Ấn tượng tranh tường Trận chiến Ðiện Biên Phủ

Hoành tráng và xúc động là cảm nhận của nhiều khách tham quan khi chiêm ngưỡng bức tranh toàn cảnh (pa-nô-ra-ma) Trận chiến Ðiện Biên Phủ tại Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Ðiện Biên Phủ (Ðiện Biên). Ðây là một trong những bức tranh tường lớn nhất thế giới về đề tài chiến tranh, và là tác phẩm đầu tiên ở Việt Nam theo thể loại này. Không chỉ là một hiện vật độc đáo phản chiếu lịch sử, bức tranh còn mang đến không gian nghệ thuật của hội họa, sắp đặt và ánh sáng.

Một phần tác phẩm Trận chiến Ðiện Biên Phủ. Ảnh: Ðức Thành
Một phần tác phẩm Trận chiến Ðiện Biên Phủ. Ảnh: Ðức Thành

Với chiều dài 132 m, cao hơn 9 m cùng phần mái vòm liền kề thể hiện trời, mây, bức tranh Trận chiến Ðiện Biên Phủ có tổng diện tích bề mặt lên đến 3.250 m2. Tác phẩm được vẽ theo trường phái tả thực, bằng chất liệu sơn dầu, thể hiện hơn 4.500 nhân vật trong khung cảnh núi rừng Tây Bắc hùng vĩ và chiến trường khốc liệt… Quá trình thực hiện bức tranh rất công phu, kỹ lưỡng, nhằm tái hiện được phần nào một chiến dịch đã làm nên chiến thắng lịch sử "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu" của quân và dân ta. Trong vòng hai năm, gần 100 họa sĩ, nhà điêu khắc giàu kinh nghiệm được huy động từ Hà Nội thay phiên nhau lên Ðiện Biên để vẽ tranh.

Bức tranh được chia thành bốn trường đoạn nối tiếp. Mở đầu là "Toàn dân ra trận" với hình ảnh những đoàn dân công, trong đó có rất nhiều đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao, không quản ngày đêm trèo đèo, lội suối, băng rừng, vượt thác, vận chuyển vũ khí và lương thực cung cấp cho tiền tuyến. Những đôi chân trần, những chiếc xe đạp thô sơ tải cả tấn hàng, là minh chứng cho ý chí quật cường, tình đoàn kết quân dân và khát khao tự do, độc lập. Trường đoạn hai có tên "Khúc dạo đầu hùng tráng", khẳng định sức mạnh của pháo binh ta với đòn đánh phủ đầu binh lính thực dân Pháp trong trận Him Lam, mở màn cho chiến dịch Ðiện Biên Phủ. Trường đoạn thứ ba là "Cuộc đối đầu lịch sử", tái hiện chiến trường với những trận đánh giáp lá cà của ta và địch với bom đạn, khói lửa và những hầm hào, lô cốt, dây thép gai của Tập đoàn cứ điểm Ðiện Biên Phủ. Ðiểm nhấn của trường đoạn là hình ảnh quả bộc phá nặng nghìn cân của quân ta phát nổ, làm rung chuyển Ðồi A1, như lời hiệu triệu quyết chiến, quyết thắng trong trận đánh quyết định. Kết thúc là trường đoạn "Chiến thắng Ðiện Biên", đối lập với những hàng dài quân địch đầu hàng, cúi mặt lê bước là hình ảnh quân ta xung phong phất cao cờ đỏ sao vàng trên nóc hầm chỉ huy của tướng Pháp Ðờ Ca-xtơ-ri (De Castries).

Có thể nói, những biểu tượng, những khoảnh khắc đẹp và điển hình nhất của chiến dịch Ðiện Biên Phủ đã được tái hiện sinh động qua từng nét vẽ, từng gam mầu. Khi quan sát kỹ, thấy hàng nghìn nhân vật của hai chiến tuyến được vẽ rất chi tiết, tỉ mỉ, thể hiện rõ những cảm xúc đối lập. Bức tranh không chỉ thỏa mãn nhu cầu cảm thụ nghệ thuật, mà còn lột tả chân thực, trọn vẹn không khí hào hùng về một giai đoạn lịch sử đáng tự hào, một chiến thắng quân sự mang tầm thời đại của cả dân tộc Việt Nam, khơi dậy lòng tự hào và yêu nước trong mỗi người.

