Phố có còn người sang

Hà Nội vào những ngày thu 2020 đã chẵn nghìn năm lẻ mười tuổi. Thành phố lâu đời tới mức mà khi đong thời gian phải dùng số đếm của cả thập niên. Trong ký ức sâu lắng thăm thẳm đấy, có nhiều điều để nhớ, nhưng khắc khoải nhớ nhất vẫn là những mặt người. Thăng Long lừng danh là đất văn vật, nơi tụ địa của tài hoa tài tử nên đương nhiên đông người đáng kể. Họ hoặc là thảo dân, hoặc đã từng ở ngôi tôn quý.

Minh họa: Phạm Luận
Minh họa: Phạm Luận

Đơn cử như đức ông Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật chẳng hạn. Trong cuộc chiến vệ quốc vĩ đại chống quân xâm lược Nguyên - Mông, ông là một danh tướng can trường em ruột vua. Còn trong đời thường, ông khét tiếng là tay chơi sang trọng cao nhã. Tương truyền, ông là người nghĩ ra nhiều vũ điệu cổ làm nền tảng cho các loại hình diễn xướng của người Việt sau này.

Hà Nội ở vào cái hồi nhân tình còn trong veo, ví như thời bao cấp chẳng hạn, phố xá tuy còn tần tảo vất vả nhưng thấp thoáng chỗ nào cũng thấy có người đẹp và người sang. Người đẹp đương nhiên nhiều hơn, còn người sang hiển nhiên hiếm hơn. Xuất xứ của các người đẹp thường đa dạng và linh tinh. Hoặc là ái nữ của một gia đình cán bộ công nhân viên chức, hoặc có bố mẹ tiểu thương biết buôn biết bán, mà mấy hoa hậu thời kỳ đầu tiên là vậy. Hoặc nữa là con nhà nòi văn nghệ sĩ hát hay diễn giỏi. Nói chung, bọn họ đều đẹp người đẹp nết, phong độ phảng phất một sự đoan trang sắp thành sang trọng.

Khác với các mỹ nhân thường có xuất xứ tạp, những người từng được phố phường coi là sang hầu hết đều có hoàn cảnh quá khứ hao hao giống nhau. Đại loại, ông bà bố mẹ của họ trước khi cùng cả dân tộc bước vào cuộc kháng chiến thần thánh trường kỳ chống thực dân Pháp rồi chống đế quốc Mỹ, đa phần đều sở hữu (hoặc được thừa kế, hoặc tự tạo lập) những tòa biệt thự tuyệt vời đẹp. Và nếu may mắn tới hôm nay còn giữ được nguyên, xứng đáng là những di sản kiến trúc của một thủ đô ngàn năm văn hiến. Tất nhiên, những người đã từng ở các căn vila đó không hẳn đều là sang nhưng phần lớn ở bọn họ luôn có một phong khí mảnh mai tinh tế rất quý phái. Bọn họ có thể là một hào hoa thanh niên, một lãng tử trung niên, thậm chí có thể là một lão ông tinh quái ngoài thất thập. Bọn họ thẩm thực sành mồm, hầu hết nói tiếng Pháp như gió và tất tật đều đọc thiên kinh vạn quyển. Có điều lúc nào trông họ cũng buồn buồn, ánh nhìn thường rười rượi mầu hoàng hôn ở những buổi chiều đông phố lạnh.

Có phải vì luẩn quẩn ký ức mà hầu hết những tay chơi sang ở phố Hà thành trông đều nhầu nhĩ. Phần lớn bọn họ thường đẹp trai, phong độ uể oải kiêu bạc và khẩu ngữ kẻ cả trịch thượng. Hầu như sáng nào bọn họ cũng ngồi ở một quán cà-phê quen, nằm lắt nhắt sâu trong phố cổ. Tất nhiên, “gu” mỗi người mỗi cách. Có người chỉ uống “nâu” nóng. Có người quanh năm, kể cả mưa phùn rét lạnh Hà Nội, toàn gọi “đen” đá. Thuốc hút cũng vậy. Hoặc Camel con lạc đà không đầu lọc, hoặc là tẩu mang những thương hiệu lừng danh. Có vẻ bọn họ quen hút thuốc thượng hạng từ lâu lắm rồi. Họ giữ thói quen đọc báo giấy và thanh toán tiền đánh giầy theo tuần. Khi miễn cưỡng phải nhắc đến một tay chơi nào đó mới nổi vừa sưu tầm được đồ lạ, thì bao giờ bọn họ cũng gọi là thằng, kể cả “thằng ấy” đã ngoài bẩy mươi. Đại loại bọn họ khá thủy chung, cho dù trong nhà nhan nhản đủ loại đồ chơi thì thường bọn họ chỉ có một vợ, cùng lắm là thêm một người tình. Và không hiểu sao người tình đấy vừa đảm đang buôn bán lại vừa béo.

