Bánh mới thơm sốt ruột

Ở Paris, cứ đi qua vài dãy nhà trên một con phố, lại gặp một hàng bánh, bán đủ loại bánh Pháp tuyệt hảo, với vô số bánh ngọt và bánh mì. Hình ảnh quen thuộc thường thấy trên đường phố là những người đàn ông đang sải bước vội vã, có thể rất bảnh bao hoặc thật xuề xòa, nhưng đều kẹp nách một đôi chiếc bánh mì baguette đựng trong túi giấy vừa vặn ôm lấy hai phần ba thân bánh.

Bánh mới thơm sốt ruột

Baguette dài chừng ba gang tay, vỏ dày, giòn tan, ruột bánh khá đặc, với những bọt khí vừa đủ tạo sự mềm mại cho thớ bánh. Nhưng bánh mì Pháp không chỉ có baguette mà còn rất nhiều loại khác. Mỗi loại mang đặc trưng riêng, ngay cả người Pháp cũng chẳng thể nói mình từng nếm đủ. Bánh mì trong bữa ăn của người Pháp đóng vai trò quan trọng như cơm trong bữa ăn của người Việt. Dân Paris hay mua bánh tại các cửa hiệu gần nhà; ai đơn giản, dễ tính hoặc tiết kiệm hơn thì mua bánh trong siêu thị, về trữ vào tủ đông, khi ăn chỉ cần nướng lại là xong. Bây giờ, hiếm ai có đủ thời gian tự tay làm bánh mì. Với rất nhiều người, thời gian càng ngày càng trở nên xa xỉ.

Trong một bài thơ tôi viết ở Paris có những câu thế này: “Cây vĩ cầm dậy sớm/ Bánh mới thơm sốt ruột/ Cafe ướt môi/ Paris tỉnh giấc”. Ấy là những tháng ngày mang nhiều cung bậc cảm xúc của tôi, bình yên mà thắc thỏm, âu sầu và hân hoan, thất vọng rồi hy vọng... Và lúc nào tôi cũng rủng rỉnh thời gian, tha hồ dành nó cho bao nhiêu việc ý nghĩa. Nhưng cũng không ít lần vung phí nó cho những chuyện chẳng đâu vào đâu.

Ngay dưới chân căn áp mái tôi ở, là một cửa hiệu bánh mì. Mỗi sớm bước xuống phố, mùi bánh mới ùa vào tôi, cồn cào. Tôi thường mua một chiếc baguette, mấy cái croissant hoặc một ổ pain artisanal - bánh mì “đồng quê” to tròn, mặt bánh nở ra sáu múi như bông hoa lớn. Những bữa sáng đơn giản kiểu Pháp của chúng tôi thường có nước cam, cà-phê sữa và cà-phê đen, vài lát bánh mì phết bơ nhạt cùng mứt quả hoặc mật ong, bánh croissant; Có người thêm một quả trứng gà luộc lòng đào cho chắc dạ. Tôi thích nhất những sáng cuối tuần, khi chẳng ai phải vội, được ngồi nhâm nhi tách cà-phê ấm bên khung cửa sổ áp mái chênh chếch, như một khuôn hình tĩnh, phía trên là bầu trời xanh ngắt, dưới mầu xanh cuộn lên những mái nhà xám, dăm ba ống khói lô nhô, thấp thoáng bóng lũ bồ câu sà xuống rồi lại vụt bay, tiền cảnh rung rinh chậu hoa sống đời li ti, mê mải nở bên bậu cửa. Tiếng thìa khuấy tách cà-phê lanh canh. Khói thuốc lơ mơ bay lên từ điếu thuốc cháy dở, nằm hững hờ trên chiếc gạt tàn bằng vỏ ốc. Đôi khi tôi cũng thử một hơi thuốc, mà chưa bao giờ nuốt khói. Tôi chỉ muốn cảm nhận vị thuốc lá và cà-phê khi quyện với nhau sẽ thế nào. Nó đậm đặc, dữ dội, nóng bỏng, xoáy vào ta như một cơn bão tình, rồi tan, để lại sự trống vắng và nỗi thèm muốn ám ảnh. Tôi tự học cách bảo vệ mình trước bão. Tôi náu vào pháo đài của tôi, căn bếp của tôi, nơi mà ở đó tôi có thể thiền. Khi ta làm bất cứ việc gì với tất cả tình yêu, lý trí, và mọi giác quan, thì đó cũng là một cách thiền. Tôi thong thả phết bơ, mứt vào lát bánh mì, cắn một miếng nhỏ, lắng nghe tiếng vỏ bánh vỡ ra, khúc khích như một tiếng cười. “Em nghĩ gì thế?” - Có tiếng hỏi. “Em nghĩ đến mùi thơm, hương vị của bánh mì và bơ mứt, của thuốc lá và cà-phê, chúng hoàn toàn khác nhau, nhưng lại cho em cảm giác rất giống nhau. Ta phải là chính mình và phải đánh mất mình khi tan biến vào nhau, để làm nên một tổng thể hoàn chỉnh.” - Tôi trả lời, nhìn sâu vào mắt người đối thoại, mong tìm đồng cảm. Ánh mắt chúng tôi chỉ chạm nhau vài giây, vì người ấy vội nhìn ra khuôn cửa, rồi khẽ bật cười: “Em cứ toàn tự nghĩ ra những chuyện rắc rối, nhỉ!” - Tôi như bước hẫng, nhưng vẫn phản biện: “Làm sao em có thể tự nghĩ ra, nếu như không có những hiện tượng cho em những cảm giác?”. Im lặng. Thường thì những câu chuyện kiểu này kết thúc bằng im lặng. Bánh hết giòn và cà-phê đã nguội. Khói thuốc đã bay đi, mẩu thuốc tắt từ lúc nào. Những buổi sáng cuối tuần như thế chầm chậm trôi qua, có khi rộn ràng, có khi lặng lẽ, có khi tan đi như một làn khói, có khi ngưng đọng lại như giọt cà-phê đặc quánh. Còn cảm giác về những hương vị của riêng bữa sáng ấy thì vấn vít trong tôi mãi.

