Dấu vết thảo thơm còn ở đó

Một sáng mùa hè, tôi ra Gare du Nord (Paris, Pháp) lúc tinh mơ mờ đất cho kịp chuyến tàu sớm đi London. Hành trang của tôi: chiếc va-li khá to, nửa xếp quần áo, nửa chứa một trăm bản in tập thơ song ngữ “Những chiếc gai trong mơ - Thorns in Dreams”, mang gửi bán ở Nhà sách Foyles theo sắp xếp của Ban tổ chức Liên hoan Thơ quốc tế Parnnasus mà tôi được mời tham dự; cái ba-lô đựng vài tư trang cùng cuốn “Poems Pennyeach”, tập thơ tình mười ba bài của James Joyce, và bữa sáng chưa kịp ăn. Bữa sáng ấy gồm một chai nước, một quả táo và hộp xôi vò tôi vừa nấu đêm trước.

Dấu vết thảo thơm còn ở đó

Từ Paris sang London mất hai giờ rưỡi, đi xuyên qua đường hầm eo biển Manche. Tàu không đông lắm; khoang tôi ngồi chỉ có hai người: tôi và một bà người Anh khoảng trên bảy mươi tuổi, thanh lịch, tóc bạch kim, mầu áo cùng mầu son môi đỏ thắm. Lúc tôi chào, bà chỉ khẽ gật đầu lạnh lùng, chừng mực đáp lời. Tàu chạy mươi phút, tôi bắt đầu hơi đói bụng, nhưng bà người Anh nghiêm nghị quá, nên tôi ngại ăn uống, làm phiền bà, bèn lấy sách ra đọc. Thấy tôi cầm cuốn “Poems Pennyeach”, bà bỗng nở nụ cười, bắt chuyện: “Ồ, James Joyce! Tôi yêu văn ông ấy”. “Dạ, cháu cũng thế ạ. Đọc văn chương bản gốc khó, đôi khi phải dò dẫm, nhưng cháu vẫn thích”. “Cháu đi du lịch à?”. “Không, cháu có chút công việc thôi ạ”. Tôi lễ phép đáp. Thế mới biết, hóa ra người Anh không phải ai cũng “phớt Ăng - lê” như ta tưởng. Câu chuyện dần trở nên thân thiện khi bà biết tôi là nhà thơ Việt Nam đến London tham dự một sự kiện thơ ca lớn. Bà là Elizabeth Jane Howard, giáo sư ngôn ngữ về hưu. Thật ngẫu nhiên, tên bà trùng với tên nữ tiểu thuyết gia người Anh ưa thích của tôi, Elizabeth Jane Howard (1923 - 2014). Bà bảo tôi gọi bà là Beth thôi, mời tôi ăn bánh scone, uống trà pha sẵn trong bình giữ nhiệt. Tôi hết cả e ngại, nhanh nhảu mở hộp xôi vò ra mời bà, dù biết người phương tây không quen ăn gạo nếp. Bà tò mò nhìn những hạt xôi được bao quanh bởi lớp bột đậu vàng óng. Dùng chiếc thìa nhựa tôi đưa, bà xúc một ít lên nếm thử, nhỏ nhẹ nhai, chậm rãi cảm nhận. Gương mặt bà bỗng háo hức như vừa khám phá ra một cái gì đó lạ lùng mới mẻ. Bà bình luận: “Thơm thật! Hạt xôi trong như ngọc. Đây là lần đầu tiên trong đời tôi thấy gạo nếp được nấu chín kiểu này”. Rồi bà hỏi tôi cách chế biến. Tôi kể, người Việt nấu rất nhiều món từ gạo nếp, nhưng xôi vò miền bắc, mà đặc biệt là xôi vò Hà Nội có hương vị thanh tao riêng.