Trên thế giới, đã có một số bức tranh pa-nô-ra-ma lớn được coi là kiệt tác nghệ thuật, tái hiện các trận đánh nổi tiếng. Trận chiến Ðiện Biên Phủ được đánh giá là một trong những tác phẩm như vậy. Ðược biết, ý tưởng thực hiện một bức tranh pa-nô-ra-ma về chiến dịch Ðiện Biên Phủ đã được nhen nhóm từ năm 2012, khi tỉnh Ðiện Biên có chủ trương xây dựng Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Ðiện Biên Phủ. Theo Giám đốc Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Ðiện Biên Phủ Vũ Nam Hải, bức tranh này là ước nguyện của nhiều thế hệ cán bộ bảo tàng, cựu chiến binh Ðiện Biên, dù tỉnh đã từng mời chuyên gia của Nga sang khảo sát, tư vấn, song vì nhiều lý do cho nên không thể thực hiện ở thời điểm đó. Ðến năm 2014, họa sĩ Nguyễn Văn Mạc, Giám đốc Công ty Bảo tồn di sản văn hóa, đơn vị thiết kế trang trí cho Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Ðiện Biên Phủ, đã đề xuất phác thảo bức tranh này. Ông cho biết: "Sau hơn một năm hoàn thiện đề cương, chúng tôi bắt tay vẽ bức tranh cao 2,3 m trên nền vải. Tỉnh Ðiện Biên thành lập hội đồng nghệ thuật với những chuyên gia mỹ thuật hàng đầu của Việt Nam, đồng thời tổ chức hội thảo với sự tham gia của nhiều cựu chiến binh và cựu dân công Ðiện Biên Phủ, các nhà sử học, nhà báo, đạo diễn phim cùng tham gia đóng góp ý kiến".

Năm 2018, phương án được quyết định và đến tháng 11-2019 thì những nét vẽ đầu tiên được thực hiện. Bên cạnh hình vẽ trên tường, tác phẩm còn được bổ trợ bởi mô hình đắp nổi, một số hiện vật lịch sử khác, cùng hiệu ứng ánh sáng và âm nhạc dành riêng cho mỗi trường đoạn. Ðến thời điểm hiện tại, công trình đã được hoàn thiện khoảng 90%. Trong quá trình thi công, tác phẩm đã thu hút nhiều đoàn khách đến tham quan, bao gồm cả nhiều nghệ sĩ, họa sĩ và người làm nghệ thuật khác. Dự kiến, tác phẩm Trận chiến Ðiện Biên Phủ sẽ được hoàn thành, ra mắt vào đúng dịp kỷ niệm 67 năm Chiến thắng Ðiện Biên Phủ (7-5-1954 - 7-5-2021) sắp tới. Sau đó, sẽ có một bộ phim tài liệu giới thiệu với công chúng về quá trình lao động nghệ thuật của nhóm họa sĩ đã tham gia thực hiện tác phẩm nghệ thuật độc đáo này.

Dùng ngôn ngữ hội họa để kể chuyện lịch sử là một nỗ lực lớn của tỉnh Ðiện Biên và các họa sĩ, nghệ sĩ trong thời gian dài, vừa mang ý nghĩa tri ân các anh hùng, liệt sĩ trong chiến dịch Ðiện Biên Phủ, vừa góp phần tạo nên một sản phẩm mang dấu ấn văn hóa cho địa phương, được kỳ vọng sẽ tạo thêm điểm nhấn thu hút du khách đến với TP Ðiện Biên Phủ. Tác phẩm tranh tường Trận chiến Ðiện Biên Phủ còn là thông điệp về khát vọng hòa bình, tinh thần đoàn kết, đấu tranh kiên cường, đồng thời là nguồn tư liệu quý để giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ.