Dấu ấn văn học thiếu nhi qua truyện đồng thoại

Cuộc thi sáng tác truyện đồng thoại Eneos & Mogu (Ðóa hoa đồng thoại) lần thứ ba vừa tổng kết, trao giải. Mùa giải năm nay đánh dấu bước đột phá về số lượng, sức sáng tạo và bất ngờ ở nội dung tác phẩm. Ðiều đó cho thấy các cây bút tuổi thiếu niên đang có những tư duy và cách thể hiện đầy mới mẻ trong văn học.

Nhà văn Lê Phương Liên giao lưu với các em nhỏ tại một hoạt động của cuộc thi.
Nhà văn Lê Phương Liên giao lưu với các em nhỏ tại một hoạt động của cuộc thi.

Cuộc thi sáng tác truyện đồng thoại là giải thưởng lâu đời ở Nhật Bản, đây là lần thứ 51 tổ chức. Tại Việt Nam, Dự án Mọt sách Mogu và quỹ Bắc cầu được tổ chức với mục đích tạo động lực cho các tác giả sáng tác truyện thiếu nhi. Tên gọi cuộc thi bắt đầu từ chữ "đồng" trong "nhi đồng", nghĩa là trẻ em, "thoại" là câu chuyện. Cuộc thi không gò bó vào một chủ đề cụ thể và tác giả ở mọi lứa tuổi đều có thể gửi gắm tình cảm cho trẻ em thông qua các sáng tác giàu ý tưởng và sự nhân văn. "Ðóa hoa đồng thoại" đặt mục tiêu trở thành biểu tượng mang ý nghĩa đặc biệt đối với văn học thiếu nhi Việt Nam, mang đến cho người đọc thêm nhiều tác phẩm do chính tác giả trong nước sáng tác.

Năm nay, có 1.351 tác phẩm dự thi đến từ 51 tỉnh, thành phố khắp cả nước. Ban tổ chức đã trao ba giải nhất, sáu giải nhì, chín giải ba và sáu giải khuyến khích cho các hạng mục: tiểu học, trung học cơ sở và tự do. Ở hạng mục tiểu học, tác giả Phan Ngọc Ðại Ngọc (8 tuổi, ở Lâm Ðồng) giành giải nhất với truyện "Những hạt mưa đi đâu?". Theo đánh giá từ hội đồng giám khảo gồm các nhà văn Việt Nam và Nhật Bản, tác phẩm của Ðại Ngọc tạo bất ngờ lớn, người đọc khó tin đó là truyện ngắn của cô bé mới tám tuổi, cốt truyện hấp dẫn, giàu tình cảm, đồng thời thể hiện sự dí dỏm, thông minh. Trước đó, thí sinh này từng giành nhiều giải thưởng, huy chương trong các cuộc thi hát, hùng biện tiếng Anh và bộc lộ năng khiếu sáng tác văn chương rất sớm. Hạng mục trung học cơ sở, giải nhất thuộc về Phùng Thị Phương Anh (14 tuổi, ở Hà Nội) với truyện "Ngôi sao và mặt trời", tác giả đồng thời giành giải xuất sắc nhất cuộc thi và sẽ dự lễ trao giải của Giải thưởng Ðóa hoa đồng thoại diễn ra tại Nhật Bản trong thời gian tới. Tác giả Võ Lê Tú Anh (29 tuổi, ở TP Hồ Chí Minh) giành giải nhất hạng mục tự do với truyện "Cột đèn tổ chim". Ðặc biệt, một số em nhỏ ở địa phương từng phải cách ly vì dịch Covid-19 ở xã Sơn Lôi, tỉnh Vĩnh Phúc cũng tham gia dự thi, trong đó một tác giả được trao giải khuyến khích là em Lê Nguyễn Thu Hương, 11 tuổi với truyện "Những quả trứng thần kỳ".

Không chỉ tăng về số lượng mà chất lượng cuộc thi sáng tác truyện đồng thoại còn có những tác phẩm khiến người đọc rung động. Bằng tài năng và trí tưởng tượng của mình, các tác giả trẻ đã vẽ nên thế giới với những ước mơ, khát vọng phong phú, hòa quyện trong nhiều cảm xúc về quá khứ, hiện tại và tương lai.

Ở mùa giải năm 2019, cô bé chín tuổi Bùi Mai Khuê đoạt giải nhất cuộc thi ở hạng mục tiểu học là nhân vật khá đặc biệt. Mai Khuê rất hiếu động, gia đình em có phần lo lắng khi thấy con gái nghịch ngợm hơn bạn bè trang lứa. Tác phẩm "Bướm lá" của tác giả nhỏ được đánh giá có cốt truyện, sự sáng tạo và diễn đạt xuất sắc, giúp người đọc chắp đôi cánh tưởng tượng vượt không gian và thời gian để đi tới sự đồng cảm. Na-ga-nô, tác giả truyện Ehon (truyện kèm tranh) của Nhật Bản chia sẻ, bà rất cảm động với tác phẩm này, câu chuyện được bé Mai Khuê kể bằng lăng kính tỉ mỉ, nhiều yếu tố hư cấu, kỳ ảo thể hiện ý nghĩa bên trong. Cốt truyện bắt đầu từ một buổi chiều hè, trên đường về nhà, cô bé trông thấy những chiếc lá rơi từ trên cây xuống và reo lên: "Mẹ ơi, trông như là bướm lá". Hình ảnh ấy đã nhen nhóm thành ý tưởng đầy phiêu lưu, đầy mơ mộng của trẻ thơ. Cùng với con, người mẹ cũng gửi hai truyện ngắn tham dự cuộc thi Ðóa hoa đồng thoại.

Bên cạnh quá trình chấm, chọn tác phẩm, cuộc thi cũng có nhiều hoạt động bổ trợ dành cho trẻ em như thực hành sáng tác viết truyện thiếu nhi cùng với diễn giả khách mời. Ở các buổi thực hành, các em nhỏ được giao lưu, chia sẻ về những điều giản đơn trong cuộc sống và diễn đạt thành những áng văn hay. Trong khi diễn giả trò chuyện về nghề viết với chủ đề viết cho thiếu nhi thì các cây bút nhí có thể bày tỏ những thắc mắc về việc sáng tác, thực hành sáng tác tại chỗ với chủ đề tự do, cùng bạn bè đọc và cảm nhận tác phẩm. Có thể thấy rằng, đây là một cuộc thi đặc biệt và cũng hội tụ những nhân tố đặc biệt. Nhờ vậy, vẻ đẹp của thế giới tuổi thơ được nâng niu, chắp cánh qua những hành động tích cực.

MAI LỮ