Giải trí trực tuyến

Xu hướng tất yếu của tương lai

Trong những tháng ngày cả thế giới quay cuồng giữa đại dịch, khi “phong tỏa”, “cách ly”, “giãn cách xã hội” đã buộc hàng tỷ con người phải ở nhà, các hoạt động trực tuyến đã trở thành phương tiện hữu hiệu giúp nhịp sống nhân loại không bị đình trệ. Nhanh nhạy nhập cuộc và chủ động thích nghi, hoàn cảnh đặc biệt này đã khiến mọi đơn vị kinh doanh văn hóa nghệ thuật cùng đội ngũ nghệ sĩ đông đảo phải thay đổi tư duy tiếp cận khán giả theo phương thức truyền thống, nếu không muốn bị tụt lại phía sau. Dịch bệnh rồi sẽ qua, nhưng đã xuất hiện một câu hỏi rất cần lời giải: “Liệu giải trí trực tuyến chỉ là biện pháp tình thế hay sẽ trở thành xu hướng tất yếu trong tương lai?”.

Xu hướng tất yếu của tương lai

Làn sóng mới thời đại dịch

Cú sốc Covid-19 đặt ngành công nghiệp giải trí toàn cầu vào một hoàn cảnh trớ trêu chưa từng có tiền lệ. Rạp chiếu phim, nhà hát, sân khấu đồng loạt đóng cửa. Lịch công chiếu, biểu diễn đã sắp xếp từ cả năm trước đột ngột bị hoãn (hủy) vô thời hạn. Đội ngũ nghệ sĩ nổi tiếng vốn luôn quay cuồng chóng mặt với những dự án nghệ thuật cá nhân đột nhiên nhận ra, chẳng có việc gì để làm suốt vài ba tháng trời. Công chúng quẩn quanh giữa bốn bức tường không ngừng thở than, biết làm gì cho hết những ngày dài giãn cách xã hội bây giờ?

Vậy là OTT - nền tảng cung cấp dịch vụ media trực tuyến, cho phép người dùng thưởng thức nội dung video qua mạng internet (thay vì qua hệ thống cáp truyền thống hoặc dịch vụ TV vệ tinh) thật sự lên ngôi. Watch Play, dịch vụ OTT của nhà cung cấp nội địa Hàn Quốc Watch Inc. hay Wavve - một nền tảng OTT của tập đoàn viễn thông hàng đầu SK Telecom Co. đã có số lượng đăng ký mới tăng cả chục lần so với trước khi dịch bệnh bùng phát. Thậm chí, theo dữ liệu thống kê của Ủy ban Viễn thông Hàn Quốc, có tới 95,5% dân số nước này sử dụng OTT từ tháng 2-2020 (so với tỷ lệ 52% của năm 2019). Đó là cơ sở để Viện nghiên cứu Chiến lược tương lai KDB đưa ra dự đoán đầy lạc quan, rằng thị trường OTT ở quốc gia này sẽ bùng nổ doanh thu, từ 580 triệu USD năm 2019 lên tới 710 triệu USD vào năm 2021.

Và trong khi doanh thu phòng vé toàn cầu là con số không tròn trĩnh kể từ thời điểm hầu hết các quốc gia quyết định đóng cửa (lockdown) thì cổ phiếu của Netflix tăng 6% chỉ trong tháng hai. Và chưa đầy ba tháng ra mắt, Disney+ của người khổng lồ Disney đã gần chạm cột mốc 30 triệu thuê bao. Tốc độ phát triển quá nóng đã khiến có thời điểm các dịch vụ này phải thông báo hạ chất lượng video vì lượt xem tăng đột biến.

Tại Việt Nam, tháng 2-2020 cũng đã chứng kiến tần suất sử dụng dịch vụ OTT tăng đột biến lên mức 78%. Danh sách những cái tên được hưởng lợi mùa dịch bệnh ngày càng kéo dài, từ Netflix, K+, VTVCab On đến Zing TV, MyTV, ClipTV... Doanh nghiệp giải trí đa phương tiện hàng đầu POPS Worldwide đã thu hút số lượt xem trên kênh YouTube tăng vọt tới 22% trong ba tháng đầu năm (so với cùng kỳ 2019), lượng người xem trực tiếp các chương trình đã tăng gấp ba và nội dung dành cho đối tượng học sinh đạt tăng trưởng gấp đôi. FPT Play tăng tốc lượng thuê bao ở mức 50% mỗi tháng trong ba tháng liền. Từ những số liệu kể trên của Công ty Nghiên cứu thị trường Q&Me, có thể thấy thị trường OTT Việt Nam đã đạt tốc độ tăng trưởng ngoạn mục.

Không chỉ giúp các đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình trực tuyến khuếch trương thanh thế, đại dịch cũng tạo đà cho loại hình phim chiếu mạng (web drama) phát triển. Thành công về lượt xem của hàng loạt tác phẩm trong thời gian giãn cách như Bố già - Nhà trọ có quá trời phòng hay Phượng Khấu (giúp lượng truy cập vào ứng dụng POPS Worldwide tăng gấp bảy lần, thậm chí có lúc còn nghẽn mạng) là một minh chứng cụ thể. Khoản tiền mà các YouTuber nhận được từ con số lượt xem lên tới hàng chục triệu mỗi tập kèm phần trăm doanh thu từ quảng cáo cũng mang lại những tín hiệu tích cực khiến cho đội ngũ nghệ sĩ sản xuất nội dung nức lòng.