Hà Nội sau thời kỳ đổi mới, may mắn thay đã có quá nhiều người giầu. Vậy mà hơn hai chục năm rồi, số kẻ sang vẫn vô cùng hiếm. Điều này không quá ngạc nhiên, bởi cái công án “trưởng giả học làm sang” muôn đời vẫn là bi hài kịch cho mọi đô thị đang phát triển ở cả Đông và Tây. Để “sang hóa” thành quý ông quý bà, những người trót có tiền bắt buộc phải biết tự tạo ra một “gu” thẩm mỹ. Mà để “thẩm” được cái đẹp thì không gì lợi hại bằng văn chương nghệ thuật hoặc bằng những thú chơi thể thao hay giải trí cao nhã. Làm sao có thể thành nổi tinh hoa nếu suốt ngày chúi mặt vào màn hình rồi đợi tối đi xem các danh ca showbiz hò hát. Nhưng sau một thời gian đầy cố gắng nỗ lực, trưởng giả vẫn loay hoay là trưởng giả.

Hình như sang trọng là điều khó học, cho dù tất cả những người dư dật đều chân thành khát khao muốn có nó. Bởi có lẽ, sang trọng không phải là “mốt” để đám đông a dua đua đòi. Nó là sự tích lũy từng trải văn hóa của mỗi độc đáo cá thể theo cách thuần thành trong trắng tự nhiên nhất. Sang trọng rất khó xuất hiện lúc người Hà Nội ùn ùn huyênh hoang theo nhau vào xem kiệt tác “Hồ Thiên Nga” chỉ diễn một đêm duy nhất. Thậm chí sự sang trọng còn giẫy đành đạch chết khi một nhóm người mang vẻ tinh hoa, ca sĩ này nhạc sĩ kia giáo sư nọ, cao đạo đứng lại tiền sảnh sau buổi diễn nhã nhặn nhỏ nhẹ nói chuyện nhưng cố để người chung quanh nghe rõ mồn một “Ồ, vở diễn cũng được đấy, có điều còn thua xa cái lần tôi xem ở Nga”. Sang trọng đôi lúc cô ngạo giống như phố vào đêm muộn, thoang thoảng trầm lắng vài lời tỏ tình, nó không thích ồn ào khoe khôn.

Không cứ ở ngày hôm nay mà cũng đã lâu rồi, có một tiêu chí bình thường được nhiều người, đặc biệt là phụ nữ vừa có chút khôn vừa có chút sắc hay dùng để đo đếm những đàn ông sang trọng, đó là Danh và Lợi. Danh nôm na là sang, Lợi nôm na là giầu. Có điều hồi xa xưa, cổ nhân thong thả mũi tinh nên quan niệm rằng danh có thể sạch và thơm (thanh danh), hoặc có thể bẩn và nặng mùi (xú danh). Người nay bận rộn nên ít ngửi, nhiều khi đơn giản chỉ coi danh là sự nổi tiếng trên truyền thông. Còn nếu đang phấn đấu trên hoạn lộ thì danh có thể hiểu là “bằng” là “cấp”, hoặc tuyệt vời nhất là “chức”. Lợi thì rõ rồi, xưa nay thống nhất đều gọn lỏn hiểu là tiền. Nói chung bây giờ, một đàn ông có tiếng lại có tiền, sẽ được số đông đàn bà mang vẻ khó tính coi là một quý ông sang trọng. Quý ông thì hiếm hoi như quý vật, nên cứ sểnh ra là bị tranh giành. (Thành ngữ “tranh danh đoạt lợi”, chắc có xuất xứ từ hoàn cảnh này). Còn tại sao quý ông lại bất hạnh rơi vào tình cảnh thê thảm như thế, thì đi mà hỏi mấy quý bà thông minh đã vài lần đò, hoặc mấy quý cô “giả nai” đang sắp sửa được đại gia cưới.

Từ điển tiếng Việt cho rằng, “sang” có hai nghĩa. Một là “có tiền tài và danh vọng, được nhiều người trong xã hội kính trọng”. Hai là “có giá trị cao và đắt tiền, trông lịch sự”. Hỡi ôi từ điển, nếu sự “sang” chỉ đơn giản như vậy thì ở phố giờ đây đang ngập đầy những quý ông quý bà “mồm có gang có thép”. Thảo nào mà ở giới showbiz  hay thương gia Việt, có quá nhiều người nửa kín nửa hở tự tin rằng, mình chính là một thứ tinh hoa sang trọng.

Nếu đúng như vậy thì phố bây giờ liệu còn có người sang.