Cà-phê cuống quýt

Hồi ấy, đang là sinh viên đại học năm thứ hai, tôi có một anh bạn vong niên rất thân. Anh học tiếng Pháp, ra trường đã dăm ba mùa, nhưng chưa đi làm ở đâu, chỉ ngồi nhà dịch sách, làm thơ cho vui, vì nhà anh có cửa hàng mặt phố. Anh em tôi chơi với nhau cùng trong nhóm các anh “giai phố cổ”. Các anh đều đã tốt nghiệp đại học, mỗi người một nghề, ai cũng giỏi giang, thông minh, và yêu quý tôi như em gái út. Nhưng tôi thân với anh tiếng Pháp nhất, vì anh hiền, tinh tế, lại chiều tôi hơn cả.

Cà-phê cuống quýt

Bao giờ gặp, anh cũng có quà cho tôi, lúc thì gói ô mai mặn mặn chua chua, khi thì phong oản xanh đỏ thơm thơm mùi bột nếp và nước hoa bưởi, hay một cuốn sách mà anh biết chắc là tôi sẽ thích, ví như cuốn “Hoàng tử bé” của Saint-Exupéry, bản in khá xưa, anh sưu tầm được ở những hiệu sách cũ.

Tháng Mười Một, Hà Nội ngập tràn hoa cúc kim, hay còn gọi là cúc họa mi, một loài hoa xinh xinh, nhiều cánh đơn, nở từng chùm mảnh dẻ, trắng muốt. Các cô thôn nữ chở cả cánh đồng hoa sau xe đạp, từ ngoại ô vào phố, bồng bềnh trôi như những đám mây nhỏ lang thang. Anh tiếng Pháp mời tôi đến quán Cafe Giảng ở phố Nguyễn Hữu Huân, tặng tôi một bó cúc kim nhân ngày sinh nhật. Anh gọi ly đen nóng cho mình, và ly sữa nóng cho tôi. Ly sữa thường có thêm vài giọt cà-phê làm điệu, chứ lúc ấy tôi nào biết uống cà-phê. Anh bạn tôi bỗng tủm tỉm, rụt rè thông báo: “Anh sắp... lấy vợ!”. Tôi ngẩn người, hỏi: “Ơ, thế anh lấy ai?”. Anh em chơi với nhau bao nhiêu lâu, mà tôi chẳng hề biết anh yêu chị nào, đùng một cái anh tuyên bố thế, nên tôi ngạc nhiên lắm. Anh cười hiền hiền, bảo: “Anh lấy chị M. Chị ý đi Liên Xô về. Bạn anh giới thiệu cho anh”. Tôi hơi có vẻ dỗi: “Anh có người yêu, mà giấu rõ kỹ, em chả biết gì!”. Anh trả lời, nửa đùa nửa thật: “Anh không lấy vợ bây giờ là sẽ hâm, người ta bảo thế, nên anh lấy cái đã, rồi sẽ tìm hiểu, yêu dần”. Tôi bỗng cười phá lên, cười đến chảy nước mắt, chả biết vì vui hay bởi thấy chuyện lấy vợ của anh bạn thật buồn cười. Tôi quyết định uống một ly cà-phê trứng, món đặc biệt của quán này, để chúc mừng anh, dù trước đó, chỉ cần nghĩ đến cà-phê lại đi cho trứng vào là tôi đã sợ. Đó chính là ly cà-phê đầu tiên trong đời tôi. Nó làm tôi say, nôn nao, phát ốm, đến tận mấy hôm sau. Tôi cứ tưởng mình sẽ chẳng bao giờ dám nhấp một ngụm cà-phê nào nữa.