Để không bị tụt lại phía sau

Những khán phòng, rạp chiếu, sân vận động nêm kín vài chục nghìn khán giả cuồng nhiệt thưởng thức và cổ vũ. Những bảo tàng, triển lãm cùng những di sản thiên nhiên, văn hóa ken đặc du khách. Những đại lượng đong đếm truyền thống quyết định mức độ thành công của một tác phẩm hay một sự kiện đột nhiên trở nên lỗi thời trong mùa dịch bệnh. Tất cả đều trống rỗng, đều không một bóng người. Không một ai dám chắc thời điểm đại dịch kết thúc để có thể hoạt động lại bình thường diễn ra vào lúc nào. Vì thế, Nhà hát London của nước Anh ngậm ngùi thông báo chưa thể mở cửa cho tới khi nhân loại tìm được vaccine. Dù lạc quan hơn, sân khấu nhạc kịch West End cũng đành tuyên bố tiếp tục đóng cửa, ít nhất là tới cuối tháng sáu.

Xu hướng tất yếu của tương lai ảnh 1

Loạt chương trình Livestream in Sweet Home của ca sĩ Tuấn Hưng.

Vì thế, thay vì đợi chờ khán giả tìm đến thưởng thức, mỗi tác phẩm phải nỗ lực tìm tới đối tượng công chúng của riêng mình. Nghệ thuật "ảo" đang lên ngôi. Và chúng đòi hỏi cách thức đưa tác phẩm nghệ thuật đến với người xem phải thay đổi.

Những đêm diễn không khán giả nối nhau ra đời. Từ những nhà hát hàng đầu thế giới như Metropolitan Opera (Mỹ) tới Nhà hát Opera Paris (Pháp), từ Nhà hát Opera Unter den Linden (Đức) tới Nhà hát Bolshoi (Nga)... đến những nghệ sĩ nổi tiếng như Chris Martin, Miley Cyrus... đều chọn cách tổ chức liveshow trực tuyến. Ngay cả những bảo tàng uy tín tốp đầu như Louvre (Pháp), Metropolitan (Mỹ) đến Hermitage (Nga), Van Gogh (Hà Lan)... cũng hăng hái nhập cuộc và hé mở bộ sưu tập vô giá đang sở hữu cho công chúng thưởng thức bằng hình thức triển lãm trực tuyến. Đặc biệt, bảo tàng trực tuyến Art and Culture của Google giúp cho những tín đồ đam mê nghệ thuật được thỏa sức lang thang hơn 500 bảo tàng cùng không gian triển lãm trên khắp thế giới chỉ bằng một cú nhấp chuột.

Tại Việt Nam, "nhà hát internet" trong chuỗi chương trình Music Home của ca sĩ Mỹ Linh cùng ban nhạc Anh em, loạt chương trình định kỳ có thu phí Livestream in Sweet Home vào mỗi tối thứ bảy hằng tuần của giọng ca Tuấn Hưng hay dự án đặc biệt mang tên 24h Music Marathon của nghệ sĩ Trang Trịnh nhằm kết nối nhiều nghệ sĩ quốc tế trong buổi diễn theo hình thức livestream trực tuyến toàn cầu đã cho thấy nỗ lực của nghệ sĩ Việt trong tiếp cận và hòa nhập với xu hướng mới, như một phương thức hữu hiệu nhằm học cách thích nghi để hóa giải nghịch cảnh. Không chấp nhận thụ động ngồi chờ, đại dịch trở thành một cú huých buộc tất cả phải thay đổi, để chuẩn bị đón nhận một cuộc sống "bình thường mới" không còn giống như xưa.

Giải trí trực tuyến mở ra một tương lai rộng mở. "Khi tổ chức một buổi diễn trong nhà hát, số lượng người xem sẽ bị hạn chế. Nhưng khi đêm diễn được truyền trực tuyến, lượng khán giả là không giới hạn, khi ai cũng có thể thưởng thức nếu có một thiết bị kết nối internet" - ông Đinh Tiến Dũng, Giám đốc sáng tạo của Truyền hình FPT khẳng định.

Trong thời đại 4.0, nền tảng trực tuyến dễ dàng được lựa chọn, như một xu hướng tất yếu trong đời sống hiện đại. Khi mọi địa điểm cung cấp dịch vụ giải trí tắt đèn, công nghệ số sẽ đảm nhận nhiệm vụ kết nối công chúng toàn cầu trong thế giới nghệ thuật ảo, nơi mọi biên giới và khoảng cách địa lý không còn tồn tại. Có thể coi đây là bước đi vững chắc đầu tiên trên hành trình chiếm lĩnh thị phần và phát triển mạnh mẽ của nền tảng trực tuyến trong các lĩnh vực nghệ thuật. Tương lai thuộc về những người biết biến "nguy" thành "cơ", các nghệ sĩ đều hiểu rất rõ điều đó.