Về Hà Nội, tôi đã thử mua bánh mì Pháp, cả baguette và pain artisanal ở những hiệu bánh ngon nhất mà vẫn không tìm được được đúng hương sắc và “tiếng cười” giòn tan quen thuộc. Tôi lặng lẽ chắp những mẩu ký ức thơm mùi bánh mỗi sớm mai trong vắt trên căn áp mái ngày trước, dệt một mong muốn giản dị, rằng, mình sẽ tự tạo ra mùi hương ấy, bóng hình ấy ngay tại đây, nơi mình đang sống, để nối liền những không gian cách xa, thời gian đã khuất; Như thể chúng tôi vẫn còn ở đó, chung những buồn vui nho nhỏ, chung niềm hy vọng mong manh, chưa hề lường đến sự bất trắc, nỗi đau đớn, mất mát nào của số phận...

Bánh mới thơm sốt ruột -0
 

Thế rồi tôi bắt đầu với bánh mì đồng quê vỏ giòn, loại bánh không khó làm, nhưng cần một chút khéo léo và rất nhiều kiên nhẫn. Để có một ổ bánh đường kính chừng hai mươi tư centimet, cao hơn mười centimet, vỏ giòn, dày vừa phải, ruột mềm rượi, không phải nhào bột vật vã kiểu làm bánh mì có bơ cho thớ bánh dai, mà chỉ nhẹ nhàng ven vén vun vun, tránh làm vỡ bọt khí trong bột trước khi nướng. Rồi phải ủ bánh từ mười bốn đến mười bảy tiếng, từ tủ lạnh đến nhiệt độ phòng. Mặt bánh nở đạt chuẩn phải se mịn sau lần bột áo, có thể dễ dàng dùng lưỡi dao lam tạo rãnh cho bánh bung ra như hình cánh hoa lúc ra lò. Sau ngần ấy thời gian, bánh nở phồng lên, to kềnh. To đến nỗi khi thả nó vào nồi gang đã được làm nóng trước ba mươi phút, tôi phải loay hoay một lúc, vì không cẩn thận, bánh sẽ méo, hoặc tay sẽ bỏng. Nướng bánh trong nồi gang bỏ lò ở nhiệt độ khá cao, bốn mươi lăm đến năm mươi phút. Khi bánh chín vàng sẫm, lò tắt, cứ kệ nó yên ở đấy thêm mươi phút nữa mới mang ra. Rồi lại đợi bánh nguội bớt mới được động đến nếu ko muốn nó bị xẹp. Nhớ mãi cảm giác lần đầu hồi hộp cắt lát bánh tự tay mình làm, còn âm ấm, tôi say sưa ngắm những bọt khí tạo nên vô vàn nốt tròn tung tăng, như có một bản nhạc đồng quê tươi tắn đang ngân nga trong ý nghĩ. Rồi nếm một miếng, vỏ bánh giòn, mạnh mẽ kêu lắc rắc, ruột bánh mềm dịu, thì thầm ve vuốt vị giác; Hai phần khác nhau, đối lập nhau, bù trừ cho nhau, để tan vào nhau, để hòa làm một, như tình yêu, như ân ái. 

Từ cái lò nướng Gali cũ kỹ cọc cạch, tôi đã nướng không biết bao nhiêu ổ bánh mì vỏ giòn cho người thân, cho bè bạn. Thỉnh thoảng, bữa sáng cuối tuần ở nhà tôi lại có bánh mới ra lò, “thơm sốt ruột”. Đôi khi, trong bữa sáng, tôi vẫn thử một hơi thuốc lá mà không nuốt khói, và nhấp ngụm cà-phê, cơn xoáy lốc ào tới, y nguyên. Thuở mười tám đôi mươi, tôi hay nghe mấy chị bạn vong niên trải đời cảnh tỉnh: “Cái mình thích thường thuộc về người khác”. Thế rồi, sau bao năm, tôi lại ngộ ra rằng, cái mình yêu là cái mình có thể biến nó thành của mình, theo cách riêng, như ổ bánh mì vỏ giòn mê hoặc này, như hơi thuốc ấy, ngụm cà-phê ấy.