Thế mà, không rõ bằng cách nào, cà-phê lại lẳng lặng trở thành một phần trong mỗi ngày tôi sống. Một người bạn từng kể, mùi cà-phê là mùi vị duy nhất chị có thể ngửi thấy trong mơ. Ừ nhỉ, người ta có thể nhớ những hình ảnh nào đó của giấc mơ, nhưng mấy ai nhớ mùi vị giấc mơ ấy! Thế mới biết, cà-phê ám ảnh đến mức nào. Tôi đã đi nhiều nơi, cũng được thưởng thức khá nhiều loại cà-phê. Cà-phê Colombia và cà-phê Brazil rừng rực hơi thở Nam Mỹ; cà-phê Indonesia tê tê dìu dịu kiểu Á Đông, còn cà-phê Madagascar găn gắt hương vị châu Phi... Mỗi loại một vẻ, tất cả đều gợi cảm, mê dụ. Nhưng với tôi, cà-phê Việt Nam vẫn là ngon nhất. Cà-phê sinh sôi trên vùng đất đỏ cao nguyên ngút ngàn nắng gió có hương vị đặc biệt quyến rũ, tươi lành. Tôi thích mua hạt cà-phê rang sẵn về, mỗi sáng xúc đôi thìa cho vào cái cối xay nhỏ, xay đến đâu pha đến đó. Tôi pha cà-phê bằng ấm expresso maker kiểu Ý, nước đun sôi bốc hơi nhanh, thấm qua lớp bột cà-phê, ngưng đọng thành những giọt đen nâu đặc sánh. Cà-phê pha kiểu này có thể thưởng thức luôn lúc nó đang nóng hổi, không phải chờ đợi như pha cà-phê phin mà các cụ An-Nam nhà mình học được từ người Pháp thời xưa, đổ nước nóng vào phin, kệ nó chậm rãi chảy qua cà-phê, rỏ từng giọt lề mề xuống tách, đến giọt cuối thì cà-phê chỉ còn hơi âm ấm. Nếu thích uống cà phê đá kiểu miền nam, không sao cả. Nhưng ở Hà Nội, những mùa đổi gió từ se lạnh đến giá buốt, từ hanh khô sang ẩm ướt, dùng cà-phê nóng thật dễ chịu, cứ như đang được vỗ về an ủi vậy. Muốn cà-phê đỡ nguội, người ta thường ngâm tách sứ vào một bát nước sôi, sau mới đặt phin cà-phê lên. Với tôi, mùa nào cũng thế, cà-phê chỉ thực ngon khi nó đủ nóng trên môi, như một nụ hôn sâu.

Những bữa sáng thêm một người là phải vừa phin, vừa ấm, lách cách, rộn rã. Tôi hâm sữa tươi, đánh bông, rồi rưới vào tách cà-phê nóng, rắc bột quế là thành món cappuccino ưa thích. Còn cà-phê pha phin, tôi cho thêm thìa sữa đặc, cũng phải đánh cho nổi bọt, vì có người thích chấm bánh croissant vào đám bọt cà-phê, để vừa thưởng thức món croissant nóng giòn, vừa nếm náp cà-phê trước khi uống từng ngụm nhỏ. Chúng tôi còn nhấp thử cà-phê của nhau, xem cùng một loại, pha hai cách, có khác không. Cà-phê trong tách của tôi bao giờ cũng nóng hơn, vị nhẹ hơn. Còn cà-phê trong tách kia luôn đậm đà hơn. Nhưng, khi cà-phê đã hòa trong mạch máu ta rồi, thì dù vừa mới sớm nay hay tận giấc mơ đêm nào, mùi cà-phê vẫn là nỗi ám ảnh khôn nguôi.