Xưa nhà có việc hiếu hỉ, lễ tết, giỗ chạp thường đồ xôi vò, chắc vì trông nó thơm thảo mà tao nhã. Để đĩa xôi vò đạt chuẩn Tràng An, rất cầu kì, mất ngày mất buổi. Bà ngoại tôi phải đặt nếp cái hoa vàng tận dưới Thái Bình, loại nếp vụ mùa, hạt tròn mẩy, được trồng từ khoảng tháng Năm đến tháng Mười âm lịch; đậu xanh mốc, tức là đậu có vỏ xanh nhạt, hơi phấn lên như mốc, nhưng lòng vàng ươm, thơm bùi; rồi thêm một chút muối tinh và tẹo mỡ gà. Gạo ngâm tám tiếng, đổ ra mẹt, xóc chút muối, hong cho ráo. Hạt gạo phải ráo thì khi đồ lên xôi mới tơi. Bà tôi còn cẩn thận dùng khăn vải xô thấm khô từng nắm gạo. Đậu xanh ngâm nước ấm dăm ba tiếng, nấu chín mềm, cũng trộn xíu muối, giã nhuyễn, nắm chắc lại, để thật nguội rồi dùng dao sắc to bản thái thành những lát mỏng tang như giấy dó. Trộn gạo với một nửa phần đậu xanh, đổ vào chõ, đồ đến khi hạt xôi chín mọng lên, dỡ ra mẹt, chờ nguội bớt rồi đổ nốt phần đậu còn lại vào, đảo đều đến khi xôi tơi từng hạt, bột đậu vàng ươm phủ quanh mỗi hạt một màn sương mỏng mơ màng. Công đoạn này rất quan trọng, quyết định vẻ đẹp của xôi vò. Rồi bà lại bắc chõ lên bếp, đồ xôi lần thứ hai, trong thời gian ngắn, cốt cho xôi thật dẻo mềm. Sau cùng, bà mới rưới mỡ gà, nhẹ nhàng đảo đều, khiến hạt xôi ánh lên óng ả. Xôi vò ăn nguội với chè hoa cau hay chè đỗ đãi có vị thơm ngon thuần khiết. Nấu chè hoa cau, chỉ cần quấy bột sắn ướp hoa bưởi với đường phèn, rồi rắc hạt đậu xanh đã chín vào; những hạt đậu như cánh hoa li ti e ấp tinh khôi, lơ đãng rơi xuống bát chè trong vắt. Ai thích đậm đà có thể dành một phần đậu xanh nấu chè đỗ đãi. Quấy đậu lên với nước lã hoặc nước dừa non, hòa chút bột sắn, nêm đường kính, thêm vài giọt vani rồi múc ra bát, rắc vừng trắng hoặc dừa nạo lên, là có món chè mịn mượt, ngọt ngào, nồng đượm.

Câu chuyện xôi vò, thêm cả món chè của tôi làm bà Beth ngạc nhiên và thích thú. Bà không thể ngờ một món ăn trông đơn giản mà lại lâu công đến vậy. Bà cũng thắc mắc vì sao nó có thể kết đôi với một món ngọt tình tứ thế. Tôi giải thích, xôi vò và chè sinh ra để thuộc về nhau, như nhân duyên trời se một cặp. Mỗi món ăn luôn là chính nó, nhưng nếu gặp đúng “chân ái”, vị của từng món sẽ lên hương trọn vẹn. Không hiểu sao, khi nghe tôi nói thế, bà Beth mỉm cười mà đôi mắt mầu xanh khói thoáng buồn. Bà bảo: “Đó là ẩm thực! Ở đời, có ai dám chắc mình tìm được sự trọn vẹn đâu nhỉ!”. Câu chuyện của chúng tôi cứ thế miên man; chặng đường đến London quả là ngắn ngủi. Tôi ngỏ ý tặng bà tập thơ song ngữ “Thorns in Dreams” của tôi. Bà cảm động, và cứ băn khoăn mãi vì không có gì để tặng lại. Xuống ga St. Pancras, bà cho tôi đi nhờ xe một đoạn đường, vì bà cũng về gần chỗ tôi ở, bên bờ Nam sông Thames.

