàn cảnh, điều kiện, đặc thù từng loại hình công việc, thực hiện văn hóa công sở vẫn bộc lộ nhiều hạn chế. Trong hành vi ứng xử của cán bộ, công chức trong cơ quan, nơi làm việc vẫn còn những biểu hiện thiếu văn hóa. Ðối với những công việc, ngành nghề phải thường xuyên tiếp xúc, giao tiếp với nhân dân, vẫn còn những cách ứng xử nhũng nhiễu, gây phiền hà, khó khăn hoặc không đẹp mắt.

Để hạn chế những hành vi lệch chuẩn và nâng cao chuẩn mực ứng xử của cán bộ, công chức hiện nay, cần đề ra những giải pháp hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phục vụ nhân dân. Trước tiên, cần quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm những quy định, quy tắc ứng xử về văn hóa công sở; tuyên truyền, phổ biến; giúp cán bộ, công chức nhận thức đúng, hiểu rõ vị trí, vai trò, trách nhiệm trong thực hiện văn hóa công sở nhằm giữ gìn hình ảnh cơ quan, đơn vị… Tại nơi làm việc cần giải quyết công việc theo quy định, quy trình; thái độ niềm nở, không gây khó dễ hay thờ ơ, vô cảm; không gây bức xúc cho người dân; lấy hiệu quả công việc làm thước đo đánh giá cán bộ… Ở nơi công cộng phải có thái độ đúng mực, phù hợp hoàn cảnh, điều kiện. Bên cạnh đó, nên có chính sách kịp thời động viên, biểu dương nhằm lan tỏa những hành vi ứng xử đẹp, chuẩn mực của cá nhân công chức, viên chức và cơ quan nhà nước... Cần đưa việc thực hiện văn hóa ứng xử trở thành một trong những tiêu chí thi đua của cơ quan, đơn vị để đánh giá, bình xét cán bộ, công chức hằng năm…