Tháng Mười Một hiu hiu lạnh, vẫn có những ngày trời trong, nắng vàng, hươm hướm hơi thu. Tiết này mà làm ly cà-phê trứng thì ấm cả cõi lòng. Kem trứng quện với cà-phê đen tạo nên mùi vị vô cùng hấp dẫn. Uống cà-phê trứng không thể nhâm nhi, bởi nếu nhâm nhi, cà-phê sẽ nguội. Cái sự thơm ngon sẽ mất. Cảm giác khi uống phải một ly cà-phê trứng nguội ngặm, nó hẫng hụt y như chạm vào nỗi thất vọng về điều gì đó ta trót mê say, nhưng lại để lỡ khoảnh khắc huy hoàng nhất của nó. Đã cà-phê trứng là phải uống lúc nóng ấm, phải vội một chút, cuống quýt một chút, phải nồng nàn đến giọt cuối cùng. Như thể yêu nhau lần cuối, tận hưởng từng giây từng phút cận kề trước khi buộc phải xa nhau.

Cà-phê trứng là một trong những món Hà Nội nhất của Hà Nội, vì nó được sinh ra giữa lòng phố cổ. Nghe nói khoảng cuối những năm 1940 đầu những năm 1950, thời chiến, sữa là nguyên liệu xa xỉ nên ông Giảng chủ quán cà-phê Giảng ở phố Nguyễn Hữu Huân sáng tạo ra cách dùng kem trứng thay thế sữa, cho những ly cà-phê một hương vị vừa quen, vừa lạ. Cà-phê đã phải lòng kem trứng. Ai chưa từng thưởng thức cà-phê trứng, hẳn sẽ nghi ngờ mối duyên này vì không thể hình dung được sự hòa quyện kỳ lạ của hai nguyên liệu chả liên quan gì đến nhau ấy. Cho đến một ngày, bạn thực sự nếm và cảm nhận nó bằng mọi giác quan, bằng cả tâm hồn, bạn mới hiểu, cà-phê và kem trứng là một duyên nợ suốt đời.

Cà-phê cuống quýt -0
 

Bây giờ, không khó kiếm những ly cà-phê trứng ngon ở nhiều quán cà-phê loanh quanh Hà Nội. Cũng có thể dễ dàng tìm ra hàng trăm kết quả cho công thức pha cà-phê trứng trên Internet trong tích tắc. Nhưng tôi tin là người thực yêu và hiểu cà-phê, khi pha cà-phê trứng sẽ có cách khiến cho ly cà-phê ấy mang dấu ấn của riêng mình. Tôi thích pha cà-phê trứng tại nhà, thưởng thức cùng tri kỷ. Cần lòng đỏ trứng gà thật tươi, không quan trọng trứng gà ta hay gà công nghiệp, vì tôi đã thử cả đôi, đều cho độ thơm ngậy như nhau; Hạt cà-phê no nắng gió cao nguyên; Mật ong Tây Bắc, chị bạn thân ở Lai Châu đặt mua đâu đó tận rừng xanh núi thẳm, dành gửi cho tôi; Một vài hạt muối biển tinh khôi; Một chút rượu rum trắng hoặc vàng chưng cất từ những cánh đồng mía ràn rạt men trời đất. Trước tiên, đánh trứng với mật ong và dăm ba hạt muối, rồi nhỏ vài giọt rượu rum vào, đánh tiếp cho kem trứng chuyển mầu vàng sáng như tằm nõn, đặc quánh đến nỗi nhấc phới đánh trứng lên, giọt kem cứ dùng dằng lưng chừng, mãi chẳng rớt xuống. Kem trứng gần sánh mịn mới bật bếp đun ấm expresso maker để chắc chắn rằng khi trứng đủ quánh thì cũng là lúc cà-phê vừa ngưng nốt giọt cuối cùng, còn nóng bỏng. Ly đựng cà-phê trứng của tôi là ly thủy tinh hai lớp, có tác dụng giữ nhiệt, nhưng tôi vẫn cho vào lò vi sóng ba mươi giây làm chiếc ly ấm sực, ấm như một vòng tay ôm thân thuộc.

Rót cà-phê thật nóng vào ly, tưới kem trứng lên, và uống. Và yêu, yêu như thể sau khoảnh khắc hân hoan cuống quýt này sẽ là cách chia mãi mãi.