Sau Liên hoan Thơ, tôi nán lại London một tuần, đến thăm N, cô bạn sống ở Carshalton, cách trung tâm London khoảng bốn mươi lăm phút đi tàu. Tôi và N chơi với nhau từ đầu những năm chín mươi, lúc cô ấy vừa đi học ở Nga về. Vài năm sau, N sang Anh, làm việc cho một tập đoàn truyền thông lớn. Thường khi qua đây, tôi ở nhà cô ấy, được cô ấy đón đưa, chăm sóc chu đáo. N rất thông minh, sắc sảo, nói thạo vài thứ tiếng, đã đi vòng quanh thế giới, nếm đủ miền ẩm thực, nhưng chỉ nhớ nhung món Việt và mê nhất bia hơi vỉa hè Hà Nội. Sống quen nếp Tây rồi mà căn hộ của cô ấy vẫn đầy dấu vết Việt. N còn cất công mang từ Hà Nội sang những cái cốc vại uống bia bằng thuỷ tinh, bát đĩa Bát Tràng, chõ đồ xôi, và một cặp rổ rá nữa. Tôi đến Carshalton ngày chủ nhật thì hôm sau là sinh nhật N. Cô ấy thèm ăn xôi vò. Chúng tôi lên phố, đi chợ Việt, mua gạo nếp, đậu xanh. Thứ hai, N phải đi làm sớm; tôi ở nhà đồ xôi. Lúc xôi chín, dỡ ra rá, tôi cứ bần thần ngắm những hạt xôi thơm căng mọng, mà tự nhiên nhớ nhà, tự nhiên thương bạn! Bạn tôi bao năm sống ở đây quá bận rộn, rất ít thời gian nấu nướng, đặc biệt là những món Việt cầu kì. Chắc lâu không ăn xôi vò, cô ấy sẽ thích lắm. Tôi nhắn tin cho N: “Chúc mừng sinh nhật! Mụ chờ nhé, tôi mang xôi lên văn phòng”. N trả lời bằng cái icon mặt cười và một trái tim. Tôi đi tàu vào Victoria Station, chuyển một chặng bus, rồi đi bộ đến văn phòng của bạn đúng giờ nghỉ trưa. N mời cả mấy đồng nghiệp người Việt cùng ăn “xôi sinh nhật”. Ai cũng tấm tắc khen ngon. Có lẽ đó là một trong những mẻ xôi vò thành công nhất tôi từng nấu.

N và tôi đều bận rộn, ít liên lạc với nhau nếu không có việc gì quan trọng. Trong những lần đi công tác, chớp nhoáng rẽ về Hà Nội, nếu gặp, cô ấy thường nhắc tới món xôi vò “sản xuất tại Anh”, một trong những kỉ niệm đáng nhớ của chúng tôi. Những kỉ niệm nhỏ thì thầm kể về tình bạn. Nó kết nối chúng tôi qua thời gian, không gian, qua cả cõi người. Nhưng cũng có những bóng hình lướt qua đời ta chỉ một lần mà dấu vết còn đó mãi. Đôi khi tôi vẫn tự hỏi, không biết bây giờ bà Beth ra sao, có ở bờ Nam sông Thames nữa không, hay đã lên tàu về chốn khác? Mỗi khi nấu xôi vò hay vô tình nhìn thấy cuốn “Poems Pennyeach” của James Joyce đâu đó trên giá sách, tôi lại nhớ chuyến tàu từ Paris sang London và sự thân mến gần gũi của bà.

Trong một bài thơ tôi viết ở London, có mấy câu thế này: “Chuyến tàu cuối từ Carshalton đến Victoria/ cuống vé nhàu đáy túi/ hành lý đầy thêm vài món quà quen/ kí ức đầy thêm những gương mặt lạ/ bàn chân vội vội bước qua nỗi bịn rịn mơ hồ/ khi phải chia tay những dấu vết hôm qua/ khi phải chia tay những dấu vết của chính mình”. Chúng ta đi qua cuộc đời nhau; người ở lại; người rời xa; người gắn bó dài lâu; người chia tay vội vã... Nhưng dẫu thế nào thì những dấu vết thảo thơm cứ mãi ở đó, chỉ cần ta nhớ, là chúng bừng lên, như còn tươi rói đâu đây.

Dấu vết thảo thơm còn ở đó -0